Tào Tháo đâu có dễ lừa như vậy. Có thể nguyên nhân nằm ở chỗ, lúc này Tào Tháo vẫn chưa phải bậc gian hùng.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Lưu Bị vốn dự vào âm mưu bí mật của Đổng Thừa, hơn nữa còn ký cả thư thề. Nhưng Lưu Bị cho rằng việc này không thể thành trong một sớm một chiều, phải giữ bí mật thật kín (ắt phải thực hiện từ từ, không được để lộ ra). Bản thân thì “trồng rau ở vườn sau chỗ tạm trú, tự tay tưới bón, coi là kế giấu tài”.
Không ngờ Tào Tháo lại mời ông ta đến mơ xanh hâm rượu luận anh hùng, bỗng dưng nói ra một câu khiến Lưu Bị giật bắn mình đánh rơi cả đũa. Vừa hay lúc này cần có người dẫn quân đi chặn Viên Thuật, Lưu Bị nghĩ: “Ta không nhân lúc này tìm kế thoát thân thì còn đợi đến bao giờ?”. Bèn chủ động xin đi, thừa cơ chạy thoát.
Rõ ràng ở đây có một vấn đề mấu chốt, Lưu Bị trong lịch sử đi về phía đông đánh Viên Thuật là do Tào Tháo phái đi hay là ông ta chủ động xin đi? E là do Lưu Bị chủ động xin đi, Tào Tháo phê chuẩn, chứng cứ nằm ở Đổng Chiêu truyện và Trình Dục truyện trong Tam Quốc chí.
Theo hai truyện này thì sau khi Tào Tháo phái Lưu Bị đến Từ Châu chặn đánh Viên Thuật, Đổng Chiêu từng khuyên ngăn: “Bị gan dạ mà chí lớn, lại có vây cánh là Quan Vũ, Trương Phi, e rằng lòng dạ khó dò.” Tào Tháo trả lời rằng: “Ta đã ưng thuận rồi”.
Trình Dục cũng cùng Quách Gia tới gặp Tào Tháo nói: “Trước kia chúa công không diệt Bị, thực là lỗi bất cập của bọn Dục tôi. Nay lại cho Bị mượn binh, thì Bị ắt có lòng khác.” Phản ứng của Tào Tháo là “Hối hận, đuổi theo mà không kịp”.
Cũng có nghĩa là Lưu Bị chủ động xin đi Từ Châu chặn đánh Viên Thuật, hơn nữa còn mượn binh của Tào Tháo. Việc này ban đầu Tào Tháo cũng không mấy để tâm.
Lúc Đổng Chiêu tới nói, Tào Tháo còn đáp “Ta đã ưng thuận rồi, không tiện rút lại” (hai chữ “ưng thuận” đã chứng minh là Lưu Bị chủ động xin đi). Mãi tới khi Trình Dục và Quách Gia chỉ ra việc mượn binh là biểu hiện Lưu Bị có lòng khác, Tào Tháo mới sực tỉnh, nhưng hối hận thì đã muộn.
Quả nhiên sau khi đến Từ Châu, Lưu Bị đã giết Xa Trụ trấn thủ Từ Châu, ngang nhiên phản bội Tào Tháo. Tào Tháo chuyến này lỗ to. Từ đó chúng ta có thể đưa ra kết luận: Lưu Bị chủ động xin đi. Nguyên nhân chủ yếu của việc này là bởi Lưu Bị là anh hùng.
Đã là anh hùng, ắt không chịu dựa bóng người khác, sớm muộn cũng sẽ tự lập ra riêng. Lý do trực tiếp là bởi Tào Tháo nói ra câu ấy đã làm lộ thiên cơ, xoáy đúng vào bụng dạ Lưu Bị, vì vậy không đi không được, hơn nữa một đi là không trở lại nữa. Nhưng như vậy lại nảy ra một vấn đề, đó là vì sao Tào Tháo lại mắc phải sai lầm như vậy?
Tháo quả thực đã nói “anh hùng thiên hạ ngày nay, chỉ có sứ quân và Tháo vậy”. Lẽ ra Tào Tháo không nên nói câu này trước mặt Lưu Bị, bởi như vậy chẳng khác nào bảo “ngươi là kẻ tranh thiên hạ với ta”.
Nhưng điều này có thể giải thích là không thận trọng, cũng có thể giải thích là ném đá dò đường hoặc rung cây nhát khỉ. Ý là hai chúng ta đừng giả bộ ngây thơ nữa, hai ta chẳng ai ngu ngốc hơn ai, cũng chẳng ai thông minh hơn ai đâu.
Quả nhiên Lưu Bị không tiếp tục vờ vịt được nữa, nên đã tìm cơ hội dông thẳng. Lưu Bị bỏ chạy không có gì khó hiểu, nhưng Tào Tháo chịu thả mới đáng ngạc nhiên. Tam Quốc diễn nghĩa cho rằng Lưu Bị “lấy cớ sợ sấm để che giấu” khiến Tào Tháo không ngờ vực nữa, nhưng quan điểm này rất khó tin.
Tào Tháo đâu có dễ lừa như vậy. Có thể nguyên nhân nằm ở chỗ lúc này Tào Tháo vẫn chưa phải bậc gian hùng. Tới lúc xế chiều, ông ta mới đại khai sát giới, giết rất nhiều người không nên giết, ngay cả Thôi Diễm nhân phẩm ngời ngời và Tuân Úc thông tuệ tót vời.
Cũng có thể bấy giờ Tào Tháo vẫn phải giả bộ khoan dung, không thể giết người mà không có lý do chính đáng được. Theo Tam Quốc chí - Vũ đế kỷ, trước khi Lưu Bị đầu quân cho Tào Tháo, mưu sĩ của Tào Tháo là Trình Dục từng khuyên Tào Tháo “giết quách” Lưu Bị đi.
Trình Dục nói rằng: “Xem Lưu Bị có hùng tài lại rất được lòng người, ắt không chịu ở dưới kẻ khác, chi bằng sớm giết đi”. (Từ câu này của Trình Dục có thể thấy Lưu Bị quả thực là anh hùng). Tào Tháo đáp rằng: “Nay đang lúc thu phục anh hùng, giết một người mà mất lòng thiên hạ, không được”.
Dĩ nhiên còn một khả năng nữa là Tào Tháo tuy nhận ra Lưu Bị có chí hướng anh hùng, khí khái anh hùng, hồn cốt anh hùng, tình nghĩa anh hùng, nhưng cũng hiểu rõ ông ta không có đất dụng võ, mà một anh hùng không có đất dụng võ thì không thể coi là anh hùng thực sự được, cũng chẳng cần đề phòng quá mức.
Bởi người như vậy trong một chốc một lát cũng chưa làm nên được trò trống gì, chi bằng đợi tới khi có lý do chính đáng hẵng xử lý. Hai khả năng trước có thể giải thích vì sao Tào Tháo không giết Lưu Bị, còn khả năng sau lại có thể giải thích vì sao Tào Tháo thả Lưu Bị.
Vậy là vì một ý nghĩ chủ quan lơ là, Tào Tháo đã phạm phải sai lầm lớn. Nói ra thì chuyện này cũng là người tính không bằng trời tính. Bởi chẳng riêng Tào Tháo mà ngay bản thân Lưu Bị cũng chẳng ngờ, tám năm sau buổi mơ xanh hâm rượu ấy, lại có một chính trị gia vĩ đại từ trong rừng núi bước ra, trở thành tổng tham mưu trưởng của Lưu Bị, giúp ông ta dựng nên vương quốc độc lập của riêng mình.
Lưu Bị đúng là lật ngược tình thế. Ông ta chẳng những có căn cứ địa, hơn nữa địa bàn càng lúc càng được mở rộng, cuối cùng còn tạo thành thế chân vạc, đứng ngang với Tào Tháo và Tôn Quyền.
Hẳn ai ai trong chúng ta cũng biết tên của người này, ông chính là Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng hiển nhiên là nhà chính trị kiệt xuất hiếm có trong lịch sử Trung Quốc. Ông rời núi khiến cán cân số phận bắt đầu nghiêng về phía Lưu Bị.
Điều khiến người ta bất ngờ là, cùng năm đó, một trong những mưu sĩ quan trọng nhất của Tào Tháo là Quách Gia qua đời vì bệnh nặng. Đây là một đòn giáng nặng nề với Tào Tháo, song đối với Lưu Bị lại có nghĩa là thời vận đã thay đổi.
Phẩm Tam Quốc (Dịch Trung Thiên / Quảng Văn Books & NXB Dân Trí)
Tác phẩm là quan điểm của tác giả Dịch Trung Thiên trước những nghi vấn (từ con người, sự kiện đến hình thái quốc gia) trong thời đại Tam Quốc, cung cấp cho độc giả một góc nhìn để “đọc sử” và suy ngẫm về thời kỳ này.
Theo Phẩm Tam quốc/Dich Trung Thiên