Biệt thự Pháp "cổ" ở Hà Nội: Không cứu không ổn, mà cứu thì cũng không được!
Bất động sản 2020: Cơ hội đầu tư khi thị trường ‘sợ hãi’ / Thị trường bất động sản ngày càng ảm đạm
Sau hàng trăm năm tồn tại, rất nhiều công trình kiến trúc Pháp tại Việt Nam đang bị hư hỏng nặng và có nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Chia sẻ với Pv Dân trí, TS.KTS Trần Minh Tùng, Phó trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng cho hay, điều khiến các chuyên gia "đau đầu" chính là việc dù muốn nhưng không thể đưa ra biện pháp bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp có hiệu quả. Nếu không cứu thì không ổn, mà cứu thì cũng không được!
Giá trị kiến trúc đặc sắc của biệt thự Pháp cổ
Các công trình kiến trúc Pháp đã và đang là một trong những điểm nhấn quan trọng ở một vài đô thị lớn tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Có thể coi các công trình này là di sản hay không và nó mang lại giá trị gì cho đô thị, kiến trúc Việt Nam, thưa ông?
Cũng như các di sản kiến trúc, có thể nói, các công trình kiến trúc Pháp, với vai trò là những yếu tố tạo thị, đã đóng góp nhiều giá trị cho các đô thị Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, như giá trị về thẩm mỹ, giá trị về văn hóa - lịch sử, giá trị về kiến trúc, cảnh quan đô thị,...
Đặc biệt, nếu xét về giá trị kiến trúc và giá trị thẩm mỹ, các công trình kiến trúc Pháp tại Việt Nam là sự kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và kiến trúc phương Đông, mang lại sự mới lạ và hấp dẫn cho kiến trúc đô thị.
Khi xây dựng các công trình kiến trúc Pháp tại Việt Nam, bên cạnh các đường nét, hoa văn, họa tiết đậm chất Pháp, người Pháp còn xem xét các yếu tố kiến trúc và thẩm mỹ phương Đông để tạo ra sự hài hòa với bối cảnh. Chính sự kết hợp này là tiền đề của dòng Kiến trúc Đông Dương.
Mặt khác, người Pháp cũng “định nghĩa lại” kiến trúc Việt Nam, chính xác hơn là “hiện đại hóa” kiến trúc Việt Nam, tiệm cận với kiến trúc chung của thế giới thông qua các công trình kiến trúc tiên phong của mình tại các đô thị lớn.
Trước đó, kiến trúc truyền thống của người Việt cũng đã có nhưng việc xây dựng các công trình vẫn theo kiểu truyền tai, truyền miệng, truyền nghề của các đội thợ mà không có thiết kế và bản vẽ.
Chủ sở hữu đập bỏ biệt thự vì... không muốn xếp hạng di sản!
Như ông đánh giá, các công trình kiến trúc Pháp có đóng góp lớn cho đời sống văn hóa người Việt. Nhưng có một thực tế đáng buồn là các công trình này ngày càng xuống cấp, đánh mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Thậm chí, có tòa nhà còn xập xệ đến mức có thể gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Ông đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội hiện nay?
Dựa vào những dự án nghiên cứu khoa học chuyên sâu mà chúng tôi đã thực hiện, chúng tôi phân chia các công trình kiến trúc Pháp thành 2 loại.
Loại thứ nhất là các công trình công cộng, mà ở Hà Nội chúng rất “nổi tiếng”, chẳng hạn như Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Nhà hát lớn, Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ),....
Sau khi giải phóng, các công trình này được tiếp quản khá nguyên vẹn và sử dụng hợp lý. Các công trình công cộng vẫn có chi phí bảo dưỡng, bảo trì hằng năm nên việc bảo tồn di sản rất tốt.
Trong khi đó, dạng công trình kiến trúc Pháp thứ hai là nhà ở hoặc biệt thự Pháp thì rất nan giải và phức tạp. Với dạng công trình này cũng có hai dạng là biệt thự Pháp công hữu và biệt thự Pháp tư hữu
Để phân biệt, biệt thự Pháp công hữu là do các cơ quan Nhà nước sử dụng và quản lý. Ví dụ, nếu mọi người đi dọc đường Phan Đình Phùng, Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội) có thể thấy rất nhiều biệt thự Pháp được sử dụng làm công sở, Đại sứ quán, hoặc nhà ở công vụ. Do đó, việc bảo tồn biệt thự Pháp công hữu là tương đối tốt do có sự rõ ràng về mặt chính sách.
Tuy nhiên, mảng biệt thự Pháp tư hữu, tức là do người dân sở hữu và sử dụng thì rất phức tạp, đang bị biến dạng nghiêm trọng về kết cấu, về giá trị thẩm mỹ và có nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Tuy nhiên, xét cho cùng, sự biến dạng hay sự biến mất của các công trình này đều do nhu cầu cuộc sống gây ra. Bởi sự không rõ ràng trong việc xác định tính di sản nên việc cải tạo, sửa chữa hay bảo tồn, trùng tu các biệt thự Pháp này tương đối “nhạy cảm”.
Nếu các biệt thự Pháp được xếp hạng, trở thành di sản thực sự, được gọi là di tích lịch sử - văn hóa thì sẽ được chi phối và bảo vệ theo Luật Di sản Văn hóa.
Tuy nhiên, nếu không được đưa vào danh sách thì sẽ được “đối xử” như một công trình xây dựng, một bất động sản thông thường.
Do đó, không chỉ bởi chính quyền đô thị chậm trễ và phân vân trong việc xác định giá trị và xếp hạng một số lượng lớn dẫn đến sự xuống cấp của các biệt thự, đôi lúc chính người dân cũng không muốn đưa biệt thự của mình vào danh sách di sản, vì lúc đó, việc sửa chữa, cải tạo theo ý họ mong muốn càng trở nên khó khăn.
Tôi lấy ví dụ, cách đây vài năm, chúng tôi đi khảo sát và thấy một căn biệt thự Pháp rất đẹp và có giá trị di sản rất cao.
Từ đó, chúng tôi có đề xuất đưa căn biệt thự này lên phân hạng di sản cao nhất. Tuy nhiên, ngay mấy ngày hôm sau, khi chúng tôi trở lại thì đã thấy căn biệt thự đã bị gấp rút đập bỏ. Tức là, chủ sở hữu cố tình đập bỏ biệt thự Pháp để buộc chính quyền vào “thế đã rồi”, cho phép xây dựng lại nhằm khai thác giá trị bất động sản.
Biệt thự Pháp - Không cứu thì không ổn, mà cứu thì cũng không được!
Biệt thự tư hữu cũng là một trong những di sản cần lưu giữ và bảo tồn. Tôi được biết, các cơ quan chức năng cũng rất mong muốn thực hiện điều này nhưng hình như kết quả chưa lạc quan. Vậy, khó khăn trong công tác bảo tồn biệt thự Pháp tư hữu là gì và có biện pháp nào để cứu biệt thự Pháp tư hữu, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc “cứu” biệt thự Pháp tư hữu rất khó và nảy sinh ra nhiều vấn đề. Ngay cả thời điểm hiện tại, giới chuyên gia kiến trúc đô thị vẫn còn “phân vân” liệu có nên cứu hay không. Nếu không cứu thì rõ ràng là không ổn, mà cứu thì cũng không được do bởi còn quá nhiều mâu thuẫn, xung đột về quan điểm chưa giải quyết được.
Một phần, hiện nay, chính quyền các cấp thường “bảo tàng hóa” các di sản, chưa có chế tài, chính sách hấp dẫn để người dân bảo vệ di sản. Tôi cho rằng, để người dân chủ động bảo vệ di sản của họ, trước hết, di sản đó phải mang lại cho họ những quyền lợi thiết thực, cụ thể là nuôi được họ. Nói cách khác, giá trị di sản có thể chuyển hóa được thành “giá trị thực tế”.
Về quan điểm này, Hội An đang làm rất tốt công tác bảo tồn và phát triển di sản tư hữu. Bởi, chính quyền địa phương khai thác được tiềm năng du lịch bằng cách bán vé và du khách được lựa chọn tham quan nhà nào. Từ đó, chủ sở hữu di sản có ý thức hơn trong việc giữ gìn và bảo vệ di sản nhằm nâng cao thu nhập của gia đình bởi sự cạnh tranh thu hút du khách.
Ngược lại, tại Hà Nội, các công trình kiến trúc Pháp, mặc dù có giá trị di sản cao và tọa lạc ở những vị trí đắc địa nhưng lại không “nuôi” được người dân, thì họ nhìn nhận những di sản đó chỉ ở giá trị đất đai đơn thuần thay vì các giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc mà chúng chứa đựng.
Một khó khăn nữa trong việc bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp, đặc biệt là biệt thự Pháp tư hữu chính là việc quá nhiều chủ sở hữu do hoàn cảnh lịch sử.
Một căn biệt thự Pháp có thể 3, 5 thậm chí là gần chục chủ đồng sở hữu. Để “cứu” các di sản đó, nhất thiết phải có sự đồng lòng của tất cả chủ sở hữu căn biệt thự. Tuy nhiên, một gia đình có hai anh em còn không dễ dàng đồng lòng được, chứ đừng nói gần chục chủ đó cùng đồng lòng. Đó cũng là một cái khó.
Vì vậy, dù tất cả các di sản biệt thự Pháp này đều là những tài sản quý, nhưng chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng việc “cứu” tất cả chúng là không thể.
Do đó, cần phải xác định nhà nào giữ được để chúng ta tập trung nguồn lực vào việc tôn tạo, bảo vệ và phát triển, còn nhà nào không (thể) giữ được nữa thì “giải phóng”, không làm khó cả người dân lẫn chính quyền. Tất nhiên, đây lại là một quan điểm tương đối “nhạy cảm” mà không phải ai cũng có thể chấp nhận.
Theo ông đánh giá, việc bảo tồn các công trình này đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Vậy, bản thân ông có giải pháp nào đề xuất để bảo tồn bền vững các công trình kiến trúc Pháp tư hữu?
Vài năm trở lại đây, tôi thấy rất nhiều biệt thự Pháp được biến đổi từ dạng nhà ở thành phi nhà ở và được bảo tồn rất tốt.
Thực tế cho thấy, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc bảo tồn tốt một số lượng đáng kể các biệt thự Pháp công hữu khi được chuyển đổi thành các công sở, đại sứ quán. Chúng tôi thường gọi đó là “sứ quán hóa”.
Ngoài ra, đối với biệt thự Pháp tư hữu, hiện đang có một xu hướng khác là “nhà hàng hóa”, nghĩa là chúng được chuyển đổi thành nhà hàng, khai thác tối đa tính thẩm mỹ để tạo ra một tinh thần di sản, một đặc điểm riêng cho nhà hàng.
Quá trình “nhà hàng hóa” này tuy vẫn còn gây nhiều tranh cãi những rõ ràng là trong bối cảnh hiện tại, việc này không chỉ tận dụng các giá trị di sản, mà còn giúp di sản có được nguồn thu, và được bảo tồn tốt.
Xin chân thành cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo