Một thí nghiệm thực tế trên loài vịt trời và cá diếc đã phát hiện cách di cư độc đáo của một số loài cá: “đi nhờ” qua đường tiêu hóa của chim di trú.
Nghiên cứu thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Danube, Trung Tâm Cải tiến và Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia Hungary và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha cho thấy trứng cá có thể sống sót trong đường ruột của
các loài chim và nở thành con sau khi được thải ra ngoài và kết thúc hành trình di cư đến môi trường sống mới.
Trong nhiều năm, người ta đã đặt nghi vấn về sự xuất hiện của các loài cá tại một số hồ nước có vị trí đặc biệt hẻo lánh, khó tiếp cận. Đặc biệt, các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra các loài cá sống ở những vùng nước hẻo lánh này có mối liên hệ nhất định với các đàn cá sống trong các môi trường ít biệt lập hơn. Vì vậy, các nhà khoa học đã đặt ra giả thiết, có thể trứng của các loài cá này đã được các loài chim di cư mang đến từ những vùng khác. Tuy nhiên, cho đến gần đây thì giả thuyết này mới bắt đầu được kiểm nghiệm trong thực tế.
Một đàn gồm 8 con vịt trời đã được chọn để tham gia thí nghiệm, mỗi con được cho ăn 500 trứng của hai loại cá diếc Gibel và cá diếc thường. Trung bình sau một tiếng đồng hồ, đàn vịt sẽ tiêu hóa xong và người ta sẽ đếm số trứng cá còn lại trong chất thải.
Dữ liệu khảo sát cho thấy có tổng cộng là 18 trứng cá được đánh giá có khả năng nở được từ mẫu chất thải của 6 trong số 8 con vịt. Qua sàng lọc kỹ hơn, số trứng cá chỉ còn lại 12 và cuối cùng, chỉ có 2 trứng nở được, gồm một trứng cá diếc Gibel và một trứng cá diếc thường.
Theo đó, tỉ lệ trứng cá sống sót qua đường tiêu hóa của vịt là 0.2%. Đây chưa phải là con số lớn, nhưng đủ để chứng minh đường tiêu hóa của các loài chim di trú cũng là một phương tiện di cư của các loài cá, đặc biệt là các loài cá sinh sản vô tính như cá diếc.
Theo Công Nhất/Khoa học và Phát triển