Cả gia đình sống không bằng chết vì 19 năm bị đồn nuôi 'ma thuốc độc'
Top những phong tục truyền thống kỳ lạ nhất của người Ấn Độ / Kinh dị rắn độc liên tục ghé thăm chỉ 1 ngôi nhà suốt 3 năm
Lời đồn vô căn cứ về "ma thuốc độc"
Bà Nguyễn Thị Hà (SN 1953) và ông Dương Đức Dịch (SN 1948) cùng ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Khi là những thanh niên ở lứa tuổi đôi mươi, bà Hà, ông Dịch đã có nhiều cống hiến trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, được nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
Khi cả hai đều ở tuổi ngoài ba mươi, ông tơ bà nguyệt đã xe duyên cho họ nên vợ, thành chồng.
Thời bình, hai ông bà chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm để nuôi bốn người con – một trai, ba gái ăn học. Trong xóm Rẫy, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, gia đình bà Hà và gia đình bà Nguyễn Thị N. là hàng xóm thân thiết tối lửa tắt đèn có nhau.
Năm 2000, chồng bà N. ho như cuốc kêu, ông thổ ra huyết nhưng gia đình không đưa đến bệnh viện thăm khám mà để ông nằm nhà, thuê thầy đến cúng bái. Không bao lâu sau, chồng bà N. qua đời.
Mấy người em chồng bà N. (trong đó có bà Lê Thị T.) không rõ đi xem bói ở đâu mà về loan tin bà Hà bỏ thuốc độc hại chết anh trai họ.
Khi chúng tôi đến thăm, cả ông Dịch, bà Hà và con gái Dương Thị Hồng đều rất kiệm lời, những ánh mắt nhìn mãi xuống nền nhà đầy cam chịu.
Khi nghe chúng tôi cực lực đả phá sự mê muội của "con ma thuốc độc", gia đình bà mới nói hết những oan khiên mà xóm làng, kẻ xấu giáng xuống đầu họ 19 năm đằng đẵng.
Bà Hà thở dài sườn sượt: "Tôi không hiểu vì lý do gì mà từ xưa người ta cứ đồn có con ma thuốc độc khiến không ít gia đình phải bỏ xứ ra đi.
Đến khi gia đình tôi rơi vào cảnh đó, tôi mới thấu những oan khiên, đau đớn, tủi nhục mà những người, những nhà bị đồn "nuôi con ma độc" phải gánh chịu".
Giọng ông Dịch nghẹn lại: "Cả xóm rồi cả làng đồn nhà tui bỏ thuốc độc gây chết người. Lời đồn loang khắp nơi nên bà con xa dần khinh miệt, cô lập, bài trừ nhà tui như một nhà đầy những tội phạm".
Bốn người con của vợ chồng ông Dịch khi đó đang học cấp 1, cấp 2 cũng bị bạn bè xa lánh, hắt hủi. Chị Hồng – con gái thứ ba của ông Dịch kể: "Các bạn xa lánh, mắng nhiếc, chửi rủa.
Khi tất cả đứng xếp hàng trong giờ chào cờ hay thể dục giữa sân trường, hàng nào tui đứng là các bạn bỏ hết, chỉ còn trơ lại tui".
Thương mình, đau xót khi nghĩ đến đàn con, ông Dịch và bà Hà đã làm đơn lên xã nhờ chính quyền giải quyết và giải thích với dân làng rằng nhà bà không có "con ma thuốc độc".
Thế nhưng cán bộ xã đã dập tắt tia hy vọng của cả gia đình 6 con người. Bà Hà kể: "Ông ta nói rằng nhà tui có trò đó thì chấm dứt ngay.
May mắn là trưởng công an xã ngày đó hiểu biết nên đã giải quyết đơn thư giúp vợ chồng tui, ông cho gọi bà T. lên để giải thích, bà T. nhận sai và xin lỗi vợ chồng tui.
Nhưng cán bộ không tuyên truyền trong dân chúng rằng ma thuốc độc chỉ là trò lừa bịp của lang băm và bói toán nên lời đồn gia đình tui nuôi "con ma thuốc độc" không có cách nào dập nổi".
Ông Dịch cần cù chăm chỉ nên nuôi con lợn, con gà, con trâu cũng béo tốt hơn người khác, trồng bất cứ cây gì cũng cho năng suất cao. Những kẻ bụng dạ đố kỵ hẹp hòi lại tung tin nhờ có "ma thuốc độc" mà nhà ông mới được như vậy.
Ông Dịch uất quá chặt trụi cả vườn tược, bà Hà trồng cây gì ông cũng bắt bỏ ít phân kẻo tốt quá họ lại nói do "bỏ độc". Bà Hà kể: "Nhiều khi tui đi bán quả bí, quả ổi, mấy con gà nhà… mà không ít người ở chợ dè bỉu đồ ma thuốc độc không mua.
May là mấy người vùng dưới hiểu biết nên họ thương mà mua cho. Lúc đó chợ đã tan, giá thấp vô cùng. Nhà tui phải chuyển sang nghề hái củi, hái dâu, đi đâu cũng không được nhìn cho ra phận người.
Khó khăn đủ đường nên bốn đứa con mà một năm chỉ một đứa được may quần áo mới, chúng phải "xếp hàng" ba năm mới đến lượt mình.
Có bữa tháng Chạp, tui dẫn Hồng đi may tấm áo mới. Hai mẹ con chở nhau bằng chiếc xe đạp lọc cọc, vừa bước vào tiệm may đã bị xua đuổi. Mẹ con không nói với nhau được lời nào, chỉ có nước mắt trên suốt quãng đường về nhà".
Đau xót hơn, khi ba đứa con gái của ông bà lớn lên, nhiều thanh niên trong làng đến dạm hỏi nhưng bố mẹ của những chàng trai ấy cấm cản vì sợ "lấy về nó bỏ ma thuốc độc thì chết cả nhà".
Trong tủi phận cô độc, ba cô con gái phải đi lấy chồng thiên hạ. Rất may những người đàn ông ấy đều biết lẽ phải nên quyết liệt bước qua những điều mê muội.
Nhiều lần định quyên sinh vì tủi nhục, ấm ức
Bà Hà luôn ước giá như cơ quan chức năng đột nhập nhà bà khám xét xem có cái gì là thuốc độc thì đưa bà ra bắn bà cũng thỏa lòng.
Chứ cả làng đổ oan khiên lên đầu thì sống không bằng chết. Không biết đã bao lần bà Hà định quyên sinh, may con cái phát hiện kịp thời. Ông Dịch phải theo từng bước để tránh việc bà Hà làm điều dại dột.
Bao nhiêu tủi nhục âm ỉ còn chưa dừng thì 19 năm sau – đầu năm 2018 này – lời đồn ấy một lần nữa lại bùng phát.
Bà Hà khóc: "Chúng tôi đi đến đâu con nít thấy cũng ù té chạy vì sợ ma thuốc độc. Giờ họ đồn vợ chồng tui già cả rồi không đi bỏ thuốc độc nữa mà đưa cho em ông Dịch đi bỏ. Làng có mấy người đau, họ cũng đổ thừa gia đình tui".
Không còn cách nào khác, tháng 5 vừa rồi bà Hà phải đội đơn lên xã, xã chuyển về ban mặt trận thôn giải quyết.
Trưởng thôn Rẫy cũng là con cháu của ông Dịch đã tổ chức họp với đầy đủ ban bệ của thôn, có mặt cả những người nói nhà ông Dịch, bà Hà bỏ thuốc độc. "Nhưng khi vợ chồng tui có ý kiến thì họ không cho nói.
Hồng muốn vào cuộc họp còn bị công an viên đuổi thẳng. Khi cán bộ thôn đọc biên bản cuộc họp, vợ chồng tui không đồng tình vì cách giải quyết đó không dứt điểm được lời đồn, không cởi được cái oan tày trời cho gia đình tui thì cán bộ thôn lạnh lùng nói: "Không đồng ý thì đi đâu cứ đi, sau này có việc đừng về tìm thôn".
Họ mạt sát chúng tôi, quy kết chúng tôi như tội phạm. Đáng ra thôn phải bảo vệ chúng tôi trước những lời mê tín dị đoan, nhưng họ không làm thế".
Ông Dịch rầu rĩ: "Thằng Dương Đức Danh con lớn của tui đã 12 năm công tác ở đảo Phan Vinh ngoài Trường Sa, mà chưa một ngày nó vơi bớt lo âu khi nghĩ về bố mẹ trong đất liền.
Nhà tui là gia đình chính sách (bố ông Dịch là liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp) nên năm nào cán bộ huyện, tỉnh cũng ra thăm.
Tết vừa rồi lãnh đạo tỉnh ra chúc tết, tui định nhờ chuyện này nhưng ngại vì cán bộ tỉnh còn trăm công ngàn việc. Tui dằn lòng thôi để để giải quyết dần.
Nhưng càng ngày càng khổ nên tui mới phải nhờ báo chí giải oan, chớ không thì chỉ biết bỏ xứ mà đi.
Vợ chồng tui bảo nhau đây là nhà, là cửa chứ là cái thuyền thì chúng tui cũng chèo đi rồi. Thằng Danh đã mấy bận đòi ba mẹ bán nhà vào Cam Ranh (Khánh Hoà) sống cùng vợ con nó nhưng mồ mả ông bà tổ tiên còn cả ở đây, đi sao đành".
Sau khi biết thông tin kêu cứu của gia đình chiến sĩ Trường Sa, ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã giao nhiệm vụ bảo vệ gia đình ông Dịch bà Hà cho huyện Bố Trạch.
Hội phụ nữ tỉnh cũng chỉ đạo tuyên truyền đến từng hội viên là không có "ma thuốc độc" nhằm từng bước đẩy lùi mê tín dị đoan, không tin vào lời đồn nguy hại, không có thật.
Đoàn Thanh Niên tỉnh cũng đã giao cho các đoàn viên trong xã Tây Trạch nhiệm vụ phải giải thích cho thành viên gia đình dòng họ vấn đề này để ông Dịch bà Hà cùng con cháu không còn cảnh bị người xấu đổ oan dẫn đến xa lánh, kỳ thị không đáng có.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Bộ tộc người bí ẩn nằm sâu trong rừng, không mặc quần áo, biệt lập hoàn toàn với văn minh loài người
Một ngôi mộ cổ được tìm thấy trong hồ chứa nước, ngay cả những chiếc đinh trong quan tài cũng bằng vàng, chủ nhân của ngôi mộ là ai?
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách
Người đàn ông vỡ òa khi đào được 'tảng đá' giá trị gần 10.000 tỷ, Tần Thủy Hoàng từng săn lùng ráo riết