Cận cảnh vẻ đẹp vượt thời gian của trấn Phù Dung - trấn cổ nghìn năm treo trên thác nước
Xao xuyến trước cảnh đẹp như tranh vẽ của đồi cỏ hồng hoang sơ ở Đức Trọng / Cảnh đẹp ngoạn mục ở ao muối cổ đại - nơi sản xuất loại muối chữa bệnh quý giá
Có một trấn nhỏ xưa cũ treo trên thác nước. Bất kể đứng ở ngóc ngách nào trong trấn cổ này, bạn cũng có thể nghe thấy tiếng nước chảy ngày đêm, tiếng róc rách vang vọng khắp không gian.
Có một trấn nhỏ xưa cũ, khắp nơi phủ đầy màu xanh cây cỏ, nhà cửa đặc trưng của người dân tộc Thổ Gia dựa vào lưng núi, những con đường lát đá, đâu đâu cũng mang âm hưởng của thời gian.
Có một trấn nhỏ xưa cũ lặng lẽ tồn tại bên rìa thế giới. Mỗi đêm, trấn cổ lại sáng đèn lung linh, như viên ngọc rực rỡ nằm cạnh thác nước không ngừng gầm gừ trên núi rừng hiểm trở.
Đó chính là trấn Phù Dung ở Tương Tây (Trung Quốc).
Non nước Tương Tây nhiều trấn cổ, nhưng trấn Phù Dung có lẽ là đặc biệt nhất. Bởi vì nơi đây có một thác nước chảy xuyên qua, tạo nên vẻ đẹp như truyện như thơ.
Đây là thác nước lớn và hùng tráng nhất Tương Tây, cao 60m, rộng 40m, gồm 2 tầng thác bên sườn núi, chảy qua trấn cổ khiến nơi đây như thể treo lơ lửng trên màn nước xinh đẹp.
Ngồi trên lầu cao, vừa uống trà vừa ngắm nhìn thác chảy bất kể ngày đêm. Hoặc tản bộ trên con đường lát đá, đi xuyên qua "rèm thác", được tưới mát bởi giọt nước tung bay. Hoặc đứng từ xa nhìn lại, ngắm toàn bộ cái cách mà thác đổ ôm trọn và hun đúc nên vẻ đẹp cho trấn cổ Phù Dung.
Không biết con thác này có từ bao giờ, chỉ nghe người dân địa phương nói một cách tự hào rằng: "Thác nước là cái hồn của Phù Dung, là tiếng vọng đã tồn tại nghìn năm".
Miền núi Tương Tây sở hữu một cảnh tượng lâu đời "có một không hai". Chính là những ngôi nhà mọc trên dòng nước - con nước xuôi nguồn rồi chảy thành thác phía xa. Nhà xây trên cao, tầng tầng lớp lớp, được chống đỡ bằng những cây cột lớn, như kiểu nhà sàn ở vùng sông nước.
Trấn Phù Dung "già" lắm. Già đến mức những con đường lát đá đã tồn tại từ lâu mà không hề hư hại, đến nỗi mái ngói tường nhà đều đóng lớp rêu phong dày. Từng con đường ngõ hẻm đều thoát không khỏi sự chảy trôi của thời gian.
Trấn Phù Dung yên tĩnh lắm. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng xào xạc lá cây và nước chảy triền miên. Ống kính của nhiếp ảnh gia lia đến đâu cũng có thể bắt trọn từng khoảnh khắc xinh đẹp đầy nghệ thuật.
Hẳn là ai cũng yêu thích thế giới đầy diệu kỳ trong anime "Vùng đất linh hồn" nổi tiếng. Trấn Phù Dung về đêm khi sáng đèn cũng lộng lẫy và mộng ảo như vậy.
Thác nước chảy bên trấn Phù Dung đường như lặng lẽ hơn hẳn, như thể nhường lại "sân khấu" cho những ngôi nhà lầu cao sáng đèn mặc sức thể hiện. Thác nước đệm nhạc bằng tiếng nước, đình đài lầu cao lung linh bởi ánh đèn như hàng nghìn vì sao cùng tụ hội.
Có lẽ vì kinh qua dòng chảy của thời gian nên trấn Phù Dung treo trên thác nước như tách biệt với thế giới bên ngoài. Nơi đây có ngày và đêm khác hẳn.
Cuộc sống của người dân tộc Thổ Gia Tương Tây vẫn diễn ra bình thường tại núi rừng được du khách hay ca tụng là "Thế ngoại đào viên". Họ trồng rau, chăn nuôi, hái lượm, trải qua tháng ngày bình dị nhất.
Ngồi trên chiếc gùi sau lưng mẹ, hai bên là dãy nhà gỗ cổ kính, phía dưới là thềm đá nghìn năm, bên tai vang vọng tiếng nước chảy, không khí mát lạnh sau mưa, cậu bé nhìn một cách hiếu kỳ du khách đi sau. Tại trấn Phù Dung, khoảnh khắc đời thường này có lẽ đã khiến không ít người có vài dòng cảm xúc khó tả.
Màn đêm buông xuống, trấn Phù Dung lên đèn, chân bước trên đường gạch đá phản quang, chầm chậm trở về gian phòng thuê tạm. Nhà dân đóng cửa kín mít, hầu như ai cũng đã ngủ sau một ngày lên rừng xuống thác. Người ở thành phố lớn quen với nếp sống thức khuya chợt cảm thấy lạc lõng ở trấn này. Đứng giữa đường như một mình một cõi, chỉ còn lại tiếng nước chảy bên thác ghềnh sỏi đá.
Đã đến trấn Phù Dung thì phải dậy sớm, nếu không thì sao có thể hòa mình vào nếp sống của nơi đây. Quan trọng hơn cả là bỏ lỡ biết bao mỹ vị của trấn cổ bên thác này.
Nhất định phải làm ấm bụng bằng bát đậu hũ gạo non mềm thanh đạm.
Trấn Phù Dung nổi tiếng nhất là món cá quế hoa. Tên nghe mỹ miều vậy thôi chứ thật ra nó chính là cá rô Trung Quốc, hay còn gọi là cá trạng nguyên. Cá được bắt tại dòng nước chảy về thác bên Phù Dung, thịt chắc mềm, ăn vào mê ngay.
Món ốc xào này rất được du khách ưa chuộng trên bàn tiệc. Ốc ngon nhất sau mỗi lần mưa. Ngồi trên lầu cao thưởng thức mỹ thực địa phương thì còn gì bằng.
Nếu hỏi có thể mua gì về làm quà ở trấn Phù Dung, chắc chắn bạn sẽ được người địa phương nhắc đến món kẹo gừng. Câu chuyện về món kẹo gừng này cũng đầy ý vị. Người dân tộc Thổ Gia sống bên cạnh thác nước, ẩm thấp và lạnh lẽo, do đó họ nghĩ ra món kẹo đường kéo sợi cho thêm gừng để làm ấm bụng, xua tan khí hàn. Từ đó nó đã trở thành món ăn vặt truyền thống hàng trăm năm ở nơi đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chân dung Tổng thống trẻ tuổi nhất thế giới ghi tên vào Sách kỷ lục Guinness, đắc cử sau khi đảo chính thành công
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Lão nông nhặt được viên đá đen, sau đó tìm thấy 'kho báu' hơn 347.000 tỷ đồng