Khám phá

Chiến sĩ tự do Ấn Độ là huyền thoại ở Nhật Bản

Ngày nay, tên của những người nổi tiếng Ấn Độ đấu tranh vì tự do như Mohandas Gandhi và Jawaharlal Nehru đều có chỗ trong lịch sử thế giới, nhưng ít người biết tới cái tên Rash Behari Bose. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, câu chuyện về ông đã trở thành huyền thoại.

Sparta, huyền thoại vua Leonidas và những anh hùng của trận Thermopylae / Tìm thấy thành phố cổ huyền thoại ngàn năm dưới đáy biển Ai Cập

Một vụ nổ đã xảy ra tại thủ đô New Dehli khi Huân tước Hardinge người Anh, Phó vương Ấn Độ, cưỡi voi vào thủ đô mới. Quả bom được gài để ám sát ông này, nhưng chỉ làm ông bị thương ở lưng và giết chết người hầu đi cùng. Vụ nổ phủ bóng đen lên ngày đánh dấu thủ đô của Ấn Độ chuyển từ Kolkata sang Delhi.

Chủ mưu vụ tấn công là Rash Behari Bose, nhà cách mạng 26 tuổi ở Bengali, người ban đầu đóng giả là người trung thành với Anh nhưng bí mật hoạt động để lật đổ ách cai trị thực dân.

Vụ tấn công thất bại nhưng trao cho Bose cơ hội để hàng trăm người có mặt và cả thế giới thấy rằng một số người Ấn Độ sẵn sàng dùng vũ lực để đánh bật người Anh.

Chính phủ Anh biến Ấn Độ thành một phần đế chế năm 1858 sau khi đàn áp đẫm máu Khởi nghĩa Ấn Độ diễn ra trên toàn quốc. Đây là cuộc khởi nghĩa chống lại ách cai trị của Công ty Đông Ấn của Anh. Công ty này vận hành thay mặt đế quốc Anh.

Sau vụ ám sát bất thành, 5 đồng chí của Bose bị bắt và đưa ra xét xử, trong đó một người nhận án tù chung thân và bốn người bị hành quyết. Khi bị truy tìm, Bose tìm cách trốn khỏi Ấn Độ năm 1915 và tới Nhật Bản. Tại đây, ông trở thành một nhà hoạt động quan trọng, đưa món cà ri nổi tiếng Ấn Độ tới Nhật Bản và đặt nền tảng cho Quân đội Quốc gia Ấn Độ.

Sáng lập phong trào nổi dậy

Bose sinh ra trong một ngôi làng ở Đông Bắc Bengal năm 1886 và lớn lên trong lúc nạn đói nghiêm trọng hoành hành Ấn Độ trong thời gian Anh cai trị. Lãnh đạo thực dân Anh bắt đầu thương mại hóa nông nghiệp, thu tô và khuyến khích xuất khẩu nông sản thương mại, từ đó góp phần gây ra tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng khi các vụ mùa khác thất bát.

Rash Behari Bose trở thành công dân Nhật Bản năm 1923.

Tại thời điểm đó, tuổi thọ trung bình của người Ấn Độ bình thường chỉ là 25 so với 44 ở Vương quốc Anh. Sự bất bình đẳng đã nuôi dưỡng phong trào dân tộc, dẫn tới hình thành đảng Quốc đại Ấn Độ, một đảng dành cho người Ấn Độ quan tâm tới cải cách và tự trị chính trị.

Theo bà Elizabeth Eston và Lexi Kawabe, tác giả cuốn "Rash Behari Bose: The father of the Indian National Army" (Rash Behari Bose: Cha đẻ Quân đội Quốc gia Ấn Độ), Bose cũng muốn có tiếng nói lớn hơn với tương lai mình và sẵn sàng cầm vũ khí để đạt được điều đó.

Sau khi rời trường, ông đã nỗ lực gia nhập Quân đội Ấn Độ nhưng không thành công. Sau đó, ông làm thư ký tại Viện Nghiên cứu Rừng ở Dehradun thuộc bang Uttarakhand ở miền bắc.

Theo hai tác giả Eston và Kawabe, Bose muốn có vai trò có thể vừa giúp ông tạo ấn tượng trung thành với Anh mà vẫn có thể hoạt động để giải tán ách cai trị Anh từ bên trong. Khi làm trong Viện Nghiên cứu Rừng, ông có thể đi khắp Ấn Độ và sử dụng cơ hội đó để bí mật thiết lập mạng lưới cách mạng chống thực dân. Trong nhiều năm, những kẻ thực dân không nghi ngờ gì.

Cơn giận dữ ở Bengal

 

Bose vẫn ở độ tuổi thanh thiếu niên năm 1905 khi người Anh chia Bengal thành hai tỉnh mới. Lý do được cho là vì vấn đề hành chính nhưng dường như sự phân chia này liên quan tôn giáo. Giống như những người Hindu theo chủ nghĩa dân tộc ở Bengal, Bose rất tức giận.

Bengal từng là địa điểm chủ chốt của phong trào phản đối Anh tại Ấn Độ và những người theo đạo Hindu ở Bengal cho rằng chia cắt chính là cách để người Anh làm suy yếu căn cứ quyền lực của họ. Động thái này được phần lớn người Hồi giáo ủng hộ.

Những cuộc biểu tình dân tộc nổ ra khắp Bengal. Các phe phái phi bạo lực tìm cách làm suy yếu ách cai trị của Anh thông qua tẩy chay kinh tế. Trong khi đó, một nhóm bạo lực hơn tìm cách ám sát các quan chức Anh.

Bose thuộc nhóm thứ hai. Nỗ lực ám sát Huân tước Hardinge nói trên đã kích hoạt cuộc truy tìm ồ ạt, nhưng nhờ nỗ lực lấy lòng giới tinh hoa Anh trước đó nên Bose không bị để ý. Ông đã thoát khỏi tầm ngắm cho tới tận khi cảnh sát phát hiện ra mối liên hệ của ông với phong trào độc lập năm 1913. Các điều tra viên đã tịch thu một vali mà Bose bỏ lại trong một căn nhà bị phục kích. Vỏ bọc của ông đã không còn.

Âm mưu ở Lahore

 

Sau vụ ám sát bất thành Huân tước Hardinge, Bose nổi tiếng với những nhà cách mạng ở Ấn Độ. Khi Anh bị phân tán bởi Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Bose vạch kế hoạch để kích hoạt một cuộc binh biến tương tự năm 1957 - khi binh sĩ Ấn Độ phục vụ những kẻ cai trị người Anh nổi dậy.

Rash Behari Bose chụp ảnh cùng nhà thơ Rabindranath Tagore.

Các nhà cách mạng Ấn Độ từ Mỹ, Canada và Đức tìm đường về Ấn Độ năm 1914 và liên lạc với một số đơn vị quân đội khắp Ấn Độ và kể cả ở Singapore. Các đơn vị này đồng ý đào tẩu khi có lời kêu gọi. Ngày bắt đầu cuộc nổi dậy được ấn định là ngày 21/2/1915 ở Lahore.

Tuy nhiên, gián điệp đã xâm nhập vào phong trào cách mạng, người Anh bắt đầu tước vũ khí binh sĩ Ấn Độ. Không bị nhụt chí, Bose chuyển ngày khởi động cuộc nổi dậy sang 19-2, nhưng kế hoạch bị các chiến dịch phản gián phá vỡ, nhiều nhà cách mạng bị hành quyết, bỏ tù và bị đày.

Khi chính quyền truy tìm và treo thưởng cho ai giết được Bose, ông cho rằng mình không còn an toàn nếu ở Ấn Độ. Cải trang làm họ hàng của nhà thơ Rabindranath Tagore, Bose lên đường sang Nhật Bản từ cảng Kolkata ngày 12/5/1915. Ông không bao giờ trở về.

Trông chờ vào Nhật Bản

 

Là đồng minh của Anh, Nhật Bản dường như là nơi trú ẩn an toàn kỳ lạ với một chiến sĩ đấu tranh vì tự do tới từ Bengal để chạy trốn người Anh. Tuy nhiên, Nhật Bản có tâm lý ủng hộ Ấn Độ từ thời Ấn Độ đưa đạo Phật tới đất nước này thông qua bán đảo Triều Tiên hồi thế kỷ thứ 6.

Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và chiến thắng trước người Nga trong cuộc chiến năm 1905 đã thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á, tạo điều kiện cho các phong trào dân tộc ở Ấn Độ và Trung Đông. Sự trỗi dậy bất ngờ của một nước châu Á đã giúp các chiến sĩ như Bose có thêm hy vọng. Họ nghĩ rằng Nhật Bản và phần còn lại của châu Á sẽ có thể thách thức quyền bá chủ của phương Tây.

Mặc dù Nhật Bản là đồng minh của Anh từ năm 1902 tới 1923, nhưng nước này tiếp tục mở cửa cho các nhà cách mạng muốn chấm dứt ách cai trị của Anh tại Ấn Độ. Cùng lúc đó, Nhật Bản đang nổi lên là trung tâm của hệ tư tưởng xuyên Á. Những người theo tư tưởng xuyên Á muốn điều chỉnh hệ thống quốc tế bất công. Một số người muốn truyền bá kinh nghiệm của những người không thuộc thế giới phương Tây. Một số khác muốn thiết lập vai trò lãnh đạo của Nhật Bản ở châu Á bằng cách đẩy các nước phương Tây ra khỏi khu vực.

Lẩn trốn chính quyền Anh

Tại Nhật Bản, Bose hoạt động kín. Đại sứ quán Anh đã thuê công ty thám tử tư Nhật Bản để lần theo dấu vết Bose. Mục đích của Bose là sang Thượng Hải (Trung Quốc) để thu thập vũ khí gửi về cho các nhà cách mạng ở Ấn Độ, nhưng trong khi đó, ông phải ẩn náu trong một ngôi nhà ở quận Azabu thuộc Tokyo. Tại đây, ông bí mật gặp Tôn Dật Tiên, lãnh đạo quân đội cách mạng Trung Quốc.

 

Lúc đó, ông Tôn Dật Tiên lưu vong ở Tokyo sau khi thực hiện cuộc nổi dậy vũ trang bất thành chống triều nhà Thanh và muốn giành sự ủng hộ của Nhật Bản với phong trào cách mạng vũ trang ở Trung Quốc. Ông giới thiệu Bose với Mitsuru Toyama, một nhân vật có ảnh hưởng trong giới chính trị Nhật Bản và là lãnh đạo tổ chức xuyên Á Gen'yosha. Ông Toyama biết nơi để Bose ẩn náu.

"Nakamuraya Salon" là một quán cà phê và bánh ngọt ở quận Shinjuku sầm uất, nơi mà người địa phương và giới trí thức Tokyo thường lui tới. Chủ là Aizo và Kokko Some là một cặp vợ chồng Thiên chúa giáo rất quan tâm tới hội họa, văn chương, văn hóa. Ông Toyama đã thuyết phục họ cho Bose tới trú ẩn trong nhà khách nhỏ ở sân để tránh giới chức Anh. Bose đã ở đó bốn tháng và trong những năm sau đó, ông di chuyển nhiều lần để tránh bị phát hiện.

Năm 1918, để tránh khả năng Bose bị bắt, ông Toyama đã khuyến khích Bose kết hôn với con gái cả Toshiko của Soma. Đám cưới được tiến hành để Bose hòa nhập dễ hơn vào xã hội Nhật Bản và có thể tiếp tục đấu tranh vì độc lập Ấn Độ. Đám cưới cũng giúp Bose dễ hơn trong việc trở thành công dân Nhật Bản năm 1923. Họ có hai người con trước khi thảm họa ập đến.

Giấc mơ trật tự thế giới mới

Toshiko chết vì bệnh viêm phổi năm 1925, khi đó cô mới 27 tuổi. Bose lao mình vào phong trào giành độc lập để quên đi nỗi đau.

 

Mong muốn nhanh chóng xây dựng quan hệ văn hóa giữa Nhật Bản và Ấn Độ, Bose thành lập và điều hành nhiều hiệp hội như Hội Hữu nghị Ấn-Nhật và một nhà trọ tên là "Villa người châu Á" để sinh viên châu Á học tập tại Tokyo. Bose duy trì quản lý tới năm 1941.

Bose đăng nhiều thông tin rộng rãi về lịch sử Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ Ấn Độ và Nhật Bản, chớp mọi cơ hội để thúc đẩy liên minh xuyên Á nhằm củng cố khu vực. Ông trở thành một nhân vật táo bạo và thường được báo chí Nhật Bản khắc họa.

Khi Bose tới Nhật Bản, chỉ những người Nhật có học vấn mới biết tới Ấn Độ - đất nước được họ gọi là "Tenjiku" (mảnh đất thiên đường". Mọi người gọi Bose là "tenrai", nghĩa là con người siêu phàm. Người Anh liên tục để mắt tới Bose. Sợ Bose gây ảnh hưởng với thế hệ trẻ Ấn Độ, chính phủ thực dân Anh đã gây khó cho sinh viên Ấn Độ muốn tới Nhật Bản vào những năm 1930.

"Tiếng kêu của Ấn Độ"

Năm 1932, Bose tổ chức Liên đoàn Độc lập Ấn Độ đầu tiên ở Nhật Bản với mục đích giành độc lập cho Ấn Độ bằng mọi phương tiện. Ông nhờ tới sự giúp đỡ của sinh viên Ấn Độ.

 

V.C Lingam, sinh viên từ Singapore (khi đó là Malaya) đã chọn học ở Nhật Bản sau này nhớ lại việc đã đi tới nhiều nơi để tuyển thành viên cho tổ chức để giành độc lập từ thực dân Anh. Lingam nói với tờ Japan Times năm 2007: "Liên đoàn ngày càng lớn và Bose trở thành thủ lĩnh phong trào khắp Đông Á".

Hai năm sau, Bose nhận được tài trợ để xuất bản nhật báo mang tên "The New Asia" (Châu Á Mới) bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật.

Mặc dù Nhật báo bị cấm ở Ấn Độ và không nhắc tới hành động của Nhật Bản ở Trung Quốc, nhưng Bose đã kêu gọi Chính phủ Nhật Bản hợp tác với Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô để loại bỏ sự kiểm soát thực dân của Anh ở châu Á. Với Bose, Anh là kẻ thù cuối cùng và xung đột Mỹ-Nhật Bản chỉ làm cho Anh có lợi thêm.

Không lâu trước Thế chiến II, mối quan hệ giữa Anh và Nhật Bản đã xấu đi trông thấy. Năm 1933, Nhật Bản đã ra khỏi Hội Quốc Liên - tổ chức ngoại giao quốc tế thành lập sau Thế chiến I để tìm kiếm giải pháp hòa bình. Căng thẳng với Anh khiến Chính phủ Nhật Bản không còn lý do gì để hạn chế hoạt động chính trị của Bose.

Năm 1938, sau khi Bose xuất bản cuốn "Indo no sakebi" (Tiếng kêu của Ấn Độ), trong đó phản đối mạnh mẽ ách cai trị của Anh ở Ấn Độ, giới chức Anh đã xếp ông vào danh sách nhân tố Nhật Bản có ý đồ truyền bá khủng bố. Khi đó, không có lý do gì Nhật Bản giao nộp Bose.

 

Những rắc rối

Nhật Bản bị tác động mạnh trong Đại Suy thoái những năm 1930 khi giá nông sản và dệt may giảm mạnh. Trong suy thoái kinh tế, một số nhân vật theo tư tưởng xuyên Á đã kiểm soát chính trị Nhật Bản và ý tưởng giải quyết vấn đề kinh tế bằng các cuộc chinh phạt quân sự dần dần định hình.

Trong Thế chiến II, sự độc lập của Ấn Độ là một phần của chương trình xuyên Á của chính phủ Nhật Bản. Năm 1941, Thiếu tá Iwaichi Fujiwara đã thành lập Fujiwara Kikan, đơn vị hoạt động tình báo Nhật Bản có nhiệm vụ ủng hộ phong trào độc lập ở Ấn Độ thuộc Anh, Malaya và Đông Ấn Hà Lan. Tuy nhiên, khi Nhật Bản thực hiện các chiến dịch tàn bạo khắp châu Á - Thái Bình Dương trong Thế chiến II, nhiều chiến sĩ tự do nổi bật Ấn Độ như Ananda Mohan Sahay và Raja Mahendra Pratdap ngày càng lo về Nhật Bản cũng như việc nước này thực dân hóa phần còn lại của châu Á.

Ngày 15/2/1942, các tướng lĩnh Anh ở Singapore cùng 120.000 quân ở Malaysia và Singapore đầu hàng trước Nhật Bản. Sự kiện trùng với chiến dịch của Nhật Bản nhằm thuyết phục tù nhân chiến tranh Ấn Độ ở Hong Kong, Thượng Hải và Singapore đấu tranh cùng Nhật Bản để giải phóng Ấn Độ. Fujiwara đề nghị sĩ quan quân đội Ấn Độ Mohan Singh thành lập quân đội Ấn Độ từ các binh sĩ Ấn Độ bị bắt ở Singapore.

Tháng 6/1942, Bose chủ trì Hội nghị Độc lập Ấn Độ ở Bangkok dưới sự bảo trợ của Nhật Bản. Tại đây, ông được chỉ định lãnh đạo Quân đội Quốc gia Ấn Độ và hàng chục nghìn tù nhân Ấn Độ mà Singh đã tuyển mộ. Họ lên kế hoạch đánh bại người Anh ở Ấn Độ. Đây là vai trò nổi bật nhất của Bose và dường như đảm bảo tên ông được ghi nhớ ở Ấn Độ, nhưng thực tế lại không như vậy.

 

Khi Singh và Behari Bose xảy ra căng thẳng, một người cũng tên là Bose (Subhas Chandra Bose) đã đảm nhận nhiệm vụ từng bước xây dựng Quân đội Quốc gia Ấn Độ. Khi Chandra Bose nổi tiếng ở Nhật Bản, sức khỏe và hiện diện của Behari Bose trong phong trào độc lập Ấn Độ bắt đầu suy giảm. Ông qua đời năm 1945 ngay trước khi Ấn Độ giành độc lập từ Anh năm 1947. Ngày nay, ông vẫn là một trong những chiến sĩ tự do không mấy người biết tới ở Ấn Độ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm