Những trận đánh sống còn của 2 bên, bao gồm cả cận chiến và đổ bộ đường biển, đã được thể hiện sinh động qua những bức ảnh màu.
Tái hiện giai đoạn lịch sử là một hoạt động khá phổ biến ở phương Tây, vừa có tính giáo dục về lịch sử, vừa cho phép người tham gia có trải nghiệm như thật về thời đã qua.
Trong tái hiện lịch sử, một mảng quan trọng là diễn lại các trận đánh lịch sử, như các trận đánh của Napoleon, Nội chiến Mỹ hay Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Địa bàn diễn ra có thể rất rộng lớn và việc tái hiện cố gắng mô phỏng thật sát cuộc sống và hoạt động tác chiến trong quá khứ với bao khó khăn trở ngại. Tất nhiên dù “thật” đến mấy thì vẫn phải bảo đảm an toàn cho cả người diễn và người xem.
Cuộc Chiến tranh Triều Tiên cũng đã từng được tái hiện như vậy vài lần, trên lãnh thổ Hàn Quốc trong các năm 2010 và 2011.
Những bức ảnh sưu tập dưới đây ghi lại cảnh tái hiện các trận đánh ở vòng cung - sông Nakdong và trận đổ bổ đường biển Incheon – những trận bước ngoặt trong Chiến tranh Triều Tiên.
Sau khi , quân đội Triều Tiên đã nhanh chóng tràn ngập lãnh thổ Hàn Quốc và dồn quân đội Hàn Quốc và Mỹ về khu vực Busan ở cực đông nam bán đảo Triều Tiên. Trước nguy cơ bị đánh bại hoàn toàn, liên quân Mỹ-Hàn đã xây dựng Vành đai Phòng thủ Busan để chặn bước tiến như chẻ tre của quân đội Triều Tiên. Khu vực Busan gồm có hải cảng trọng yếu Busan (nằm ở cực đông nam của khu vực), có mạn đông và nam giáp biển. Phòng tuyến Busan bảo vệ phía bắc (có địa hình núi) và tây (có sông Nakdong) của khu vực này.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng quân Liên Hợp Quốc đã phòng ngự hiệu quả tại khu vực này do họ (1) không còn đường lùi và (2) biết lợi dụng địa hình có giá trị phòng thủ. Thế trận Busan đã khiến quân Triều Tiên (lực lượng chủ yếu là lục quân) không thực hiện được lối đánh trực diện kết hợp vu hồi mà họ đã áp dụng rất thành công trước đó.
Với quyết tâm rất cao, quân đội Triều Tiên đã liên tiếp mở các cuộc tiến công dữ dội nhưng không phá vỡ được phòng tuyến kiên cố này. Theo thời gian, lợi thế nghiêng dần về quân đội Hàn Quốc và Mỹ do họ có ưu thế hải quân - không quân, và được tiếp liệu và tăng viện không ngừng qua hải cảng Busan. Quân số và trang bị của phe Liên Hợp Quốc cuối cùng vượt trội Triều Tiên tại chiến trường Busan.
Đến giai đoạn cuối chiến dịch, mặc dù ít quân hơn, bị hao mòn sức chiến đấu, và gặp khó khăn về hậu cần, Triều Tiên vẫn dốc toàn lực mở 1 cuộc tấn công đồng loạt, đại quy mô vào phòng tuyến Busan vào đầu tháng 9/1950. Cuộc tấn công này thể hiện sự kiên cường của quân đội Triều Tiên, gây bất ngờ lớn cho đối phương, nhưng một lần nữa đã không dứt điểm được các mục tiêu. Sau đó, quân Triều Tiên ở vào thế yếu và phải rút lui. Phía Liên Hợp Quốc đã phản kích và gây thêm nhiều thiệt hại cho quân Triều Tiên.
Cùng lúc đó (ngày 15/9/1950) liên quân Mỹ-Hàn bất ngờ mở cuộc đổ bộ đường biển thành công ngoạn mục lên thành phố Incheon nằm ở cực tây bắc của lãnh thổ Hàn Quốc (thành phố này khi ấy gần như không được phòng thủ do Triều Tiên đang dồn lực công kích khu vực Busan.) Cuộc đổ bộ đó đã góp phần kéo lực lượng Triều Tiên ngược về phía bắc (do đó giảm áp lực lên quân Hàn Quốc ở Busan, tạo điều kiện cho Hàn Quốc phản công), đồng thời giúp quân Liên Hợp Quốc chiếm lại thủ đô Seoul.
Cả chiến dịch vành đai Busan và cuộc đổ bộ Incheon đã thay đổi cục diện Chiến tranh Triều Tiên, giúp phe Liên Hợp Quốc - gồm Mỹ, Hàn Quốc, Anh và một số nước khác - lật ngược thế cờ.
Trong chiến dịch Busan, một mặt trận quan trọng là khu vực vòng cung và sông Nakdong nằm ở phía Tây phòng tuyến Busan, với nhiều trận chiến tàn khốc, bao gồm cả đánh giáp lá cà.
Những cảnh tái hiện dưới đây về trận đánh then chốt ở sông Nakdong có sự tham gia diễn của hàng trăm người (người đóng phía Triều Tiên mặc quân phục nâu, phía Hàn Quốc và Mỹ đội mũ sắt). (Riêng chi tiết sử dụng súng AK có lẽ không chính xác do tiểu liên này mới ra đời năm 1947 và bắt đầu trang bị cho quân đội Liên Xô vào năm 1950.) Còn cuộc đổ bộ đường biển được tái hiện bởi khoảng hơn chục ngàn quân nhân Hàn Quốc, Mỹ và Australia:
Theo Trung Hiếu/VOV