Khám phá

Chinchorro: Những xác ướp lâu đời nhất thế giới

Người Chinchorro sống tại khu vực Nam Mỹ đã tiến hành ướp xác sớm hơn so với người Ai Cập cổ đại khoảng 2000 năm. Tuy họ có nhiều phương pháp ướp xác khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là xác ướp đen và xác ướp đỏ.

Ngắm những xác ướp kỳ lạ nhất thế giới / 50 xác ướp bí ẩn trong ngôi mộ cổ Ai Cập

Xác ướp của người Chinchorro khai quật ở Chile. Ảnh: CNN
Xác ướp của người Chinchorro khai quật ở Chile. Ảnh: CNN

Xác ướp Chinchorro
Khi nghe thấy từ “xác ướp”, hầu hết mọi người sẽ đều nghĩ đến xác ướp của các Pharaoh được tìm thấy trong những ngôi mộ cổ ở Ai Cập. Tuy nhiên, thực hành ướp xác đã tồn tại từ rất lâu trước khi người Ai Cập bắt đầu thực hiện nó. Các xác ướp lâu đời nhất thế giới, tồn tại ngay cả trước khi lịch sử được ghi chép lại, thuộc về người cổ đại Chinchorro. Đây là tộc người tiền sử sống tại vùng ven biển của sa mạc Atacama nằm ở khu vực phía Bắc Chile và phía Nam Peru từ năm 7.000 trước Công nguyên đến năm 1.500 trước Công nguyên. Họ sinh sống chủ yếu dựa vào hình thức bắt cá, săn bắn và hái lượm.
Xác ướp của người Chinchorro lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1917 bởi nhà khảo cổ học Max Uhle người Đức. Kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy gần 300 xác ướp tương tự trên sa mạc Atacama, bao gồm cả thi thể người lớn, trẻ em, trẻ sơ sinh và phôi thai chết lưu. Trong số đó, xác ướp Chinchorro có độ tuổi lâu đời nhất là vào năm 5050 trước Công nguyên, sớm hơn khoảng 2.000 năm so với xác ướp của Pharaoh Ai Cập.
Sau khi khai quật, các xác ướp Chinchorro được chuyển đến một số tổ chức nghiên cứu và bảo tàng ở địa phương để bảo quản, nổi tiếng nhất trong số đó là Bảo tàng San Miguel de Azapa ở thành phố Arica (Chile).
“Chúng tôi xác định niên đại của các xác ướp Chinchorro là từ 7.000 năm trước. Vì vậy, chúng tương đối lâu đời so với xác ướp tìm thấy ở Ai Cập”, Sergio Medina Parra, nhà nhân chủng học tại Đại học Tarapaca (Chile), cho biết.
Nguyên nhân khiến các xác ướp Chinchorro được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến nay là do chúng bị chôn vùi dưới lớp cát khô nóng của sa mạc Atacama trong hàng nghìn năm. Atacama được sách Kỷ lục Thế giới Guinness ghi nhận là sa mạc khô cằn nhất thế giới với lượng mưa trung bình ít hơn 50 mm/năm. Một số địa điểm ở đây thậm chí không có mưa hơn 400 năm.
Trong khi người Ai Cập chỉ tiến hành ướp xác cho Pharaoh, nữ hoàng, giới quý tộc,…thì người Chinchorro dường như ướp xác bất cứ ai, bất kể già hay trẻ, dân thường hay người có quyền lực, thậm chí cả bào thai. Điều này cho thấy họ duy trì một xã hội rất bình đẳng. “Các xác ướp Chinchorro không chỉ là những người thuộc tầng lớp thượng lưu. Cộng đồng này rất dân chủ”, Bernardo Arriaza, nhà nghiên cứu tại Đại học Tarapaca, người đã chỉ đạo các cuộc khai quật ở khu vực sa mạc Atacama suốt 30 năm, chia sẻ với tờ Los Angeles Times.
Arriaza nghi ngờ nước uống trong khu vực bị nhiễm độc do các núi lửa lân cận là nguyên nhân thúc đẩy tập tục ướp xác, bởi vì các nhà nghiên cứu tìm thấy thành phần thạch tín (asen) trong mô của xác ướp. “Nhiễm độc thạch tín có thể dẫn đến tỷ lệ sảy thai và tử vong ở trẻ sơ sinh cao. Nỗi buồn trước sự qua đời của những đứa trẻ đã khiến cộng đồng người Chinchorro bắt đầu bảo quản các thi thể nhỏ bé. Việc ước xác ban đầu chỉ diễn ra với thai nhi, sau đó mở rộng sang cả người trưởng thành. Những xác ướp lâu đời nhất chúng tôi tìm thấy thuộc về trẻ em”, Arriaza nói.
Phương pháp ướp xác của người Chinchorro
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Latin American Antiquity, hai kiểu xác ướp phổ biến nhất của người Chinchorro là “xác ướp đen” và “xác ướp đỏ”. Kỹ thuật làm xác ướp đen xuất hiện trong giai đoạn từ năm 5.000 trước Công nguyên đến năm 3000 trước Công nguyên. Đầu tiên, người ta sẽ cắt rời phần đầu, cánh tay và chân của người chết, lấy hết nội tạng và thịt, loại bỏ não thông qua một lỗ trên hộp sọ. Da bị lột khỏi thi thể và gắn lại sau đó, giống như việc tháo tất ra khỏi chân và đi tất trở lại. Tiếp theo, họ sẽ đưa than nóng vào phần rỗng của thân người chết [sau khi loại bỏ nội tạng] để làm khô nó bằng nhiệt. Cuối cùng, các bộ phận tách rời được ghép lại với nhau. Thi thể sẽ được nhồi đầy lông thú, sợi thực vật, đất sét, sau đó phủ bên ngoài bằng một lớp tro và mangan màu đen. Xác ướp đội một bộ tóc giả ngắn màu đen và đeo một chiếc mặt nạ đất sét.
Kỹ thuật làm xác ướp đỏ xuất hiện từ năm 2.500 trước Công nguyên đến năm 2.000 trước Công nguyên. Khác với kỹ thuật làm xác ướp đen, người Chinchorro sẽ không cắt rời từng bộ phận của xác chết. Bộ phận duy nhất bị gỡ ra khỏi cơ thể là phần đầu để tiến hành loại bỏ não. Thông qua những vết rạch trên bụng và vai, người ta sẽ loại bỏ các cơ quan nội tạng và làm khô khoang cơ thể của người chết. Tuy nhiên, giống với xác ướp đen, xác ướp đỏ cũng được nhồi bằng nhiều vật liệu khác nhau giúp nó giữ nguyên hình dạng cơ thể con người. Các vết mổ được khâu kín, phần đầu khi xử lý xong sẽ gắn trở lại cơ thể như cũ. Người Chinchorro sau đó sẽ phủ lên xác ướp một lớp đất son màu đỏ.
Vấn đề bảo quản xác ướp
Hiện nay, bộ sưu tập xác ướp Chinchorro cổ nhất thế giới lưu giữ tại bảo tàng khảo cổ thuộc Đại học Tarapaca (Chile) đang có dấu hiệu bị xuống cấp. Da của một số xác ướp chuyển thành chất nhầy màu đen. “Trong 10 năm qua, quá trình phân hủy xác ướp diễn ra rất nhanh. Các cơ quan chức năng và giới nghiên cứu đang cố gắng tìm phương án để bảo tồn những xác ướp Chinchorro cho thế hệ tương lai”, Marcela Sepulveda, nhà khảo cổ tại Đại học Tarapaca, cho biết.
Nhóm nghiên cứu của Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng thuộc Đại học Harvard (Mỹ) tiến hành một loạt xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của các xác ướp. Họ phát hiện vi khuẩn và nấm mốc sống trong xác ướp phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm tăng cao. “Vi khuẩn luôn tồn tại trong xác ướp. Khi điều kiện môi trường thay đổi chúng sẽ hoạt động mạnh và khiến xác ướp bị phân hủy”, Ralph Mitchell, trưởng nhóm nhiên cứu, nhận định. “Để ngăn chặn quá trình phân hủy ngày càng nghiêm trọng hơn, xác ướp cần được bảo quản ở môi trường có độ ẩm từ 40% đến 60%. Nếu độ ẩm thấp hơn mức này, hiện tượng axit hóa sẽ làm hỏng xác ướp”. Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhân viên làm việc trong bảo tàng của Đại học Tarapaca đã điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để bảo quản các xác ướp Chinchorro tốt hơn.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm