Khám phá

Chinh phục rừng đá Tsingy ở Madagascar

Tàu du lịch dừng tại cảng Diego Suarez, chúng tôi sẽ có một ngày tham quan Madagascar – đảo quốc trên Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển đông nam của châu Phi.

Khám phá 2 bia đá quý và lạ trong 27 bảo vật quốc gia mới được công nhận / Kỳ lạ ngôi làng được xây dựng chen chúc giữa những tảng đá khổng lồ

Chúng tôi mua tour đi rừng quốc gia Tsingy, một di sản thế giới được UNESCO công nhận vì sự độc đáo và hùng vĩ của hàng ngàn cột đá nhọn hoắt. Suốt hàng triệu năm, những lớp vỏ sò và san hô bồi đắp đáy biển đã kết thành một khối đá vôi duy nhất, sau đó các chuyển động của Trái đất đã đẩy những khối đá vôi khổng lồ này lên khỏi mặt biển và tạo thành khu rừng đá vô cùng hiểm trở.

Bãi biển gần cảng Diego Suarez.

Con đường đau khổ và dòng sông cá sấu

Quãng đường từ cảng đến Tsingy chỉ 65km nhưng xe phải đi hơn 2 giờ mới tới. Dù là tuyến du lịch quan trọng nhưng cung đường này không hề được chính phủ Madagascar quan tâm. Hành khách phải bám thật chắc vào ghế nếu không muốn ngã nhào xuống sàn khi xe liên tục vượt qua những ổ voi, ổ gà dày đặc.

Đáng nhớ nhất là khi rời tỉnh lộ đi vào con đường núi đất đỏ, một đoàn xe hơn 50 chiếc nối đuôi nhau, cát bụi, đất đỏ tung lên bay mịt mù như đi trong bão cát sa mạc. Trời nóng như nung nhưng xe không mở máy lạnh để tránh nóng máy, cháy máy nên mở cửa xe hứng gió bụi, bão cát. Một số du khách vừa che miệng, vừa than thở tiếc nuối vì đã không chọn tour đi Tsingy bằng máy bay trực thăng.

Du khách bắt đầu đi vào rừng quốc gia Tsingy.
Biển hiệu trước cửa rừng.

Trên đường đi, xe dừng ở đại lộ Baobab. Chạy dọc suốt tuyến đường đất này là loài cây baobab nổi tiếng của Madagascar. Khi hoàng hôn buông xuống, những bóng cây to lớn hắt những bóng đen khổng lồ lên đường chân trời còn đang le lói màu cam sáng trông rất mê hoặc.

Sau khi vượt qua con sông Manambolo đầy cá sấu, “con đường đau khổ” kết thúc tại ngôi làng nhỏ Bekopaka. Đây là nơi ở của các hướng dẫn viên và nhân viên tại vườn quốc gia Tsingy.

 

Hàng cây baobab trong hoàng hôn Madagascar.

Ngôi làng đồng thời cũng là trụ sở của vườn quốc gia, nơi các du khách tự túc có thể xin phép cũng như thuê hướng dẫn viên và thiết bị leo núi để chinh phục Tsingy. Trước khi vào làng, chúng tôi được xem tận mắt một khu khá dễ tiếp cận nằm bên dòng sông cạn nước ở lòng vực.

Đến mùa mưa sông trở thành một dòng cuồng lưu phá hủy và cuốn trôi đi phần thấp của rừng cột đá hai bên bờ. Rồi tới mùa khô phần này mọc lại. Đúng như tên gọi là rừng, cột đá đinh ở đây tàn đi mọc lại như cây cỏ nên không cao bằng nơi khác.

Con sông Manambolo đầy cá sấu.

Từ ngôi làng Bekopaka, chúng tôi đã nhìn thấy rừng đá vôi màu xám cao vút. Hành trình chinh phục các đỉnh núi đá sắc nhọn cũng bắt đầu. Cảm giác bò qua hang động và trượt qua khe đá hẹp vừa thử thách, vừa thích thú. Tuy nhiên để đi sâu hơn vào rừng quốc gia, những tay leo núi nghiệp dư buộc phải dùng đến hệ thống cầu treo và đài quan sát trải dài nhiều km dọc cao nguyên đá khô cằn. Từ đây, du khách mới cảm nhận được hết sự hùng vĩ, rộng lớn và đa dạng sinh học của Tsingy.

Thế giới bí ẩn giữa những cột đá

Ở rừng quốc gia này, cây xanh cực kỳ hiếm hoi, thay vào đó là những cột đá cao vút gần cả trăm mét. Đó chính là rừng đá Grand Tsingy rộng gần 600km2và bên cạnh là Little Tsingy có diện tích nhỏ hơn một chút. Hai khu rừng kề cận khác nhau chút ít về mặt địa chất nhưng nhìn chung đều là những dãy núi trẻ với các cây đá nhọn hoắt như hầm chông, nằm san sát nhau tạo thành địa hình hết sức hiểm trở. Grand Tsingy và Little Tsingy hợp lại tạo thành di sản thế giới đáng chú ý nhất của Madagascar.

 

Rừng đá Tsingy nhìn từ trên cao.

Sự chênh lệch nhiệt độ từ trên đỉnh so với dưới đáy các cột đá rất lớn (có thể lên đến 20oC) đã tạo nên sự đa dạng sinh học theo từng tầng nhiệt độ. Trên những đỉnh cao, nơi mà nhiệt độ lên đến 40oC, chỉ tồn tại một loại cây có khả năng tự tróc vỏ để không bị thiêu cháy. Nhưng phía dưới khoảng 20 – 30m là rừng mưa nhiệt đới với thảm động thực vật phong phú.

Dưới đáy vực là những túi nước mưa lớn với rất nhiều loài cá, lươn… dù người ta không biết chúng làm thế nào đến được.

Đặc biệt hơn, loài vật làm bá chủ khu rừng “rợn tóc gáy” này là loài vượn cáo chân trắng. Theo thống kê, có 11 loài vượn cáo sinh sống chủ yếu ở trên những vách cột đá dựng đứng. Loài linh trưởng giỏi leo trèo này bất chấp địa hình hiểm trở nơi đây.

Du khách khám phá phía dưới chân các cột đá.
Các cột đá lởm chởm sắc nhọn khá nguy hiểm.

Trong môi trường rừng đá khắc nghiệt, các loài thằn lằn, rắn, ếch nhái, chim, côn trùng, nhện và cây cỏ đã thích nghi và phát triển mạnh, trở thành động – thực vật đặc thù bản địa. Chúng sống trong mê cung, trong các hang động ở lòng đá. Nơi đây cũng có hang đá vôi ngầm dưới đất và có người cho rằng nhiều khả năng có những hang lớn không thua kém gì các hang ở Việt Nam nhưng chưa được khám phá.

Nhiều chỗ chưa có dấu chân của con người.

Người dân địa phương gọi những tảng đá nhọn là “tsingy”, có nghĩa là “nơi không thể đi bộ được”. Bởi cấu trúc đá nhọn gần như không thể tiếp cận, nên mãi cho đến thập niên 1990, nhà thám hiểm Jean-Claude Dobrilla đến từ Pháp đã thành lập tổ chức Antsika để giúp đỡ người Malagasy bảo tồn và thu lợi từ tài nguyên thiên nhiên của họ. Với sự giúp đỡ của người dân địa phương, các thành viên Antsika đã xây dựng các cây cầu treo, cáp, móc và thang dành cho du khách thám hiểm.

 

Họ cũng đào tạo hướng dẫn viên địa phương kỹ năng leo núi và bảo dưỡng thiết bị. Hơn chín năm sau khi tổ chức Antsika được thành lập, vườn quốc gia Tsingy đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Madagascar. Mặc dù vậy, rừng đá hầu như vẫn còn giữ được nguyên trạng. Cho đến ngày nay Tsingy vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn đang chờ các nhà khoa học khám phá.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm