Chống nóng cho Trái Đất
Trái Đất sống được nhờ sự tồn tại của một hành tinh khổng lồ khác / Emma Lazarus và Nữ thần Tự do của nước Mỹ
Khi mọi cách thông thường tỏ ra bất lực, giới khoa học bất ngờ phát huy trí tưởng tượng và đề xuất những giải pháp "không tưởng", được kỳ vọng sẽ đem lại hi vọng cho cuộc chiến "chống nóng" cho Trái Đất.
Khiên chắn bằng... mây
Một số nghiên cứu cho thấy mật độ mây dày đặc ở tầng thấp bầu khí quyển có khả năng phản chiếu đáng kể ánh sáng mặt trời. Từ đây, nhiều nhà khoa học nảy ra ý tưởng sản xuất mây nhân tạo từ các thuyền đặc biệt trôi trên biển.
Thiết bị độc đáo này vận hành dựa vào năng lượng gió và mặt trời, có khả năng hút nước biển và phun vào không gian, tạo ra những đám mây phản nhiệt trên đại dương.
Theo ước tính, có thể cần đến gần 2.000 chiếc thuyền kiểu này để tạo nên bóng mát tức thì, và duy trì "khiên chắn" phản nhiệt trong thời gian dài trên bề mặt biển. Thậm chí, một loại keo đặc biệt từ muối có thể được thuyền phun vào lớp mây nhân tạo để tăng độ dày, từ đó hỗ trợ ngăn chặn tác động của tia cực tím và khắc phục việc tầng ozon đang bị huỷ hoại.
Song song với đề xuất này, ý tưởng mô phỏng hiện tượng phun trào núi lửa cũng hướng đến việc tạo mây nhằm đưa bớt ánh nắng mặt trời quay lại vũ trụ. Các nhà khoa học đã tính đến việc thiết kế các núi lửa nhân tạo nhằm phun trực tiếp SO2 vào khí quyển nhờ các đường ống dài 30km nằm sâu trong lòng đất.
Loại khí này là khắc tinh và sẽ kiềm chế CO2 - tác nhân phía sau sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Bởi từ SO2 sẽ sản sinh ra các hạt sol khí SO4 với mật độ dày đặc, trở thành những tấm gương chắn lơ lửng trên không trung trong nhiều tháng, phản chiếu ánh nắng và tia tử ngoại của mặt trời, khiến mặt đất bên dưới mát mẻ hơn.
Tiêu thụ tỏi và sắt
Những quan ngại về CO2 dường như thúc giục các nghiên cứu tập trung vào nhóm sinh vật có thể hấp thụ khí nhà kính này. Đã xuất hiện ý tưởng "vỗ béo" và kích thích sự phát triển của tảo bằng cách thêm sắt vào đại dương.
Theo đó, loài tảo Chaetoceros atlanticus phát triển mạnh mẽ khi trong nước biển chứa nhiều sắt, từ đó hút nhiều CO2 trong không khí và chuyển vào đại dương. Tảo biển - các nhà tù thu nhỏ "giam" khí CO2 - dần trở thành nguồn thức ăn dồi dào phong phú cho các sinh vật phù du.
Điều đáng chú ý là, sau khi tiêu thụ tảo biển có CO2, các sinh vật bài tiết ra sản phẩm được gọi là viên phân carbon cô đặc sẽ chìm xuống đáy đại dương, góp phần lưu trữ lâu dài lượng lớn CO2 trong nước.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, trước khi nghĩ đến tảo cùng sinh vật phù du thì tốt hơn là hạn chế tiêu thụ thịt nói chung. Bởi lẽ ngành công nghiệp chăn nuôi được cho rằng liên tục tạo ra khí methane (CH4) - "bạn đồng hành" của khí nhà kính CO2, có mức độ nguy hại gấp 25 lần CO2 trong việc làm Trái Đất nóng lên.
Một nguồn phát thải lớn loại khí này đến từ hơi thở và chất thải của những loài động vật nhai lại. Khi con người chưa thể giảm lượng thịt tiêu thụ, các nhà khoa học Anh đề xuất bổ sung tỏi vào thức ăn của một số loài phổ biến trong chăn nuôi như bò, cừu và ngựa. Họ lý giải rằng tỏi có khả năng ức chế hoạt động các vi khuẩn tạo khí methane trong dạ dày động vật, từ đó phát thải ít CH4 hơn.
Còn nhiều hoài nghi
Mới đây nhất, một số nhà nghiên cứu gợi ý kỹ thuật "Geoengineering" tác động trực tiếp lên địa cầu nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Một ví dụ điển hình liên quan đến việc che phủ bề mặt Bắc Cực (đặc biệt là Greenland - nơi có tốc độ tan băng gia tăng nhanh chóng trong nhiều thập kỷ qua) bằng một lớp "chăn" màu trắng để tăng độ phản chiếu ánh sáng mặt trời.
"Chăn" có thể là những lớp dày các vật thể thân thiện với môi trường nổi trên bề mặt đại dương, hoặc bong bóng khí cực nhỏ màu trắng. Hệ thống bơm bong bóng có thể được gắn liền với các đập nước, bể chứa nước hay dưới các tàu biển. Giới khoa học coi giải pháp này khả thi hơn đề xuất cải tạo các đường bờ biển, giúp làm chậm tốc độ băng tan và gia tăng mực nước biển.
Bất chấp nhiều giải pháp được nêu ra, các nhóm hoạt động vì môi trường cho rằng tính thực tiễn là chưa cao. Mây hay núi lửa nhân tạo có thể dẫn đến sự đảo lộn điều kiện môi trường sống của các sinh vật trên Trái Đất và huỷ hoại quy luật tự nhiên vốn có. Nếu những tác động không mong muốn xảy ra, có thể đây sẽ là điều nguy hiểm đối với Trái Đất hơn là tác dụng bảo vệ. Trong khi đó, phải tốn nhiều năng lượng để cung cấp đủ số bong bóng bao phủ đại dương. Ngoài ra, việc hiện thực hóa các giải pháp sẽ cần đến khoản kinh phí khổng lồ và phải mất thời gian dài thử nghiệm trước khi áp dụng vào thực tế.
Vì vậy, điều cần nhất hiện nay là không nên phụ thuộc vào các công nghệ tốn kém hoặc chưa được kiểm chứng, mà cần kết hợp các chiến lược quản lý, sử dụng đất đai như khôi phục các hệ sinh thái rừng hay chuyển đổi tập quán nông nghiệp với thay đổi hành vi nhận thức của con người.
Cụ thể, con người cần trồng thêm nhiều cây xanh, cũng như sử dụng các nguồn nhiên liệu và năng lượng thân thiện với môi trường. Cách tiếp cận như vậy sẽ giúp cô lập carbon một cách tự nhiên và ngăn chặn phát thải khí nhà kính, từ đó củng cố mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris về việc giữ nhiệt độ toàn cầu vào năm 2100 chỉ tăng thêm 2oC, và cố gắng chỉ ở trong mức 1,5oC, so với thời kỳ tiền công nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 'Đi lạc' vào ổ ong bắp cày, rắn hổ mang chúa nhận cái kết tan xương nát thịt
CLIP: Sư tử trổ tài săn 'kẻ bố đời' rồi nhận cái kết khó tin
Gia đình đặc biệt nhất Việt Nam có vợ và chồng đều là tướng nổi tiếng, trụ cột đất nước một thời
CLIP: Ỷ đông bắt nạt lửng mật, 3 con báo nhận ngay cái kết bẽ mặt
Việt Nam sở hữu loài cây hiếm có khó tìm nhất thế giới, nhiều người bản địa cũng chưa từng được thấy
Thanh bảo kiếm cõi âm mang 'lời nguyền chết chóc' của Hoàng đế Càn Long, mất 10 năm mới hoàn thành