Emma Lazarus và Nữ thần Tự do của nước Mỹ
Báo động đỏ: Rừng nhiệt đới mất khả năng hấp thụ cacbon / Chiếc sừng tê giác và bí mật hàng trăm năm
"Cứ đến đây đi những người kiệt sức, nghèo khổ
Những người nheo nhóc khao khát hơi thở tự do"
Những người từng tới thăm biểu tượng của nước Mỹ tại New York chắc hẳn đều biết đến những câu thơ này. Song ít ai biết rằng đó là những vần thơ được Emma Lazarus viết vào cuối năm 1880, với cảm hứng lấy từ hình ảnh đoàn người tị nạn Do Thái tìm đến New York để trốn khỏi cuộc tàn sát ở miền Đông Châu Âu.
Bài thơ được khắc trên một tấm biển ở dưới chân tượng Nữ thần Tự do ở thành phố New York vào năm 1903, gần 10 năm sau khi tác giả đã qua đời.
Gốc gác Do Thái
Emma Lazarus sinh năm 1849 tại khu dân cư trung lưu Union Square, thành phố New York. Bà là con thứ 4 trong gia đình Do Thái gốc Tây Ban Nha có 7 anh chị em. Cha của Lazarus là một nhà buôn đường giàu có, có tổ tiên là những người Do Thái đầu tiên đặt chân tới New Amsterdam vào năm 1654 sau giai đoạn Tòa án dị giáo gây nhiều căng thẳng ở Brazil.
Sinh ra trong một gia đình thượng lưu và có điều kiện, Lazarus có gia sư riêng dạy nhiều môn học từ số học, thần học cho tới tiếng Italy, song thế mạnh của bà sớm bộc lộ trong văn chương. Ngay từ khi mới chỉ là một đứa trẻ, Lazarus đã dành nhiều thời gian để viết thơ và dịch các tác phẩm từ tiếng Pháp và tiếng Đức. Cha mẹ của Lazarus, đặc biệt là ông Moses Lazarus, đã rất khích lệ bà theo đuổi đam mê này.
Năm 1886, khi mới 17 tuổi, Lazarus phát hành cuốn sách đầu tiên gồm 207 trang, bao gồm các tác phẩm do bà tự sáng tác và nhiều bản dịch. Cuốn sách, được cha của Lazarus tài trợ tiền xuất bản, có tiêu đề rất đơn giản và là tác phẩm mà bà dành tặng cha mình.
Một năm sau đó, Lazarus mạnh dạn gửi tới Ralph Waldo Emerson, một tác giả nổi tiếng ở Mỹ khi ấy, bản sao cuốn sách. Hai người sau đó nhanh chóng giữ liên lạc, và mối quan hệ thầy - trò nhanh chóng nở rộ. Emerson dành cho cây bút trẻ nhiều lời khen ngợi, góp ý và cả phê bình về các tác phẩm mà bà sáng tác.
Emma Lazarus và hình ảnh Nữ thần Tự do. |
Không lâu sau, các tác phẩm của Emma Lazarus nhận được sự chú ý của công chúng. Bà dần chuyển từ việc tự xuất bản các tác phẩm sang đăng chúng trên các tạp chí văn học phổ biến như Lippincott's và Scribner's.
Năm 1871, Lazarus xuất bản cuốn sách thứ hai có tên "Admetus and Other Poems" (tạm dịch: Admetus và những bài thơ khác). Cuốn sách tri ân Emerson nhanh chóng được dư luận đón nhận. Một bình luận từ tờ Illustrated London News: "Nữ thi sỹ Lazarus xứng đáng được những ý kiến phê bình công tâm nhất tán thưởng với tư cách là một nhà thơ với sức mạnh nội tại hiếm gặp".
Emma Lazarus còn thử sức với các tác phẩm kịch, tiểu thuyết trong khi vẫn tiếp tục công tác biên dịch. Tiểu thuyết duy nhất mà bà viết, "Alide: An Episode in Goethe's Life" (tạm dịch: "Alide: Một chương trong cuộc đời Goethe") được tác giả người Nga Ivan Turgenev ca ngợi hết lời. Ông từng viết cho bà một bức thư có câu: "Một tác giả viết được những tác phẩm như cô đã viết… sớm hay muộn cũng sẽ trở thành một bậc thầy". Tới năm 1882, hơn 50 bài thơ và bản dịch của bà đã xuất hiện trên các ấn phẩm chính thống.
Cha của Emma Lazarus, thương nhân Moses Lazarus, có công việc làm ăn thuận lợi và sớm trở thành một nhân vật có tiếng tăm tại New York. Cùng Vanderbilts và Astors, ông là người đồng sáng lập câu lạc bộ Knickerbocker chuyên dành cho giới thượng lưu. Moses đã làm việc rất chăm chỉ để giúp gia đình Do Thái của mình hòa nhập và có vị thế giữa cộng đồng người Mỹ Cơ đốc giáo giàu có.
Tuy nhiên, dù lớn lên trong giới thượng lưu Cơ đốc giáo-Anglo ở New York, Emma Lazarus lại luôn cảm thấy được là chính mình khi ở cùng bè bạn. Cuộc sống đủ đầy và giàu có của bà vẫn không thể giúp bà tránh khỏi việc bị những người bài Do Thái kỳ thị gốc gác. Trong nhiều bức thư của các đồng nghiệp nổi tiếng, người ta thấy rằng ngay cả những người bạn thân nhất của Emma cũng thường vô tình dùng cụm từ "bọn Do Thái" sau lưng bà.
Gia đình Lazarus vẫn thường xuyên tham gia những ngày lễ lớn của người Do Thái như Passover và Yom Kippur song Lazarus thừa nhận, "những niềm tin… và hoàn cảnh sống đôi khi khiến tôi khác với mọi người" (ám chỉ cộng đồng Do Thái). Dù vậy, Lazarus vẫn luôn là người trân trọng và không hề che giấu gốc gác của mình.
Gửi gắm qua lời thơ
Năm 1881, báo chí New York náo loạn vì thông tin nói rằng một cuộc xung đột âm ỉ từ lâu đã tràn ly: người Do Thái tại Nga và Đông Âu bị tàn sát trong những cuộc nổi loạn bạo lực, hơn 100.000 gia đình mất nhà cửa vì bị những kẻ cực đoan tấn công và đốt phá. Hàng trăm nghìn người tị nạn Do Thái đang tràn tới Mỹ để tự cứu lấy mình.
Những thông tin này đã khiến cuộc đời Lazarus có một thay đổi lớn. Bà nhận thấy bản thân có một sợi dây liên hệ vô hình với những người tị nạn mới. Cũng giống như gia đình bà cách đây nhiều thế kỷ, những người này, cùng thứ ngôn ngữ và tập quán có thể vẫn quá khác lạ với bà - đang tìm cách chạy trốn khỏi các cuộc đàn áp tôn giáo ở châu Âu.
Năm 1883, bà viết bài thơ "1492", nói lên nỗi niềm về tình trạng phân biệt đối xử từng khiến tổ tiên bà phải rời bỏ châu Âu và Nam Mỹ. Bài thơ có câu: "Bị truy đuổi từ vùng biển này sang vùng biển khác, từ vùng đất này sang vùng đất khác. Phương Tây từ chối, còn phương Đông thì e ngại. Không một nơi nào trên thế giới này đón nhận. Những hải cảng đóng chặt, mọi cánh cổng khép kín".
Trong nhiều tác phẩm, Lazarus đã khéo léo lồng ghép nghệ thuật và các tư tưởng hoạt động xã hội bằng cách viết về những nội dung chỉ trích chủ nghĩa bài Do Thái, bài ngoại và bất bình đẳng. Lazarus sau đó còn làm tình nguyện viên cho Cục Việc làm và Hỗ trợ Xã hội cho người nhập cư Do Thái ở New York, hỗ trợ người tị nạn học tiếng Anh và tìm việc làm cũng như nơi ở. Về sau bà còn tự gây quỹ và từng tới châu Âu để kêu gọi ủng hộ cho quỹ từ thiện này.
Lazarus cũng chú tâm tới các hoạt động bài Do Thái ở New York, và dùng ngòi bút sắc bén để chiến đấu chống lại xu hướng cực đoan này. Hàng loạt bài viết của bà trên tờ Century, được Richard Gilder, một nhà thơ, và cũng là người bạn thân thiết, giúp sức hiệu đính, là những tác phẩm gần như đầu tiên thẳng thắn lên tiếng chỉ trích và chống lại chủ nghĩa bài Do Thái trên mọi phương diện.
New York Times bình luận rằng các tác phẩm trong cuốn sách xuất bản năm 1882 của bà "Songs of a Semite: The Dance to Death and Other Poems, " (tạm dịch: "Khúc ca tinh hoa: Vũ điệu của cái chết và những bài thơ khác") là những lời thơ "thể hiện rõ sự cảm thông của người tin rằng… khi một chủng tộc phải chịu đựng, thậm chí là suốt nhiều thế kỷ, những sự bất công cùng cực, thì sự chú ý dành cho những cống hiến trong lĩnh vực văn học chắc chắn sẽ khiến người ta phải tôn trọng và thừa nhận các giá trị của cộng đồng đó đúng như những gì mà họ xứng đáng".
"The New Colossus"
Là một trong những nhân vật tiên phong cho phong trào đấu tranh vì người Do Thái tại Mỹ, song Emma Lazarus được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả bài thơ dưới chân tượng Nữ thần Tự do, một bài thơ nói lên tinh thần và các giá trị phổ quát của biểu tượng này. Nhiều người thậm chí còn ví Emma Lazarus như người đại diện, nguồn cảm hứng của hình ảnh mang ý nghĩa biểu trưng của nước Mỹ.
Cuối những năm 1870, Pháp gửi tặng nước Mỹ món quà là bức tượng Nữ thần Tự do để chào mừng tự do và cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ, một nỗ lực mà người Mỹ đã thành công về mặt lý thuyết trong khi người Pháp vẫn chưa thể chạm tới tại tất cả mọi vùng lãnh thổ.
Một số người cho rằng bức tượng, được Frédéric Auguste Bartholdi thiết kế, là một trong những nỗ lực của phong trào ủng hộ dân chủ và bài nô lệ tại Pháp nhằm kêu gọi sự ủng hộ đối với những mục tiêu này.
Chính phủ Mỹ chấp nhận món quà, song với một điều kiện là cả 2 nước sẽ chia sẻ chi phí hoàn thành bức tượng. Pháp chịu các chi phí để xây tượng và đưa nó tới Mỹ, trong khi Mỹ chỉ cần lo các công đoạn lắp ráp.
Ralph Waldo Emerson, người sớm phát hiện tài năng của Emma Lazarus. |
Việc gây quỹ được khởi động từ năm 1882. Một năm sau, những người ủng hộ việc đưa bức tượng tới Mỹ đã mở một buổi đấu giá nghệ thuật để quyên tiền. Thời điểm đó Emma Lazarus đã rất nổi tiếng tại Mỹ. Constance Cary Harrison, một nhà soạn kịch, phụ trách việc kêu gọi các nghệ sỹ tham gia buổi đấu giá, đã đề nghị Lazarus đóng góp một tác phẩm cho sự kiện này.
Điều khiến Harrison bất ngờ là Lazarus thẳng thừng từ chối lời đề nghị và nói rằng bà không bao giờ viết theo "kiểu bị đặt hàng". Tuy nhiên, Harrison không bỏ cuộc, và tìm cách thuyết phục nữ thi sỹ khi nhắm đến những hoạt động và tư tưởng vì xã hội của bà.
Lazarus quay trở lại tìm Harrison 2 ngày sau đó với một bài thơ hoàn chỉnh với cái tên "The New Colossus" (tạm dịch: "Bức tượng Khổng lồ mới", với nội dung ca ngợi bức tượng Nữ thần Tự do khổng lồ là biểu tượng cho sức mạnh của nữ quyền và bình đẳng. Bài thơ vẫn còn có sức ảnh hưởng lớn tới tận ngày hôm nay.
Không giống như tượng đồng Hy Lạp
Với sải tay chinh phục vươn dài từ nơi này sang nơi khác
Ở nơi đây cửa biển sóng vỗ, dưới ánh hoàng hôn
Người phụ nữ vĩ đại trên tay cầm ngọn đuốc, trói chặt những sấm sét
Mẹ của những kẻ tha hương.
Bàn tay bà nâng cao ngọn đèn dẫn đường, sáng rực lời chào toàn thế giới
Ánh mắt dịu hiền trải khắp hải cảng lộng gió giữa hai thành phố
"Cứ giữ lấy những mảnh đất xa xưa, những cổ tích hoa lệ của các ngươi!",
Bà khóc, với đôi môi câm lặng,
"Hãy đến đây đi những người kiệt sức, nghèo khổ
Những người nheo nhóc khao khát hơi thở tự do
Những rác rưởi khốn cùng trên bờ biển đông đúc.
Hãy đến đây những kẻ vô gia cư, bị dập vùi trong bão tố,
Ta sẽ nâng ngọn đèn bên cạnh cánh cổng vàng!".
Bài thơ lần đầu tiên xuất hiện tại buổi triển lãm gây quỹ năm 1883 và theo Bette Roth Young, người viết tiểu sử của Lazarus, "đó là bài thơ duy nhất được đọc tại lễ khai mạc".
Chiến dịch gây quỹ đã thành công vang dội, thu về khoảng 100.000 USD (tương đương 2 triệu USD ngày nay) chỉ trong vài tháng. Tuy nhiên, bài thơ "The New Colossus" nhanh chóng bị lãng quên sau sự kiện này, và thậm chí là cả khi tác giả của nó, nữ thi sỹ Emma Lazarus qua đời vì ốm bệnh vào tháng 11/1887, khi mới chỉ 38 tuổi.
Mãi đến năm 1901, khi một người bạn thân của Lazarus là Georgina Schuyler tìm thấy bài thơ, tác phẩm đầy ý nghĩa này mới thực sự sống lại. Để tưởng nhớ nữ thi sỹ Lazarus, Schuyler đã tổ chức các hoạt động quảng bá tác phẩm này và đưa nó đến gần hơn với người đọc. Hai năm sau, "The New Colossus" được khắc trên một tấm bảng dưới chân tượng Nữ thần Tự do.
Trên thực tế, Emma Lazarus chưa từng trực tiếp nhìn thấy Nữ thần Tự do khi bà viết "The New Colossus", và có lẽ bà cũng không mấy quan tâm tới mục đích của những người Pháp khi tặng món quà này cho nước Mỹ - một biểu tượng trường tồn của chủ nghĩa cộng hòa và dấu chấm hết cho chế độ nô lệ.
Tuy nhiên, ý nghĩa của bài thơ cùng những gì mà hình ảnh Nữ thần Tự do mang lại về sự bảo vệ và công bằng, chắc chắn cũng đã là một phần không thể phủ nhận trong lịch sử của nước Mỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Người phụ nữ nghèo đổi đời nhờ nhặt được viên ngọc trai quý hiếm trong lúc nấu ăn, trị giá bằng cả căn nhà
Trong 'Tây Du Ký', con quái vật duy nhất đã hơn một lần ăn thịt Đường Tăng, bạn có biết đó là ai không?