Cuộc sống khắc nghiệt của bộ tộc dẫn đường trên đỉnh Everest
Cao bồi viễn tây: Sự thực đằng sau màn ảnh / Kỳ lạ về bộ não con người
Zing trích dịch bài đăng trên CNN, SBS, CBC về nghề hướng dẫn leo núi của bộ tộc Sherpa trên đỉnh núi cao nhất thế giới. Không chỉ chịu cái lạnh khắc nghiệt, họ còn phải đối mặt với tỷ lệ tử vong luôn cận kề.
Sống trên nóc nhà thế giới, bộ tộc Sherpa được mệnh danh là những leo núi cừ khôi nhất thế giới. Họ sở hữu sức khỏe dẻo dai, giỏi leo trèo, có thể khám phá những tuyến đường chưa ai từng đặt chân đến và đạt nhiều kỷ lục nhờ tốc độ leo núi nhanh.
Bộ tộc Sherpa đã sống trên những đỉnh núi cao chót vót của dãy Himalaya qua hàng trăm thế hệ. Vì thế, họ biết rõ địa lý của khu vực này và trở thành những người dẫn đường tốt nhất đối với các tay leo núi muốn chinh phục đỉnh Everest.
Tuy kiếm sống nhờ nghề này nhưng người Sherpa cũng chịu không ít thiệt thòi vì công việc. Họ gặp nhiều khó khăn khi sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đôi khi không nhận được sự tôn trọng từ một số người leo núi.
Người Sherpa được ngưỡng mộ vì có sức khỏe dẻo dai và khả năng leo trèo tốt. Ảnh:NPR. |
Nghề dẫn đường cho nhà leo núi
Ngoài cái tên Everest, đỉnh núi này còn được biết đến với tên gọi Chomolungma theo tiếng địa phương. Trong tiếng Tây Tạng, nó còn được gọi là Châu Mục Lãng Mã Phong hay Thánh Mẫu Phong - đỉnh núi của Thánh Mẫu. Đỉnh Chomolungma nằm giữa Nepal và Tây Tạng (Trung Quốc), có độ cao là 8.848 m.
Kể từ 1953, đỉnh núi này được xem là nơi để chinh phục giới hạn của con người. Nhiều nhà leo núi đã thành công đến đích nhưng cũng có hàng nghìn người đã bỏ mạng tại đây khi cố gắng đẩy giới hạn của bản thân vượt sức chịu đựng của người bình thường.
TheoSBS, người Sherpa được xem là trụ cột của ngành leo núi ở Nepal. Khoảng 600 năm trước, họ đã vượt qua những con đường trắc trở từ Đông Tây Tạng đến vùng đất Solukhumbu để tìm kiếm cơ hội cải thiện cuộc sống.
Đây là công việc mưu sinh của hàng trăm thế hệ tại đây. Ảnh:National Geographic.
|
Công việc của họ là dựng trại, thiết lập đường đi, chuẩn bị các vật dụng cần thiết, quản lý những người khuân vác và đảm bảo sự an toàn của nhóm trekking. Ngoài ra, họ còn chịu trách nhiệm hỗ trợ du khách dọc đường đi và phải đến trước để chắc chắn trà đã được đun sôi khi cả đoàn đến trại.
Nghề này đã trở thành kế sinh nhai của nhiều thế hệ Sherpa sống tại đây. Kami Rita (50 tuổi), người giữ kỷ lục chinh phục đỉnh Everest 23 lần, cho biết các thành viên trong cộng đồng của anh buộc phải học cách leo lên những ngọn núi nguy hiểm để nuôi sống gia đình.
“Leo núi và trở thành một hướng dẫn viên là cách kiếm sống cho những người mù chữ như tôi", Rita nói vớiSBS.
Nếu không có người Sherpa, những nhà leo núi khó có thể đến được đỉnh. Ảnh:Time Magazine. |
TheoCNN, người Sherpa thường được coi là những người đồng hành tốt nhất, kiên cường nhất của các tay leo núi. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra một số tiền đắt đỏ để thám hiểm nóc nhà của thế giới. Một hướng dẫn viên bình thường có thể kiếm được 4.000 -5.000 USDtrong hai tháng. Những người có kinh nghiệm lâu năm sẽ được trả mức phí cao hơn.
Một nghiên cứu của Mỹ vào năm 1976 đã kết luận rằng bộ tộc Sherpa là những người phi thường vì có thể kiểm soát và tận dụng oxy tốt dù thường xuyên tiếp xúc với độ cao của đỉnh Everest. Thiếu oxy là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng say độ cao và tỷ lệ tử vong cao.
Trải qua hàng nghìn năm, cơ thể của người Sherpa đã phát triển và biến đổi gene để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sống thiếu thốn tại đây. Đó là nguyên nhân giúp họ sống được trong bầu không khí loãng của dãy núi cao nhất thế giới.
Sinh nghề tử nghiệpTháng 4/2014, một trận lở tuyết đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 16 hướng dẫn viên leo núi người Sherpa. Đây là thảm họa chết chóc nhất từng diễn ra trên đỉnh Everest.
Chinh phục Everest là giấc mơ của không ít nhà leo núi nhưng cũng là một cái bẫy chết người.
Norbu Tshering (56 tuổi), một người dẫn đường hiện sống ở Katlahoma, cho biết hiện tại anh chỉ mong có một cuộc sống bình thường. Người đàn ông 56 tuổi trông già hơn so với tuổi thật với mái tóc trắng, làn da nhăn nheo, tối màu và bàn tay gồ ghề sau nhiều năm làm việc vất vả.
"Nhưng nếu không làm nghề này, tôi không có công việc nào khác. Hầu hết cộng đồng của chúng tôi đều làm công việc này, giờ đây nó đã trở thành một truyền thống với tất cả chúng tôi", Tshering nói vớiCBC.
Hiếm khi có năm nào trôi qua mà không có ít nhất một người chết trên Everest. Ảnh:National Geographic. |
Là những người đầu tiên khám phá đỉnh Everest, họ thường xuyên phải đối mặt với tuyết lở, chứng say độ cao, thiếu oxy và cái lạnh buốt giá khi mới vào nghề.
"Rủi ro đối với người Sherpas cao gấp đôi so với những nhà leo núi bình thường. Cái chết và thương tích là một phần cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi mất rất nhiều đồng nghiệp của mình nhưng phải mau chóng vực dậy tinh thần để tiếp tục công việc", Nima Tenzing (36 tuổi), hiện điều hành một cửa hàng bán dụng cụ trekking ở Katlahoma, bày tỏ.
Đa số hướng dẫn viên leo núi đều là đàn ông Sherpa, phụ nữ hiếm khi được khuyến khích làm công việc này. Thay vào đó, nhiệm vụ chính của họ là chăm sóc gia đình và buôn bán đồ ăn, nước uống cho khách du lịch.
Xã hội Sherpa vẫn còn khá gia trưởng. Phụ nữ được mặc định là người phải ở nhà để chăm sóc gia đình. |
Vì sự nguy hiểm và cái giá phải trả quá đắt, nhiều người Sherpa quyết định không để con cái nối dõi nghề này. "Chúng ta nên cho trẻ em một nền giáo dục tốt chứ không phải đặt chúng vào tình trạng nguy hiểm như vậy", Kami Rita cho hay.
Tuy vất vả nhưng công việc này cũng mang lại cho người Sherpa một cuộc sống sung túc. Họ từng là những người từng có cuộc sống nghèo nàn và cô đơn nhất ở Nepal, nhưng giờ đây, họ cũng đã có trường học, điện thoại di động và tầng lớp xã hội riêng biệt.
Nhiều gia đình Sherpa có khả năng cho con cái học tập tại một nền giáo dục tốt. Hơn 5.000 người Sherpa đang sống ở nước ngoài, một nửa trong số đó ở New York (Mỹ), Australia, Anh và Đức.
Thời gian trôi qua, khá nhiều người trẻ trong bộ tộc Sherpa đã không còn nối nghề truyền thống của tổ tiên mà tìm một hướng đi của riêng mình. Ảnh:National Geographic.
|
Nhiều cựu hướng dẫn viên leo núi hiện làm nghề lái xe taxi. Những người khác đã mở các doanh nghiệp liên quan đến trekking.
Tất cả điều đó đều nhờ vào sự phát triển của ngành leo núi ở đỉnh Everest, nơi mang lại hàng chục triệu USD cho Nepal mỗi năm.
"Người Sherpa kiếm được nhiều tiền hơn hầu hết người dân trong nước. Nếu người nước ngoài không đến thì chúng tôi sẽ mất việc. Họ cần chúng tôi và chúng tôi cần họ - đôi bên cùng có lợi. Đây là một công việc giúp tôi nuôi sống gia đình, cho con cái được đến trường", Dawa Dorje (34 tuổi) chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo