Chuyến du xuân của vua quan nhà Nguyễn
Theo một số tài liệu lịch sử, vua Đồng Khánh của triều Nguyễn là bậc đế vương nước Việt khởi phát tục du xuân đầu năm mới.
Những vị hoàng hậu đẹp nhất Trung Hoa / Ai có công xây dựng Tháp Rùa, cầu Thê Húc ở Hà Nội?
Việc du xuân đầu năm vốn là truyền thống của người Việt. Thông thường, các vua Nguyễn bắt đầu du xuân từ ngày 5/1 Âm lịch. Tuy nhiên, việc này không ghi thành điển lễ. Chỉ từ triều Đồng Khánh về sau, các vua nhà Nguyễn mới có lệ “du xuân” ngay trong ngày mùng 1 Tết.
Vua Đồng Khánh và chuyến du xuân dạo phố đầu tiên
Theo sách "Chín đời chúa mười ba đời vua triều Nguyễn", sau khi vua Hàm Nghi ra ngoài phát động phong trào Cần Vương, chính quyền thực dân đưa vua Đồng Khánh lên ngai vàng vào tháng 7/1885. Tuy vậy, dư luận lúc ấy cho rằng vua Đồng Khánh thực chất đang bị người Pháp giam lỏng trong hoàng cung.
Để thuyết phục dân Huế rằng nhà vua không bị giam hãm, cuối năm ấy, đại diện chính phủ Pháp ở Huế tổ chức du xuân cho nhà vua nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1886.
Vào 14h ngày mùng 1 Tết Bính Tuất (1886), vua Đồng Khánh từ điện Càn Thành ngự ra điện Cần Chánh. Quần thần, hầu cận, đoàn Ngự đạo đã chờ sẵn tại đây. Sau 7 phát súng lệnh bắn ra trên Kỳ Đài, đoàn Ngự đạo đi ra khỏi Đại Nội bằng cửa Đại Cung Môn của Tử Cấm Thành, rồi Cửa Ngọ Môn của Hoàng Thành.
Vua ngồi trên kiệu sơn son thếp vàng do đội lính loan giá gánh đi. Quanh kiệu mở thoáng để cho dân chúng nhìn thấy "mặt Rồng". Mọi thành viên trong đoàn đều mặc lễ phục, mọi thứ, kể cả voi ngựa, đều được trang sức rực rỡ.
Đoàn ngự đạo gồm các ban quân nhạc và lính Pháp rồi đến ban nhạc của triều đình, quan lại mang kiếm, kẻ hầu người cầm lọng, đồ nghi trượng. Kiệu vua đi giữa đoàn ngự đạo. Bên phải và bên trái kiệu là viên tướng Prudhomme và đại tá Brissaud của thực dân Pháp cưỡi ngựa. Sau kiệu vua là những người thổi kèn clarinette và các hoàng thân, quan cao cấp và sĩ quan Pháp…
Du xuân thời Nguyễn.
Đoàn ngự đạo rầm rộ ra khỏi Ngọ Môn thì rẽ trái ra ngoài kinh thành bằng cửa Đông Ba, đi ngang trước chùa Diệu Đế, trở về hướng cầu Gia Hội và tiến lên cửa Thượng Tứ. Khi đến Viện Thương Bạc, nhà vua xuống kiệu vào thăm xã giao quân dinh của tướng Prudhomme.
Chào đón nhà vua, 21 phát đại bác được bắn ra từ một pháo thuyền trên sông Hương gần đó. Một bữa tiệc đã được dọn sẵn, mọi người, cả tây lẫn ta, từ vua quan đến lính tráng, đều ăn uống vui vẻ.
Đến 17h, buổi tiệc kết thúc. Đoàn Ngự đạo trở lại hoàng thành, vào Đại Nội bằng cửa Ngọ Môn. 3 phát súng lệnh bắn trên kỳ đài để báo hiệu hết lễ du xuân.
Trong suốt buổi du xuân của nhà vua hôm ấy, phủ Thừa Thiên đã lệnh cho dân chúng trên các tuyến đường vua đi qua, đều phải bày hương án, trang hoàng đẹp, treo cờ, thắp hương trầm, vái lạy chào mừng.
Du xuân, lễ lạt của vua triều Nguyễn
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đàn Nam Giao là lễ tế quan trọng nhất, đứng đầu trong bậc Đại tự trong dịp đầu xân năm mới của vua triều Nguyễn. Không gian tổ chức lễ tế diễn ra từ hoàng cung đến tận đàn Nam Giao ở ngoại ô phía nam kinh thành, kéo dài trong suốt mấy ngày liền.
Tế Nam giao dưới thời Nguyễn là hình thức hợp tế (tế tự chung cả trời đất và các vị thần linh), thường được tổ chức vào tháng trọng xuân hàng năm (tháng 2 Âm lịch, từ năm 1839-1848 lại tế vào tháng quý xuân - tháng 3 Âm lịch).
Từ thời Thành Thái trở đi, lễ tế Nam Giao được quy định 3 năm tổ chức một lần do quá tốn kém. Lực lượng tham gia thường gồm hàng nghìn người, cộng với sự tham gia đông đảo của nhân dân các làng xã dọc theo tuyến đường từ kinh thành lên đàn tế.
Sau lễ tế đàn Nam Giao là lễ tế Xã Tắc. Đây là một trong những tế lễ lớn và có tầm quan trọng trong hoạt động của nền quân chủ phong kiến. Nó vừa mang ý nghĩa tôn giáo tín ngưỡng vừa mang màu sắc chính trị.
Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu. Có khi, nhà vua đích thân làm chủ tế, cũng có lần cử quan khâm mạng đại thần thay thế.
Tịch Điền là lễ cày ruộng đầu năm mới của nhà vua, được tổ chức tại ruộng ở kinh đô (phía bắc bên trong kinh thành, gần đàn Tiên Nông). Lễ cày ruộng được tổ chức cũng vào dịp Tết Nguyên Đán.
Nhà vua cùng các quan đến khu ruộng Tịch Điền. Trước đó, từ sáng sớm, quan Phủ doãn phủ Thừa Thiên phải đến tế tại đàn Tiên Nông. Sau khi nhà vua đích thân cày 6 luống đầu tiên, ông sẽ ra ngự tại điện Quan Canh (trong vườn Thường Mậu) để xem các quan cày ruộng.
Lần lượt quan theo thứ bậc sẽ cày các luống tiếp theo. Đây là nghi lễ đầu năm của triều đình nhằm khuyến khích nhân dân chăm lo việc nông trang.
Cày ruộng tịch điền là lễ hội cung đình rất giàu chất nhân văn, xuất phát từ yêu cầu thực tế của đất nước nông nghiệp.
Trong số các hoàng đế nhà Nguyễn, Bảo Đại là vị vua có thú du xuân khác biệt, do tiếp xúc văn hóa châu Âu, hưởng thụ nền giáo dục từ nước Pháp.
Sau khi làm lễ thiết triều ở điện Thái Hòa, vua Bảo Đại cùng Nam Phương Hoàng hậu đến vấn an, chúc thọ bà Từ Cung. Vốn yêu thể thao, vua Bảo Đại rất thích môn chơi quý tộc. Chiều mùng 1 hoặc sáng mùng 2 Tết, vua đánh golf ở vùng đồi núi Dạ Lê (nay là phường Dạ Lê, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bằng chứng hiếm có về tục lệ ăn thịt người thời cổ đại
5 loại gỗ đắt nhất thế giới: Việt Nam có 1 loại nổi tiếng khắp thế giới, giá 2,3 tỷ/kg
Rùng mình tục lệ ăn thịt người chết ở rừng Amazon
Khai quật lăng mộ lãnh chúa 1.200 tuổi chứa đầy vàng ở Panama
Loài chó ‘biết hát’ cực kì quý hiếm hồi sinh sau 50 năm tưởng đã tuyệt chủng
CLIP: Cảnh tượng đáng kinh ngạc, bọ ngựa tóm gọn chim ruồi trong chớp mắt
Cột tin quảng cáo