Thời dân quốc có rất nhiều chuyện vô cùng kỳ quái, nhưng có lẽ vụ ly hôn giữa thái giám và kỹ nữ là vụ án kỳ lạ nhất.
Cuối
triều Thanh, có vị
thái giám tên Trương Tĩnh Hiên, về già xuất cung sống một mình. Trương thái giám tuổi cao sức yếu, một mình đơn chiếc nên muốn tìm một người vợ ở chung. Thông qua bà mối giới thiệu, ông quen một kỹ nữ tên là Trình Nguyệt Trinh. Mẹ của Trình Nguyệt Trinh ra điều kiện, nếu vị thái giám bỏ 300 lượng bạc để chuộc thân cho Trình Nguyệt Trinh, thì con gái bà sẽ được gả cho vị thái giám đó. Trương thái giám đã đồng ý và đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của bà mẹ. Trình Nguyệt Trinh chính thức trở thành vợ của Trương thái giám.
Sau hơn 1 năm chung sống, cách mạng Tân Hợi nổ ra. Vương triều đại Thanh sụp đổ. Với thân phận là thái giám vốn đã bị chê cười thì nay Trương Tĩnh Hiên càng bị người ta coi thường. Hai mẹ con nhà Trình Nguyệt Trinh bèn tính cách bỏ đi. Nhân một lần vị thái giám ra ngoài có khách, hai mẹ con đã lẳng lặng lấy đồ đạc và bỏ đi. Trương thái giám về nhà tìm khắp nơi không thấy vợ đâu.
Đột nhiên, một hôm vị thái giám này nhận được một tờ tráp của tòa án vì vợ ông đã đệ đơn ly hôn lên tòa. Trình Nguyệt Trinh mời luật sư số một lúc bấy giờ là Tào Nhữ Lâm đứng ra giúp mình. Thay mặt thân chủ, Tào Nhữ Lâm đã đưa ra những lý do ly hôn như sau:
Thứ nhất, Trương Tĩnh Hiên thân là thái giám mà lại lấy vợ là làm tổn hại phong hóa, không có đạo đức. Thứ hai, Trương Tĩnh Hiên tính tình cục súc, nên Trình Nguyệt Trinh không chịu nổi. Thứ ba, Trương Tĩnh Hiên trước khi nhập cung đã từng lấy vợ, vợ cả chưa bỏ, giờ lại lấy thêm vợ bé, nên đã cấu thành tội lấy nhiều vợ.
Tại phiên tòa, hai bên đều có lý luận sắc bén, lời nói đanh thép để bảo vệ quyền lợi của mình. Trương thái giám không đồng ý ly hôn nếu như Trình Nguyệt Trinh không trả lại cho ông ta 300 lượng bạc là khoản tiền chuộc thân và số vàng bạc châu báu đã lấy đi. Tào Nhữ Lâm thì nói rằng thân thể con người không liên quan đến tiền bạc. Trước đây, triều Thanh còn cấm huống hồ bây giờ là dân quốc. Nếu như yêu cầu Trình Nguyệt Trinh hoàn trả 300 lượng bạc tiền chuộc thân thì đã công nhân việc mua bán người. Mà giải quyết việc ly hôn lại không liên quan gì đến chuyện này. Vì thế, khoản tiền chuộc thân cho Trình Nguyệt Trinh đã không được bồi thường. Còn những món đồ mà Trình Nguyệt Trinh mang theo khi bỏ đi, trong đó là vật phẩm và đồ nữ trang của cô ấy, nên lẽ đương nhiên phải thuộc về cô ấy.
Trương Tĩnh Hiên lại nói, trước khi Trình Nguyệt Trinh xuất giá món tiền chuộc thân và trả nợ đều có giấy tờ làm chứng. Tào Nhữ Lâm lại phản bác, ban đầu việc Trương Tĩnh Hiên bỏ tiền ra để chuộc thân và trả nợ cho Trình Nguyệt Trinh là hoàn toàn tự nguyện. Tuy Trình Nguyệt Trinh được Trương thái giám trả hộ món nợ nhưng cũng đã dùng sức lao động làm công cụ trả nợ. Sau khi Trương thái giám lấy Trình Nguyệt Trinh, tài sản của hai vợ chồng sẽ là của chung. Bất kể trước đây tài sản cá nhân có bao nhiêu, nhưng sau hôn nhân tài sản đều thuộc sở hữu chung. Vì thế, món nợ Trình Nguyệt Trinh nợ Trương thái giám cũng vì thế mà hiển nhiên không còn. Tào Nhữ Lâm tiếp tục chỉ ra, trước khi Trương Tĩnh Hiên vào cung làm thái giám đã từng lấy vợ. Người vợ hiện nay vẫn khỏe mạnh, vậy mà chưa ly hôn đã đi lấy vợ mới là phạm tội bất nghĩa.
Trên phiên tòa, Tào Nhữ Lâm đã dùng những từ ngữ hoàn toàn mới như: Tự do, đạo đức làm người, làm hại đến phong hóa... để tiến hành lập luận với giọng điệu đanh thép. Cuối cùng toà án quyết định phê chuẩn án ly hôn giữa thái giám và kỹ nữ với đa số những đề xuất do luật sư bên nguyên đưa ra. Nhưng tòa cũng cho rằng, việc vàng bạc châu báu Trình Nguyệt Trinh mang theo là không có cơ sở, và phải phân kỳ hoàn trả lại cho Trương Tĩnh Hiên thái giám. Sau vụ ly hôn nổi tiếng kỳ lạ này, hai cụm từ kỹ nữ, thái giám đã khiến cho người ta bàn tán rất lâu.
Theo Thu/Khỏe & Đẹp