Khám phá

Chuyện lạ: Thằn lằn khổng lồ có "hai dương vật"

Các nhà sinh vật học vừa công bố phát hiện một loài thằn lằn khổng lồ sống trên đảo Luzon, Philippines, điều kỳ lạ là thằn lằn giống đực được trời phú cho hai dương vật.

Kỳ lạ loài thằn lằn máu xanh ở New Guinea / CLIP: Lialis burtonis - Loài thằn lằn không chân thường bị nhầm là rắn

Loài thằn lằn mới thuộc họ kỳ đà (Varanidae), được đặt tên là Varanus bitatawa, có quan hệ họ hàng với rồng Komodo (Varanus komodoensis) - loài thằn lằn lớn nhất thế giới hiện nay sống trên đảo Komodo, Indonexia.
Loài Varanus bitatawa

Thằn lằn Varanus bitatawa trưởng thành có thể đạt chiều dài tới 2m, trên cơ thể được trang trí những sọc vằn với các đốm màu vàng, vũ khí lợi hại của nó những móng vuốt to lớn, cong giúp thuận lợi cho việc leo trèo tìm kiếm trái cây.

“Những tin đồn về sự tồn tại của một loài thằn lằn khổng lồ và một số đầu mối đã thu hút sự tìm kiếm của chúng tôi trong 10 năm qua”, giáo sư Rafe Brown công tác tại ĐH Kansas (Mỹ) nói trên tạp chí trực tuyến Discovery News.

Ông và các đồng nghiệp đã bắt được một con thằn lằn trưởng thành tại một khu rừng ở phía bắc đảo Luzon, bắc Philippines. Họ nghiên cứu giải phẫu và trình tự ADN, kết quả cho thấy đây là một loài thằn lằn mới, thuộc chi Varanus và cũng là một trong ba loài thằn lằn ăn trái cây trên thế giới. Những mô tả về loài thằn lằn này đã được đăng trên số ra mới nhất của tạp chí Sinh học Biology Letters của Hiệp hội Hoàng gia Anh.

Theo tạp chí Heraldsun (Úc), một trong những giải thích lý do tại sao thằn lằn Varanus bitatawa mãi đến bây giờ mới được khám phá là nó không bao giờ rời khỏi khu rừng phía sau dãy núi Sierra Madre, đảo Luzon, Philippines.

Qua nghiên cứu, giáo sư Brown cho biết thằn lằn Varanus bitatawa có giải phẫu học tính dục (sexual anatomy) bất thường. Cũng giống như ở một số loài rắn và thằn lằn khác, thằn lằn Varanus bitatawa giống đực có hai dương vật, được gọi là hemipenes. Hai dương vật này thường được sử dụng cho sự thay đổi luân phiên, đôi khi trên dương vật có gai và móc có tác dụng giữ chặt con cái trong quá trình giao phối.

 

Việc tìm thấy loài thằn lằn này được các nhà khoa học cho là hiếm có, có thể so sánh với những phát hiện quan trọng trong thập kỷ qua như khỉ Kipunji sống trong phạm vi hẹp của một khu rừng ở Tanzania, châu Phi và đặc biệt là loài Sao la Pseudoryx nghetinhensis (thuộc phân họ Trâu bò - bovine) chỉ sống trong những khu rừng ở Việt Nam và Lào.

“Khám phá trên cho thấy đảo Luzon, Philippines là một điểm nóng toàn cầu về đa dạng sinh học cần được bảo vệ. Chúng tôi nghi ngờ có hàng chục loài động vật có xương sống nhỏ như bò sát, lưỡng cư, và có thể là chim, động vật có vú đang chờ đợi chúng ta phát hiện trong tương lai ở các khu rừng phía bắc của Philippines, nơi đang bị đe dọa bởi nạn phá rừng, khai thác gỗ, khai mỏ và thiếu kiến thức về đa dạng sinh học”, giáo sư Brown phân tích.

1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm