Khám phá

Kỳ lạ loài thằn lằn máu xanh ở New Guinea

Những con thằn lằn có máu màu xanh có thể dài tới 30 cm sống trong các khu rừng nhiệt đới trên đảo New Guinea, một hòn đảo nằm phía Tây Nam Thái Bình Dương.

Giật mình món ăn dị thường của bộ lạc trong rừng già Amazon / Cây 9.550 tuổi cổ nhất thế giới có từ kỷ Băng Hà

Sáu loài thằn lằn ở đảo New Guinea được phát hiện có máu màu xanh lá do một sự tiến hóa kì lạ. Máu của chúng cùng với lưỡi, cơ và xương xuất hiện màu xanh lá cây do chứa một lượng sắc tố Biliverdin vô cùng lớn.

Nồng độ cao Biliverdin đã áp đảo màu đỏ của hồng cầu khiến máu loài thằn lằn ở New Guinea biến thành màu xanh. Ảnh: Dailymail.

Nồng độ cao Biliverdin đã áp đảo màu đỏ của hồng cầu khiến máu loài thằn lằn ở New Guinea biến thành màu xanh. Ảnh: Dailymail.

Biliverdin là một sắc tố màu xanh thường được tìm thấy trong mật, là sản phẩm phụ trong quá trình tạo hồng cầu mới. Chất này thường được đào thải qua thận và bài tiết vì nó độc hại. Nếu thận có vấn đề thì Biliverdin có thể tích tụ trong hệ thống tuần hoàn, dẫn đến bệnh vàng da. Nồng độ Biliverdin càng cao thì màu xanh càng trở nên đậm hơn. Một số con thằn lằn ở New Guinea có máu xanh cực kỳ tươi sáng do nồng độ chất này trong cơ thể chúng gấp 40 lần ở người.

 Khu vực phát hiện ra loài thằn lằn máu xanh. Ảnh: DailyMail.

Khu vực phát hiện ra loài thằn lằn máu xanh. Ảnh: DailyMail.

Các nhà khoa học vẫn đang suy đoán nguyên nhân vì sao loài thằn lằn ở New Guinea lại tích tụ chất độc này trong máu chúng. Bằng cách lập bản đồ tiến hóa của thằn lằn New Guinea, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tổ tiên của thằn lằn máu xanh vốn có máu đỏ và hiện tượng này có thể xuất hiện độc lập ở các loài thằn lằn khác nhau.

Theo tiến sĩ Christopher Austin thuộc Đại học bang Louisiana, màu máu bất thường không phải là một sự đột biến mà là một đặc tính có lợi cho sự tồn tại của các loài thằn lằn trên đảo New Guinea.

Ở người, nồng độ Biliverdin trong máu cao đôi khi sẽ giết ký sinh trùng sốt rét. Austin nghĩ rằng đó có thể là lý do tại sao máu thằn lằn ở New Guinea biến thành màu xanh vì sốt rét là một vấn đề đối những loài thằn lằn ở đây. Đây có thể là kết quả của sự tiến hóa cố gắng giết ký sinh trùng sốt rét ở thằn lằn hoặc có thể do trong quá khứ thằn đã bị nhiễm rất nhiều và đây là phản ứng của cơ thể chúng để chống lại ký sinh trùng.

Trong thế giới tự nhiên, không hiếm những loài động vật có máu không phải màu đỏ. Mực và bạch tuộc cũng có máu màu xanh. Cá da trơn ở Nam Cực có máu trong suốt, trong khi động vật giáp xác nhỏ ở Hồ Baikal ở Siberia có máu màu xanh, đỏ hoặc xanh lục.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm