Khám phá

Chuyến tàu tới nơi tận cùng thế giới

Đi qua dãy Andes (dài hơn 7000 km) tới tận phần cực Nam của Nam Mỹ, có một thành phố xinh đẹp và đầy màu sắc mang tên Ushuaia.

Top 8 địa điểm tuyệt đẹp, ai cũng muốn đến 1 lần trong đời / Những địa điểm đẹp ngỡ ngàng trên “đảo ngọc” Ireland

Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp tại Isla Grande de Tierra del Fuego. Ảnh: Deensel/Flickr.
Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp tại Isla Grande de Tierra del Fuego. Ảnh: Deensel/Flickr.

Bên ngoài vùng ngoại ô của thành phố lại có một tuyến đường sắt hơi nước khổ nhỏ, ban đầu được xây dựng để phục vụ hoạt động của trại trừng giới (penal colony) ở Ushuaia. Hiên tại, nó vẫn đang vận hành mỗi ngày, đưa đón du khách thưởng ngoạn dọc thung lũng Pico, những cánh rừng rậm, hẻm núi Toro và khu công viên quốc gia đẹp như tranh vẽ.

Isla Grande de Tierra del Fuego, hòn đảo nơi Ushuaia tọa lạc, là một vùng đất bị thuộc địa hóa vào loại muộn nhất ở châu Mỹ. Nó được phát hiện lần đầu năm 1520 bởi đoàn thám hiểm của Ferdinand Magellan (1480 – 1521), và cũng chính ông đã đặt tên cho quần đảo là “Tierra del Fuego” (mang nghĩa Vùng đất của Lửa trong tiếng Tây Ban Nha) khi nhìn thấy ánh lửa và khói bốc lên từ các khu định cư của thổ dân da đỏ. Những nỗ lực đổ bộ của người di dân châu Âu mang theo một số loại mầm bệnh chết người như đậu mùa, sởi… đã gần như quét sạch người bản địa (không có khả năng miễn dịch). Tuy nhiên, phải mãi đến nửa sau của thế kỷ XIX, làn sóng người định cư và truyền giáo đầu tiên mới thật sự rõ rệt, tạo nên thành phố như chúng ta vẫn biết hôm nay.

Ảnh: Ksenia Ragozina/Shutterstock.com.
Ảnh: Ksenia Ragozina/Shutterstock.com.

Cuối thế kỷ XIX đầu XX, Isla Grande de Tierra del Fuego được Chính phủ Argentina trưng dụng để xây dựng trại trừng giới và giam giữ những tên tội phạm nguy hiểm nhất. Nhà tù được thiết kế theo phong cách panopticon (viên hình giám ngục) với các nhánh tỏa ra như nan hoa xe đạp, ở giữa có một tháp canh trung tâm để quản giáo có thể từ đó quan sát mọi nhất cử nhất động của tù nhân. Chính bởi hòn đảo quá biệt lập, cho nên việc đào thoát khỏi đó gần như là điều bất khả. Năm tháng trôi qua, những tù nhân dần trở thành cư dân bất đắc dĩ của Isla Grande de Tierra del Fuego. Họ đã cùng nhau xây dựng thị trấn với gỗ lấy từ rừng và nhiều vật liệu khác tương đối sẵn xung quanh trại. Ngoài ra, họ còn làm cả đường ray chạy dọc bờ biển đến tận bìa rừng để phục vụ hoạt động vận chuyển. Ban đầu, đường ray được làm chủ yếu bằng gỗ, phù hợp với các toa xe bò kéo. Năm 1909, toàn bộ hệ thống được nâng cấp, sử dụng đường ray thép khổ nhỏ và đầu máy hơi nước. Về sau, do gỗ bị khai thác cạn kiệt để mở rộng nhà tù và thị trấn, tuyến đường ngày càng được kéo dài, đi vào tận sâu trong rừng, qua thung lũng Pipo và nhiều đồi núi cao… Người ta thường gọi chuyến tàu bằng cái tên Tren de los Presos (hay Chuyến tàu của những người tù).

 

Tuyến đường sắt Nam Fuegian hay Tren del Fin del Mundo đang hoạt động để phục vụ du khách. Ảnh: Colm Linehan/Flickr.
Tuyến đường sắt Nam Fuegian hay Tren del Fin del Mundo đang hoạt động để phục vụ du khách. Ảnh: Colm Linehan/Flickr.

Năm 1947, nhà tù ở Ushuaia bị đóng cửa vĩnh viễn, và chính quyền Argentina đã cho thiết lập một căn cứ hải quân tại đây từ năm 1950. Mặc dù vậy, thành phố vẫn ở trong tình trạng tương đối biệt lập so với phần còn lại của thế giới, mãi đến khi kết thúc cuộc chiến Falkland (hòn đảo tranh chấp giữa Anh và Argentina) năm 1982 (với chiến thắng thuộc về quân đội Anh thời Margaret Thatcher) – dẫn tới sự sụp đổ của chế độ độc tài quân phiệt và tái lập nền dân chủ ở Argentina. Tuyến đường sắt bị quên lãng suốt một thời gian dài được xây dựng lại, sử dụng khổ 50 cm và đi vào hoạt động để khai thác du lịch. Nó mang tên mới là đường sắt Nam Fuegian hay Tren del Fin del Mundo (Chuyến tàu tại nơi tận cùng thế giới).

Ảnh: Deensel/Flickr.
Ảnh: Deensel/Flickr.

Hiện tại, Tren del Fin del Mundo vẫn đang miệt mài chở khách mỗi ngày, thăm quan cảnh sắc tuyệt đẹp của khu công viên quốc gia Tierra del Fuego, đi qua những khúc sông, rừng rậm và cánh đồng xanh mướt… Hành khách cũng có cơ hội viếng thăm khu nhà tù cũ – đã được cải tạo làm nhà ga chính, và đi tản bộ dọc theo tuyến đường ray ban đầu do các tù nhân xây dựng.

 

Đi xa hơn về phía Nam vĩ độ 45°S, bất chấp thời tiết khắc nghiệt của khu vực vùng biển Roaring Forties, con người vẫn tiếp tục hiện diện tại những thành phố, thị trấn, trạm khí tượng, căn cứ quân sự… “Thành phố ở tận cùng thế giới” là khẩu hiệu thường được sử dụng để thu hút du khách đến với các khu định cư cực Nam này. Có ba nơi hiện đang cùng tranh giành danh hiệu đó: Ushuaia (gần 60 ngàn dân) ở Argentina, Punta Arenas (hơn 127 ngàn dân) và Puerto Williams (hơn 5 ngàn dân) đều của Chile, trong đó Puerto Williams mới chính là thị trấn nằm xa nhất về phía cực nam chứ không phải Ushuaia. Ngoài ra, một số khu định cư khác còn nằm gần Nam Cực hơn cả ba địa danh trên, nhưng không nơi nào có quy mô dân số đủ lớn để được xếp loại là “thành phố”.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm