Chuyện về cuộc đời danh tướng đã hiến kế giúp Ngô Quyền bày trận trên sông Bạch Đằng
'Rợn người' trước những khách sạn dành cho... tử thi / Choáng với những nhà vệ sinh bất thường và kỳ lạ nhất trên thế giới
Sông Bạch Đằng xưa là con sông rộng lớn, sông sâu, sóng dữ. Khi nước thủy triều lên, cảnh quan khu vực sóng nước mênh mông hùng vĩ xen kẽ các chỏm đá vôi cao vút, hai bên bờ là rừng cây bao phủ nên sông còn mang "tên Nôm" giản dị là Sông Rừng vì địa thế rất hiểm yếu.
Trong sách Cương mục có đoạn mô tả như sau: "Sông rộng hơn hai dặm, ở đó có núi cao ngất, nhiều nhánh sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến".
Đời sau, có nhiều nhân vật danh tiếng đã viết về sông Bạch Đằng, như vào thời Hậu Lê, khi qua sông Bạch Đằng, Nguyễn Trãi đã có câu tả về dòng sông ấy như sau:
Quan hà bách nhị do thiên thiết,
Hào kiệt công danh thử địa tằng.
Nghĩa là:
Cửa sông xung yếu do trời đặt, hai người chống cả trăm người,
Những bậc anh hùng xưa kia từng lập công ở đất này.
Đại chiến trên sông Bạch Đằng (Hình minh họa - Nguồn: sangtao.org)
Trong sách Địa lý chí, Nguyễn Trãi cho cho biết sông Bạch Đằng có:
"...Tên gọi khác là sông Vân Cừ, rộng hơn 2 dặm, ở đó có nhiều núi cao ngất, nhiều ngành sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến, thực là một nơi hiểm yếu về đường biển. Ngô vương Quyền đời Tiền Ngô đánh bại Hoằng Tháo, Hưng Đạo vương đời Trần chiến thắng quân Nguyên đều ở trên sông Bạch Đằng này".
Sách Lịch sử Việt Nam có đoạn viết rằng: "Trận địa cọc là một nét độc đáo của trận Bạch Đằng phá quân Nam Hán và cũng là một sáng tạo rất sớm trong nghệ thuật quân sự Việt Nam mà người khởi xướng là Ngô Quyền".
Hình minh họa
Những dữ liệu về cuộc thủy chiến trên sông Bạch Đằng trong chính sử không có nhiều, dã sử và thần tích cũng như truyền tụng trong dân gian cho chúng ta biết thêm một số chi tiết quý.
Theo đó việc bố trí trận địa đánh giặc không chỉ dựa vào địa hình thiên nhiên, mà còn biết lợi dụng cả chế độ thủy triều và vùng cửa sông, vùng hạ lưu sông Bạch Đằng được Ngô Quyền chọn làm chiến trường chính cho trận quyết chiến.
Theo truyền thuyết và nội dung một số thần tích, Dương Tam Kha chỉ huy đạo quân bên tả ngạn, Ngô Xương Ngập và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy đạo quân bên hữu ngạn, mai phục ở hai bên bờ sông để cùng phối hợp với thủy binh đánh tạt ngang vào đội hình quân địch và sẵn sàng tiêu diệt số quân địch trốn chạy lên bờ.
Các nhà nghiên cứu lịch sử còn suy đoán rằng, ngược lên phía thượng lưu có lẽ có một đạo thủy quân mạnh phục sẵn làm nhiệm vụ chẹn đầu, chờ khi nước xuống sẽ xuôi dòng đánh vỗ mặt đội binh thuyền của địch.
Bàn kế sách đánh giặc ngoại xâm (Hình minh họa – Nguồn: internet)
Chính sử viết như sau: "Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: "Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi.
Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao.
Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát". Định kế rồi, bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa biển" (Đại Việt sử ký toàn thư).
Về người đã hiến kế cho Ngô Quyền chặn đánh giặc ngay từ khi chúng theo đường biển tiến vào nước ta, đó là tướng Kiều Công Hãn quê ở châu Phong (nay thuộc Phú Thọ), xuất thân từ gia đình có thế lực nhiều đời làm hào trưởng tại vùng này, cha là Kiều Công Chuẩn, ông nội là Kiều Công Tiễn.
Kiều Công Tiễn là hào trưởng châu Phong, sau theo Dương Đình Nghệ làm tướng và trở thành con nuôi của họ Dương.
Dân phu đang đốn gõ tạo cọc. Hình minh họa
Trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Nam Hán xâm lược do Dương Đình Nghệ lãnh đạo kể từ cuối năm Qúy Mùi (923) đến cuối năm Tân Mão (931), Kiều Công Tiễn có đóng góp công sức.
Tuy nhiên về sau vì ham quyền vị mà vào tháng 3 năm Đinh Dậu (937), Kiều Công Tiễn đã giết chết cha nuôi để đoạt chức Tiết độ sứ.
Hành động của Kiều Công Tiễn khiến trong nước bất bình, nghe tin con rể Dương Đình Nghệ đang dẫn quân ra báo thù, Kiều Công Tiễn hoảng sợ sai người sang Nam Hán cầu viện.
Người con trai là Kiều Công Chuẩn can ngăn cha không được đã viết thư kể tình hình quân Nam Hán sắp kéo sang rồi sai con là Kiều Công Hãn mang vào Ái châu (Thanh Hóa ngày nay) đưa tận tay Ngô Quyền; sau đó ông dẫn hai con nhỏ là Kiều Thuận và Kiều Công Dĩnh đi ở ẩn.
Thấy Ngô Quyền lo quân ít, định chiêu mộ thêm quân để chống giặc, Kiều Công Hãn khuyên rằng:
"Nam Hán là nước nhỏ ở vùng duyên hải, nhân nhà Đường tan rã mà nổi lên chiếm một vùng đất ở phía Đông Nam mà dựng thành nước, quân đội mạnh về thủy chiến. Nếu sang nước ta, tất chúng sẽ lấy đường biển mà tiến, qua sông Bạch Đằng để vào Đại La. Ta nên bày trận đánh chúng ngay khi mới vào cửa sông Bạch Đằng".
Ngô Quyền khen kế đó là hay, liền nghĩ ra thế trận cọc ngầm trên sông Bạch Đằng để tiêu diệt giặc.
Trước thù trong giặc ngoài, Ngô Quyền chủ trương diệt nội phản trước, ông sai tướng Phạm Bạch Hổ nhanh chóng đem quân đánh úp Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn, rồi tự mình dẫn quân ra Bắc, cho Kiều Công Hãn làm tiên phong mang thủy quân vượt biển ra xây đồn trại ở vùng Lương Xâm (nay thuộc huyện Hải An, TP Hải Phòng).
Trong trận đại thắng trên sông Bạch Đằng, Kiều Công Hãn có nhiều công trạng nên khi Ngô Quyền lên ngôi vua lập ra nhà Ngô vào đầu xuân năm Kỷ Hợi (939) đã phong cho ông chức Đề sát.
Về sau ông cùng một số tướng lĩnh khác có công lật đổ Dương Tam Kha, đưa Ngô Xương Văn lên làm vua, lại đón Ngô Xương Ngập về cùng coi việc nước nên được phong làm Giám quốc.
Khi hai vua Ngô lần lượt qua đời vì bệnh tật và bị tử trận, trong nước loạn to. Các sứ quân nổi lên đánh lẫn nhau, Kiều Công Hãn đem quân bản bộ rút về quê hương chiếm cứ châu Phong và hai châu lân cận, xưng là Kiều Tam Chế, trở thành một sứ quân cát cứ.
Sau này bị Đinh Bộ Lĩnh đánh bại, thành Phong Châu thất thủ, Kiều Công Hãn dẫn theo mấy chục tàn quân tìm đường chạy vào châu Ái để liên kết với sứ quân Ngô Xương Xí để tính kế lâu dài, nhưng khi đến vùng An Lá (nay thuộc xã Nghĩa An, huyện Nam Ninh, Nam Định).
Đến đây thì bị thổ hào địa phương là Nguyễn Tấn dẫn thân binh ra đánh, ông bị thương chạy đến làng An Lũng (nay thuộc xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, Nam Định) thì mất, hôm đó là ngày 10 tháng Chạp năm Đinh Mão (967).
Ở nhiều địa phương người dân lập đền thờ Kiều Công Hãn, dân chúng suy tôn là Thần Long Kiều, các triều đại phong là Long Kiều Linh thánh, Chiêu ứng quốc công.
Quân tướng trên sông phá giặc (Hình minh họa)
Có thể nói trận chiến trên sông Bạch Đằng tiếng tăm lừng lẫy chỉ diễn ra trong vòng một ngày, khúc sông loang đỏ máu giặc thù. Đặt trong bối cảnh nước ta nằm dưới ách đô hộ Bắc thuộc kéo dài cả nghìn năm mới thấy hết ý nghĩa lịch sử vĩ đại của trận đại thắng Bạch Đằng.
Đây được coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt trong cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, giành lại độc lập dân tộc mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài, xây dựng đất nước trên quy mô lớn.
Nhà sử học thời Hậu Lê là Ngô Thì Sĩ đã đánh giá: "Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu" (Việt sử tiêu án).
Chính vì vậy, khi ca tụng tài năng, trí tuệ của Ngô Quyền; chúng ta cũng không quên nhắc đến Kiều Công Hãn, người đã hiến kế sách dẫn đến trận đại võ công trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938) thuở nào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo