Chuyện về nàng Tây Thi và Phạm Lãi: Cuộc gặp gỡ định mệnh
Hàn Tử Cao là ai mà được ví kiều diễm hơn Điêu Thuyền, Tây Thi và từng bị đồn là 'nam Hoàng hậu' của Trần Văn Đế? / Bài học về tình yêu chân thành giữa Tây Thi và Phù Sai
Chuyện về nàng Tây Thi, đại phu Phạm Lãi không những được ghi vào Sử mà còn được thêm thắt lưu truyền trong dân gian, được các nhà văn, nhà thơ Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản... khai thác, được cả điện ảnh dựng phim và công chúng rất hâm mộ.
Tây Thi sinh vào khoảng năm 512 trước công nguyên, vốn tên thật là tên thật là Thi Di Quang (Shi Yiguang) lại còn có tên Thi Vân nữa, do ở thôn Tây thuộc làng Trữ La, nên dân làng quen gọi là Tây Thi. Cha nàng là Thi Hoàn, quan đại phu của nước Từ, lánh nạn đến nước Việt, trôi nổi đến làng Trữ La thì dừng, do bén duyên với một thôn nữ xinh đẹp.
Trữ La là một làng quê ven núi rất thơ mộng có những ruộng lúa cheo leo trên sườn núi, có những khe suối róc rách ngày đêm có những rừng thông xào xạc khi gió thổi, có nghề chăn tằm dệt cửi... Quan đại phu Thi Hoàn trút bỏ quan phục cày cấy ruộng vườn, sống hạnh phúc cùng người vợ hiền tần tảo dệt lụa, dệt sa.
Đến khi Tây Thi ra đời, niềm hạnh phúc của họ càng nhân lên. Thi Hoàn dạy dỗ con chữ nghĩa thi ca, đạo đức làm người; kể cả ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) là phẩm chất cho nam nhi nhưng do chỉ có một mình Tây Thi, nên bao nhiêu tri thức ông đều mang ra truyền đạt cho con gái yêu hết.
Lớn lên Tây Thi ngày càng đẹp, Tây Thi thông minh, có tri thức, hiền thục, được bạn bè và xóm làng rất quý mến. Những ngày hội làng nhờ tài múa hát, Tây Thi và các thôn nữ bạn bè đã làm cho không khí làng quê thêm đẹp, thêm vui...
Năm 15 tuổi, Tây Thi trở thành một thiếu nữ đẹp mê hồn, có lần nàng ngồi giặt sa ở con suối Hoán Sa, bầy cá đang nô đùa tung tăng thấy bóng nàng in xuống nước chúng vội vàng lặn sâu xuống đáy để còn lại chỉ bóng nàng được hiển hiện, sau này nhiều người biết chuyện tả vẻ đẹp của nàng gọi nàng là Tây Thi trầm ngư (vẻ đẹp cá lặn).
Trong thôn Tây của nàng còn có một thiếu nữ rất đẹp tên là Trịnh Đán, một người bạn mà sau này số phận cũng gần giống nàng. Còn ở thôn Đông có một nàng họ Thi để phân biệt với Tây Thi người ta gọi là Đông Thi.
Nàng Tây Thi có chứng đau bụng mỗi khi đau ôm bụng nhăn nhó tạo ra một vẻ đẹp khó tả khiến mọi người xúc động, những trang nam nhi chứng kiến thì nảy sinh tình cảm muốn bao bọc, che chở cho nàng. Nàng Đông Thi thấy thế liền bắt trước nhưng do sắc đẹp bình thường, mặt không gợi cảm nên càng nhăn nhó lại gây tác dụng ngược làm cho nàng xấu đi.
Chẳng may bị bạo bệnh, cha mẹ Tây Thi nối nhau qua đời, người lão bộc trung thành của gia đình đảm đương việc nuôi dạy nàng. Lão bộc cũng hết mực thương nàng, coi nàng như con, còn nàng coi ông như cha, gọi là nghĩa phụ.
Tuy thấy con gái nuôi xinh đẹp tuyệt trần nhưng lão bộc rất lo, vì ông hiểu rằng cái tướng mắt buồn luôn chực ứa nước mắt ra là tướng cuộc đời khó suôn sẻ.
Một hôm đi giặt sa về, Tây Thi bị ba kẻ xấu trêu chọc, chúng buông lời cợt nhả, có đứa còn bước sấn tới định cầm tay nàng. Chợt kẻ đó thấy cổ tay tê dại, định thần lại chúng thấy một thanh niên tuấn tú, nho nhã bỗng nhiên xuất hiện đứng cạnh Tây Thi.
Kẻ bị đánh vào tay hùng hổ gọi hai kẻ kia xông vào đánh chàng trai lạ mặt. Không ngờ bọn chúng không địch nổi phải bỏ chạy cả, chàng trai thi lễ rồi hỏi Tây Thi xem có sợ hãi không.
Tây Thi rất cảm động, nàng hỏi tên họ chàng và mời chàng nếu có thể thì đến thăm hàn xá của nàng. Chàng trai nói: Tôi là Phạm Lãi có việc về nhà đi ngang qua đây nay trời sắp tối vậy xin được thăm gia đình nàng.
Tranh minh họa Tây Thi.
Phạm Lãi tự là Thiếu Bá (525 TCN - 455 TCN), lúc đó tuổi chừng 27 - 28 tuổi giữ chức đại phu nước Việt. Tương tuyền, ông là người chí khí hơn người, thông minh tuyệt đỉnh, người chung quanh nhiều khi không hiểu ông gọi là cuồng sĩ.
Hôm đó tài tử gặp giai nhân nên Phạm Lãi rất hưng phấn. Đến nhà Tây Thi người chủ trì đón tiếp là bố nuôi Tây Thi. Là một người theo hầu Thi Hoàn từ lâu, được tiếp xúc với giới quyền quý khá nhiều, cộng thêm kinh nghiệm sống nên ông biết ngay Phạm Lãi không phải là người tầm thường.
Ông sai Tây Thi làm cơm rượu, mời thêm mấy người vai vế trong họ tộc đến dự để việc đón tiếp Phạm Lãi thêm long trọng.
Nàng Tây Thi mới lớn, nhưng linh tính cũng mách bảo với nàng rằng Phạm Lãi chính là người đàn ông lý tưởng của đời nàng. Còn Phạm Lãi, người anh hùng khi bắt gặp ánh mắt cũng đã hiểu nỗi lòng nàng, có dịp là hai người lại nhìn nhau và có lẽ họ như thầm hứa sẽ thuộc về nhau.
Đang lúc vui vẻ thì có quan trấn thủ địa phương và công sai đến tìm Phạm Lãi. Lúc đầu mọi người dự tiệc đều giật mình lo không hiểu chuyện gì xảy ra đến khi họ truyền chỉ Việt vương đòi quan đại phu thượng tướng quân Phạm Lãi hồi triều nhanh vì có chuyện cấp bách, mọi người mới biết thân phận Phạm Lãi.
Phạm Lãi truyền cho quan quân đợi ngoài cổng, chàng cám ơn dân làng rồi tạm biệt Tây Thi bằng ánh mắt đầy yêu thương lưu luyến.
Năm 492 TCN, Ngô vương Phù Sai cùng tướng quốc Ngũ Viên, thái tể Bá Hi và nhiều mãnh tướng thống lĩnh 10 vạn hùng binh giao chiến với Việt vươngCâu Tiễn. Câu Tiễn do 3 năm trước thắng trận Huề Lý, làm Ngô vương Hạp Lư bị thuơng mà chết nên có ý khinh nước Ngô muốn đè bẹp hẳn nước Ngô.
Việt Vương hỏi ý kiến hai đại phu là Văn Chủng và Phạm Lãi để mang quân đánh Ngô nhưng hai người đều can. Câu Tiễn không nghe, giao lại 5.000 giáp sĩ cho Phạm Lãi giữ kinh đô còn mình soái lĩnh quân đội hùng hổ sang bình Ngô.
Nước Ngô mấy năm thao luyện binh tướng, ai cũng quyết chiến nên khi Câu Tiễn vừa đặt chân sang Ngô đã bị thất bại tại Phu Tiêu phải bỏ chạy. Được tin dữ, Phạm Lãi mang nốt 5.000 binh đến cứu nhờ tài cầm quân của ông, cánh quân của ông đã yểm trợ cho Câu Tiễn dẫn tàn quân rút vào cố thủ ở Cối Kê.
Quân Ngô vây chặt mấy vòng với chiến thuật là làm cho quân Việt lương cạn, mệt mỏi mà tự tan rã. Thấy binh thế nguy ngập cả hai trọng thần nước Việt là Văn Chủng và Phạm Lãi nói rõ cho Việt vương chỉ có hai con đường: Một là mang hết tướng sĩ dốc sức đánh một trận và chắc là sẽ hy sinh tất cả, nhưng giữ được danh tiết. Hai là đầu hàng xin làm chư hầu cho nước Ngô để bảo toàn tính mạng.
Câu Tiễn chọn con đường thứ hai, cử Văn Chủng mang thư làm sứ giả đi xin hàng. Khi gặp Ngô vương Phù Sai và văn võ nước Ngô, Văn Chủng nhận ra rằng Phù Sai có cái nhân của đàn bà và tin dùng thái tể Bá Hi là người tham lợi muốn cho nước Việt hàng trong khi tướng quốc Ngũ Viên chủ trương tiêu diệt hẳn nước Việt.
Trong khi chờ quyết định cuối cùng của vua Ngô, Văn Chủng về bàn bạc với Câu Tiễn, Phạm Lãi rồi mang nhiều vàng bạc, mỹ nữ đến tặng cho Bá Hi để Bá Hi nói đỡ với Ngô vương.
Quả nhiên Bá Hi xui Phù Sai ưng thuận cho nước Việt đầu hàng, với điều kiện đích thân vợ chồng Việt vương Câu Tiễn phải sang hầu hạ nước Ngô, kho tàng của cải nước Việt bị sung vào kho vua Ngô...
Việt vương không còn đường nào khác, đành giao tôn miếu xã tắc nước Việt cho Văn Chủng trông coi cho khỏi hoang tàn, còn vợ chồng Câu Tiễn có Phạm Lãi theo hầu sang làm nô bộc gần cung vua Ngô để dễ quản thúc.
Được Bá Hi ngầm chu cấp thức ăn nên vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi có sức để suy nghĩ minh mẫn. Phạm Lãi luôn lựa lời động viên Việt vương, săn sóc hầu hạ chu đáo nên Câu Tiễn duy trì được ý chí phục quốc.
Nhờ tài trí Phạm Lãi xử trí được mọi việc nên vua tôi thoát được lưỡi hái của tử thần và Ngũ Viên (người luôn khuyên Ngô Vương giết Câu Tiễn). Ngũ Viên sau này còn bị Ngô Vương chán ghét, bị thất sủng và cuối cùng bị ban kiếm để tự sát.
Sau mấy năm phục dịch từ chỗ là tử tù bị giam cầm, vua tôi Phạm Lãi chỉ bị giam lỏng làm mã phu quét dọn chuồng ngựa. Rồi tới khi biết Ngô Vương bị ốm, Phạm Lãi bói một quẻ biết là Ngô Vương sắp khỏi và thời vận sẽ sáng sủa liền xin Câu Tiễn thực hiện nước cờ cuối cùng.
Vua tôi Phạm Lãi xin được vào thăm bệnh cho Ngô Vương nhân thể nội thị bưng bô đựng phân Ngô Vương đi qua, Câu Tiễn xin được nếm phân để chẩn bệnh. Sau khi nếm loại chất thải hôi thối đó Câu Tiễn tâu rằng: “Bệnh Ngô Vương sau ba ngày nữa sẽ khỏi, xin chúc mừng”.
Đúng ba ngày sau bệnh Ngô Vương khỏi, cảm động trước hành động của Câu Tiễn lại được Bá Hi nói thêm nên Ngô Vương quyết định tha cho vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi (năm 486 TCN - năm Phù Sai thứ 10).
Như hổ được thả về rừng, vua tôi Phạm Lãi bí mật khẩn trương thực hiện kế hoạch phục thù. Một mặt trong nước, Câu Tiễn thực hiện chính sách cần kiệm để tích lũy quân lương có tiền xây dựng quân đội mạnh.
Câu Tiễn cử Phạm Lãi đi mời xử nữ đánh kiếm nổi tiếng nước Việt là A Thanh đến huấn luyện quân tinh nhuệ. Về đối ngoại, Câu Tiễn vẫn giả vờ cung kính cống nạp nước Ngô ông ta sai nội quan đi lẫn các thấy tướng số để tìm con gái đẹp nước Việt về dâng vua Ngô thực hiện “Mỹ nhân kế”.
Câu Tiễn còn cống gỗ đẹp thợ khéo để nước Ngô xây cung điện cho tốn kém. Ngoài ra, Việt Vương còn giả vờ vay thóc rồi hẹn sang năm trả (khi trả ông ta sai chọn thóc hạt mẩy đem luộc trước khi trả muốn rằng nước Ngô tưởng là thóc tốt đem gieo hạt không mọc cây làm mất mùa đói kém...).
Kế hoạch mỹ nhân kế khá suôn sẻ nhưng oái ăm thay, quan quân lại chọn 2 người đẹp để tiến cung là nàng Tây Thi và Trịnh Đán. Biết tin, Phạm Lãi đau đớn vô cùng nhưng đành chôn chặt khối tình trong lòng, ngoài mặt vẫn không để lộ.
Khi các mỹ nhân được đưa đến dịch quán, Câu Tiễn cùng Phạm Lãi, Văn Chủng vội đến ngay và mọi người đều sững sờ trước hai quốc sắc thiên hương.
Còn Phạm Lãi và Tây Thi chỉ kịp nhìn nhau trong một giây, chỉ một giây thôi nhưng Tây Thi tái mặt như hồn lìa khỏi xác, hai giọt nước mắt lăn trên đôi má nhợt nhạt. Phạm Lãi thì hai tay nắm chặt, trái tim như rỉ máu...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Vén màn lý do Doãn Chí Bình làm nhục Tiểu Long Nữ nhưng lại không bị Dương Quá trả thù