Khám phá

Chuyện về Trạng nguyên Trần Văn Bảo

Mồ côi cha, gia cảnh vô cùng khó khăn nhưng Trần Văn Bảo đã quyết chí học hành, trở thành 1 trong 5 Trạng nguyên nổi tiếng đất học Nam Định.

Hé lộ 14 trạng thái cuối cùng của cơ thể trước khi chết / Kỳ lạ tình trạng không có vân tay của 4 thế hệ trong cùng một gia đình

Trạng nguyên Trần Văn Bảo (có tài liệu ghi ông nguyên có tên là Lê Minh Bảo), cùng với Lương Thế Vinh, Đào Sư Tích, Nguyễn Hiền và Vũ Tuấn Chiêu đã tạo nên những giai thoại độc đáo về sự học xưa kia. So với 4 vị Trạng nguyên kia, một số cứ liệu lịch sử về Trần Văn Bảo vẫn còn bỏ ngỏ, chờ sự nghiên cứu thấu đáo của giới lịch sử.

Giai thoại đất phát

Sau khi Trạng nguyên Trần Văn Bảo qua đời, dân làng Phù Tải đã lập đền thờ và tôn làm Đương cảnh Thành hoàng. Tại quê nhà, ông được người dân thôn Dứa xây đền thờ phụng. Hiện cả 3 chi của dòng họ Trạng nguyên Trần Văn Bảo ở thôn Dứa, xã Hồng Quang, chi 2 ở xã Nam Thanh (Nam Định) và chi 3 ở xã An Đổ (Bình Lục - Hà Nam) đều xây dựng từ đường dòng họ để hương khói tưởng nhớ Trạng nguyên Trần Văn Bảo.

Theo gia phả và những giai thoại dân gian, thì sau thời gian đằng đẵng mong chờ vì hiếm muộn, mùa Xuân năm Giáp Thân 1524, ông Trần Công và bà Trần Thị Từ Huệ ở làng Cổ Chử, trấn Sơn Nam (nay là làng Dứa, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) mới sinh thành được quý tử đặt tên là Trần Văn Bảo.

Ngay từ khi lọt lòng mẹ, quý tử đã được phú cho những nét khác người. Tiếng khóc chào đời của cậu như tiếng cười, ánh mắt long lanh ngời vẻ thông thái. Nhưng chẳng bao lâu sau, cha của Bảo đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Trần Văn Bảo và người em rơi vào cảnh mồ côi cha.

Có giai thoại kể rằng, thân mẫu của ông rất nghèo, phải đi cấy lúa thuê kiếm sống. Gặp hôm trời rét quá, bốn bề không còn ai, trời càng tối dần, bà nằm trên một gò đất thuộc xã Lạc Đạo. Sau rét quá không về được, bà nằm chết tại đó, gặp giờ thiêng, mối đùn phủ kín thành mộ. Đấy là ngôi mộ thiên táng.

Lúc đó ông còn nhỏ quá, chỉ được người ta bảo cho biết về việc mẹ chết. Sau ông đi thi đỗ Trạng nguyên là nhờ phát ở ngôi mộ này. Theo về phong thủy, ngôi mộ này trước sinh nhân sau đắc địa (nghĩa là trước sinh người sau phát đạt). Khởi đầu từ hai ông đậu Trạng nguyên và Tiến sĩ, rồi sau đến 11 ông Hương cống. Truyện này đã ghi rõ trong gia phả.

Đến thời nhà Nguyễn, vào khoảng triều Tự Đức, xã Cổ Chử mới lập đền thờ Trạng nguyên, có câu đối như sau: Phụ tử Trạng nguyên Tiến sĩ/ Cổ kim thiên lý nhân tâm - Nghĩa là: Cha con đều đỗ Trạng nguyên Tiến sĩ/ Lẽ trời vẫn ở lòng người, xưa nay vẫn thế.

Dù gia cảnh khó khăn nhưng với bản chất thông minh, ham học, Trần Văn Bảo quyết chí theo đuổi con đường khoa cử. Khoa thi năm Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Lịch 3 (1550) đời Mạc Phúc Nguyên, Trần Văn Bảo đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) ở tuổi 27.

Theo một số nguồn sử liệu, sau khi thi đỗ Trần Văn Bảo được triều Mạc bổ giữ các chức: Lại bộ Thượng thư, Nhập Thị Kinh Diên; từng đi sứ Trung Quốc đời Minh Thế Tông. Ông được phong tước Nghĩa Sơn bá, Hồng Xuyên hầu, Nghĩa Quận công.

Ba lần dâng sớ răn vua

Chuyện về Trạng nguyên Trần Văn Bảo - Ảnh 2.

Trần Văn Bảo là 1 trong 5 vị Trạng nguyên của đất học Nam Định.

Theo gia phả họ Trần làng Cổ Chử, sau khi đỗ Trạng nguyên, Trần Văn Bảo được bổ làm quan trong triều đình nhà Mạc. Sau này, ông đổi tên là Trần Văn Nghi rồi đi sứ nhà Minh (Trung Quốc).

Khoảng đầu niên hiệu Diên Thành (1578) triều Mạc Mậu Hợp, Trần Văn Bảo được thăng chức Thượng thư, tước Nghĩa Sơn bá. Đến tháng 7 năm Tân Tị (1581) lại được Mạc Mậu Hợp giao chức Lại bộ Thượng thư, cho vào hầu giảng ở tòa Kinh Diên.

Thời kỳ này nhà Mạc suy tàn, kỷ cương lỏng lẻo, xã hội rối ren, quan quân đánh dẹp liên miên, dân tình vô cùng khổ cực. Mạc Mậu Hợp lên ngôi từ khi mới hai tuổi.

Các quan đại thần trong triều như: Hộ bộ Thượng thư Giáp Trưng, Thiêm đô Ngự sử Lại Mẫn, Đông các học sĩ Nguyễn Năng Nhuận, các Đô cấp sự trung ở sáu khoa (Nguyễn Phong, Nguyễn Tự Cường, Phạm Như Giao, Nguyễn Ích Trạch, Lê Viết Thảng, Nguyễn Quang Lượng)… liên tiếp dâng sớ lên Mạc Mậu Hợp, chỉ rõ chính sự suy đồi, khuyên răn Mạc Mậu Hợp hãy chăm lo chính sự.

Trước tình hình suy sụp của triều đình, Trần Văn Bảo đã tiên đoán sự diệt vong tất yếu của vương triều. Ông cảm thấy buồn nản và bất lực, muốn lui về ẩn dật. Trong tờ sớ của các Đô cấp sự trung sáu khoa dâng lên Mạc Mậu Hợp hồi tháng 6 năm 1581 có đoạn viết về Trần Văn Bảo như sau:

 

“… Văn thần trọng trách như Nghĩa Sơn bá Trần Văn Nghi, Vịnh Kiều bá Hoàng Sĩ Khải, An Khê bá Mai Công, Đam Xuyên bá Nguyễn Triệt, thì đều giữ vẻ khoan hậu, không cần nghĩ tới việc sâu xa. Bởi thế các liêu thuộc nhân đó mà trễ nải…” (Lê Quý Đôn toàn tập).

Lời nhận xét trên chứng tỏ Trần Văn Bảo đã mang tâm trạng chán nản, không còn ham chức tước, muốn lui về quê. Trần Văn Bảo vào triều yết cáo xin về cố hương và dâng sớ từ chức Lại bộ Thượng thư.

Đại lược nội dung tờ sớ của ông như sau: “Trong khoảng trời với người giao cảm, đều ứng vào cùng loại với nhau, như nhân sự hay thì trời ứng điềm lành, nhân sự dở thì trời ứng điềm dữ.

Chính sự thời nay, rất nhiều việc hại đạo trái lẽ, không thể kể xiết.

Những tờ sớ của các vị đình thần trước sau đã tâu bày, đều nói thẳng những sự sai lầm, có thể như những liều thuốc hay, rất đáng cứu xét để tu tỉnh…

 

Những việc như thế, rất trái với đường lối trị nước. Cho nên thể thống triều đình, ngày càng rối loạn, những lời công luận, ngày càng bế tắc. Trong nước không có chính trị hay, cho nên trời ra điềm dữ để cảnh tỉnh, như là sao chổi xuất hiện; núi tự nhiên lở, cùng là nhật thực nguyệt thực. Nay lại phạt bằng trận mưa bão dữ dội ngay tại kinh sư, đó là tai dị rất lớn…

Kính mong bệ hạ, sợ oai trời, sửa đức mình, ban sắc lệnh cho phụ chính ứng vương phải hết sức tu tỉnh, giúp việc triều đình, để tâm vào việc giữ yên hoàng gia, nằm gai nếm mật, lấy việc diệt quốc thù làm trách nhiệm của mình… Nếu không thì thời kỳ bại vong khó tránh được.

Hạ thần không xứng chức, tự hạch xin miễn chức, và tới trước cửa khuyết để đợi tội, hoặc biếm hoặc truất, kính theo mệnh của bệ hạ”.

Sau khi xem xong tờ sớ của Trần Văn Bảo, Mạc Mậu Hợp liền ban sắc uý dụ và buộc ông phải nhận chức. Ngày 29 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ 1582, Mạc Mậu Hợp cho dựng ngôi điện giảng học, nhưng kỳ thực là để làm nơi yến tiệc. Điện vừa làm xong thì bị hỏa hoạn cháy trụi.

Nhân sự kiện này, Trần Văn Bảo lại dâng sớ khuyên răn. Mạc Mậu Hợp xem sớ rồi khen là thiết đáng, nhưng chỉ phán: “Trẫm đang suy nghĩ” và chứng nào vẫn tật ấy.

 

Hơn 30 năm làm quan dưới triều Mạc, Trần Văn Bảo đã đem hết sức lực, tài năng, trí tuệ giúp cho việc củng cố vương triều Mạc. Thật đáng tiếc là Mạc Mậu Hợp đã không nghe theo những đề xuất của Trần Văn Bảo, để đến nỗi bị nhà Lê tiêu diệt vào năm 1592.

Tháng 3 năm Nhâm Ngọ 1582, Trần Văn Bảo lại xin từ chức Lại bộ Thượng thư để nhường cho các vị sứ thần vừa đi Trung Quốc về nhưng Mạc Mậu Hợp vẫn không chấp nhận.

Tháng 11 năm Bính Tuất 1586, Lại bộ Thượng thư Nghĩa Sơn hầu Trần Văn Nghi (tức Trần Văn Bảo, thời gian này ông đã được thăng tước hầu) xin tu sửa Trường quốc học, hai giải vũ ở điện Đại Thành và nghi môn tiền, nghi môn hậu, giảng đường, định lễ nhạc để tỏ rõ sự tôn sư trọng đạo và mở rộng nền văn hóa giáo dục. Mạc Mậu Hợp không theo.

Cha Trạng nguyên, con Tiến sĩ

Chuyện về Trạng nguyên Trần Văn Bảo - Ảnh 5.

Lăng mộ Trạng nguyên Trần Văn Bảo.

 

Sau nhiều lần đề xuất những biện pháp cải thiện nền chính trị không được chấp nhận, khuyên răn vua Mạc sửa mình và chăm lo chính sự mà vẫn để ngoài tai, liên tiếp xin từ chức để về cố hương cũng không được Mạc Mậu Hợp đồng ý, Trần Văn Bảo cảm thấy mình bất lực. Tâm trạng buồn chán của ông ngày càng nặng nề, dần dần mất lòng tin đối với Mạc Mậu Hợp, dẫn đến hành động tất yếu là từ quan đi ẩn dật.

Sau khi từ quan, Trần Văn Bảo về ở ẩn tại làng Phù Tải, huyện Bình Lục (nay thuộc thôn Dải Đông, xã An Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Tại đây, ông đã mở lớp dạy học cho người dân trong làng. Khi nhà Lê trung hưng, vời ông ra làm quan nhưng ông từ chối, giữ lòng trung với nhà Mạc, theo truyền thống của kẻ sĩ không thờ hai triều.

Ông luôn quan tâm tới sự nghiệp học hành của các thế hệ con cháu. Hậu duệ của Trạng nguyên Trần Văn Bảo có nhiều người đỗ đạt cao và làm quan trong triều đình. Trong đó, người con trai cả là Trần Đình Huyên đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất (1586), làm quan đến chức Công khoa Đô cấp sự (giám sát công việc của Bộ công).

Người con trai thứ 2 là Trần Văn Thịnh thi đỗ Tứ trường (Hương cống) khoa Mậu Tý (1588) và Tam trường khoa Kỷ Sửu (1589), làm quan đến chức Thượng thư. Còn người con trai út là Trần Ngọc Lâm cũng làm quan đến chức Tri huyện.

Là một vị Trạng nguyên lại là một đại thần, nhưng cho đến nay một số điều về lai lịch, hành trạng của Trần Văn Bảo vẫn chưa rõ ràng. Có lẽ, do đỗ đạt và làm quan trong triều Mạc - một triều đại đối kháng với nhà Lê, và sau khi bị đoạt vương quyền nhiều tư liệu về các nhân vật quan trọng, về chính sử khó tránh bị thay đổi hoặc mai một theo một lý do nào đó.

 

Như tìm hiểu của nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống, tài liệu cổ viết về Trạng nguyên Trần Văn Bảo hiện còn rất ít, lại quá sơ sài, nhiều chi tiết không thống nhất. Sau hơn 400 năm, các di tích đền thờ, sắc phong về ông bị mai một, thất lạc hầu như không còn gì đáng kể.

Trạng nguyên Trần Văn Bảo có tiếng về sự nghiệp làm quan và tài văn học vang lừng sang cả Bắc quốc như người đời ca ngợi “Sự nghiệp, văn chương đằng Bắc quốc”. Nhưng đáng tiếc là đến nay, giới nghiên cứu chưa tìm thấy tác phẩm nào của ông.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm