Khám phá

Cổ tích tình yêu "dị chủng" với loài người khác

Một cuộc hôn nhân khác loài từng xảy ra với tổ tiên loài người tạo ra những đặc điểm di truyền quý giá.

Phát hiện ốc đảo nghi có hóa thạch sinh vật ngoài hành tinh / Bí ẩn "quái thú" lang thang khắp thế giới cùng những loài người khác

Chúng ta không phải là toàn bộ những sinh vật từng được gọi là "người" đã bước đi trên trái đất. Homo Sapiens, tức "người tinh khôn" hay "người hiện đại", là một loài trong số hàng chục loài người thuộc chi Người (Homo) và cũng là loài non trẻ nhất.

Một cô bé thích thú lại gần ngắm tượng sáp của một vị tổ tiên Neanderthal. - Ảnh: LIVE SCIENCE
Một cô bé thích thú lại gần ngắm tượng sáp của một vị tổ tiên Neanderthal. - Ảnh: LIVE SCIENCE

Do nhiều biến cố về khí hậu cộng với sự may mắn và các tập tính đặc trưng đã giúp Homo Sapiens trở thành loài người duy nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng những người họ hàng của chúng ta chưa hẳn biến mất hoàn toàn, dù đã tuyệt chủng.

Trước đây, người ta từng tin rằng những loài thuộc chi Người có ranh giới nhất định trong cuộc sống. Nhưng cũng có vài giả thuyết đi ngược lại, cho rằng đã có những cá thể vượt qua ranh giới loài của mình và tạo nên những "con người lai".

Cổ tích tình yêu dị chủng với loài người khác - Ảnh 2.

Tượng sáp của người Neanderthal trong bảo tàng - Ảnh: INDEPENDENT

Tháng 8-2018, một nghiên cứu khảo cổ công bố trên tạp chí Nature đã phơi bày mọi thứ ra ánh sáng: một phần hài cốt của một thiếu nữ 13 tuổi được tìm thấy trong hang động ở Siberia (Nga), thực sự là đứa bé lai gần như 50-50 giữa 2 loài người hoàn toàn khác nhau, cha thuộc loài Denisovan và mẹ thuộc loài Neanderthal. Đó là 2 loài người cổ đại đã tuyệt chủng và từng sống rất gần gũi với Homo Sapiens chúng ta.

Các nhà khoa học đã đặt tên cho thiếu nữ là "đứa trẻ tình yêu".

 

Vậy còn Homo Sapiens? Chưa có bộ hài cốt tương tự mang nửa dòng máu Homo Sapiens nào được tìm thấy. Nhưng một nghiên cứu vừa công bố khác của Viện Max Plank (Đức) đã tìm lại được dấu vết của người Neanderthal – dòng tộc của người mẹ "đứa trẻ tình yêu", ngay trong nhiều người Châu Âu hiện đại!

Cổ tích tình yêu dị chủng với loài người khác - Ảnh 3.

Cuộc khai quật hài cốt của "đứa trẻ tình yêu" - Ảnh: DAILY MAIL

Kiểm tra bộ gene của những người mang dạng hộp sọ Neanderthal thuôn dài, các nhà khoa học phát hiện những người này sở hữu 2% DNA Neanderthal, dù đã qua 50.000 kể từ khi loài người này biến mất ở châu Âu. Điều này có nghĩa tổ tiên xa xưa của chúng ta đã có những cuộc hôn phối khác loài.

Một số nghiên cứu khác cũng tìm thấy DNA Neanderthal trong một số người châu Phi hiện đại, trong khi một số người châu Phi khác thì lại mang một ít DNA của nhóm Denisovans đến từ châu Á.

Vậy người mang DNA của người cổ đại có gì khác biệt? Nghiên cứu của Max Plank khẳng định chức năng não của họ hoàn toàn giống như bất cứ Homo Sapiens thuần chủng nào.

 

Trong khi đó, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell hồi tháng 11-2018, do Đại học Arizona (Mỹ) đứng đầu khẳng định: hãy cám ơn tổ tiên nếu bạn có phần nào DNA Neanderthal.

Nghiên cứu này tuyên bố không chỉ châu Âu mà châu Á – nơi người Neanderthal mới biến mất 30.000 năm – cũng có nhiều người mang 2% DNA Neanderthal. Và đó thực sự là món quà quý từ tổ tiên, vì họ có bằng chứng vững chắc cho thấy DNA Neanderthal giúp người mang nó đề kháng tốt hơn nhiều một số bệnh của thời hiện đại, bao gồm cúm, HIV và herpes – dòng virus phổ biến thường mang đến những bệnh đường tình dục khó chịu.

Nguyên nhân là những người Neanderthal, vốn từng được chứng minh là có nhiều đặc điểm thể chất vượt hơn cả người hiện đại, đã mắc các bệnh này từ trước và có kháng thể. Họ đã mang theo kháng thể này khi rời châu Phi 70.000 năm trước và trao tặng cho Homo Sapiens qua những cuộc hôn nhân dị chủng.

Với những bằng chứng khởi đầu đáng kinh ngạc trong năm 2018, tình yêu dị chủng là một chủ điểm được các nhà khoa học quan tâm và có nhiều lời hứa hẹn về việc mở rộng nghiên cứu trong những năm tới.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm