Khám phá

Cơn sóng dữ quật ngã Napoleon

Có lẽ cũng không phải là quá lời khi nói rằng: Ở một khía cạnh nào đó, người thực sự chặn đứng tham vọng bành trướng của Napoleon Bonaparte không chỉ là Nguyên soái Nga Kutuzov, cũng không chỉ là Công tước Wellington.

25 câu nói bất hủ của thiên tài quân sự Napoleon / Hé lộ vị tướng 1 chân được Napoleon coi trọng nhất đời

Còn một cái tên khác, ít được nhắc tới hơn, nhưng ánh hào quang của ông thì vĩnh viễn không bao giờ phai mờ: Horatio Nelson- người anh hùng trận thủy chiến Trafalgar.

Xuất chúng và anh hùng

Tên của trận hải chiến kinh thiên động địa ấy được đặt cho một trong những quảng trường nổi tiếng nhất Luân Đôn: Quảng trường Trafalgar. Và tại nơi đó, có một bức tượng của Horatio Nelson. Đó là vinh dự hoàn toàn xứng đáng, cho vị Đô đốc đã chiến thắng, và đã trúng đạn thù hy sinh vì chiến thắng ấy.

Ngày 21/10/1805, 27 chiến hạm dưới quyền chỉ huy của Horatio Nelson - người đứng ở soái hạm HMS Victory - lao thẳng vào tấn công 33 chiến hạm của liên quân Pháp - Tây Ban Nha đang dàn trận phòng ngự quang mũi Trafalgar (nằm ở phía Tây Bắc eo biển Gilbraltar nối liền Địa Trung Hải và Đại Tây Dương).

Horatio Nelson. Một mắt, một cánh tay, một kỳ công.

Horatio Nelson. Một mắt, một cánh tay, một kỳ công.

11h45, Horatio Nelson truyền phát lệnh bằng cờ hiệu: "Nước Anh trông đợi mỗi người lính thực hiện đúng nghĩa vụ của mình", rồi ông dẫn 15 tàu theo mình tiến vào trung tâm phòng tuyến địch thủ. Cánh bên kia, Collingwood cũng dẫn theo số tàu còn lại công kích trực diện. Hai đoàn tàu Anh tạo thành hai mũi tên song song, rẽ sóng với ý đồ chia cắt và xé nát đội hình Pháp - Tây Ban Nha.

Chiến thuật ấy thành công vang dội, nhưng là bởi một quyết định cực kỳ sáng suốt của Horatio Nelson. Phía Pháp - Tây Ban Nha khai hỏa trước vang rền, nhưng HMS Victory không vội vã. Nó trụ lại suốt 40 phút trong tầm bắn của địch, chịu đựng một số tổn thất, chỉ để tìm kiếm cơ hội đánh đòn sấm sét quyết định. Và thời khắc ấy đã đến, khi HMS Victory tiếp cận được soái hạm Buncentaure của hải quân Pháp.

12h45, Buncentaure nhận một loạt pháo khủng khiếp, và lập tức không còn sức chiến đấu (thậm chí không còn khả năng di chuyển). Đô đốc Pháp Pierre de Villeneuve cùng thủy thủ đoàn tan hoang chỉ còn có thể chờ bị bắt sống.

Song, Buncentaure không phải mục tiêu quan trọng duy nhất mà Nelson hướng đến. Hải đội Pháp còn Redoutable - con tàu chỉ có 74 pháo nhưng lại được vận hành bởi một hải đội dày dạn kinh nghiệm, dưới quyền thuyền trưởng lão luyện Jean Jacques Etiene Lucas, một trong những quân át chủ bài của hạm đội liên hợp.

Khi HMS Victory tiến tới lúc 13h05, Lucas biết ngay rằng mình cần phải làm gì. Ông cho các xạ thủ súng trường lên hết mạn trái và lên cả các cột buồm, tìm cách hạ sát bằng được người chỉ huy của hạm đội Anh.

 

Đó chính là thời điểm Horatio Nelson đi vào lịch sử như một trong những danh tướng sáng chói nhất, của không chỉ lịch sử hải quân Anh mà còn cả toàn bộ lịch sử hải chiến nhân loại. Các sĩ quan tùy viên đề nghị ông thay trang phục, nhằm bảo đảm an toàn, song Nelson từ chối.

Ông hiểu rằng mọi biểu hiện thiếu can trường của mình có thể tác động tiêu cực đến tinh thần của cả hải đoàn, và ông vẫn đứng đó, trên boong, hiên ngang với các dải huân chương lấp lánh trên ngực.

Các xạ thủ Pháp chỉ đợi có vậy. Một loạt đạn của tay súng vô danh nào đó đã quật Nelson xuống, với một viên đạn xuyên qua vai. Nelson, trong khi tất cả các sĩ quan cận vệ nháo nhác, vẫn bình tĩnh ra lệnh: "Không thể để binh sĩ nhìn thấy tôi thế này được. Hãy che mặt tôi lại".

Ông được khiêng vào bên trong, và pháo hạm Anh gầm lên mãnh liệt gấp bội. Lucas, mặc dù chiến đấu dũng mãnh tận lực, cuối cùng vẫn phải đầu hàng vào 13h55, sau khi đã mất tới 543 thủy thủ - con số thương vong của một tàu lớn nhất trong cả trận.

Và thế là kết quả trận đánh xem như đã được định đoạt.

 

Và đến 16h30, Horatio Nelson, nằm trong kho quân lương, khẽ thốt lên khi liên tiếp nghe tin báo tiệp: "Ơn Chúa! Vậy là tôi đã hoàn thành nghĩa vụ. Tôi có thể yên nghỉ được rồi".

Và rất nhẹ nhàng, ở tuổi 34, người chỉ huy anh hùng ấy từ giã cõi đời.

Bản đồ tác chiến trận Trafalgar.

Nếu không có Trafalgar…

…Có lẽ sẽ không có Waterloo. Hay đúng hơn, nếu không có Nelson, sẽ có rất ít cơ hội tỏa sáng cho Wellington sau này.

 

Thực ra, vào năm 1798, chính Nelson cũng đã cùng hải quân Anh đánh bại hạm đội của Napoleon ở Ai Cập, góp phần khiến vị hoàng đế tương lai của nước Pháp (khi ấy mới chỉ là một vị tướng) phải bỏ quân chạy về Pháp. Tuyến hải trình thương mại từ châu Âu qua Ấn Độ vẫn được người Anh kiểm soát nhờ chiến thắng ấy.

Thất bại đó khiến Napoleon Bonaparte thừa hiểu: Muốn đánh gục nước Anh, nhất thiết phải phá được uy thế bá chủ của các hạm đội hải quân hoàng gia Anh trên mặt biển. Đó là lý do khiến nước Pháp xích lại gần với Tây Ban Nha - quyền lực số 1 trên đại dương một thời, và tạo mọi điều kiện giúp đỡ cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ - chính là tiền thân của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ hiện tại.

Sau Đại cách mạng tư sản 1789-1792, với thiên tài quân sự của Napoleon, nước Pháp bành trướng thế lực như vũ bão tại châu Âu lục địa. Nối tiếp các chiến thắng lẫy lừng như Marengo hay Ulm, tham vọng bá chủ của vị Hoàng đế Pháp cũng dâng cao tột đỉnh. Ông, cũng như Adolf Hitler sau này, ôm ấp tham vọng bắt nước Anh quy phục.

Cũng tương tự Hitler sau này đầu tư cho không quân, Napoleon tập trung khá nhiều trí lực - tài lực cho việc xây dựng một hạm đội hải quân hùng mạnh, tương xứng với vị thế của Đại quân (Grand Armee) trên bộ.

Có thể nói, quỹ đạo ấy đã và đang tiến triển tương đối khả quan, cho đến khi Horatio Nelson làm nên chiến thắng Trafalgar - trận đánh mà Nelson đã hoạch định từ đầu năm 1805, đã mất chừng ấy thời gian tìm cách truy đuổi và khiêu khích Pierre de Villeneuve, để rồi chấp nhận tham chiến ở địa điểm mà đối thủ lựa chọn.

 

Nếu không phải được dẫn đầu bởi một vị chỉ huy có khí phách can trường đến vậy, mọi kết quả tồi tệ đều có thể xảy đến. Khi dàn trận theo tuyến ngang với số lượng tàu áp đảo, hải đội liên hợp Pháp - Tây Ban Nha có lẽ không dự liệu rằng địch thủ của mình có thể liều lĩnh xông thẳng vào phòng tuyến theo cách đó. Song, Horatio Nelson là một kẻ thù hoàn toàn khác biệt.

Chiến thắng mang ý nghĩa quyết định, củng cố uy thế bá chủ của nước Anh trên mặt biển.

Con người ấy, người đã mất một mắt ở trận Calvi năm 1793 và mất một cánh tay ở trận Santa Cruz de Tenerife năm 1797, có thừa cả lòng dũng cảm, sự tự tin lẫn độ ngạo nghễ trước hải quân Tây Ban Nha cũng như hải quân Pháp.

Ông còn hiểu rất rõ sức mạnh của những ngôn ngữ vô hình. Cởi bỏ quân phục chỉ huy, hay chuyển soái kỳ cho chiến hạm khác, đều là những hành động có thể vô tình truyền tải các thông điệp tiêu cực.

Ông, bên cạnh khả năng khích động tinh thần chiến đấu vô song của binh sĩ, còn thấm đẫm phẩm giá của một vị thuyền trưởng chân chính: Sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, sẵn sàng từ bỏ an toàn, để mỗi người lính dưới quyền mình hiểu rõ hơn về bổn phận, về danh dự, về tinh thần dân tộc, về lòng can đảm và cả về niềm kiêu hãnh của người quân nhân chuyên nghiệp.

 

Cả hạm đội liên hợp Pháp - Tây Ban Nha tan nát, mà phía Anh không mất một tàu nào. Chiến thắng này khắc ghi vị thế của Horatio Nelson như nhà chỉ huy xuất sắc nhất lịch sử hải quân Hoàng gia Anh. Ngược lại, không còn cơ may nào cho hải quân Pháp trên mặt biển, cũng như cho Đế chế Pháp trong việc bóp nghẹt tiềm lực của Anh quốc, kể cả với hào quang trận Austerlitz.

Và sau Trafalgar là Moskva của Kutuzov. Còn sau Kutuzov là Wellington, tại Waterloo. Những dấu mốc bi thảm của Napoleon, trên hành trình đến quãng thời gian tù đày trên đảo Saint Helene…

Theo Đông Quân/An Ninh Thế Giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm