Cuộc đổ bộ thất bại và số phận những kẻ lưu vong
Hy hữu những trường hợp đầu hàng và bị bắt làm tù binh trong Thế chiến II / Vụ đại đào thoát kinh thiên của tù binh Đức Quốc xã
Giấc mơ về một “Cuba tự do” đã tan thành mây khói khi chẳng hề có một người dân nào đứng lên “nổi dậy”…
1. “Đó là nửa đêm ngày 2/6/1960, 10 người chúng tôi lên chiếc xe tải bít bùng, không cửa sổ, rời khỏi thành phố Everglades, bang Florida, Mỹ, rồi chạy ngược về phía nam suốt 3 tiếng đồng hồ trong cái nóng ẩm ướt…” - Rodiguez, (tên của những tay súng Cuba lưu vong thuộc nhóm đổ bộ đều là bí danh) cho biết khi xe dừng lại, cánh cửa sau mở ra, trước mắt họ là bến tàu đánh cá.
Dưới sự hướng dẫn của một người Mỹ mặc thường phục, họ lên một chiếc thuyền nhỏ đến một hòn đảo thấp, cây cối rậm rạp. Đón họ là 3 người đàn ông với 3 khẩu súng trường, dẫn họ vào một cái lán, nhìn có vẻ như mới vừa được dựng xong. Rodiguez nói: “Khi mặt trời lên, tôi nhìn thấy những dãy lán khác, mỗi lán chứa được 10 người nên tôi ước tính phải có rất nhiều người”.
Hòn đảo mà Rodiguez đặt chân lên là đảo Useppa, nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây bang Florida, gần mũi Fort Myers, chỉ cách Vịnh Con Lợn, nơi sẽ diễn ra vụ đổ bộ khoảng 100 km.
Rona Stage, phụ trách một bảo tàng nhỏ trưng bày những hiện vật về những người đầu tiên sinh sống trên đảo Useppa nói: “Có một quán trọ ở đây, nhưng nó đã bị bỏ hoang trong Thế chiến II. Đầu năm 1960, một doanh nhân Cuba giàu có thay mặt CIA thuê toàn bộ hòn đảo”.
Vịnh Con Lợn, nơi diễn ra cuộc xâm lược, thời điểm quân đội Cuba đã kiểm soát nơi này. |
Những ngày sau đó, nhiều chiếc thuyền khác thả những người Cuba lưu vong lên đảo, tổng cộng là 1.500 người nhưng không ai biết tên thật của ai, tất cả đều gọi nhau bằng bí số.
Raymond, thành viên trong nhóm Rodiguez kể lại: “Một mô hình của Vịnh Con Lợn được CIA dựng lên với tất cả mọi chi tiết. Trong 10 tháng, chúng tôi học cách đổ bộ, chiếm mục tiêu, cách đánh trả quân Chính phủ Cuba. Giữa tháng thứ 9, thành viên mang bí số 2506 tử nạn trong khi huấn luyện nên đơn vị chúng tôi được đặt tên là Lữ đoàn 2506”.
Jose Basulto, người được đào tạo về truyền tin vô tuyến, hiện sống ở thành phố Miami, bang Florida, kể tiếp: “Trước lúc đến đảo Useppa, tôi là sinh viên của một trường đại học ở Cuba. Sau khóa huấn luyện chỉ kéo dài 1 tháng, CIA giao cho tôi 2 máy truyền tin rồi bố trí cho tôi bí mật trở lại Cuba bằng thuyền với nhiệm vụ thiết lập một mạng lưới kháng chiến. Tại Cuba, tôi tiếp tục theo học đại học mà không bị nghi ngờ. Sau thất bại trong vụ Vịnh Con Lợn, tôi trốn đến căn cứ Mỹ tại vịnh Guantanamo. May mà tôi thoát được…”.
2. Kể từ khi Chủ tịch Fidel Castro và những đồng chí của ông lật đổ chính phủ độc tài thân Mỹ của Tổng thống Fulgencio Batista vào năm 1959 rồi sau đó tuyên bố Cuba là quốc gia theo chủ nghĩa xã hội khiến các quan chức hàng đầu trong giới quân sự Mỹ lo lắng trước việc Liên Xô sẽ sớm tìm được chỗ đứng chân ở châu Mỹ Latin.
Vì thế, tháng 3-1960, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower thông qua một kế hoạch tuyệt mật nhằm sử dụng những người Cuba lưu vong, tiến hành đổ bộ vào Cuba, lật đổ chế độ do Chủ tịch Fidel Castro lãnh đạo với sự yểm trợ của máy bay, xe tăng, tàu chiến Mỹ. Vị trí được chọn cho cuộc xâm lược này là thị trấn Trinidad ở miền trung Cuba.
Tháng 11-1960, John F. Kennedy đắc cử tổng thống Mỹ. 3 tuần sau khi nhậm chức, Kennedy được thông báo tóm tắt về vụ đổ bộ nhưng ông không đồng ý chọn thị trấn Trinidad làm đầu cầu vì sẽ có rất nhiều người dân Cuba trên bờ nhìn thấy sự dính líu của Mỹ.
Thay vào đó, các cố vấn của Kennedy đề nghị chọn Bahia de los Cochinos - tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Vịnh Con Lợn, nơi có địa hình sâu và hẹp, hầu như không dân cư.
Đầu tháng 3-1961, khóa huấn luyện hoàn tất, Lữ đoàn 2506 di chuyển đến Sierra Madre ở Guatemala, nơi có địa hình tương tự như Vịnh Con Lợn. Trong lúc này, các tàu vận tải tư nhân do CIA thuê mướn cũng đã chất lên đạn dược, thực phẩm, nước uống đủ dùng 30 ngày cho 1.500 tay súng cùng một số xe tăng hạng nhẹ.
Tại một sân bay của Nicaragua gần đó, 17 máy bay ném bom B-26 do các phi công của CIA lái, tất cả đều mặc thường phục như những người Cuba lưu vong cũng đã sẵn sàng.
Lopez, lính nhảy dù thuộc Lữ đoàn 2506 nhớ lại: “Mặc dù lo âu nhưng hầu hết chúng tôi đều phấn chấn trước sự yểm trợ hùng hậu của người Mỹ. Nếu vụ đổ bộ không thành công, chắc chắn họ cũng không bỏ rơi chúng tôi…”.
Chủ tịch Fidel Castro trực tiếp theo dõi việc đánh trả những kẻ lưu vong xâm lược. |
Ngày 15/4, 2 ngày trước khi cuộc đổ bộ bắt đầu, 16 chiếc B-26 cất cánh, ném bom vào những sân bay trên đất Cuba còn chiếc thứ 17 thực hiện kế hoạch nghi binh. Nó đáp xuống sân bay quốc tế Miami, Mỹ, rồi phi công tuyên bố anh ta thuộc Không lực Cuba, đào tẩu để chống lại chính quyền Fidel Castro.
Theo CIA, động tác này sẽ đánh lừa được dư luận, chứng minh họ không liên quan gì đến cuộc xâm lược bởi lẽ Không quân Cuba lúc ấy cũng có vài chiếc B-26, thu được của chính quyền tổng thống bị lật đổ Fulgencio Batista nhưng hỡi ơi, những bộ óc siêu đẳng nhất của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ không ngờ rằng sau khi thu được những chiếc B-26, Cuba đã cho sơn lại toàn bộ bằng một màu sơn khác. Lopez nói: “Những gì xảy ra sau đó trong cuộc đổ bộ đã cho thấy màn kịch vụng về kết thúc và chẳng lừa ai được”.
Về phía Cuba, các cuộc ném bom đã đặt toàn thể đất nước này trong tình trạng báo động đỏ. Thông qua tin tình báo, Chủ tịch Fidel Castro biết rằng đây không phải là chuyện nội bộ, mà là có sự can thiệp trực tiếp bên ngoài nên ông ra lệnh cho các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Sáng 17-4, khi những chiếc tàu vận tải chở quân Cuba lưu vong tiến vào Vịnh Con Lợn thì một chiếc mắc cạn.
Legujamo, một trong những người may mắn sống sót trên con tàu này nhớ lại: “Người Cuba bắn thẳng vào tàu khiến nó bốc cháy. Cả tiểu đoàn chúng tôi vứt bỏ súng đạn, nhảy xuống nước, ai cũng tìm cách bơi vào bờ thật nhanh để thoát thân. Chưa hết, những chiếc tàu khác vướng phải một rạn san hô mà trước lúc đổ bộ, họ được phổ biến rằng đó chỉ là một cụm rong biển lớn căn cứ vào hình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ chụp. Vì thế, cuộc đổ bộ không diễn ra như kế hoạch”.
Trong lúc này, ở Washington nhận được những tin tức không lấy gì làm tốt lành về cuộc đổ bộ và nhất là dư luận thế giới đều đã biết những chiếc máy bay B-26 xuất xứ từ Mỹ, Tổng thống Kennedy quyết định hủy bỏ đợt ném bom thứ 2.
Eduardo, người nhái trong nhóm Cuba lưu vong là kẻ đầu tiên đặt chân lên bãi biển Giron, Vịnh Con Lợn, kể: “Một chiếc B-26 bay trên đầu tôi nhưng nó có màu sơn rất lạ. Tuy nhiên tôi vẫn tin rằng nó là của chúng tôi; nhưng chỉ vài phút, từng tràng đạn từ trên máy bay xả xuống, giết và làm bị thương hàng chục người. Không lâu sau đó lại có thêm những chiếc B-26 khác xuất hiện cùng với những chiếc T-33 và Sea Fury. Cả bãi biển mù mịt khói bom. Thật không thể tin nổi vì chúng tôi được thông báo rằng lực lượng Không quân Cuba đã bị tiêu diệt…”.
Thêm vài phút nữa, chiếc tàu vận tải Rio Escondido chở nhiên liệu cho xe tăng trúng bom của Không quân Cuba. Vụ nổ nhìn y như một màn trình diễn pháo bông khiến những chiếc tàu khác vội vã quay đầu tháo lui ra biển.
Lúc này, nhóm đổ bộ mới chỉ đưa lên bờ được 5 chiếc xe tăng hạng nhẹ với vài cơ số đạn. Trong 2 ngày tiếp theo, hơn 1.000 tay súng phải chống trả những đợt phản công dữ dội của quân đội Cuba trong điều kiện nguồn lực đã cạn kiệt.
Người nhái Zayas cay đắng: “Chúng tôi tuyệt vọng nhìn ra biển, nơi những chiếc tàu Mỹ đang lượn lờ nhưng chẳng một chiếc nào quay vào cứu chúng tôi”. Rodiguez nói tiếp: “Tôi biết là chúng tôi đã thua. Đó là đêm thứ hai kể từ lúc chúng tôi đổ bộ. Tôi nằm bò trên mặt cát, cố thu nhỏ người lại để tránh những viên đạn bắn tỉa. Người Mỹ đã bỏ rơi chúng tôi. Chúng tôi sẽ chết”.
3. Cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn kết thúc bằng tiếng nổ của một loạt súng cuối cùng khi những kẻ lưu vong hết đạn. Lữ đoàn 2506 chết 118 người. Những người còn lại đều bị bắt và được chuyển vào 2 trại giam.
Vẫn người nhái Zayas nhớ lại: “Như trong một giấc mơ, Chủ tịch Fidel Castro xuất hiện. Ông ấy nói: “Xin chào các bạn, các bạn được đối xử như thế nào, có ai phàn nàn gì không?”. Tiếp theo, ông chỉ vào một tù binh da đen tên là Cruz rồi hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha: “Sao bạn lại ở đây?”.
Vài tháng sau khi bị bắt làm tù binh, nhóm Cuba lưu vong thuộc cái gọi là Lữ đoàn 2506 được Chủ tịch Fidel Castro cho phép cử 10 người về Mỹ để chuyển một thông điệp của Chính phủ Cuba đến Chính phủ Mỹ. Ngày 14/4/1962, gần 1 năm sau cuộc đổ bộ, Cuba phóng thích 60 tù binh rồi 1 ngày trước lễ Giáng sinh cùng năm, tất cả những tù binh còn lại cũng được phóng thích.
Tháng 1-1963, tại thành phố Orange Bowl, Miami, Tổng thống Kennedy đã tổ chức một buổi lễ chào mừng những người Cuba lưu vong trở về nhưng Basulto và nhiều người khác không đến dự.
Tới tận ngày nay, ông và những người còn sống vẫn đổ lỗi cho Kennedy vì đã đưa nhóm lưu vong vào chỗ chết: “Ông ấy xem chúng tôi như những quả bóng, đá xong là bỏ mà chẳng cần quan tâm bóng bay về phía nào”.
Tù binh Cuba lưu vong bị bắt. |
Về mặt chính thức, không một người Mỹ nào được cho là đã tham gia vào cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn. Chính phủ Mỹ chỉ thừa nhận một máy bay xuất phát vào sáng 19-4 với nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo cho những tay súng lưu vong đang nằm chờ chết trên bãi biển Giron.
Do hiểu sai về múi giờ, chiếc máy bay này đến sớm hơn 1 tiếng nên đã bị bắn hạ, đại úy phi công Thomas Willard Ray cùng 3 thành viên phi hành đoàn là Leo F Baker, Riley W Shamburger, Wade C Gray thiệt mạng.
Và mặc dù ngay sau khi máy bay bị bắn rơi, Chính phủ Cuba đã thông báo về cái chết của những phi công nhưng mãi đến năm 1979, Mỹ mới đồng ý nhận lại hài cốt của Thomas Willard Ray. 3 người còn lại thân xác tan thành nhiều mảnh khi máy bay rơi xuống.
Tháng 8-1961, đại diện của tất cả các quốc gia Mỹ Latin đã gặp nhau tại Punta del Este ở Uruguay để tiến hành họp Hội đồng kinh tế và xã hội Liên Mỹ. Trong một bữa tiệc cocktail, nhà lãnh đạo cách mạng Cuba Ernesto “Che” Guevara đã nói chuyện với Richard Goodwin, khi đó là cố vấn và người viết bài phát biểu cho Tổng thống Kennedy.
Trong một bản ghi nhớ được Nhà Trắng giải mật năm 1990, cuộc trò chuyện bao gồm khả năng về một sự “dàn xếp tạm thời” giữa Cuba và Mỹ cùng những việc liên quan đến căn cứ hải quân Mỹ tại vịnh Guantanamo.
Gần cuối cuộc trò chuyện, “Che" Guevara nói: “Chúng tôi muốn cảm ơn nước Mỹ về cuộc xâm lược vì đó là một chiến thắng chính trị tuyệt vời cho Cuba. Nó đã giúp chúng tôi củng cố đất nước và biến chúng tôi từ những người nhỏ bé, trở thành bình đẳng với thế giới”.
Cuối cùng, để đổi lấy 1.113 tù binh Cuba lưu vong, luật sư người Mỹ James B. Donovan đã tổ chức một cuộc quyên góp trong dân chúng Mỹ. Kết quả thu được 53 triệu USD dưới danh nghĩa mua thực phẩm và thuốc men cho trẻ em Cuba. Tù binh Rodiguez cay đắng: “Cuba tự do ư? Đó chỉ là ảo tưởng của người Mỹ. Còn chúng tôi, chúng tôi đã làm một việc vô nghĩa và điên rồ …”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Khẩu súng đắt nhất thế giới trị giá hơn 110 tỷ: Chỉ vài người có khả năng mua, làm bằng chất liệu độc nhất
Người đàn ông mua chiếc ấm nứt vì đam mê, nào ngờ là đồ cổ 250 năm được định giá hơn 17 tỷ đồng
Không phải người ngoài hành tinh, con người có thể là sinh vật có trí tuệ duy nhất trong vũ trụ?
Ngôi chùa cổ sở hữu 4 chiếc cột gỗ quý hơn 'kim cương' giá 3400 tỷ: Người người xếp hàng vào xem!
Cặp vợ chồng sững sờ phát hiện chiếc bình sứ chắn cửa nhà suốt 36 năm lại có giá trị đến 30 tỷ đồng
Chiếc giường gỗ có giá trị nhất miền Tây: Chế tác bằng gỗ quý hàng đầu Việt Nam, trả 3 tỷ không bán