Trước khi mắc căn bệnh "kinh quý", phải sống trong cung xây dưới lòng đất suốt 20 năm, Trịnh Giang nổi tiếng "ăn chơi nhất trần gian".
Trịnh Giang (1711-1762) còn có tên là Trịnh Khương, con trai cả của
chúa Trịnh Cương. Năm 20 tuổi, ông được cha lập làm thế tử.
Sau 10 năm ở ngôi, một lần, Trịnh Giang bị sét đánh gần chết. Từ đó, ông mắc bệnh “kinh quý”, tinh thần bất định, hay hoảng hốt sợ hãi. Nhân cơ hội này hoạn quan Hoàng Công Phụ cho đào đất làm cung Thưởng Trì dưới hầm. Chúa Trịnh nổi tiếng ăn chơi không dám bước chân ra ngoài, hoạn quan Hoàng Công Phụ được dịp "tác oai tác quái”.
Đi ngủ, thức dậy phải bắn ba tiếng súng báo hiệu
Sau khi lập Trịnh Giang làm thế tử, Trịnh Cương cho nhiều danh nho tiếng tăm đương thời làm thầy dạy cho con. Trong đó, đại thần Nguyễn Công Hãng nổi tiếng là người giỏi, tính tình thẳng thắn, được cử giữ chức bảo phó.
Thế nhưng, Trịnh Giang không những không tiến bộ, mà ngược lại ngày càng ăn chơi, hưởng lạc. Nguyễn Công Hãng đã bí mật dâng sớ lên chúa Trịnh Cương rằng: “Trịnh Giang là người ươn hèn, không thể gánh vác ngôi chúa”.
Trịnh Cương nghe theo nhưng chần chừ chưa quyết thì đã mất vào tháng 10/1729 trên đường đi tuần. Trịnh Giang từ chỗ suýt bị truất, lại được lên ngôi chúa.
Sau khi lên ngôi, Trịnh Giang vẫn lo chơi bời, không còn nghe theo các đại thần trong triều. Ông tin lời thái giám Hoàng Công Phụ, sử dụng lộng thần do y giới thiệu. Những đại thần không thuận ý chúa đều bị hãm hại.
Biết chuyện Nguyễn Công Hãng dâng bản tấu truất ngôi thế tử của mình trước đó, Trịnh Giang cũng tìm cách hại ông.
Không lâu sau, Trịnh Giang thể hiện uy quyền bằng cách ra lệnh đình chỉ xây dựng cung điện vua Lê, tự phong nguyên soái, thống quốc chính, Uy nam vương, cho thay đổi, luân chuyển hàng loạt quan trấn thủ vì sợ “các viên trấn thủ trị nhậm ở trấn lâu ngày, được lòng quân và dân sẽ sinh ra việc biến động”.
Các chính sách tích cực thời Trịnh Cương đều bị Trịnh Giang thay đổi hết. Chính sự Đàng Ngoài ngày một rối ren, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi. Quyền lực của
vua Lê ngày càng thu hẹp, chỉ còn là hư vị. Những người lên tiếng can ngăn đều bị trừng phạt, bị bãi chức đuổi về quê.
Vốn là người thích phô trương, Trịnh Giang đặt lệ khi chúa ra coi chầu, đi tuần du hoặc xuất phát đều phải có phường nhạc tấu inh ỏi, cờ lệnh đi trước dẫn đường. Thậm chí, chúa đi ngủ, thức dậy đều phải bắn ba tiếng súng báo hiệu.
20 năm sống trong lòng đất
Triều đình có hai ban văn võ, nay Trịnh Giang vì mê chơi bời, nghe theo thái giám, đặt thêm “Giám ban”. Ai muốn vào ban này cũng phải thi. Các quan văn, võ thấy hổ thẹn vì còn thua cả thái giám mà không ai dám nói. Quyền hành dần nằm trong tay thái giám Hoàng Công Phụ.
Tranh vẽ cảnh ăn chơi trong phủ chúa Trịnh.
Trịnh Giang cho xây nhiều cung quán như Hồ Thiên, Hành cung Quế Trạo, Từ Dương, phủ đệ ở các làng ngoại Tử Dương, Mi Thử, khiến quốc khố cạn kiệt. Để bù đắp, chúa tăng các khoản thuế như thuế dung, thuế điệu…
Tăng thuế chưa đủ, Trịnh Giang cho phép buôn bán quan tước, từ quan đến dân nếu ai có tiền nộp lại sẽ được cất nhắc các chức phẩm.
Theo "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục", quan lại trong triều ban từ lục phẩm trở xuống, ai nộp 600 quan tiền sẽ được thăng chức một bậc. Người dân nộp 2.800 quan được bổ thụ tri phủ, nộp 1.800 quan làm tri huyện.
Nhân dân cơ cực, mất mùa đói kém, nhưng triều đình không quan tâm, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi.
Sau 10 năm ở ngôi, một lần, Trịnh Giang bị sét đánh gần chết, mắc bệnh “kinh quý”. Căn bệnh khiến vị chúa ăn chơi tinh thần bất định, hay hoảng hốt sợ hãi. Hoàng Công Phụ cho đào đất làm cung Thưởng Trì dưới hầm cho Giang ở.
Chúa ở hẳn dưới hầm, không còn biết việc triều chính. Triều thần muốn đưa em Trịnh Giang là Trịnh Doanh lên thay, nhưng Hoàng Công Phụ ngăn trở.
Trước tình cảnh Đàng Ngoài suy thoái, Trịnh Thái phi Vũ thị cho tập hợp các quan văn võ nhằm đưa Trịnh Doanh lên ngôi Chúa. Nhân lúc Hoàng Công Phụ đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, ở trong triều, các quan đồng loạt đưa Trịnh Doanh lên ngôi.
Sau khi bị phế truất ngôi chúa, Trịnh Giang được đưa đến sống ở cung Thưởng Trì dưới lòng đất, đến năm Canh Thìn 1762 thì mất.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing