Khám phá

Đám cưới của công chúa ngày xưa

Với những công chúa “lá ngọc cành vàng”, lễ cưới của họ không chỉ là việc lớn của hoàng gia, mà còn là chuyện hệ trọng của cung đình, đất nước.

NASA tìm ra siêu Trái Đất 'có thể ở được' / Phát hiện bất ngờ trong ngôi mộ cổ 2.500 năm tuổi

Khi một nàng công chúa triều Nguyễn đến tuổi 16, nhà vua sẽ sai Bộ Lại, Bộ Binh lập danh sách con, cháu, chắt các công thần từ hàng nhị phẩm trở lên. Ngoài gốc gác, những chàng trai này phải khôi ngô tuấn tú, thông minh, không bị dị tật.

Ảnh tái hiện đám cưới công chúa triều Nguyễn tại Festival Huế năm 2015. Ảnh: ITN.

Ảnh tái hiện đám cưới công chúa triều Nguyễn tại Festival Huế năm 2015. Ảnh: ITN.

Dịp này, vua cử một hoàng thân làm chủ hôn, một đại thần làm chiếu liệu để sắp đặt mọi việc liên quan, đứng ra lo liệu công việc lễ cưới. Căn cứ trên phiếu kê danh sách của Bộ Lại, Bộ Binh, 2 vị này chọn lấy 5 người hợp tuổi, xứng đáng, tâu lên để vua lựa chọn phò mã cho công chúa.

Vật phẩm trong lễ cưới công chúa

Theo sách “Đời sống trong cung đình triều Nguyễn”, cùng những tư liệu lịch sử do Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại, lễ cưới công chúa triều Nguyễn gồm 6 lễ, 2 lễ cử hành trong một ngày, tất cả thành 3 ngày ngắt quãng nhau.

Trong ngày thứ nhất sẽ diễn ra lễ Nạp thái và lễ Vấn danh. Theo đó, trong lễ Nạp thái, gia đình nhà trai sẽ đưa lễ vật vào cung. Lễ vật bao gồm một con trâu, 1 con lợn, 2 mâm trầu, 2 vò rượu, 2 cây gấm, 10 tấm lụa, 4 thỏi vàng, 1 đôi bông tai, 1 cái mâm vàng, 2 chuỗi ngọc và 16 thỏi bạc.

 

Người được cử làm chủ hôn sẽ bày gấm, lụa, trầu cau lên bàn thờ, còn vàng bạc, nữ trang được truyền trao cho công chúa. Ngoài lễ Nạp thái là lễ Vấn danh với lễ vật gồm 2 con trâu, 2 con lợn, 2 vò rượu.

Lễ cưới ngày thứ hai sẽ có 2 lễ gồm Nạp trưng và Nạp cát. Nạp trưng lễ vật gồm 2 con trâu, 2 con bò, 2 con lợn, 1 mâm trầu cau, 2 vò rượu, 2 tấm lụa hoa, 20 tấm lụa trơn, 6 thỏi vàng, 20 thỏi bạc. Phẩm vật trong lễ Nạp cát gồm 2 con bò, 2 con trâu, 2 con lợn và 2 vò rượu.

Sau các lễ trên, vua sai đại thần đem lễ vật đi cáo các lăng miếu. Trước hôm lễ thành thân 3 ngày, các bà mệnh phụ cùng nữ quan dẫn công chúa đến lạy các miếu, vào cung lạy hoàng hậu, hoàng thái hậu.

Trước 2 ngày, vua sai quan Khâm mạng tới thăm phủ đệ phò mã, mang tới giường thất bảo, màn bát tiên, văn phòng tứ bửu bày tại nhà phò mã để chuẩn bị cho ngày rước dâu.

Tới ngày thứ 3 sẽ tổ chức 2 lễ còn lại là lễ Diện nhan và lễ Thân nghinh. Lễ vật của lễ Diện nhan gồm một hộp chỉ ngũ sắc, 100 đồng tiền, 2 con giống (chim nhạn hoặc ngỗng) nhốt trong 2 lồng có dây đỏ buộc liền nhau. Tất cả những lễ vật này tượng trưng cho sự chung thủy, giàu có, thịnh vượng, con đàn, cháu đống.

 

Khi diễn ra lễ Thân nghinh, hai ông bà chiếu lệ sẽ đến phủ đệ phò mã, tự tay sắp đặt giường nằm, trải chiếu cho đôi uyên ương trẻ. Chủ hôn lựa chọn 10 hoàng thân, 2 phò mã, 2 viên quan văn, 2 quan võ cùng phu nhân tề chỉnh võng lọng đợi giờ dẫn dâu. Bộ Binh phái 300 lính nhung phục cầm cờ quạt, nghi trượng chờ sẵn trước cửa cung.

Lễ rước dâu của phò mã

Khi tất cả đã sẵn sàng, phò mã mặc lễ phục vào lạy vua xin đón công chúa trong một gian phòng bốn bên có màn che, pháo phủ.

Trước thời khắc về nhà chồng, công chúa đội mũ phượng, mặc áo bào đỏ có thêu hoa tròn và chim phượng, xiêm bằng đoạn bát ty màu bạch tuyết, đi hài đỏ thêu hình chim phượng. Chuẩn bị xong xuôi, công chúa được nữ quan dẫn đến hầu vua cha và mẫu hậu để được nghe những lời giáo huấn trước lễ Thân nghing.

Khi kiệu hoa tới trước cửa Tả đoan, công chúa bước ra, bên trong, phò mã đã chờ sẵn bên kiệu, tự tay vén màn mời công chúa lên.

 

Phò mã cưỡi ngựa che 2 lọng, lính hầu bê tráp dẫn đường, có 300 binh sĩ cầm cờ quạt, nghi trượng và phường nhạc. Theo bên kiệu công chúa là 6 nữ quan và các thể nữ mặc áo mã tiên, 2 người cầm lồng đèn, 2 người cầm nhành thiên tuế, 2 người ôm lồng ngỗng, 4 người ôm tráp trầu và hộp hương.

12 vị hoàng thân, 2 phò mã, 4 viên quan văn võ cùng phu nhân đi võng lọng dẫn đường. Ra khỏi hoàng thành, phò mã được lên kiệu cùng công chúa.

Kiệu cô dâu về đến phủ, sẽ được rước thẳng vào cửa chính, phò mã vén kiệu đỡ công chúa vào phòng. Đoàn đưa công chúa được mời vào phòng khách để nhận khoản đãi.

Phò mã cùng công chúa vào lễ ở bàn thờ lễ tơ hồng, dự lễ Hợp cẩn. Hai vợ chồng ăn chung mâm cỗ lễ tơ hồng, cùng uống rượu trong 2 chén làm bằng 2 nửa của cùng một quả bầu.

Ngày hôm sau, công chúa sẽ theo chồng tới ra mắt cha mẹ chồng. Nghi lễ gồm 4 lạy, cha mẹ đáp lễ bằng 2 vái. Ngày thứ 3 hai vợ chồng đến từ đường lễ tổ tiên nhà chồng, mỗi người lạy bốn lạy, 2 vái.

 

Đến ngày thứ 9, hai vợ chồng vào chầu vua, phò mã sẽ được vua ban một bộ triều phục tam phẩm, 2 áo gấm, 2 bộ yên ngựa. Sau khi lạy tạ vua 5 lạy, phò mà và công chúa vào lạy chào hoàng hậu và hoàng thái hậu.

Khi đi lấy chồng, công chúa sẽ được vua cấp của hồi môn, chồng công chúa sẽ được phong làm Phò mã Đô úy.

Cưới được công chúa, phò mã được cấp bổng lộc hàng năm, công việc chủ yếu là dự yến tiệc, theo hầu nhà vua.

Lễ cưới công chúa từ thời vua Tự Đức (1887 - 1883) được tiến hành ở Tôn Nhơn Phủ (Nhờ thờ nhà Nguyễn). Theo thời gian, lễ cưới công chúa ngày càng thay đổi, các lễ vật ngày càng đơn giản hơn.

- Video: Ngắm sự kỳ vĩ và lộng lấy của Tử Cấm Thành từ trên cao. Nguồn: Sky Eye.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm