Dao găm trong hầm mộ vua Tutankhamun được làm từ thiên thạch
Thánh mẫu – bí ẩn về nghề hiếm hoi trên thế giới / Quái vật hồ Loch Ness - Kho chuyện không bao giờ kể hết
Một phân tích về thành phần kim loại của một con dao găm được chôn theo vua Tutankhamun cho thấy rất có thể con dao này có nguồn gốc “ngoài vũ trụ” - cụ thể là được làm từ quặng sắt lấy từ một thiên thạch.
Năm 1925, nhà khảo cổ Howard Carter đã tìm thấy hai con dao găm, một bằng sắt, một bằng vàng sau những lớp vải quấn xác ướp của vị vua trẻ.
Con dao sắt có chuôi bằng vàng, quả táo chuôi dao bằng pha lê với bao đựng có hình hoa ly và chó sói đồng cỏ này đã khiến các nhà nghiên cứu đau đầu trong suốt nhiều thập kỷ sau khi được phát hiện, bởi đồ sắt rất hiếm trong thời Ai Cập cổ đại, và lưỡi dao sắt vẫn chưa bị han gỉ.
Theo Guardian, các nhà khoa học Italya và Ai Cập đã phân tích lưỡi dao bằng một quang phổ kế tia X huỳnh quang để biết cấu tạo hóa học của nó, và phát hiện ra hàm lượng niken và coban cao, cho thấy rất có thể lưỡi dao này “có nguồn gốc ngoài vũ trụ.”
Sau đó, họ so sánh các thành phần này với những thiên thạch từng rơi xuống trong phạm vi 2.000km quanh bờ biển Đỏ của Ai Cập, và tìm thấy một thiên thạch với hàm lượng các chất tương tự.
Thiên thạch này có tên là Kharga, được phát hiện ở địa điểm cách hải đăng Alexandria 240km về phía Tây, tại thành phố cảng Mersa Matruh, còn được biết đến với cái tên Amunia dưới thời Alexander Đại đế vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên.
Năm 4.000 trước Công nguyên, con người đã làm quen với đồng và vàng, nhưng sắt xuất hiện sau đó rất lâu, và cực kỳ hiếm tại Ai Cập cổ đại.
Năm 2013, chín hạt bằng sắt màu đen được khai quật từ một nghĩa trang gần sông Nile về phía Bắc cũng được phát hiện là làm từ những mảnh của một thiên thạch bị rơi, và cùng là hợp kim sắt-niken.
Những hạt sắt này còn cao tuổi hơn cả vua Tutankhamun – chúng đã có mặt từ năm 3.200 trước Công nguyên.
Nhóm nghiên cứu con dao sắt cho biết: “Là hai món đồ tạo tác bằng sắt quý giá từ thời Ai Cập cổ đại được phân tích chính xác về nguồn gốc thiên thạch, chúng tôi cho rằng người Ai Cập cổ coi quặng sắt từ thiên thạch có giá trị rất lớn trong việc sản xuất những món đồ trang trí tinh xảo hay những vật dụng phục vụ nghi lễ.” Nhóm nghiên cứu cũng tin vào giả thuyết người Ai Cập cổ rất coi trong những tảng đá rơi từ trên trời xuống, và việc phát hiện ra nguồn gốc thiên thạch của con dao đã mang lại ý nghĩa cho việc sử dụng từ “sắt” trong các tài liệu cổ. Một tài liệu vào khoảng thế kỷ 13 trước Công nguyên đã dùng cụm từ được dịch nghĩa đen là “sắt từ trên trời" để mô tả mọi loại sắt.
Nhà Ai Cập học Joyce Tyldesley thuộc đại học Manchester cũng cho rằng người Ai Cập cổ đã thờ phụng những vật ngoài hành tinh rơi xuống Trái Đất.
“Bầu trời rất quan trọng với tín ngưỡng của người Ai Cập cổ. Bất cứ thứ gì từ trên trời rơi xuống cũng được coi là một món quà của thần linh.”
Chất lượng rất tốt của lưỡi dao cho thấy nó được rèn bởi những người thợ có tay nghề cao, bất chấp việc vào thời đó sắt vẫn còn là một nguyên liệu hiếm có.
Lưỡi dao này không phải là vật dụng duy nhất được làm từ thiên thạch dưới thời vua Tutankhamun.
Năm 2006, một nhà hóa học vật lý tại Australia đã cho rằng một viên đá màu vàng lạ lùng có hình con bọ hung trên vòng cổ chôn theo xác ướp nhà vua thực ra là một viên thủy tinh được hình thành nhờ sức nóng của thiên thạch khi lao xuống cát.
“Sẽ rất thú vị nếu phân tích thêm các món đồ tạo tác có từ trước thời đồ Sắt, như những vật bằng sắt tìm thấy trong lăng mộ của vua Tutankhamun. Chúng ta có thể thu được những kiến thức quý báu về kỹ nghệ rèn kim loại thời Ai Cập và Địa Trung Hải cổ xưa," nhà nghiên cứu Daniela Cornelli, thuộc khoa vật lý trường bách khoa kỹ thuật Milan chia sẻ với kênh Discovery News.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Là chủ của Thiên Đình, tại sao Ngọc Hoàng lại sợ hãi đến trốn cả vào gầm bàn, phải nhờ cậy Phật Tổ Như Lai khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung?
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc
Nhà thơ 'lười' nhất lịch sử: Cả đời chỉ sáng tác một bài hai câu thơ, được truyền muôn đời
Bài toán hóc búa của thầy giáo Việt Nam trong đề thi Olympic: Độ khó khiến nhiều nước muốn loại bỏ