Khám phá

Kinh hãi trước những con "thủy quái" lừng danh thế giới

Nhắc tới "thủy quái", ai cũng nghĩ tới Nessie, con quái vật hồ Loch Ness (Xcốtlen) đã làm tốn biết bao giấy mực hơn 1.500 năm qua. Tuy nhiên, cùng với sự chuyển động của thời gian, con người đã phát hiện thêm rằng ngoài Nessie, trên thế giới này còn rất nhiều con "thủy quái" khác.

8 quy tắc làm đẹp kỳ lạ được ưa chuộng từ thời quá khứ / Đền Hoysaleswara: Bằng chứng về máy móc cơ khí thời cổ đại

Kỳ 1: Quái vật hồ Kanasi

Hồ Kanasi (thuộc khu tự trị Tân Cương), theo tiếng Mông Cổ nghĩa là "hồ đẹp và thần bí", được liệt vào vị trí đầu tiên trong danh sách những hồ trên núi lớn nhất Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng khi xưa Thành Cát Tư Hãn băng hà, di thể được đem thủy táng ở hồ Kanasi và những người Đồ Ngõa (Tuwa, phân chi của dân tộc Mông Cổ) được tuyển chọn để đi theo hầu cận vị hoàng đế trứ danh này. Từ đó, người ta thấy "thủy quái" bắt đầu xuất hiện ở hồ Kanasi. Chúng chính là những "vệ sĩ" trung thành bảo đảm vong linh của Thành Cát Tư Hãn không bao giờ bị xâm phạm. Truyền thuyết là vậy, nhưng cũng đủ để kích thích trí tò mò của con người. Hồ Kanasi thu hút ngày càng nhiều du khách, cả những nhà khoa học, thám hiểm không chỉ tới chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp, hít thở bầu không khí thoáng đãng nơi đây, mà còn để nghiên cứu và có một lần may mắn trong đời mục kích con quái vật nổi lên. Ngành du lịch địa phương nhờ đó đã và đang kiếm bộn tiền.

“Quái vật” hồ Kanasi xuất hiện
“Quái vật” hồ Kanasi xuất hiện

Chuyện rộ lên vào những năm 1980. Sau những gì được cho là "đồn thổi", "huyễn hoặc" về con quái vật hồ Kanasi, đoàn khảo sát do nhà nghiên cứu Viên Quốc Ánh thuộc Viện Nghiên cứu khoa học bảo vệ môi trường Tân Cương dẫn đầu đã lên đường đến hồ Kanasi. Trong hơn 3 tháng ở đây, họ đã phát hiện xương của rất nhiều loại động vật chết ven hồ, trong đó có cả những loài lớn, mạnh như: Trâu, bò, ngựa và cả lợn rừng. Những nhà nghiên cứu cũng gặp và nghe nhiều người Đồ Ngõa sống quanh hồ kể về con "quái vật" Kanasi từng ăn thịt cừu, ăn thịt ngựa của họ với một vẻ huyền bí. Người Đồ Ngõa phong "quái vật" hồ Kanasi làm một vị thần, cúng tế hàng năm hậu hĩnh và rất sợ đề cập tới "ngài" vì họ coi đó là việc làm kị húy, sẽ bị "ngài" giáng họa. Kết quả chuyến khảo sát không có gì đáng chú ý ngoài một mớ truyền thuyết về "quái vật" hồ Kanasi.

Xương một con bò bên hồ Kanasi được cho là bị “quái vật” ăn thịt

Tuy nhiên, 5 năm sau, khi quay trở lại trong một chuyến khảo sát khác, ông Viên Quốc Ánh đã vô cùng sửng sốt khi tận mắt trông thấy những con "quái vật" hồ Kanasi. Hôm đó, khi đang xuống núi, ông Viên Quốc Ánh nhìn thấy phía xa có một vệt dài như thể ai đó trải tấm vải hồng trên mặt hồ Kanasi. "Thật là điên rồ", ông Viên Quốc Ánh thầm nghĩ. Bất chợt mấy du khách bên cạnh thốt lên: "Chúng đang động đậy". Ông Viên Quốc Ánh bừng tỉnh. "Cá khổng lồ", một du khách cầm kính viễn vọng thảng thốt. Định thần, ông Viên Quốc Ánh mượn chiếc kính viễn vọng của người bên cạnh. Rõ ràng không phải tấm vải hay sinh vật phù du hoặc một dải tảo hồng, trên mặt hồ có rất nhiều cái đầu tròn há miệng tạo ra quầng bọt lớn. Một số con nhấp nhô tấm lưng màu hồng lên mặt nước. Tới 12 giờ trưa, số lượng "quái vật" nhập bầy đã lên tới 50-60 con, trong đó có khoảng 10-20 con dài từ 6-9 m, 30-40 con dài từ 3-6 m và con to nhất dài trên 10 m, nặng chừng 2-3 tấn, đầu rộng trên 1 m. Trông chúng như những chiếc tàu ngầm nhô lên mặt nước, dài và to gấp 2-3 lần một cây cổ thụ.


Du khách đổ tới hồ Kanasi tìm kiếm cơ may nhìn thấy “quái vật” lộ diện

 

Hai mươi năm sau, vào ngày 7/6, khi đang trên thuyền du ngoại cảnh hồ Kanasi, một nhóm du khách đến từ Bắc Kinh cũng may mắn nhìn thấy hai con "quái vật" đùa giỡn nhau tạo ra những cột sóng cao tới 2 m. Khi vươn lên, chúng cao bằng những cây lớn mọc ven hồ, thân dài ít nhất là 10 m. Đang cầm trong tay máy ảnh, giảng viên Lý Tiêu Lăng thuộc Học viện Chính trị thanh niên Trung Quốc đã có được bức hình quý báu về "quái vật" hồ Kanasi và nó không chỉ gây chấn động Trung Quốc mà cả đối với thế giới. Tháng 7/2007, đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát đi đoạn băng ghi hình 15 con “quái vật” hồ Kanasi đang bơi như tên bắn dưới mặt nước xanh ngằn ngặt, để lại bọt tung trắng xóa đằng sau. Hàng chục thế kỷ nay, có lẽ đây là lần đầu tiên Trung Quốc có được bằng chứng sống động và thuyết phục đến thế về con “quái vật” bí ẩn này.

Các nhà ngư học cho rằng hồ Kanasi nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, nước rất lạnh, nên tốc độ sinh trưởng của các loài cá trong hồ rất thấp, khó có thể tồn tại một loại cá khổng lồ. Nhưng, qua quan sát và nghiên cứu nhiều năm, ông Viên Quốc Ánh ước tính con "quái vật" to nhất trong hồ Kanasi dài trên 15 m. Điều đó có nghĩa "quái vật" hồ Kanasi là loài động vật nước ngọt lớn nhất cho tới nay bởi người ta mới chỉ bắt được con vật sống ở nước ngọt lớn nhất là loài cá tầm dài khoảng 9 m (ở Nga). Theo luận chứng của nhiều chuyên gia Trung Quốc, "thủy quái" hồ Kanasi thực chất là một loại cá hồi Triết La, vẩy màu hồng, thân dài khoảng 12-15 m, đầu rộng 1,5 m, nặng chừng 2-3 tấn. Đây là một loại động vật ăn thịt dưới nước rất hung hãn. Thức ăn của chúng là các loài cá bé, thủy cần hoang dã và thậm chí là đồng loại. Tuy nhiên, từ lâu, cá hồi Triết La đã bị cho là tuyệt tích và tới nay chưa ai bắt được một con cá loại này dài hơn 2,1 m.

Hồ Kanasi tồn tại từ 200.000 năm nay, có diện tích 24 km x 1,6 km, chỗ sâu nhất khoảng 188 m, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kanasi (Tân Cương, Trung Quốc), được mệnh danh là "Giơnevơ của phương Đông". Nước hồ Kanasi rất trong, môi trường gần như nguyên sinh.

(Còn tiếp)

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm