Dấu tích vàng son của tứ đại cố đô Trung Quốc
Được vua Càn Long hỏi cầm tinh con gì, trả lời là "con lừa", Lưu Dung lập tức được thăng quan 3 cấp / Con vật bí hiểm chạy qua, ai cũng tưởng là chó, đến khi bắt được nó nhiều người đã phải ngỡ ngàng
Trong suốt chiều dài 5.000 năm lịch sử, rất nhiều kinh đô đã hình thành trên lãnh thổ Trung Quốc. Những kinh đô này là sự kết hợp độc đáo giữa thành trì và đô thị, đóng vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia hoặc nước chư hầu. Trong đó, Bắc Kinh, Tây An, Lạc Dương và Nam Kinh là chứng tích cho thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn minh Trung Quốc, được mệnh danh "tứ đại cố đô".
Bắc Kinh
Bắc Kinh là thành phố văn hóa lịch sử nổi tiếng thế giới. Theo tài liệu cổ, Bắc Kinh được hình thành cách đây hơn 3.000 năm vào thời Yên. Đây là kinh đô của 6 vương triều phong kiến, bao gồm những đế quốc hùng mạnh như Nguyên (1271-1368), Minh (1421-1644) và Thanh (1644-1911). Từ năm 1949, Bắc Kinh trở thành thủ đô của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Cố cung Trung Quốc thời Minh, Thanh. Ảnh: Lonely Planet. |
Bắc Kinh luôn giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc nhờ địa thế chiến lược: thành phố nằm ở phía đông bắc, được bao quanh bởi những dãy núi cao ngăn cách với Mãn, Mông về phía bắc và kết nối với lưu vực Dương Tử bằng Đại Vận Hà.
Di Hòa viên (Cung điện mùa hè). Ảnh: Pexels. |
Hiện nay, Bắc Kinh còn lưu giữ nhiều Di sản Văn hóa Thế giới nên được tán dương là "viên ngọc quý trên vương miện Trung Quốc". Hầu hết di tích nguy nga, tráng lệ tại Bắc Kinh được xây dựng vào thời Minh, Thanh như Minh thập tam lăng, quảng trường Thiên An Môn, Tử Cấm Thành, trường thành Bát Đạt Lĩnh, Di Hòa viên, Viên Minh viên, Thiên đàn... Ngoài ra, Chu Khẩu Điếm - di chỉ người vượn Bắc Kinh - là điểm tham quan lịch sử nổi tiếng tại thủ đô Trung Quốc.
Bát Đạt Lĩnh, đoạn trường thành nổi tiếng nhất Trung Quốc. Ảnh: Telegraph. |
Tây An
Tây An (hay Trường An) là kinh đô đầu tiên của đất nước Trung Quốc thống nhất dưới triều đại Tần. Lúc này, Tây An là một trong những thành phố giàu có và đông dân nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi nhà Đường suy vong, Tây An không còn giữ được vị thế quan trọng, dù vẫn là điểm khởi đầu phía đông của con đường tơ lựa huyền thoại.
Tường thành Tây An. Ảnh: Lonely Planet. |
Giờ đây, dấu vết về thời kỳ vàng son trong quá khứ của Tây An được lưu lại qua tường thành cổ nổi tiếng. Tường thành Tây An được xây dựng từ năm 1370, nhưng còn chứa đựng những tầng lớp tường cũ khi Tây An là kinh đô thời kỳ nhà Đường. Những công trình tiêu biểu của giai đoạn này là tháp Đại Nhạn, tháp Tiểu Nhạn và nhà thờ Hồi giáo Tây An.
Đội quân đất nung tại bảo tàng Binh Mã Dũng. Ảnh: The New York Times. |
Danh thắng nổi tiếng nhất ở Tây An là lăng mộ Tần Thủy Hoàng và đội quân đất nung. Quần thể lăng mộ của vị hoàng đế Trung Quốc đầu tiên vẫn còn nhiều bí ẩn. Du khách có thể chiêm ngưỡng 1.700 bức tượng đất nung tại bảo tàng Binh Mã Dũng.
Lạc Dương
Lạc Dương là cái nôi của nền văn minh Hoa Hạ, nằm ở nơi hợp lưu của hai con sông Lạc Hà và Hoàng Hà. Thành phố này trở thành kinh đô của nhà Hạ, vương triều đầu tiên ở Trung Quốc, nên được xem là địa điểm linh thiêng trong nhiều thế kỷ. Với dân số hơn một triệu người, Lạc Dương trở thành đô thị thịnh vượng nhất trên thế giới thời kỳ nhà Đường (618-907).
Hang đá Long Môn (Lạc Dương). Ảnh: The China Guide. |
Rất nhiều di tích lịch sử và di chỉ khảo cổ quan trọng của 13 triều đại phong kiến nằm dọc theo Lạc Hà. Đến nay, Lạc Dương sở hữu 5 di sản văn hóa thế giới gồm hang đá Long Môn (đại diện cho nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc), bảo tàng cổ mộ Lạc Dương... Ngoài ra, Lạc Dương còn có nhiều công trình nổi bật như chùa Bạch Mã (chùa lâu đời nhất Trung Quốc) hay Minh đường và Thiên đường.
Nam Kinh
Tọa lạc trên đồng bằng sông Dương Tử, Nam Kinh là một trong những thành phố quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Vào thế kỷ 3, Nam Kinh bắt đầu phát triển khi trở thành kinh đô của triều đại Đông Ngô (thời Tam quốc). Bấy giờ, thành phố này thường được gọi là Kiến Nghiệp hoặc Kiến Khang.
Lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh. Ảnh: China Discovery. |
Nam Kinh trở thành trung tâm thương mại - văn hóa của Trung Quốc vào thế kỷ 6. Những cuộc chiến tranh dai dẳng khiến nhiều thợ thủ công và thi sĩ chạy về phía nam, tạo điều kiện để ngành dệt may, gốm sứ của thành phố bùng nổ. Tuy nhiên, Nam Kinh đã bị tàn phá nặng nề vào thời nhà Tùy, trước khi trở lại thời kỳ huy hoàng dưới triều đại Minh Thái Tổ (1368-1398).
Trung Hoa môn. Ảnh: China Culture. |
Ngày nay, Nam Kinh vẫn còn những chứng tích lịch sử nổi tiếng như Minh Hiếu Lăng (lăng mộ Chu Nguyên Chương), cung điện nhà Minh, Trung Hoa môn, lăng Tôn Trung Sơn, đền Khổng Tử...
End of content
Không có tin nào tiếp theo