Theo Giáo sư Thiên văn học Andrew Norton từ Đại học Mở (Mỹ), ông đã từng nghe rất nhiều các thông tin về những "lần đầu tiên tìm thấy hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời giống Trái Đất nhất". "Với gần 2.000 ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời) được tìm thấy cho đến nay, chúng ta không ngạc nhiên về việc một trong số những tinh cầu này giống với Trái Đất theo một ách nào đó. Tuy nhiên, liệu các hành tinh đó thực sự có thể sinh sống được?
Rất nhiều trong số các tuyên bố về các điều kiện sinh sống ở các ngoại hành tinh được thổi phồng quá đáng. Ngoại hành tinh GJ1132b vừa được công bố rằng "có thể là hành tinh quan trọng nhất từng được phát hiện bên ngoài Hệ Mặt Trời". Trên thực tế,nólà một trong những ngoại hành tinh gần nhất được phát hiện nhưnghầu như không giống Trái Đất. Nó di chuyển xung quanh một ngôi sao với nhiệt độ bề mặt lên tới vài trăm độ C. Tương tự như vậy, Tau Ceti e và Kepler 186f đều đã được giới thiệu như là anh em sinh đôi của Trái Đất, nhưng đó cũng chỉ là hai trong số những hành tinh có nhiều điểm giống với Trái Đất mà thôi".
Cũng theo Andrew Norton, cách tốt nhất để đánh giá một hành tinh giống Trái Đất là sử dụng Chỉ số tương tự Trái Đất (Earth Similarity Index - ESI). Chỉ số này được tính toán dựa trên bán kính, mật độ, nhiệt độ bề mặt của ngoại hành tinh. Đối với nhiều ngoại hành tinh, chúng ta không thể có được tất cả các thông số, vì vậy, chỉ số sẽ được ước tính dựa trên các thông tin đáng tin cậy đã thu thập được.
Chỉ số ESI nằm trong khoảng từ 0-1 và bất cứ hành tinh nào có ESI trên 0,8 có thể được xem là "giống như Trái Đất". Trong Hệ Mặt Trời của chúng ta, sao Hỏa có chỉ số ESI là 0,64 (giống như Kepler 186f) trong khi chỉ số ESI của sao Kim lên tới 0,78 (Giống như Tau Ceti e).
Dựa trên các giá trị ESI, chúng ta có thể xem xét 5 ngoại hành tinh dưới đây giống như một Trái Đất thứ 2.
1. Kepler 438b
Kepler 438b (ESI = 0.88) là ngoại hành tinh có chỉ số ESI cao nhất trong những hành tinh đã từng được biết đến. Được phát hiện vào năm 2015, Kepler 438b lớn hơn Trái Đất 12% và cách hành tinh của chúng ta 470 năm ánh sáng. Kepler 438b có khoảng cách với Mặt Trời của nó vừa đủ để có khả năng tích tụ nước lỏng trên bề mặt.
Khối lượng của hành tinh này chưa được đo đạc, nhưng nếu thành phần của nó là đá, nhiệt độ bề mặt của nó có thể khá giống Trái Đất, từ 0oC đến 60oC.
Tuy nhiên, chỉ số ESI không phải là một bảo chứng cho sự sống giống như Trái Đất. Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, Mặt Trời của Kepler 438b thường xuyên phát ra những đợt bức xạ mạnh, nó có thể khiến cho các hành tinh không còn điều kiện để con người có thể cư trú được.
2. Gliese 667Cc
Gliese 667Cc (ESI = 0,85) đã được phát hiện vào năm 2011 đang quay quanh một ngôi sao lùn đỏ trong hệ thống Gliese 667 ba sao, cách Trái Đất chỉ 24 năm ánh sáng. Khối lượng của hành tinh này đã được ước tính gấp khoảng 3,8 lần Trái Đất, mặc dù chúng ta không biết kích thước của nó (hành tinh này không vượt lên phía trước của ngôi sao mẹ nên chúng ta không thể đo được bán kính của Gliese 667Cc). Gliese 667Cc có chu kỳ quay xung quanh sao mẹ GJ 667C là 28 ngày, nó nằm trong vùng sinh sống mát mẻ, với nhiệt độ bề mặt khoảng 5oC.
3. Kepler 442b
Kepler 442b (ESI = 0,84) là một hành tinh có kích thước gấp 1,3 lần Trái Đất được phát hiện vào năm 2015. Nó đang quay quanh một ngôi sao lạnh hơn Mặt Trời và cách hành tinh của chúng ta khoảng 1.100 năm ánh sáng. Chu kỳ quay quanh sao chủ của nó là 112 ngày và nhiệt độ bề mặt khoảng -40 ° C. Tuy nhiên, nếu so sánh thì chúng ta có thể thấy, nhiệt độ ở sao Hỏa còn lạnh giá hơn nhiều.
Khối lượng của ngoại hành tinh này cũng không thể đo lường được, nhưng các nhà khoa học cho biết, nếu nó có thành phần là đất đá, nó có thể gấp 2-3 lần khối lượng của Trái Đất.
4. Kepler 62e và 62F
Hai hành tinh Kepler 62e & 62F (ESI = 0,83 và 0,67) đã được phát hiện vào năm 2013 với các kính thiên văn Kepler, khi chúng đang vươn ra phía trước ngôi sao chủ của chúng. Ngôi sao chủ này nằm ở khoảng cách 1.200 năm ánh sáng so với hành tinh của chúng ta, có phần mát hơn Mặt Trời. Với bán kính gấp khoảng 1,6 và 1,4 lần so với Trái Dất, chu kỳ quỹ đạotương ứng của Kepler 62e & 62F là 122 và 267 ngày, có nghĩa là cả hai đều được đặt vào trong vùng sinh sống. Cũng như nhiều hành tinh khác được phát hiện bởi kính viễn vọng Kepler, khối lượng của hai hành tinh này cũng không đo được. Tuy nhiên, mỗi hành tinh được ước tính là có khối lượng lớn gấp 30 lần khối lượng của Trái Đất. Nhiệt độ của mỗi hành tinh cũng cho phép nước lỏng tồn tại trên bề mặt của chúng.
5. Kepler 452b
Kepler 452b (ESI = 0.83) được phát hiện vào năm 2015 và là hành tinh có khả năng giống Trái Đất nhất khi nó quay quanh một ngôi sao tương tự như Mặt Trời của chúng ta và nằm trong vùng sinh sống được. Hành tinh này cách Hệ Mặt Trời 1.400 năm ánh sáng. Mặc dù chưa đo được khối lượng của hành tinh này nhưng nó được dự đoán là lớn hơn ít nhất 5 lần so với khối lượng của Trái Đất và nhiệt độ bề mặt được ước tính khoảng từ -20oC đến + 10oC
Giáo sư Andrew Norton cho biết, ngay cả khi những hành tinh này giống Trái Đất thì cũng có thể không có khả năng hỗ trợ sự sống bởi chúng còn phụ thuộc vào hoạt động của các ngôi sao chủ, những hành tinh rất khác với Mặt Trời của chúng ta.
"Tuy nhiên, với tỷ lệ phát hiện các ngoại hành tinh liên tục như hiện nay, chúng ta có thể hi vọng về sự xuất hiện của một hành tinh mà thực sự có khối lượng và kích thước tương tự như Trái Đất, và đang ở trong một quỹ đạo xung quanh một ngôi sao tương tự như Mặt Trời trong thập kỷ tới", Andrew Norton nói.