Khám phá

Điệp viên huyền thoại Anh quốc và những mối tình bí mật

Muldowney đòi cô phải trả lại những bức thư tình của hắn trước đây. Khi Christine nói cô đã đốt hết những lá thư ấy rồi, Muldowney bất ngờ cầm dao đâm một nhát sâu vào tim Christine, khiến cô thiệt mạng chỉ vài giây sau đó.

Điều ít biết về điệp viên "hai mang" ngăn Chiến tranh thế giới thứ 3 không nổ ra / Elena Kosova: Nữ điệp viên tài hoa của tình báo Xô viết

Người phụ nữ trẻ xinh đẹp đưa ánh mắt lạnh lùng nhìn ra xung quanh trong khi đoàn tàu hơi nước chạy xình xịch qua vùng đất Ba Lan đang trong thời chiến và những nhân viên bảo vệ có vũ trang đang tiến hành kiểm tra tại chỗ từng hành khách. Họ không thể ngờ rằng cô đang mang theo bên mình một lượng lớn những tờ rơi đến từ nước Anh với nội dung kêu gọi tinh thần kháng chiến của Ba Lan. Nếu bí mật này bị bại lộ, chắc chắn cô sẽ không thoát khỏi cái chết.

Sau cú lừa đau đớn, cựu nữ hoàng sắc đẹp trở thành nữ điệp viên đầu tiên của Anh quốc

Trong tình huống này, nếu là người khác thì có thể đã rất hoảng sợ nhưng Christine Granville không hề “yếu bóng vía” như vậy, bởi cựu nữ hoàng sắc đẹp người Ba Lan này đã trở thành người nữ điệp viên đầu tiên làm việc cho Anh quốc 2 năm trước khi Đội tác chiến đặc biệt (SOE) bắt đầu tuyển dụng phụ nữ cho các hoạt động bí mật của mình.

Được xem là điệp viên yêu thích nhất của thủ tướng Anh Winston Churchill, Christine Granville luôn mang theo bên mình một con dao commando dài 7 inch (khoảng 18 cm) đựng trong một bao da gắn vào đùi cô. Christine Granville cũng là chuyên gia trong việc sử dụng lựu đạn.

Tuy nhiên, vũ khí có sức công phá mạnh nhất của Christine Granville chính là khả năng quyến rũ những người đàn ông, mà một trong số những người hâm mộ sắc đẹp của Christine Granville đã từng ví như “ thứ ánh sáng có thể làm bất cứ ai nhìn vào cũng trở nên mù lòa”.

Nhận thức rõ được điểm mạnh đặc biệt của mình, Christine Granville đã không bỏ lỡ mọi cơ hội có thể để tận dụng “ mỹ nhân kế ” - một thứ vũ khí vô cùng lợi hại.

Nữ điệp viên Christine Granville tên thật là Krystyna Skarbek, sinh năm 1908 tại Ba Lan, trong một gia đình có cha là một quý tộc nghèo theo Công giáo La Mã và mẹ là người Do Thái. Thuở nhỏ, Krystyna Skarbek được cha gửi vào học trong một tu viện cho đến năm 14 tuổi.

Nữ điệp viên Christine Granville
Nữ điệp viên Christine Granville

Ở tuổi thiếu nữ, Krystyna Skarbek đã khiến bao chàng trai ngưỡng mộ, si mê bởi sắc đẹp rực rỡ và sức sống căng tràn của một cô gái phơi phới sức xuân. Vào năm 1931, cô gái 23 tuổi Krystyna Skarbek đã đoạt vương miện “Hoa hậu trượt tuyết” trong một cuộc thi sắc đẹp tại địa phương.

Vào thời điểm người Đức xâm lược Ba Lan vào ngày 01/09/1939, cô đã kết hôn với Jerzy Gizycki, một nhà ngoại giao giàu có, là lãnh sự cao cấp của Ba Lan ở Đông Phi. Khi nghe tin về cuộc xâm lược của người Đức, họ đã từ châu Phi tới Luân Đôn.

Từ đó, Jerzy tiếp tục đến Pháp, nơi mà chính phủ Ba Lan lưu vong sau đó được thành lập. Trong khi ấy, Christine quyết định gia nhập tổ chức mật vụ của Anh với một kế hoạch bất ngờ.

Có thể nói lý do chính thúc đẩy Christine Granville trở thành điệp viên là lòng hận thù đối với Đức quốc xã, bắt nguồn từ khi cô phát hiện ra mẹ của mình, bà Stefania, đã bị bọn chúng bắt giữ và giam cầm trong trại giam người Do Thái.

Christine gặp một sĩ quan Gestapo hứa sẽ tha mạng sống cho mẹ cô và đổi lại, cô phải mất một khoản là 300 đô la (tương đương với 3000 bảng hiện nay) và một đêm lên giường với hắn. Tình thương mẹ khiến Christine Granville đành cắn răng thực hiện yêu cầu bỉ ổi đó của gã sĩ quan.

 

Tuy nhiên, sau khi đã thỏa mãn dục vọng, có được cả tình lẫn tiền, lúc bấy giờ gã mới cho Christine biết rằng, bà Stefania đã bị chuyển đến trại tập trung Auschwitz và bị tra tấn đến chết tại đây.

Chính cái chết nghiệt ngã của mẹ và cú lừa đau đớn mà cô là nạn nhân đã thổi bùng ngọn lửa căm hận Phát xít Đức trong Christine Granville, khiến cô hạ quyết tâm hơn bao giờ hết là phải làm một điều gì đó góp sức vào việc lật đổ chế độ Hitler. Và con đường đi khác nhau của hai vợ chồng đã dẫn họ tới những ngã rẽ cách biệt về mặt tình cảm.

Những mối tình bí mật và cái chết oan nghiệt

Christine Granville nhận nhiệm vụ sẽ mang tài liệu tuyên truyền tới Hungary, khi đó vẫn còn ở thế trung lập, và từ đó sẽ trượt tuyết vào vùng Ba Lan bị chiếm đóng. Trên đường đi, cô cũng sẽ thu thập thông tin tình báo từ lực lượng kháng chiến của Ba Lan và tìm cách chuyển thông tin đó tới Luân Đôn.

Khi Christine đến Ba Lan vào tháng 2/1940, ở đó không chỉ có chiến tranh mà còn có một mùa đông tồi tệ nhất trong trí nhớ của cô với nhiệt độ âm 30 độ C ở vùng núi. Chim chóc bị đóng băng trên các cành cây trong khi ngủ, và những vết máu trên tuyết đánh dấu đường đi của lũ sói đói mồi.

 

Tuy nhiên, những điều này không hề khiến Christine nản chí. Không những hoàn thành nhiệm vụ chuyển giao tài liệu tới Vác-xa-va, Christine Granville còn bắt được liên hệ với bá tước Wladimir Ledochowski, một thành viên trong lực lượng kháng chiến Ba Lan.

Mặc dù hiểu rằng nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào, nhưng cả hai người đã không kiềm chế được tình cảm và đến bên nhau với một tình yêu mãnh liệt.

Nhớ về mối tình này của mình, Christine Granville từng tâm sự rằng, ngay cả lúc nằm bên nhau, trong giấc ngủ, các ngón tay của Wladimir Ledochowski còn gõ những thông điệp mã hóa trên cơ thể của cô một cách vô thức.

Ngoài mối tình ngắn ngủi với bá tước Wladimir Ledochowski, Christine còn có một mối tình nghiêm túc hơn trong khi làm nhiệm vụ tại Hungary với chàng Trung úy quân đội Ba Lan bảnh bao Andrzej Kowerski.

Andrzej đã mất một chân trong một tai nạn săn bắn nhưng điều đó không cản trở anh ta trở thành một thành viên chủ chốt của lực lượng kháng chiến với những tài liệu tình báo được giấu bên trong chiếc chân gỗ.

 

Christine Granville và Andrzej Kowerski đã cùng nhau nhiều lần vượt qua biên giới Ba Lan, phát đi các tài liệu tuyên truyền chống Đức, tiếp tế tiền và vật liệu nổ cho lực lượng kháng chiến và giúp đỡ một số lượng lớn các sĩ quan Ba Lan trốn thoát khỏi các nhà tù của Đức.

Tuy nhiên, vào tháng giêng năm 1941, cô và Andrzej đã bị cảnh sát Hungary thay mặt cho Gestapo bắt giữ. Trong quá trình thẩm vấn, Christine Granville đã tự cắn lưỡi để máu chảy ra và bắt đầu ho liên tiếp, nhằm khiến các điều tra viên nghi ngờ cô bị mắc bệnh lao.

Quả thật, chiêu bài này của Christine đã mang lại hiệu quả. Cô và Andrzej bị nghi ngờ là mắc bệnh truyền nhiễm và cả hai được thả ngay sau đó, song họ cũng không thể tiếp tục hoạt động tại Budapest được nữa. Với sự trợ giúp của sứ quán Anh, 2 người được thay đổi nhân dạng mới với cái tên Andrew Kennedy và Christine Granville.

Đối với cánh đàn ông, Christine Granville thường ở thế của kẻ “chinh phục” với vũ khí chính là sắc đẹp và sự thông minh, khéo léo của mình. Cuộc hôn nhân của Christine với Jerzy đã kết thúc một cách gay gắt khi ông phát hiện ra vợ mình thường gặp gỡ những người đàn ông khác.

Andrzej chuyển tới làm việc cho tổ chức SOE tại thị trấn Bari, nước Ý. Anh rất yêu Christine nhưng trong lòng anh biết rằng cô sẽ không bao giờ có thể trung thành với riêng một người đàn ông, và đúng như vậy, thời gian Christine ở Pháp, cô nhanh chóng qua lại với một mật vụ khác.

 

Ở tuổi 28, Francis Cammaerts là một trong những mật vụ xuất sắc nhất của tổ chức SOE. Anh đã có vợ và con nhỏ đang ở quê nhà tại nước Anh. Francis từng là cơ sở của Christine trong 8 năm liền,và trong một đêm khi quân Đức đánh bom đột kích, 2 người đã trở thành người tình của nhau.

“Christine và tôi khi đó đều cầm chắc cái chết trong tay”, Francis nhớ lại mối tình bất ngờ đến giữa một tình huống đầy nguy hiểm. Đêm đó, cả hai người đã may mắn . Tuy nhiên, vài tháng sau đó, Cammaerts và 2 đồng đội khác đã bị Gestapo bắt giữ và kết án tử hình.

Khi nghe được tin này, Christine đã lập tức đến ngay nhà tù nơi cô nghi ngờ rằng người yêu của mình đang bị giam giữ. Sau khi hối lộ một nhân viên bảo vệ, Christine được đưa tới gặp người phụ trách nhà tù và nói lý lẽ với ông ta về việc quân Đồng minh sắp đổ bộ vào và khi đó số phận ông ta sẽ ra sao nếu quân Đồng minh biết được chính ông ta chứ không phải ai khác đã ra lệnh hành quyết các tù nhân chính trị.

Trước vẻ quyến rũ chết người, sự thông minh và tài thương thuyết khéo léo, sắc sảo của Christine Granville, gã phụ trách nhà tù không còn cách nào khác là buộc phải ra quyết định trả tự do cho Francis và các đồng chí của anh chỉ 2 giờ trước khi cuộc hành quyết diễn ra.

Sau tất cả những kỉ niệm gắn bó ấy, Christine Granville và Francis vẫn không thể ở bên nhau lâu dài. Và Christine Granville lại có một cuộc phiêu lưu mới và cũng là cuộc tình cuối cùng với một nhân viên quản lý tàu biển người Anh tên là Dennis Muldowney.

 

Christine và Dennis gặp nhau sau chiến tranh, trong một giai đoạn rất khó khăn đối với cô. Một vài tháng sau khi đình chiến, công việc của Christine kết thúc và cô được hưởng một khoản lương hưu.

Christine quyết định tới Cairo sinh sống. Cuộc sống ở đây với cô thật buồn tẻ. Christine xin vào làm một chân nữ tiếp viên trên tàu biển chở khách từ Luân Đôn tới New Zealand. Và chính trên con tàu này, mối tình của Christine và Muldowney đã bắt đầu.

Quan hệ của họ sau một thời gian cũng trở nên rạn nứt bởi Christine cảm thấy tính cách của Muldowney không hợp với mình và cô tỏ ý muốn chấm dứt mối quan hệ này. Mặc dù vậy, Muldowney vẫn tìm cách níu kéo và thường xuyên rình rập Christine tại một khách sạn ở phía Tây Luân Đôn nơi cô thuê phòng dài hạn ở đây.

Trước sự đeo đẳng khó chịu của Muldowney, Christine kiên quyết muốn chia tay với anh ta, khiến Muldowney ôm hận trong lòng. Vào ngay 15/6/1952, khi Christine trở về khách sạn sau bữa ăn tối với bạn bè, cô không biết rằng Muldowney đang đợi cô ở bên ngoài với một con dao giấu trong tay.

Hắn đã theo Christine đến hành lang, đòi cô phải trả lại những bức thư tình của hắn trước đây. Khi Christine nói cô đã đốt hết những lá thư ấy rồi, Muldowney bất ngờ cầm dao đâm một nhát sâu vào Christine, khiến cô thiệt mạng vì xuất huyết chỉ trong vòng vài giây sau đó.

 

Muldowney không cố gắng trốn thoát, hắn đã thú nhận hành vi của mình và bị treo cổ tại nhà tù Pentonville.

Sau đó 1 năm, nhà văn Ian Fleming đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên về điệp viên James Bond với tựa đề là Casino Royal, trong đó có nữ nhân vật xinh đẹp với mái tóc đen và dáng vẻ bí ẩn của châu Âu mang tên Vesper Lynd.

Nhà nghiên cứu tiểu sử của Fleming là Donald McCormick tuyên bố rằng, nhân vật này trên thực tế đã được dựng nên từ cảm hứng và ký ức của Fleming về Christine Granville sau bữa ăn trưa của ông với nữ điệp viên huyền thoại xinh đẹp, dũng cảm và mưu trí tại Soho ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm