Khám phá

Elena Kosova: Nữ điệp viên tài hoa của tình báo Xô viết

Bà có được sự nổi tiếng trên khắp thế giới với vai trò là một nghệ sĩ điêu khắc. Các tác phẩm của bà hiện nay đang có mặt tại nhiều bảo tàng hàng đầu ở châu Âu.

Ba thất bại tình báo lớn nhất của Liên Xô / Top 5 boongke ở Nga từng là căn cứ tối mật thời Liên Xô

Bà là chủ nhân của 12 triển lãm nghệ thuật cá nhân, gần 60 bức chân dung điêu khắc khác nhau của những nhân vật nổi tiếng như "Bà đầm thép" Thatcher, Breznev, De Gaulle, Kennedy….

Nhưng ngay cả bà Margaret Thatcher khi đón tiếp Elena Kosova tại phòng làm việc, tự tay nhận món quà là bức tượng bán thân (sau đó trân trọng để ngay trên bàn làm việc) cũng không thể ngờ người nghệ sĩ này lại là một điệp viên của tình báo Xô viết…

Việc Elena Kosova là một sĩ quan tình báo đối ngoại thì chỉ có rất ít bạn bè, người thân của bà biết được, tất nhiên trong số này có cả người chồng Nikolay Kosova – một điệp viên, một nhà báo xuất sắc, phó chủ tịch Hiệp hội phóng viên nước ngoài tại Liên hợp quốc.

Elena đã sát cánh cùng với chồng mình trong các chuyến công tác nước ngoài tại nhiều quốc gia khác nhau trên khắp thế giới, trong đó có cả chi nhánh của tình báo Xô viết tại New York. Bà cũng chính là người phụ nữ Xôviết đầu tiên làm việc tại Liên hợp quốc, trong thành phần nhóm tình báo của Vladimir Barkovski chuyên về mảng tình báo khoa học kỹ thuật trong khuôn khổ dự án chế tạo vũ khí nguyên tử của Liên Xô.

Elena Kosova sinh ngày 6/6/1925 trong gia đình một cán bộ chỉ huy biên phòng từng có nhiều công trạng từ thời nội chiến. Cha bà sau đó đã tốt nghiệp Học viện quân sự Frunze, tham gia chiến đấu trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quí. Sau chiến thắng, ông trở thành một tướng lĩnh trong lực lượng bộ đội biên phòng.

Elena Kosova thời gian mới tốt nghiệp trường đào tạo tình báo.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Kosova thi vào Trường cao đẳng ngoại ngữ thuộc Bộ An ninh, bất chấp việc cha mình tìm cách thuyết phục đó không phải là trường dành cho phái nữ. Xuất sắc thi đậu vào trường này, Kosova bắt đầu tập trung vào học tiếng Anh. Đối với những nhân viên tình báo tương lai, việc nắm vững ngoại ngữ, nhất là khả năng giao tiếp, là một yêu cầu đặc biệt quan trọng, đòi hỏi rất cao về năng lực và sự cố gắng.

Trong thời gian học tập, Kosova đã rất nỗ lực học tập, phát âm chuẩn theo phong cách của người London. Tuy nhiên, trong chuyến công tác đầu tiên ra nước ngoài cùng chồng, Kosova lại được cử sang New York. Phát ngôn thuần Anh của bà đã khiến nhiều người tại đây không thể hiểu, khiến cho Kosova lại luyện phát âm lại theo phong cách Mỹ.

Cần nói thêm, Kosova làm quen với người chồng tương lai Nikolay của mình cũng ngay tại trường học. Ông tốt nghiệp trường này từ hai năm trước đó, chuyển sang làm việc tại Tổng cục I – KGB (chuyên trách công tác tình báo ở nước ngoài), nhưng vẫn thường xuyên quay trở về trường thăm bạn cũ.

Trong giai đoạn tìm hiểu, Nikolay vẫn thường xuyên “biến mất” trong những khoảng thời gian dài. Về sau, từ tiết lộ của người quen tại trường, Kosova mới biết ông bay tới New York để phiên dịch cho chính Bộ trưởng Ngoại giao Molotov. Chưa kể, Nikolay thường có những chuyến công tác tháp tùng nhiều nguyên thủ khác như Khrutsev hay Bulganin…. Cả hai đã quyết định kết hôn vào đúng ngày Kosova chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp quốc gia của mình.

Sau khi tốt nghiệp, Kosova được điều về công tác tại Phòng B của Ủy ban thông tin (tên khi đó của bộ phận tình báo đối ngoại), chuyên trách về nước Mỹ. Chỉ sau 2 năm, thượng úy Kosova đã cùng chồng có chuyến công tác đầu tiên tới Mỹ dưới vỏ bọc các phóng viên của hãng thông tấn TASS. Bà hoạt động dưới một cái tên hoàn toàn mới, cùng với mật danh Anna.

 

Người có nhiều vai diễn trong cuộc đời

Theo như Kosova tâm sự, trong cuộc đời hoạt động của mình, bà phải thường xuyên đóng nhiều “vai diễn” khác nhau. Điều này khiến cho tâm lý của người điệp viên thường xuyên phải chịu căng thẳng, phải luôn tỉnh táo để không nhầm lẫn hay sai lầm.

Học viện kỹ thuật quân sự Frunze.

Theo kế hoạch ban đầu, hai vợ chồng Kosova là các nhân viên của TASS, nhưng do hoàn cảnh bắt buộc, bà phải chuyển sang làm phiên dịch cho cơ quan đại diện của Liên Xô tại Liên hợp quốc. Đó có thể coi là vai diễn chính thức đầu tiên của bà. Có điều biên chế khi đó, theo người chỉ huy, đã có đủ. Để có chỗ sắp xếp cho Kosova, ông ta sẽ buộc phải sa thải một phụ nữ da đen là mẹ của 3 đứa con nhỏ. Biết được chuyện này, Kosova đã khước từ ngay vị trí trên.

Sau đó, bà được đưa lên một vị trí cao hơn là “sĩ quan chính trị cấp 2” – cũng là người phụ nữ Xôviết đầu tiên được tín nhiệm giao cho một cương vị cao như vậy tại Liên hợp quốc. “Tôi được giao phụ trách một vài vùng lãnh thổ đang bị phụ thuộc tại châu Phi – Bà nhớ lại về sau này – Tôi trực tiếp báo cáo, phân tích dữ liệu và hoàn tất mọi công việc ở mức không ai có thể bắt bẻ”.

Nhờ có khả năng tiếng Anh rất tốt, Kosova có thể giao tiếp với rất nhiều người từ các phái đoàn ngoại giao trên khắp thế giới để khai thác thông tin. Ngoài bà, còn có một vài điệp viên khác hoạt động trong các bộ phận tại chi nhánh Liên hợp quốc ở New York, nhưng về căn bản họ không có cơ hội tiếp xúc với nhau nhiều vì các nguyên tắc bảo mật thông tin.

 

Trong thời gian này, Kosova phải thực thi nhiều nhiệm vụ khá phức tạp và mạo hiểm. Cụ thể là bà phải duy trì mối liên lạc với hai điệp viên – một phụ nữ trong thành phần phái đoàn một quốc gia châu Âu tại Liên hợp quốc, cũng như một nữ công dân Mỹ làm việc tại một cơ quan quan trọng của nước này.

Bà đã tổ chức những cuộc gặp gỡ với hai nguồn tin này dưới những hình thức hết sức tình cờ (quán cà phê, tiệm cắt tóc hay cửa hàng) khiến cơ quan phản gián Mỹ không có chút nghi ngờ. Chỉ qua một cái bắt tay hay một cái ôm ngoại giao, thông tin cần chuyển đã tới được tay của người kia.

Nhờ khả năng duy trì tốt mối liên lạc với hai nguồn tin này, Trung tâm thường xuyên nhận được từ “Anna” những thông tin quí báu liên quan tới quan điểm của các nước NATO về các vấn đề trên toàn cầu. Đáng chú ý nhất là nhiều tài liệu mật về các phát minh của Mỹ qua bàn tay của Kosova đã nhanh chóng có mặt trên bàn của chuyên gia hạt nhân Kurchatov của Nga.

Tất nhiên, thượng úy Kosova khi đó không thể biết được toàn cảnh của chiến dịch săn lùng những thông tin nguyên tử xung quanh Los-Alamos, nhưng chắc chắn những báo cáo của bà đã trở thành những miếng ghép quan trọng cho thành công của chiến dịch.

Hồi ký của Kosova về sau có đoạn viết: “Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã tích tụ, chúng tôi biết rất rõ rằng, Mỹ muốn thả bom hạt nhân xuống nước Nga vào khoảng tháng 4/1949. Trước mắt chúng tôi có nhiệm vụ, dù đóng góp ít hay nhiều cũng phải cứu đất nước. Chúng tôi phải hoạt động trong điều kiện phản gián Mỹ luôn ráo riết rình mò, không rời mắt khỏi những người đến từ Liên Xô. Họ áp dụng mọi thủ đoạn có thể nhằm thuyên chuyển các nhà ngoại giao Xô viết, giảm số lượng các thành viên tới mức tối thiểu. Những người còn được ở lại bị cấm đi khỏi thành phố. Tại New York, tôi đảm trách nhiệm vụ tác chiến chứ không phải đơn thuần là kỹ thuật. Cụ thể là làm liên lạc viên trong nhóm của Barkovski”.

 

Vì đặc thù của hoạt động tình báo, hai vợ chồng nhà Kosova thậm chí không được nói với nhau về công việc riêng của mỗi người. Tất cả chỉ gói gọn trong những lời hỏi thăm xuất phát từ sự quan tâm và lo lắng. Cặp vợ chồng điệp viên này đã hoạt động tại Mỹ trong suốt 7 năm, dù phải trải qua vô số những thử thách để đảm bảo cho mọi chuyện đều an toàn và ổn thỏa.

Năng khiếu thứ hai

Đến năm 30 tuổi, Kosova phải tạm ngừng hoạt động tình báo để thực hiện thiên chức của một người mẹ. Trong chuyến công tác tiếp theo tới Hà Lan, bà đi theo Nikolay chỉ đơn thuần với chức năng của một người vợ. Dù không trực tiếp tham gia hoạt động, Kosova vẫn tận tâm giúp đỡ chồng, giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ của một điệp viên tình báo đối ngoại. Chẳng hạn như bà được chồng nhờ làm quen với vợ của một đối tượng cần tìm hiểu, tiếp xúc; hay gây dựng quan hệ làm quen với một cặp vợ chồng đang quan tâm…

Elena Kosova tặng bức tượng điêu khắc cho bà Margaret Thatcher.

Cũng trong giai đoạn này, Kosova đã tình cờ có dịp tìm hiểu và khám phá ra tài năng nghệ thuật của chính mình. Trong quan hệ làm quen với vợ một nhà ngoại giao Bulgaria, bà đã được mời ghé thăm Học viện nghệ thuật Hà Lan. Được mời tham dự thử một tiết học, Kosova đã có dịp nặn thử hình dáng một người mẫu đang ngồi trên bục. Khi giáo viên nhìn thấy tác phẩm đầu tay của bà, ông này đã quyết định nhận Kosova vào học ngay từ năm thứ hai.

Nhưng Kosova có được sự nổi tiếng và thành công đầu tiên của mình là tại Budapest, là nơi Nikolay được bổ nhiệm làm đại diện chính thức của KGB ở Hungary. Phải sang cái tuổi 50, Kosova mới có được sự thừa nhận chính thức về tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật. Các tác phẩm của bà nhanh chóng xuất hiện tại hàng loạt các cuộc triển lãm nghệ thuật tại đây.

 

Các chuyên gia nghệ thuật và phóng viên đã đánh giá khá cao những tác phẩm ban đầu của một nghệ sĩ vô danh từ Nga như Kosova. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, tay nghề và sự tự tin cần thiết; Kosova bắt đầu thể hiện những ý tưởng sáng tạo của mình trong những bức tượng của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới.

Tính ra, bà đã tổ chức được tổng cộng 6 cuộc triển lãm cá nhân ngay tại Hungary. Tài năng của bà được thừa nhận tại quê hương vào năm 1984, khi chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội họa sĩ Nga.

Elena Kosova từ trần vào ngày 21/2/2014 sau một thời gian mắc bệnh (5 năm sau khi người chồng Nikolay qua đời). Bà được chôn cất tại Nghĩa trang Troecurovsk, là nơi yên nghỉ của rất nhiều điệp viên huyền thoại trong lịch sử tình báo Xôviết.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm