Khám phá

Điều ít biết về dinh Bảo Đại và những người tình

Vua Bảo Đại có một tình yêu đặc biệt với Đà Lạt. Vị vua cuối cùng của Việt Nam đã hào phóng tặng dinh thự xa hoa ở xứ ngàn thông cho các “bóng hồng”.

Vua Bảo Đại thoái vị như thế nào? / 4 cồn Long, Lân, Quy, Phụng còn có tên nào khác?

Theo nhà nghiên cứu Lê Phỉ (ngụ TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), nhiều người thường nhầm lẫn Dinh I, Dinh II, Dinh III là của vua Bảo Đại. Thực ra, Dinh II là dinh của Toàn quyền Pháp Jean Decoux, còn được gọi là Dinh Toàn quyền hay Dinh thự Mùa hè.

Kiến trúc Pháp hiện đại

Nhà nghiên cứu Lê Phỉ cho rằng Dinh I của Bảo Đại được xây dựng trước năm 1940, từng là biệt thự của triệu phú người Pháp Robert Clément Bourgery. Sau đó, biệt thự được bán cho một người Pháp rồi cha vợ vua Bảo Đại là quận công Nguyễn Hữu Hào - một người giàu có tiếng ở Nam Kỳ bấy giờ - hỗ trợ tiền bạc mua cho vua vào năm 1949. Bảo Đại đặt tổng hành dinh tại đây để làm việc trong thời gian làm quốc trưởng (giai đoạn 1949-1954).

Biệt thự của thứ phi Lê Phi Ánh, nay là nhà hàng Phù Đổng

Khi xây dựng dinh, người ta phát hiện một đường hầm bí mật dài gần 4 km, nằm ngay sau lưng Dinh I thông ra tận Dinh II với nhiều nhánh rẽ vào các biệt thự 11, 16, 18, 26... Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, vua Bảo Đại chỉ thị giấu kín.

Dinh I Bảo Đại ngày nay
Dinh I Bảo Đại ngày nay

Mặt tiền của dinh là vườn hoa rộng, lối vào dài 150 m với 2 hàng tràm thẳng đẹp. Biệt thự có 2 tầng lầu, 1 tầng hầm lớn, cửa chính rất cao, uy nghi. Tòa biệt thự này được xây dựng, thiết kế cân xứng ở cửa vòm, gờ chỉ, trụ cột. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu, kiến trúc sư Trần Công Hòa, phía phải (từ ngoài nhìn vào) được mở rộng, phá vỡ thế cân xứng nên có thể gọi là lối tân cổ điển. Phía trước có 2 căn biệt thự nhỏ là nơi ở của đoàn phi công người Pháp lái máy bay riêng và cánh tài xế “công xa biệt điện” cho quốc trưởng.

Dinh III là biệt thự nghỉ hè của vua Bảo Đại, tầng dưới dùng làm nơi hội họp, tiếp khách, yến tiệc…; trên lầu là nơi nghỉ của vua, hoàng hậu và các hoàng tử, công chúa. Hiện nay, Dinh III còn giữ lại được nhiều nhất về kiến trúc, trang thiết bị nội thất và những kỷ vật của một thời vàng son. Về kiến trúc của Dinh III, kiến trúc sư Trần Công Hòa cho biết sau thế chiến thứ I, người Pháp đưa nhiều vật liệu đương đại để xây dựng Dinh III. Do đó, biệt thự này mang đậm kiến trúc hiện đại.

Vị vua đa tình

Theo các tài liệu, vua Bảo Đại từ năm 9 tuổi đã sang Pháp du học. Đến năm 1932, trên đường về nước, vua gặp bà Nguyễn Hữu Thị Lan. Gần 1 năm sau, vua gặp lại bà Lan khi lên nghỉ mát ở Đà Lạt. Cả hai bắt đầu tâm tình với nhau nhiều hơn.

Trong cuốn “Con rồng Việt Nam”, Bảo Đại viết: “Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng… Trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam”.

Năm 1934, vua Bảo Đại làm đám cưới với Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan và tấn phong bà làm Nam Phương hoàng hậu. Đây là một quyết định phá lệ đối với vua triều Nguyễn bởi trước đó, vợ vua triều Nguyễn chỉ được gọi là hoàng phi, đến khi mất mới được truy phong hoàng hậu. Bà Lan lại là người Công giáo và mang quốc tịch Pháp.

Hoàng hậu Nam Phương có khu biệt thự riêng do cha mình là ông Nguyễn Hữu Hào xây tặng. Điểm du lịch nổi tiếng này nằm trên đường Hùng Vương giao với đường Khe Sanh (nay là Bảo tàng Lâm Đồng). Nhà nghiên cứu Lê Phỉ nhận định đây là 1 trong 4 biệt thự đỉnh cao tại Đà Lạt. Biệt thự không lớn, 2 tầng, xây khá đẹp, sử dụng ánh sáng tự nhiên bởi cửa sổ rộng; trước sau, trái phải đều là rừng thông.

Trong thời gian ở Đà Lạt, vị vua hào hoa này còn có những cuộc tình với bà Lý Lệ Hà (quê Thái Bình), bà Vicky (người Pháp), bà Clément (người Pháp), cuối đời là bà Monique Marie Eugene Baudot (người Pháp). Vị vua cuối cùng của Việt Nam có 5 hoàng tử và 7 hoàng nữ, tổng cộng 12 người con. Những người tình của Bảo Đại đều ít nhất một lần được ông đưa đến Đà Lạt.

Trong số các “bóng hồng”, vua yêu quý nhất là “thứ phi” Bùi Mộng Điệp (quê Bắc Ninh) - người sinh cho vua 3 người con. Bà Mộng Điệp từng có chồng con nhưng vẫn được vua mê say nhờ nét đẹp trời phú và khả năng giao tiếp khéo léo.

Bà Từ Cung (mẹ vua) cũng rất ưu ái bà Mộng Điệp, từng ban mão áo và cho phép được thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên thay cho hoàng hậu Nam Phương (người Công giáo) để trở thành thứ phi của vua. Vua tặng cho bà một biệt thự nằm gần khuôn viên Dinh I. Những năm 1980-1990, nơi đây được biết đến là khu nhà tập thể số 14 Hùng Vương, sau đó bị phá bỏ để xây dựng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng.

Bảo Đại còn có một thứ phi khác là Lê Phi Ánh (phong làm Ánh phi năm 1935), có với vua 2 người con. Vua mua tặng bà một biệt thự sang trọng (nay là nhà hàng Phù Đổng, đường Quang Trung, TP Đà Lạt). Đây là biệt thự bằng đá với lối kiến trúc Tây Ban Nha duy nhất từ trước đến nay tại Đà Lạt.

Theo các tài liệu khác, một người tình nữa của Bảo Đại - bà Hoàng Tiểu Lan là người Trung Quốc lai Pháp. Bà sống với vua không hôn thú, có 1 con gái. Sau này, bà được vua đưa về Đà Lạt sống một thời gian tại một biệt thự riêng của Bảo Đại. Kiến trúc sư Trần Công Hòa và nhà nghiên cứu Lê Phỉ cho rằng vua Bảo Đại còn có biệt thự khác trên đường Lê Hồng Phong (trụ sở Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũ) có thể là nơi ở của bà Hoàng Tiểu Lan.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm