Khám phá

Đình Bảng - Một trong ba ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất vùng Kinh Bắc

Giá trị tiêu biểu của Đình làng Đình Bảng là công trình kiến trúc cổ, nghệ thuật điêu khắc, trang trí với hàng trăm đồ án hoa văn phong phú, trở thành những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu thế kỷ 18.

Nghiên cứu: Thú cưng an ủi người đang đau khổ tốt hơn cả gia đình và bạn bè thân thiết / Đi làm về, cô gái phát hiện trang sức xỉn màu liền bảo gia đình sơ tán ngay, cả nhà nằm gọn trong tay "Tử thần" 2 ngày mà không hay

Là công trình kiến trúc cổ đồ sộ chứa đựng giá trị nghệ thuật trang trí gỗ truyền thống đặc sắc, đình làng Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) từ lâu đã được coi là một trong ba ngôi đình đẹp nhất xứ Kinh Bắc

"Thứ nhất là đình Đông Khang

Thứ nhì Đình Bảng, vẻ vang Đình Diềm"

Đây là những câu thơ dân gian về ba ngôi đình nổi tiêng vùng Kinh Bắc. Đình Đông Khang ngày nay không còn, đình Diềm trước có năm gian hai chái nay chỉ còn ba gian hai chái, giờ chỉ còn lại Đình làng Đình Bảng.

Đình làng Đình Bảng nằm trên vùng châu thổ sông Hồng, trải dọc theo trục đường quốc lộ 1A, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Bắc.

Mái đình làng Đình Bảng có đầu đao ở độ vươn xa thuộc hàng lớn nhất Việt Nam.  (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Mái đình làng Đình Bảng có đầu đao ở độ vươn xa thuộc hàng lớn nhất Việt Nam. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Theo sử sách, đình làng Đình Bảng được khởi công xây dựng vào năm 1700 và đến năm 1736 mới hoàn thành. Người có ý tưởng ban đầu dựng đình là một vị quan người Đình Bảng tên là Nguyễn Thạc Lương. Ông và vợ là bà Nguyễn Thị Nguyên cùng người dân trong vùng đã cùng nhau góp công, góp của để xây dựng ngôi đình.

Đình làng Đình Bảng là nơi hội tụ văn hóa tín ngưỡng, nguyên trước Đình thờ 3 vị nhiên thần: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thủy Bá đại vương (Thần Nước) và Bạch Lệ đại vương (Thần Trồng Trọt), đây là các vị thần được cư dân nông nghiệp tôn thờ, cầu mong mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt. Hàng năm vào tháng 12 âm lịch nhân dân lại mở hội cầu khẩn cho một năm mùa màng bội thu.

Cũng tại đình làng nhân dân cũng thờ Lục Tổ (6 vị có công lập lại làng vào thế kỷ XV. Sau này khi đền Lý Bát Đế bị thực dân pháp phá năm 1948, nhân dân đã tiếp nhận bài vị của tám vị vua triều Lý về thờ tại đình Đình Bảng.

Giá trị tiêu biểu cuả Đình làng Đình Bảng là một công trình kiến trúc cổ, có quy mô to lớn, kết cấu vững chãi theo kỹ thuật truyền thống, hình khối thanh thoát, hài hòa, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên các bộ phận kiến trúc với hàng trăm đồ án hoa văn phong phú, trở thành những tác phẩm điêu khắc trang trí kiến trúc tiêu biểu của dân tộc thế kỷ 18.

 

Đình Bảng gồm tòa đại đình đồ sộ nối với hậu cung phía sau theo dạng mặt bằng hình chuôi vồ, còn gọi theo dạng chữ Nho là kiểu "chữ đinh" 丁. Tòa đại đình dài 20m, rộng 14m, cao 8m, phần mái rủ xuống đẹp đẽ chiếm tới 5,5m tổng chiều cao.

Vẻ độc đáo của ngôi đình thể hiện ở không gian mái đình tỏa rộng, nét đồ sộ của những đầu đao, quy thức thích nghi với khí hậu gió mùa, và trang trí điêu khắc dày đặc.

Dinh Bang - mot trong ba ngoi dinh co kien truc dep nhat vung Kinh Bac hinh anh 2

Đình làng Đình Bảng tọa lạc tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Đình Đình Bảng có kết cấu hệ kèo chồng rường, gồm bảy gian hai chái (gian phụ). Đình được dựng trên nền cao có thềm bó bằng đá xanh. Đặc biệt, đình mang kiến trúc nhà sàn với sàn gỗ bề thế cao 0,7m so với mặt nền, sáu hàng cột ngang và mười hàng cột dọc bằng gỗ lim có đường kính từ 0,55m (với cột con) đến 0,65m (với cột mẹ) được kê trên các tảng đá xanh.

 

Nóc đình cao tới 8 mét với tỷ lệ mặt đứng của phần mái lớn hơn phần thân (mái chiếm hai phần ba chiều cao của đình) tạo nên cảm giác bề thế. Đình lợp ngói mũi hài và có các đầu đao vươn xa nhất trong các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền tại Việt Nam. Đình có cửa bức bàn bao quanh.

Nội thất đình được trang trí với rất nhiều chủ đề phong phú như rồng, phượng, tùng, mai, trúc, bầu rượu, thanh gươm. Đặc biệt, hình tượng rồng chiếm một tỷ lệ lớn với số lượng khoảng 500 hình. Gian chính điện (gian giữa) có sàn thấp, lát gạch lá nem. Gian này thấp nhất, thuật ngữ là "lòng thuyền". Sàn ván các gian hai bên cao dần, tổng cộng là hai cấp, phân biệt địa vị của các hương chức khi họp việc làng để người ngồi "chiếu trên", kẻ ngồi "chiếu dưới" tùy theo vai vế trong làng.

Bức cửa võng và tấm trần che của gian chính điện được chạm trổ công phu. Trên ván nong, phía dưới bao lơn của hàng cột cái và cột con có một bức chạm hình "Bát mã quần phi" (Bầy ngựa tám con đang phi) với các đáng điệu rất sống động. Trong đình có nhiều bức hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng.

Cũng như nhiều đình làng Việt Nam dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, đình Đình Bảng có kiến trúc bề thế, hòa hợp với thiên nhiên Việt Nam. Đình có mái dài, cao, các đầu đao uốn cong vút, lợp ngói mũi hài dày bản, rộng khổ. Góc mái tức "tàu đao" làm cong uốn ngược.Trong các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền tại Việt Nam, đình Đình Bảng chính là công trình có các đầu đao vươn xa nhất.

Di tích Đình Đình Bảng đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1961. Qua bao thăng trầm của lịch sử, nhân dân Đình Bảng đã bảo tồn và liên tục tu bổ ngôi đình, đáp ứng nhu cầu tâm linh và văn hóa của cộng đồng, đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan nghiên cứu một di sản kiến trúc điêu khắc tiêu biểu của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm