Khám phá

Độc đáo giếng cổ Gio An

Sở hữu hệ thống giếng cổ quý báu, độc đáo có niên đại hàng nghìn năm, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị còn được mệnh danh là “miền giếng cổ”. Để bảo tồn, khai thác du lịch một cách hợp lý, hiệu quả và bền vững, thời gian qua, các cơ quan chức năng và huyện Gio Linh đã từng bước khôi phục nhiều giếng cổ tại địa phương.

Miệng giếng ở Tử Cấm Thành nhỏ đến mức không thể nhét đầu lọt qua, vậy làm sao Từ Hi Thái hậu có thể đẩy sủng phi của Hoàng đế xuống? / Chuyện ly kỳ ở Tử Cấm Thành: Chứng kiến cô gái nổi lềnh bềnh dưới giếng hoang với nụ cười kỳ dị, vị thái giám liền ngã bệnh ngay trong đêm

Giếng cổ Giếng Đào vừa được hoàn thiện việc tôn tạo, đây là một trong những giếng cổ có cách sắp xếp độc đáo.

“Báu vật” 5.000 năm tuổi

Trên miền đất đỏ bazan Gio An có hệ thống những chiếc giếng cổ độc đáo hàng nghìn năm tuổi. Hệ thống giếng cổ Gio An có 14 giếng bao gồm: Giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào (thôn An Nha); giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng); giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn). Hệ thống giếng cổ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử-văn hoá cấp quốc gia vào năm 2001. Các giếng cổ hầu hết đều nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi. Từ xưa đến nay, dù thời tiết khô hạn đến đâu, nước trong hệ thống giếng cổ vẫn không bao giờ cạn, vẫn trong xanh và mát lạnh.

Qua những công trình nghiên cứu, các nhà khoa học xác định hệ thống giếng cổ ở Gio An được người Chăm xây dựng vào cuối thời đại đồ đá, ước tính ra đời cách đây khoảng 5.000 năm. Giếng cổ Gio An là những công trình hệ thống dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, là di tích có giá trị khảo cổ, văn hoá nghệ thuật độc đáo do người Chăm sáng tạo và được người Việt tiếp thu giữ gìn cho đến ngày nay.

Hiện nay, dù cuộc sống đã đổi thay nhiều nhưng các giếng cổ vẫn là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt hằng ngày cho người dân xã Gio An. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các đợt mưa lũ lớn cũng như quá trình sử dụng của con người nên có nhiều giếng đã bị bồi lấp, hư hại và xuống cấp nặng. Từ tháng 9/2015, giếng Đào ở thôn An Nha sau nhiều năm bị hư hỏng nặng, đã được Trung tâm Bảo tồn và danh thắng tỉnh Quảng Trị tiến hành trùng tu, khôi phục lại. Từ thành công trong việc khôi phục giếng Đào, các năm 2016, 2017, đơn vị này tiếp tục trùng tu thêm giếng Trạng, giếng Pheo. “Trên cơ sở các giếng đã khôi phục hoàn thành, hiện nay, Trung tâm Bảo tồn và danh thắng tỉnh đang chuẩn bị triển khai khôi phục thêm các giếng Máng, giếng Gái. Các giếng đã hoàn thành trùng tu hiện nay đã phục vụ tốt việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An, Lê Phước Hiếu cho hay.

Giếng cổ Ruộng rau xà lách, cải xoong xanh mướt nhờ nguồn nước tưới được lấy từ các giếng cổ.

Phát triển du lịch cộng đồng

 

Công tác đầu tư, tôn tạo hệ thống các giếng cổ và xung quanh khu vực một số giếng cổ cũng đã được huyện Gio Linh chú trọng nhằm hướng tới phát triển và khai thác du lịch cộng đồng từ năm 2018, định hướng đến năm 2020. Ông Dương Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, huyện đã chọn thôn An Nha là thôn đầu tiên phát triển du lịch cộng đồng để từ đó nhân rộng mô hình ra các thôn khác như: Hảo Sơn, An Hướng... “Sắp tới huyện sẽ đưa hệ thống giếng cổ Gio An vào chuỗi du lịch của huyện gồm: Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn-Giếng cổ Gio An-Biển Cửa Việt-Tượng đài quân bưu Dốc Miếu-Đôi bờ di tích Hiền Lương, Bến Hải. Đây là tuyến du lịch mũi nhọn và kỳ vọng việc đưa Gio An là một điểm đến về du lịch trên địa bàn huyện sẽ thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển xứng tầm với giá trị của di tích lịch sử- văn hóa độc đáo này”, ông Hạnh cho hay.

Vừa qua, huyện Gio Linh cũng đã hỗ trợ 200 triệu đồng làm đường bê tông dẫn đến giếng Đào dài 320m. Tiếp đó, huyện hỗ trợ thêm 200 triệu đồng làm du lịch cộng đồng tại thôn An Nha với những phần việc như: Làm hàng rào đá tự nhiên đến tận giếng, tạo cảnh quan sinh thái, hàng rào cây xanh, đường hoa, hình thành các bờ đá quanh ruộng xà lách, cải xoong…

Giếng cổ Cụm giếng cổ ở thôn Hảo Sơn được đánh giá là đẹp nhất và có vị trí nằm ở trung tâm của xã Gio An.

Ngoài việc đầu tư tôn tạo hệ thống giếng cổ, xã Gio An cũng đã tập trung bảo tồn và phát huy các kiến trúc có tại địa phương gắn với kêu gọi đầu tư cho phát triển du lịch trên địa bàn xã. Hình thành và phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, gắn với xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm đặc sản của địa phương gồm: Rau xà lách xoong, khoai từ, khoai tía, khoai lang, gà đồi, tinh bột nghệ, hồ tiêu... Hiện nay, ngày càng có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước bắt đầu đến thăm quan hệ thống giếng cổ Gio An, thưởng thức đặc sản địa phương.

Ở Gio An không chỉ có hệ thống giếng cổ quý giá mà còn có nhiều địa điểm độc đáo có tiềm năng lớn để phát triển du lịch như đồi Cồn Tiên, di tích Binh đoàn 559, chùa Long Phước. Đây đều là những di tích lịch sử-văn hóa độc đáo gắn với những dấu mốc lịch sử của địa phương, đất nước. “Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai gần, ngành Du lịch tỉnh Quảng Trị sẽ phát triển “tam giác du lịch”: Hệ thống giếng cổ-Đồi Cồn Tiên-chùa Long Phước” để tạo thành điểm nhấn liên hoàn du lịch trên địa bàn xã để thu hút được đông đảo du khách gần xa”, ông Hồ Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm