Khám phá

Dữ liệu cho thấy từ Thời Đồ đá tới nay, não con người đang teo nhỏ lại

Não bé thì có thể khiến trí thông minh suy giảm, nhưng làm thế nào mà Homo Sapiens vẫn thống trị Địa Cầu.

Cấu trúc của Hệ Mặt Trời gồm có gì? / Chân dung côn trùng ‘dọa’ chim bằng ‘đôi mắt giả’

Kích cỡ trung bình của bộ não người đang suy giảm, và quá trình này bắt đầu từ hàng chục ngàn năm trước. Đó là một sự thật nhiều người công tác trong giới nhân chủng học biết đến: Các phép đo hộp sọ cho thấy trong 40.000 năm qua, thể tích trung bình của bộ não Homo sapiens đã giảm khoảng 10%. Sự suy giảm này trái ngược với xu hướng mở rộng hộp sọ đã xảy ra trong quá trình tiến hóa của loài người hàng triệu năm trước đó.

Xin nói rõ để giảm bớt lo lắng của bạn: Mặc dù bạn có thể có một hộp sọ nhỏ hơn so với tổ tiên thời kỳ đồ đá, bộ não con người ngày nay vẫn có kích thước gấp ba lần kích thước não bình thường của một loài linh trưởng có trọng lượng cơ thể như chúng ta.

Dữ liệu cho thấy từ Thời Đồ đá tới nay, não con người đang teo nhỏ lại - Ảnh 1.

(Ảnh: Ancient Origins)

Sự tăng lên và giảm đi của dung tích hộp sọ

Theo Discover Magazine, vì não không tồn tại lâu sau khi chết, các nhà nhân chủng học đã phải suy luận ra những thông tin về quá trình tiến hóa thần kinh của chúng ta từ những hộp sọ hóa thạch. Đơn vị đại diện cho kích thước và độ tinh vi của não được các nhà khoa học lựa chọn là dung tích nội sọ (endocranial volume), khoảng không gian bên trong hộp sọ. Giá trị này không phải là ngoại lệ đối với các loài trong tông Người sớm nhất có mặt hơn 4 triệu năm trước. Những hộp sọ lâu đời nhất được cho là đại diện của tổ tiên loài người như Sahelanthropus, Ardipithecus có dung tích nội sọ khoảng 350 mm, tương đương với các tinh tinh ngày nay.

Nhưng sau thời kỳ này, sự mở rộng của não bộ đã trở thành một đặc điểm nổi bật của dòng dõi chúng ta. Từ khoảng 4 triệu đến khoảng 2 triệu năm trước, loài Australopith (sống ở châu Phi vào cuối thể Pliocene đầu thể Pleistocene) có dung tích sọ gần 500 ml. Cách đây 1 triệu năm, não một số loài Homo erectus (loài người đầu tiên có dáng đi thẳng đứng) vượt quá 1 lít (1000 ml). Và dung tích sọ trung bình đạt gần 1,5 lít vào khoảng 130.000 năm trước ở cả người Neanderthal (với các mẫu vật nằm trong khoảng từ 1.172 đến 1.740 ml) và người Homo sapiens (1.090 đến 1.175 ml).

Cũng cần lưu ý rằng, từ thời Homo erectus, tầm vóc của chúng ta không có sự thay đổi đáng kể, vì vậy phần lớn sự phát triển não bộ này diễn ra độc lập với sự phát triển kích thước cơ thể.

Dữ liệu cho thấy từ Thời Đồ đá tới nay, não con người đang teo nhỏ lại - Ảnh 2.

Hộp sọ hóa thạch của con linh trưởng giống cái Australopithecus afarensis, được đặt tên ngắn gọn là Lucy, nằm trong trong bảo tàng (Ảnh: Shutterstock)

 

Làm thế nào để so sánh dung tích não của con người gần đây?

Dựa trên các phép đo từ 122 quần thể, các nhà khoa học nhận thấy dung tích nội sọ của người trưởng thành hiện đại nằm trong khoảng từ 900 đến 2.100 ml, với mức trung bình toàn cầu là 1,349 ml, nhỏ hơn so với các tổ tiên của ta sống trong Thời Đồ đá. Tuy nhiên, chúng ta không thể đưa ra kết luận có ý nghĩa từ các mức trung bình toàn cầu cho toàn bộ loài này, một phần vì phương pháp đo hộp sọ có khác nhau giữa các bộ dữ liệu.

Bằng chứng thuyết phục hơn cho sự suy giảm kích cỡ hộp sọ có thể đến từ các nghiên cứu áp dụng cùng một kỹ thuật đo lường, với mẫu vật là cho hàng nghìn hộp sọ của những linh trưởng đã từng sinh sống ở một khu vực nhất định suốt hàng ngàn năm.

Ví dụ, một nghiên cứu đăng tải trên tập san khoa học Human Biology (Sinh học Con người) năm 1988 phân tích hơn 12.000 hộp sọ Homo sapiens từ châu Âu và Bắc Phi cho thấy, trong 10.000 năm qua, dung tích sọ giảm khoảng 10% (157 ml) ở nam giới và 17 % (261 ml) ở nữ giới. Các hộp sọ từ các nơi khác trên hành tinh như châu Phi cận Sahara, Đông Á và Úc cũng có mức giảm tương tự.

Dữ liệu cho thấy từ Thời Đồ đá tới nay, não con người đang teo nhỏ lại - Ảnh 3.

Vì sao dung tích hộp sọ của chúng ta bị giảm đi?

 

Thế địa chất gần đây nhất là Holocen thuộc về kỷ Neogen, phân đại Đệ Tứ, bắt đầu khi thế Pleistocene kết thúc vào 11.700 năm trước. Holocen được xem là giai đoạn tan băng trong thời kỳ băng hà hiện nay, có đặc trưng là khí hậu ổn định, thoải mái. Kể từ khi phát hiện ra xu hướng nhỏ đi của sọ người từ hồi cuối thập niên 80, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số giải thích khả thi như sau.

Một số người nói rằng, sự sụt giảm này đến từ việc kích thước và độ chắc khỏe của cơ thể đã giảm một chút, việc này liên quan đến các điều kiện ấm áp hơn của thế Holocen. Kích thước cơ thể lớn sẽ tăng khả năng sống sót của cá thể trong Kỷ Băng hà, nhưng rồi lại trở nên bất lợi khi khí hậu ấm lên. Tuy nhiên, nhà nhân chủng học John Hawks đã phản bác lại ý kiến này bằng cách chỉ ra rằng, sự suy giảm não bộ được ghi nhận là quá lớn để có thể giải thích bằng việc kích cỡ cơ thể nhỏ đi.

Các nhà nghiên cứu khác chỉ ra thực tế rằng, não là cơ quan tốn nhiều năng lượng. Mặc dù bộ não hiện đại chỉ bằng 2% trọng lượng cơ thể con người, nó tiêu thụ gần 1/4 năng lượng đầu vào. Một đề xuất cho rằng, con người đã có thể loại bỏ chút ít dung tích bộ não bằng cách phát minh ra nhiều phương thức lưu trữ thông tin bên ngoài như nghệ thuật trên tường hang động, chữ viết, phương tiện kỹ thuật số.

Dữ liệu cho thấy từ Thời Đồ đá tới nay, não con người đang teo nhỏ lại - Ảnh 4.

Một hang động ở Bulgaria có các hình ảnh chạm khắc của người cổ cách đây 8.000 năm (Ảnh: Wikimedia)

Nhưng có lẽ giả thuyết thuyết phục nhất là Homo sapiens đã trải qua quá trình tự thuần hóa, một đề xuất bắt nguồn từ hiểu biết của chúng ta về quá trình thuần hóa động vật. Cừu, chó và các loài thuần hóa khác với tổ tiên hoang dã của chúng trong một số đặc điểm về thể chất và hành vi. Các đặc điểm này bao gồm: sự thuần hóa, bớt nhút nhát hơn, ngoại hình trẻ trung ở tuổi trưởng thành và não nhỏ hơn.

 

Nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm này-được gọi chung là hội chứng thuần hóa-do ảnh hưởng của cùng một loại nội tiết tố và gen. Con người đã lai tạo có chọn lọc những loài động vật có những đặc điểm mong muốn này, tạo ra vật nuôi và cả gia súc. Giả thuyết tự thuần hóa hay cái mà nhà nhân chủng học Brian Hare gọi là cho thấy chúng ta cũng đã làm điều này với chính mình.

Ý tưởng chính của giả thuyết này là, trong các xã hội thời kỳ đồ đá, những cá nhân sống cộng đồng, hợp tác tốt với các nhân tố xung quanh có khả năng sống sót và duy trì nòi giống cao hơn những cá thể hiếu chiến và hung hãn. Những khuynh hướng ủng hộ hoặc chống đối xã hội đều đó bị ảnh hưởng bởi các nội tiết tố điều hòa gen, và các nội tiết tố này cũng ảnh hưởng đến các đặc điểm thể chất như kích thước cơ thể và não.

Theo thời gian, "sự sống sót của những người thân thiện nhất" đã tạo ra một loài người có cơ thể và bộ não trung bình nhẹ hơn. Vì vậy, mặc dù có sự giảm kích thước hộp sọ - và có thể là suy giảm cả trí thông minh nữa - khả năng hợp tác của con người đã tăng lên, nuôi dưỡng trí tuệ tập thể lớn hơn. Một vài bộ não nhỏ hơn về mặt xã hội chắc chắn sẽ tinh ranh hơn một cái đầu lớn cô đơn một mình.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm