Dùng camera đặt bẫy ở độ sâu hơn 2.000 m, chuyên gia: Không ngờ bắt gặp "nhà vô địch sumo"
"Thiên thần" từ từ tung cánh trên biển giữa hoàng hôn gây xôn xao / Vô tình nhặt được hoá thạch hàng triệu năm khi đi dạo biển
Các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện một con cá đầu trơn khổng lồ ở một vùng nước sâu 2.090 m. Con cá này có chiều dài hơn 2,5 m.
Sinh vật này được đặt tên là cá đầu trơn Yokozuna (Yokozuna slickhead) và được coi là loài cá xương lớn nhất thế giới trong số các loài sống ở vùng nước sâu hơn 2.000 m (ngoại trừ cá mập, cá đuối).
Loài cá bí ẩn này mới được mô tả là loài mới vào năm 2021. Cho đến nay, chỉ có 6 cá thể từng được đánh bắt tại một vùng nước sâu ở vịnh Suruga thuộc tỉnh Shizuoka (miền trung Nhật Bản). Trong số đó, có con cá dài tới 1,38 m.
Mới đây, nhóm các chuyên gia từ Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển – Trái Đất Nhật Bản (JAMSTEC) khảo sát về loài cá biển sống ở vùng nước sâu và đã thực hiện quay video về ở phía nam của vịnh Suruga.
Nhóm nghiên cứu đã giải mã gen của loài cá này bằng cách trích xuất ADN từ vảy cá và các hạt phân có trong nước biển thu thập từ 3 địa điểm khác nhau, cách xa vịnh Suruga từ 400 – 600 km về phía Nam. Ngoài ra, các chuyên gia cho hay, họ sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát đa dạng sinh học và sinh thái của vùng biển này.
Bẫy camera bắt gặp một con cá Yokozuna rất lớn. Ảnh: JAMSTEC
Cụ thể, nhóm nghiên cứu của JAMSTEC đã hạ một bẫy camera có gắn với lồng mồi chứa những mảnh cá thu xuống một vùng nước sâu tới 2.090 m, cách vịnh Suruga khoảng 400 km về phía Nam. Kết quả họ đã bắt gặp một con cá đầu trơn Yokozuna rất lớn.
Đoạn video quay được cho thấy con cá này có đôi mắt màu xanh chàm đặc trưng và nó đang há rộng miệng để xua đuổi những con cá khác.
Từ kích thước của lồng mồi, các nhà nghiên cứu ước tính con cá này dài tới 2,53 m. Con số này vượt trội hơn cả kỷ lục về con cá đầu trơn Yokozuna dài 2,1 m từng được ghi nhận trước đó.
Ông Yoshihiro Fujiwara, một nhà nghiên cứu cấp cao của JAMSTEC, chia sẻ: "Chúng tôi đã đo nhiều lần vì con cá đầu trơn Yokozuna quá lớn".
Việc phát hiện con cá đầu trơn Yokozuna dài 2,53 m mở ra cơ hội cho thấy có thể có nhiều loài mới to lớn khác ở dưới biển sâu.
Phát hiện này của các nhà nghiên cứu của JAMSTEC đã được công bố trên một tạp chí khoa học của Thuỵ Sĩ vào ngày 1/7.
Cá đầu trơn Yokuzuna là loài lớn nhất của họ slickhead. Năm 2021, theo các nhà nghiên cứu cho biết, bằng cách ăn các loài cá nước sâu khác, cá đầu trơn Yokuzuna là "kẻ săn mồi" hàng đầu và đang ở đỉnh cao của hệ sinh thái dưới vùng nước sâu của vịnh Suruga. Loài cá này được đặt tên là Yokozuna, với ý nghĩa là "nhà vô địch sumo".
Phát hiện đầu tiên về loài cá kỳ lạVào một ngày mùa đông đầy nắng năm 2016, trong khi nhà sinh vật học biển Yoshihiro Fujiwara đang neo đậu ngoài khơi bờ biển miền Trung của Nhật Bản để đo những con lươn mập mạp, thì bất ngờ có một tiếng hét lớn vang vọng ở trên tàu. Đó là khi thuỷ thủ đoàn của tàu Shonan Maru vừa bắt được một cá lớn trông kỳ dị.
Họ vừa kéo con cá kỳ dị lên, vừa nói đùa rằng: "Wow, chúng tôi bắt được một con cá vây tay quý hiếm". Con cá này lớn tới mức những người ở đó cảm tưởng rằng đây là là loài hoá thạch sống huyền thoại, vốn chỉ được tìm thấy ở châu Phi và Indonesia.
Loài cá có tên là Yokozuna được phát hiện lần đầu vào năm 2016 ở một vùng nước sâu tại Nhật Bản. Ảnh: JAMSTEC
Kể từ thế kỷ 19, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xây dựng một nguyên tắc phân loại những mẫu vật từ Suruga, vịnh sâu nhất của Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, đây cũng là một trong những nơi được đánh bắt nhiều nhất ở trên thế giới. Nhà nghiên cứu Yoshihiro Fujiwara cho rằng, có thể ai đó đã phát hiện ra loài cá khổng lồ này trước đây.
Thế nhưng, thật đáng ngạc nhiên khi thực tế chưa có ai từng biết đến sự tồn tại của sinh vật này.
Sau đó, chuyên gia Yoshihiro Fujiwara và nhóm nghiên cứu của ông tại JAMSTEC đã tiến hành kiểm tra chéo về các sách tham khảo, đồng thời tham khảo ý kiến của những đồng nghiệp trên khắp thế giới. Kết quả, nhóm chuyên gia đưa ra kết luận rằng sinh vật nặng tới 25 kg, có màu tím và hình ngọn giáo từ dưới vực sâu thực sự là một phát hiện mới mẻ.
Theo đó, vào năm 2016, có 3 mẫu vật của con cá này đã được lấy ra. Sau đó chúng nhanh chóng được bảo quản một cách kỹ lưỡng ở trong phòng thí nghiệm nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu sau này.
Theo các chuyên gia, các kết quả quét CT và phân tích về gen đã xác định được loài cá kỳ lạ này thuộc họ Alepocephalid, một loài sống ở biển sâu và phân bố trên toàn thế giới. Loài cá này còn được biết đến với tên gọi là slickhead, bởi vì phần đầu và nắp mang của chúng không có vảy.
Vì kích thước và trọng lượng của loài cá này nên nhóm chuyên gia của ông Yoshihiro đã đặt tên là Yokozuna. Ở Nhật Bản, Yokozuna chính là thứ hạng cao nhất của sumo. Loài cá này có cái tên như vậy vì chúng có kích thước lớn nhất trong họ cá slickhead.
Kẻ săn mồi có khả năng bơi lội tuyệt đỉnhBất chấp việc phải sống ở vùng biển sâu, nơi có môi trường tối đen như mực, con cá đầu trơn Yokozuna không chỉ to lớn mà còn rất khoẻ. Sau khi kiểm tra ADN trong dạ dày của con cá khổng lồ này, các chuyên gia phát hiện nó ăn rất nhiều loài cá khác.
Không giống với 100 loài cá slickhead khác từng được biết đến trên thế giới, cá Yokozuna được coi là một vận động viên bơi lội cường tráng. Minh chứng là thông qua đoạn video thu được từ camera cho thấy loài cá này có thể bơi và săn mồi ở độ sâu lên tới gần 2.600 m.
Đặc biệt, miệng của loài cá này còn có chứa nhiều hàm răng, khiến nhiều người liên tưởng đến một con quái vật ngoài hành tinh. Nhóm nghiên cứu của Yoshihiro Fujiwara đã cố gắng đếm số lượng răng nanh dày đặc của con cá này. Họ đưa ra kết luận không chính thức rằng cá Yokozuna có từ 80 – 100 chiếc răng trong một hàm.
Cận cảnh mẫu vật của loài cá có khả năng săn mồi hàng đầu ở vùng biển sâu. Ảnh: JAMSTEC
Những phân tích sinh hoá và nghiên cứu về các thuộc tính vật lý trên đã khiến các chuyên gia đưa ra kết quả rằng cá Yokozuna là một kẻ săn mồi tuyệt đỉnh. Thậm chí loài cá này còn được coi là phiên bản của cá voi sát thủ dưới biển sâu.
Ngay cả nhà nghiên cứu Yoshihiro Fujiwara cũng nhận định rằng, dù nhóm nghiên cứu của ông đã lặn nhiều lần ở nhiều nơi trên toàn thế giới, nhưng họ hiếm khi bắt gặp một kẻ săn mồi hàng đầu như vậy.
Theo ông Yoshihiro Fujiwara, cơ quan hàng hải sở hữu một loạt các tàu lặn tinh vi và nhiều phương tiện thám hiểm biển sâu khác. Tuy nhiên, do chúng rất ồn và có sử dụng ánh sáng chói nên hầu hết các loài động vật hàng đầu đều có thể dễ dàng trốn thoát khỏi tàu lặn, bởi vì chúng đều rất nhạy bén.
Trong khi đó, hàng trăm loài cá mới được phát hiện hàng năm và thực tế là vùng biển sâu khó tiếp cận vẫn còn rất nhiều bí ẩn.
Ông Yoshihiro Fujiwara cho biết: "Chúng tôi không biết có những gì ở dưới đó".
Chính vì vậy, các chuyên gia vẫn đang tiến hành các nghiên cứu về thế giới bí ẩn ở dưới vùng biển sâu.
Môi trường biển đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người, dẫn đến sự ấm lên của đại dương, axit hóa… ngay cả ở các vùng biển sâu.
Những thay đổi toàn cầu như vậy được cho là ban đầu gây ảnh hưởng đến những sinh vật lớn, ăn thịt và sau đó gây ra hậu quả đối với các sinh vật ở mức độ dinh dưỡng thấp hơn. Do đó, theo các nhà khoa học, nhu cầu cấp thiết là phải làm sáng tỏ sự đa dạng sinh học hiện nay và sự phong phú của các loài cá săn mồi sinh sống ở các khu vực biển sâu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo