Khám phá

Dùng chim, chó, dơi… đánh trận

Dùng gà để sưởi đầu đạn hạt nhân, bom chứa toàn dơi gắn chất nổ, lai tạo siêu chiến binh giữa người với tinh tinh… là những ý tưởng sử dụng động vật phục vụ chiến tranh kỳ lạ nhưng đã được thử nghiệm hoặc tiến hành trong thực tế.

Gia Cát Lượng dùng kế ‘khích tướng’ Chu Du để liên minh đánh trận Xích Bích với Tào Tháo / 10 đế vương đánh trận nổi danh sử Việt

Dưới đây là 10 cách sử dụng động vật thời chiến kỳ lạ nhất:

1. Gà sưởi ấm bom

Năm 1957, vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, nước Anh có kế hoạch chôn hàng loạt đầu đạn hạt nhân đến tận lãnh thổ Đức để đề phòng trường hợp quân đội Liên Xô tấn công châu Âu từ phía đông. Nhưng ngay lập tức họ đã vấp phải trở ngại: Mùa đông ở miền bắc nước Đức, nơi định chôn đầu đạn hạt nhân, quá lạnh giá nên các thiết bị điện của bom không thể hoạt động.

Dùng chim, chó, dơi… đánh trận - 1

Đầu đạn hạt nhân bị tê liệt trong thời tiết quá lạnh giá

Vì thế, những nhà khoa học quân sự giỏi nhất đã vào cuộc, rồi đưa ra ý tưởng: dùng gà. Theo họ, thân nhiệt của gà đủ ấm để giúp mạch điện hoạt động. Chỉ cần cho ăn mỗi tuần một lần, những con gà sẽ sống được trong thời gian đủ dài để duy trì bom trong trạng thái bình thường. Sau đó dự án chôn bom đã bị huỷ, không phải vì ý tưởng kỳ quặc dùng gà, mà là do nước Anh lo ngại vấn đề chính trị khi đặt đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ của đồng minh.

2. Chim ưng bắt bồ câu đưa thư

Trước khi hệ thống viễn thông phát triển rộng khắp, chim bồ câu vẫn được sử dụng để đưa thư. Chỉ riêng trong Thế chiến II, nước Anh đã sử dụng khoảng 250.000 con chim bồ câu để truyền và nhận thông tin từ quân đội ngoài chiến trường, đặc biệt trong những trường hợp không thể sử dụng radio. Đây là chiến thuật hoàn hảo: Một con chim bồ câu được huấn luyện có thể bay hơn 1.800km tới địa điểm chính xác, và chúng không phát ra tín hiệu gì để kẻ thù có thể lần ra. Nhưng sử dụng chim bồ câu không phải công nghệ của riêng bên nào, quân Đức cũng dùng chim bồ câu để đưa thư.

Vì thế, nước Anh đã nghĩ ra cách huấn luyện đàn chim ưng đi tuần dọc bờ biển nước Anh nhằm tấn công những con chim bồ câu của kẻ thù. Dự án này có tác dụng, ít nhất là hai con chim bồ câu đã bị bắt sống, mà người ta gọi đùa là tù binh chiến tranh. Trong thời gian này chim bồ câu được coi là biểu tượng của sự dũng cảm, nên có lẽ câu đó không hẳn là đùa.

3. Cá heo chống khủng bố

 

Từ những năm 1960, Hải quân Mỹ đã đào tạo một số sinh vật biển để phục vụ chiến tranh. Cá heo mũi chai được huấn luyện để phát hiện thuỷ lôi, sau đó báo động cho trạm tuần tra gần đó.

Tại Seatle, cá heo và sư tử biển California còn được dạy để phát hiện những kẻ đột nhập. Khi cá heo phát hiện tay bơi nào đó, nó sẽ bơi đến tàu Hải quân gần nhất để cảnh báo, sau đó sư tử biển sẽ tiếp cận để khoá chân kẻ xâm nhập.

Liên Xô cũng có một đội “lính” động vật biển, và họ đào tạo cá heo để tấn công tàu của kẻ thù sau khi phân biệt âm thanh của chân vịt phát ra từ tàu ta và tàu địch. Cách đây vài năm, một số con cá heo được bán sang Iran để canh chừng Vịnh Ba Tư, và được gọi vui là lính đánh thuê.

4. Bom dơi

Trong Thế chiến 2, các nhà khoa học quân sự của cả hai phía rất sốt sắng tìm cách chiếm ưu thế. Một ý tưởng xuất phát từ nước Mỹ là dùng bom dơi trong dự án mang tên X-Ray.

 

Dùng chim, chó, dơi… đánh trận - 2

Bom dơi là vỏ bom rỗng, bên trong chứa đẩy dơi ngủ đông

Được chế tạo bởi Lytle Adams và Tổng thống Roosevelt cho phép sử dụng, bom dơi là vỏ quả bom cỡ lớn, đựng đầy dơi đang ngủ đông. Rơi xuống độ cao nhất định, vỏ quả bom sẽ mở ra và hàng nghìn con dơi được không khí ấm đánh thức sẽ bay toả ra.

Mỗi con dơi được gắn với quả bom napal chỉ nặng 17gr. Khi dơi đậu trên nhà và phố ở Nhật Bản, quả bom sẽ được kích hoạt và tạo ra nổ hàng loạt. Dự án này một thời đã trở thành chiến lược chính của Mỹ, và hàng ngàn con dơi không tai Mexico được nhập khẩu để phục vụ mục đích này. Sau đó dự án phải dừng lại để dành tiền đầu tư bom nguyên tử.

5. Chuột biến đổi gene ngửi mìn

 

Một trong những hậu quả lâu dài nhất của chiến tranh là không biết bao nhiêu quả mìn còn sót lại trên vùng chiến. Đây là mối hoạ lớn cho người dân khắp thế giới. Ước tính ít nhất 17 nước vẫn đang phải đối phó với những quả mìn chưa nổ dưới đất.

Rà phá bom mìn là công việc tốn thời gian và nguy hiểm đối với con người, vì thế động vật thường được sử dụng vào mục đích này. Mông Cổ thậm chí còn đưa sang Mỹ 2.000 con khỉ để giúp dọn mìn. Nhưng cũng giống như con người, trọng lượng của khỉ vẫn nặng nên dễ gây nổ mìn. Đó là lý do tại sao Charlotte D’Hulst đang nỗ lực tạo ra loại chuột biến đổi gene để đánh hơi tất cả mìn ẩn dưới khu vực 300m2 đất chỉ trong vài giờ.

Chuột được biến đổi gene để tăng 500 lần khứu giác so với chuột thông thường, mà trọng lượng cơ thể đủ nhẹ để không gây nổ mìn. Điều này hứa hẹn giữ được tính mạng cho hàng nghìn người.

6. Siêu chiến binh người tinh tinh

Trong những năm 1920, Josef Stalin có kế hoạch tạo nên những siêu chiến binh bằng cách lai con người với tinh tinh. Ông giao cho nhà khoa học hàng đầu về động vật Ilya Ivanov thực hiện dự án này, nhằm tạo ra “con người không thể đánh bại, không cảm thấy đau”.

 

Dùng chim, chó, dơi… đánh trận - 3

Ý tưởng siêu chiến binh người tinh tinh không bao giờ trở thành hiện thực

Ivanov đến Guinea thuộc Pháp rồi nỗ lực thụ thai cho tinh tinh cái bằng tinh trùng của con người, và ông dùng chính tinh trùng của mình. Ghi ghép từ các cuộc thí nghiệm cho thấy ông chỉ dùng 3 con tinh tinh để thụ tinh, dù ông mang tới 10 con tinh tinh từ Nga sang.

Giai đoạn tiếp theo của thí nghiệm là dùng tinh trùng của tinh tinh để thụ thai cho phụ nữ, nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra, vì giai đoạn đầu đã không thành công, mà người thực hiện dự án cũng đã qua đời.

7. Chó chiến binh

 

Ngày nay chó được sử dụng trong chiến tranh rất nhiều, nhưng không phải là vũ khí. Tuy nhiên, ở thời Hy Lạp cổ đại, chiến binh chó là lực lượng dữ tợn, hùng dũng nhất trên chiến trường.

Vào thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, thành phố Magnesia của Hy Lạp bắt đầu hỗ trợ quân đội bằng đội quân chó lớn tai cụp, nặng tới 113kg. Họ để chó xông ra chiến trường trước nhằm phá đội hình của kẻ thù, rồi quân đội của họ theo sau để chớp thời cơ trong lúc hỗn loạn. Chiêu này nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng những con chó này cũng được đối xử như chiến binh, thậm chí còn được mặc áo giáp để được bảo vệ trên chiến trường.

8. Bom... gay

Năm 1994, Không quân Mỹ có sáng kiến phát triển vũ khí không độc trên chiến trường để quấy rối, chọc tức kẻ thù.

Ví dụ, người trúng bom chứa chất pheromone (do động vật tiết ra) sẽ bị ong bu kín mà đốt. Một loại bom khác khiến kẻ thù bị “hôi miệng nặng kéo dài”. Còn bom gây kích thích tình dục gây rối loạn hành vi tình dục khiến binh lính quan hệ đồng giới với nhau. Loại vũ khí này còn được gọi là… bom gay.

 

9. Bom rắn độc

Hannibal (sinh năm 247 trước Công Nguyên) là tướng giỏi của người Carthage. Ông từng đánh tan tác quân La Mã trong hàng loạt cuộc chiến. Hannibal nổi tiếng nhất với đợt chỉ huy quân lính xâm lược dẫn một đội quân, gồm voi chiến, từ Iberia qua 2 dãy núi Pyrenees và dãy núi Alp để vào tấn công miền Bắc Ý.

Trong cuộc chiến chống lại vua Eumenes II của xứ Pergamon sau đó, quân đội Hannibal ít hơn hẳn về số lượng. Hannibal ra lệnh cho quân lính ném nhiều bình đựng toàn rắn độc lên chiến thuyền chở vua. Vị vua quá sợ hãi nên phải quay thuyền bỏ chạy.

10. Chim bồ câu dẫn đường tên lửa

Thời Thế chiến 1 còn có kế hoạch quân sự mang tên dự án chim bồ câu. Chim bồ câu được đưa vào trong mũi tên lửa để định hướng tên lửa đi đúng mục tiêu. Dự án này có trước khi tên lửa dẫn hướng ra đời, và được quân đội Mỹ rất quan tâm.

 

Dùng chim, chó, dơi… đánh trận - 4

Chim bồ câu được đặt vào khoang phía trước để dẫn đường tên lửa

Người ta chế tạo khoang chóp hình nón vừa với tên lửa Pelican để chứa chim bồ câu được huấn luyện nên có khả năng tìm mục tiêu. Dù nhận được tài trợ ban đầu, dự án sau đó bị coi là không thực tế.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm