Gắn camera vào cá mập hổ, các nhà khoa học khám phá ra "khu rừng" khổng lồ dưới đáy biển
Mãnh thú "tiêu diệt" siêu cá mập Megalodon vẫn còn sống / Có thật là cá mập thích cắn cáp quang biển?
Cá mập hổ vốn nổi tiếng với bản tính hung hăng, dữ tợn bậc nhất. Loài cá này có thể phát triển với kích thước dài thân tới khoảng 5 mét, và được xem là loài cá không biết sợ. Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng khi có một cơn bão xảy ra, những loài cá mập khác thường tìm cách trốn nhưng cá mập hổ thì chẳng mảy may nhúc nhích.
Tuy nhiên, giờ đây thì loài cá này đã có thêm một chức danh mới: Nhà nghiên cứu biển.
Vì muốn đo đạc các khu vực cỏ biển tại quần đảo Bahamas nên các nhà khoa học đã gắn camera vào vây lưng của một vài con cá mập hổ, từ đó đã có được các cảnh quay dài nhiều giờ đồng hồ dưới đáy biển.
Cá mập hổ là một trong những loài vật rất hung hăng. Ảnh: Albert kok / Wikipedia
Với những đoạn tư liệu thu thập được nhờ "nhà nghiên cứu biển" cá mập hổ, các nhà khoa học cho rằng họ đã tìm thấy khu vực cỏ biển lớn nhất thế giới, rộng tới khoảng 92.000km2, nằm dưới đáy biển vùng Cairibbean. Phát hiện này đã mở rộng thêm 40% diện tích cỏ biển từng được biết tới trước đây, đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Communications hôm 1/11.
Một tác giả của bài nghiên cứu, Giáo sư Carlos Duarte từ Đại học Khoa học & Công nghệ Vua Abdullah của Ả Rập Xê Út, cho hay: "Phát hiện đã cho thấy chúng tôi đã tiến xa tới đâu trong việc khám phá đại dương, không chỉ những vùng sâu mà cả những vùng biển nông".
Khu vực mọc cỏ biển vẫn luôn ít được giới khoa học chú ý. Diện tích cỏ biển toàn cầu chỉ khoảng 160.000 km2đến 1,6 triệu km2. Xác định và đánh dấu khu vực cỏ biển là một việc không dễ: Những vùng nước sâu hoặc nước đục gây nhiều khó khăn cho việc theo dõi từ máy bay hoặc vệ tinh, trong khi những vùng cỏ biển nhỏ thì có thể mọc thưa hoặc mọc xen với các loài cây biển khác, khiến việc xác định cỏ biển trở nên vô cùng khó khăn.
Con cá mập hổ với cụm thiết bị gắn trên vây lưng. Ảnh: Diego Camejo / Beneath the Waves
Vì vậy, các nhà nghiên cứu sẽ cần những bằng chứng cụ thể về những nơi có sự hiện diện của cỏ biển, do ai đó hoặc phương tiện nào đó đã tới và kiểm chứng tại khu vực. Tuy nhiên, thuê thợ lặn chụp ảnh một khu vực rộng lớn ở thềm đại dương là một công việc vô cùng tốn kém, nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.
Cá mập hổ thì lại là một câu chuyện khác. Chúng di chuyển nhanh, sâu, rộng, và hơn hết, chúng dành nhiều thời gian sinh sống ở khu vực có cỏ biển. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, các nhà nghiên cứu đã gắn camera với thiết bị định vị vệ tinh và sóng radio vào vây của 7 con cá mập hổ.
Theo nhà nghiên cứu Oliver Shipley tại Beneath the Waves, ông cho biết các nhà khoa học đã sử dụng lưỡi câu cắm (tiếng Anh: Circle Hook) để bắt, và kiểu lưỡi câu này là "cách an toàn nhất để bắt cá mập", sẽ không để lại tác hại lâu dài đến con cá.
Các nhà khoa học sẽ gắn một chiếc camera màu cam vào con cá, sử dụng dây buộc có thể tự phân hủy sinh học, và một móc xoay tự hủy. Toàn bộ thời gian để gắn camera mất khoảng 10 phút. Sau khoảng 6 tiếng đi theo con cá mập xuống biển, móc xoay sẽ bị nước biển ăn mòn, đứt ra và toàn bộ cụm camera sẽ nổi lên trên mặt nước. Nhờ vậy, các nhà khoa học có thể lấy lại thiết bị mà không cần bắt con cá lên một lần nữa.
PGS. Richard Unsworth tại Đại học Swansea cho biết sử dụng động vật biển theo cách trên giống như "mở một cánh cửa sổ đến thế giới biển" và có thể trả lời các câu hỏi về khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học. Dù không tham gia và nghiên cứu vị trí của cỏ biển, Richard Unsworth đánh giá cao công việc này: "Nếu chúng ta không biết cỏ biển ở đâu thì chúng ta cũng chẳng thể bảo vệ được nó".
Cỏ biển là vườn ươm và là nơi nuôi dưỡng nhiều sinh vật biển, có vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng đánh bắt cá và giúp hạn chế sạt lở vùng ven biển. Cỏ biển cũng là một thành phần quan trọng trong hệ thống carbon lam (tạm dịch từ Blue Carbon) trong việc thu giữ khí nhà kính xuống đáy biển, biến chúng thành một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cỏ biển lại đang bị nhiều yếu tố ngoại cảnh đe dọa, trong đó có các hoạt động của con người như hoạt động của tàu thủy, xây dựng ven biển, và cả sự nóng lên toàn cầu. Ước tính mỗi năm chúng ta mất đi khoảng 7% lượng cỏ biển. Nước Anh là một trong những quốc gia chịu nhiều tổn thất nhất với ước tính lượng cỏ biển đã mất đi 90% trong một vài thế kỷ vừa qua.
Việc phát hiện ra các khu vực có cỏ biển mới được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và bảo vệ chúng, không chỉ tại quần đảo Bahamas mà trên toàn thế giới. Nhà nghiên cứu Oliver Shipley đánh giá cỏ biển và nhiều hệ sinh thái biển khác "có thể là một trong những đồng minh tự nhiên quan trọng nhất mà loài người có trong công cuộc hạn chế tác động của biến đổi khí hậu".
Nhà nghiên cứu Oliver Shipley cũng cho rằng trong tương lai sẽ có nhiều dự án mà có động vật biển là "cộng tác viên" trong việc đánh dấu khu vực sống của hệ sinh thái biển. Ông nói: "[Động vật biển] sẽ đưa chúng ta đến những nơi mới mà chúng ta không biết có tồn tại".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ