Bản thảo này ban đầu chỉ được định giá khoảng hơn 3 triệu USD, và mức đấu giá lần này là mức cao nhất từng được trả cho bất cứ ghi chép nào của Einstein. Cụ thể, bản thảo này ghi lại các nghiên cứu chuẩn bị cho thành tựu đặc sắc của Einstein - xuất bản lý thuyết tương đối rộng vào năm 1915.
Nhà tổ chức đấu giá Christie's, công ty thay mặt nhà đấu giá Aguttes xử lý vụ mua bán, gọi đây là "bản thảo giá trị nhất từng được bán đấu giá của Einstein”.
Cho đến nay, mức giá cao nhất cho các ghi chép của Einstein là 2,8 triệu USD cho “bức thư của Chúa”, bán năm 2018, và 1,56 triệu USD cho bức thư về bí quyết hạnh phúc, bán năm 2017.
Bản thảo lý thuyết tương đối rộng trong cuộc đấu giá lần này dài 54 trang, được Einstein và đồng nghiệp/bạn tri kỷ Michele Besso, một kỹ sư người Thụy Sĩ, viết tay trong năm 1913 và 1914 tại Zurich, Thụy Sĩ.
Theo Christie’s, việc bảo quản được bản thảo này “gần giống như một phép màu”, và chính nhờ Besso mà bản thảo mới được lưu giữ cho hậu thế, vì Einstein có thể sẽ không giữ thứ mà ông coi là giấy tờ làm việc bình thường. Bản thảo ban đầu chứa “một số lỗi nhất định”, nhà đấu giá nói thêm, và khi Einstein phát hiện ra chúng, ông đã bỏ bản thảo và Besso thu thập lại.
“Einstein là người rất ít giữ lại các ghi chép, vì vậy chỉ riêng việc bản thảo vẫn còn tồn tại và đến được tay chúng ta đã khiến nó trở nên phi thường,” Vincent Belloy, chuyên gia của nhà đấu giá, cho biết.
Về nội dung, bản thảo này là “một chuyến du hành hấp dẫn vào tâm trí của nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20”, theo Christie’s. Nó thảo luận về lý thuyết tương đối rộng của Einstein, được xây dựng dựa trên thuyết tương đối hẹp năm 1905.
Einstein qua đời năm 1955 ở tuổi 76, được ca tụng là một trong những nhà vật lý lý thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại. Thuyết tương đối của ông đã tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực vật lý khi chỉ ra những cách mới để xem xét sự chuyển động của các vật thể trong không gian và thời gian. Einstein cũng có những đóng góp lớn cho lý thuyết cơ học lượng tử và đoạt giải Nobel vật lý năm 1921.
“Các tài liệu khoa học của Einstein trong thời kỳ này và trước năm 1919 nói chung cực kỳ hiếm," Christie’s lưu ý, "là một trong hai bản thảo còn tồn tại ghi lại nguồn gốc của thuyết tương đối rộng mà chúng ta biết, bản thảo này là một 'nhân chứng' phi thường cho công trình của Einstein."
Nhà đấu giá đã ẩn danh người mua bản thảo này.
Theo Hoàng Nam/Khoa học & Phát triển