Giả thuyết về bộ xương mỹ nhân trong lăng mộ Tào Tháo: Là vợ kẻ thù hay là con dâu?
Hóa ra đây là lý do Gia Cát Lượng phò Lưu Bị chứ không phải Tào Tháo / Tào Tháo tặng gì mà khiến Tuân Úc đau đớn tới mức tự tử?
Vài năm trở về trước, một ngôi mộ được tin là nơi an nghỉ của Tào Tháo đã được phát hiện tại huyện An Dương thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Đây vẫn được xem là một kỳ tích của giới khảo cổ nước này, đồng thời cũng được coi là cơ sở để hậu thế có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn đối với phương diện nghiên cứu lịch sử, văn hóa thời Tam Quốc.
Tuy nhiên, việc tìm thấy mộ của Ngụy Vũ Vương Tào Tháo cũng là khởi nguồn mở ra không ít những điều bí ẩn chưa có lời giải đáp. Việc phát hiện 2 bộ xương nữ chưa rõ danh tính trong nơi chôn cất của vị quân chủ này cũng là một trong số đó.
Bí ẩn hai bộ xương nữ chưa rõ danh tính được tìm thấy trong lăng mộ Tào Tháo
Vào những ngày đầu năm 2006, các manh mối đầu tiên về ngôi mộ Tào Tháo được phát hiện tại An Dương, Hà Nam. Tới năm 2009, công tác khai quật đã bước đầu được tiến hành tại di tích này.
Trải qua quãng thời gian dài khai quật, nghiên cứu, việc Tào Tháo là chủ nhân của ngôi mộ nói trên đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình và khẳng định từ giới chuyên gia.
Xung quanh nơi an nghỉ của nhân vật lịch sử khét tiếng này, một trong những bí ẩn nổi tiếng nhất phải kể tới 2 bộ hài cốt nữ chưa rõ danh tính được tìm thấy bên trong lăng mộ.
Theo đó, trong quá trình khai quật, các chuyên gia đã tìm thấy 2 bộ xương của nữ giới, giám định kết quả cho thấy đây là di cốt của một người phụ nữ ngoài 50 tuổi và một cô gái hơn 20 tuổi.
Có chuyên gia cho rằng, bộ xương của người trên 50 rất có khả năng là của Biện Hoàng hậu, tức mẹ ruột của Ngụy Văn Đế Tào Phi sau này.
Tuy nhiên những thông tin về năm sinh năm mất của vị Hoàng hậu này vẫn còn nhiều bất đồng. Vì vậy cho tới ngày nay, khả năng Biện phu nhân là chủ nhân của di cốt nữ lớn tuổi trong lăng mộ của Tào Tháo vẫn chỉ được xem là một giả thuyết nhận được nhiều sự ủng hộ.
Về bộ hài cốt nữ trẻ tuổi hơn, có ý kiến cho rằng đó là di cốt của một a hoàn hay một người thiếp khác của Tào Tháo. Thậm chí có không ít phân tích của giới chuyên gia còn cho rằng người đó chắc chắn là một đại mỹ nhân.
Điều đáng nói nằm ở chỗ, di cốt được phát hiện với nhiều đốm màu trên xương. Đây là minh chứng cho thấy vị "giai nhân" bí ẩn này phải trải qua một cái chết không bình thường, thậm chí có khả năng vì uống phải độc dược mà qua đời.
Vậy mỹ nhân ấy rốt cục là ai? Lý do nào khiến một mỹ nữ mới ngoài 20 tuổi phải chết vì độc dược và còn được an táng cùng nơi với Tào Tháo?
Giả thiết động trời về bộ hài cốt mỹ nhân trẻ tuổi
Căn cứ vào ghi chép của các tài liệu lịch sử, Tào Tháo lúc sinh thời từng có rất nhiều thê thiếp. Chỉ tính riêng những phu nhân, tiểu thiếp được ghi chép danh phận, xuất thân đã có tới hơn 15 người, bao gồm nhiều nhân vật có tiếng như Biện phu nhân, Đinh phu nhân, Đỗ phu nhân, Tần phu nhân…
Tuy nhiên, những người này đều có công giúp Tào Tháo sinh con hoặc nuôi dưỡng con cái. Do đó dựa theo luật lệ thời cổ đại, họ sẽ không bị bức tử để tuẫn táng.
Thậm chí, có người còn suy đoán danh tính của chủ nhân bộ hài cốt nữ kia có thể là Điêu Thuyền hoặc Tiểu Kiều.
Tuy nhiên những suy đoán này đều bị cho là không có cơ sở. Bởi Điêu Thuyền chỉ là một nhân vật hư cấu, còn mộ của Tiểu Kiều vốn ở Lư Giang, cách không xa so với mộ của phu quân là Chu Du.
Vì vậy, hai nhân vật nói trên đều chắc chắn không thể là chủ nhân của bộ hài cốt mỹ nhân trong lăng mộ Tào Tháo.
Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc), bộ xương nữ bí ẩn ấy rất có thể là của con dâu Tào Tháo, tức vợ của Tào Phi - Chân Lạc (một số tài liệu còn gọi là Chân Mật, Chân Cơ).
Tuy nhiên nếu giả thiết ấy là sự thật thì đây sẽ được xem là một trong những bê bối thuộc vào hàng lớn nhất nhì Tam Quốc.
Năm xưa, Chân Lạc vốn xuất thân là vợ của Viên Hi, con trai thứ của Viên Thuật. Sau khi thế lực nhà họ Viên bị Tào Tháo đánh bại, mỹ nhân này đã về tay Tào Phi.
Tuy nhiên, sắc đẹp tuyệt trần của nàng đã từng khiến ba cha con Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực thậm chí suýt chút nữa trở mặt thành thù.
Theo một số giai thoại dã sử, Tào Tháo khi thấy Chân Lạc bị Tào Phi đoạt đi thì đã thở dài một tiếng mà than rằng:
"Ta đánh trận chiến này chính là vì nàng ấy…".
Ngay tới một Tào Thực năm ấy còn đang tuổi niên thiếu cũng không khỏi động lòng trước vẻ đẹp của mỹ nhân họ Chân ấy. Sau này, ông còn viết bài thơ "Lạc Thần phú" để tưởng nhớ về những năm tháng thanh xuân ôm mối tình si của mình.
Về cuộc đời của nàng Chân Lạc, sử cũ ghi rằng năm thứ hai sau khi Tào Tháo qua đời, mỹ nhân ấy đã thất sủng và bị Tào Phi ban chết, cuối cùng được an táng tại Nghiệp Thành.
Điểm trùng hợp nằm ở chỗ, Nghiệp Thành vào thời Tam Quốc chính là khu vực huyện An Dương và huyện Lâm Chương ở đất Hà Nam ngày nay, cách nơi phát hiện mộ Tào Tháo không quá 10 cây số.
Tất nhiên, đây cũng chỉ là một giả thuyết có phần hợp lý về danh tính của bộ xương nữ nằm trong mộ Tào Tháo mà thôi.
Vì vậy, việc bộ hài cốt trong mộ kia có thực là của mỹ nhân họ Chân đã từng làm ba cha con Tào Tháo khuynh đảo một thời hay không cho tới ngày nay vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải đáp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ