Giải mã bí ẩn Hoàng thành Thăng Long
Cậu bé trong hộp: Bí ẩn rùng rợn chưa được giải đáp / Bí ẩn “thung lũng trường thọ” nơi xứ Mường
Hé lộ những bí ẩn dưới lòng đất
Theo báo cáo của Hội Khảo cổ học Việt Nam, tính đến hết năm 2021, khu vực chính điện Kính Thiên đã khai quật khoảng 8.372 m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao góp phần nghiên cứu và khôi phục chính điện Kính Thiên.
Đặc biệt, thông qua các cuộc khai quật đã góp phần tìm hiểu và xác định chức năng của khu vực chính điện Kính Thiên trước thời Lê sơ với việc phát hiện các dấu tích thời Lý là thời đại thành lập Thăng Long, thời Trần là thời kỳ tiếp và phát triển Thăng Long. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quan trọng cho phép hiểu được cấu trúc không gian chính điện Kính Thiên và không gian điện Cần Chánh. Bởi trước đó có nhiều ý kiến cho rằng chính điện Kính Thiên có nằm ở khu vực 18 Hoàng Diệu chứ không phải số 9 Hoàng Diệu như giả định.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, với những kết quả thu được đã có thể xác định khá rõ một phần kết cấu không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung Hưng gồm chính điện Kính Thiên - Ðoan Môn - Ðan Trì - Ngự Đạo được bao quanh bởi tường vây, hành lang và các cổng ra vào có chiều Ðông - Tây tính từ mép ngoài của tường bao đã xác định chính xác rộng 120 m (thời Lê sơ), chiều Bắc - Nam tính từ Ðoan Môn có thể dài gấp đôi hoặc gấp ba chiều Ðông - Tây, nếu ta bao gồm cả không gian điện Cần Chánh. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quan trọng cho phép hiểu được cấu trúc không gian Chính điện Kính Thiên và không gian điện Cần Chánh.
Cũng theo ông Tín, đó là nguồn tư liệu xác thực cho phép phục dựng chính điện Kính Thiên trong tương lai không xa bởi tất cả các thành phần kiến trúc ở khu vực này đều có tầm quan trọng đặc biệt.
Ngoài ra, trong đợt khai quật năm 2021 đã phát hiện một di vật mô hình kiến trúc đất nung tráng men xanh nằm trong tầng văn hoá thời Lê sơ (thế kỷ XV - XVI). Di vật đã bị vỡ mất hết tầng đế và tầng trên, phần còn lại may mắn gần đầy đủ một tầng mái. Mô hình được làm bằng đất sét mịn màu đỏ tươi, toàn bộ mặt ngoài được phủ men màu xanh đối với bộ mái và màu vàng đối với phần khung gỗ, mặt trong mô hình cũng được tráng men vàng… Đây là lần đầu tiên phát hiện mô hình nhà thời Lê sơ. Cho đến nay, đây là mô hình kiến trúc đất nung duy nhất thời Lê sơ. Vì vậy di vật này cho phép tìm hiểu đôi nét về kiến trúc thời Lê sơ cũng như kiến trúc Thăng Long.
Tập trung vào số hoá di sản
Sau 10 năm bền bỉ khai quật, nghiên cứu không thể phủ nhận những kết quả thu được đang là những bước đi quan trọng trong việc phục dựng chính điện Kính Thiên trong tương lai không xa. Không những vậy, đây còn là những khẳng định khu Di sản Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu, không chỉ có giá trị quốc gia, dân tộc mà còn mang tầm vóc của nhân loại. Đây là trung tâm chính trị, văn hóa quan trọng của nước ta từ thành Vạn Xuân thế kỷ VI, phủ thành Tống Bình, phủ thành An Nam thế kỷ VII - IX, kinh đô của nước Đại Việt qua các thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII.
Tuy nhiên, để hiện thực hoá việc phục dựng và khẳng định các giá trị của khu di sản, nhiều chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ để mô phỏng, phục dựng dưới hình thức 3D đang là phương án tối ưu. Bởi việc hiện thực hóa một giả thuyết trong môi trường ảo 3D sẽ giúp các nhà nghiên cứu, thậm chí là học sinh sinh viên, có thể kiểm chứng quá trình nghiên cứu, tư liệu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu.
Được biết, trong thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (đơn vị quản lý khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long) đã phối hợp với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ, di sản... nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và từng bước tái hiện không gian điện Kính Thiên trên phối cảnh 3D. Giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết, từ kết quả khai quật khảo cổ học, trong những năm gần đây, các nhà khoa học trẻ đã tiến hành nghiên cứu, diễn giải, ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu phục dựng, giúp truyền tải kết quả nghiên cứu đến công chúng một cách đầy đủ, dễ tiếp cận. Các công trình ứng dụng công nghệ 3D vào nghiên cứu phục dựng công trình kiến trúc cổ đã được triển khai thực hiện và gây được tiếng vang trong công chúng có thể kể đến kiến trúc Bảo tháp tại Thái Lăng (Quảng Ninh), một số di tích trong quần thể Di tích triều Nguyễn ở Huế, phỏng dựng VR3D - AR quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột (Hà Nội), một vài hình ảnh 3D Kinh thành Thăng Long - Hà Nội của nhóm 3D Hà Nội và một số kết quả nghiên cứu phỏng dựng mô hình kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long ...
TS Trần Việt Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho rằng, bằng việc mở rộng nghiên cứu so sánh, sưu tầm tư liệu và nghiên cứu những dấu tích khảo cổ, các cán bộ Trung tâm đã từng bước tái hiện không gian điện Kính Thiên trên phối cảnh 3D. Hình ảnh điện Kính Thiên đã dần hiện lên với từng mảnh ghép từ nền móng, kiến trúc và bộ mái. Tuy còn nhiều vấn đề phải bổ sung nghiên cứu, lấp đầy khoảng trống nhưng cho thấy khả năng khôi phục được công trình này là rất cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo