Nhìn bên ngoài, Tử Cấm Thành là tòa cung điện nguy nga, tráng lệ, là nơi vua chúa sinh sống và điều hành thế sự đất nước. Thế nhưng, phía bên trong Tử Cấm Thành cũng có rất nhiều bí ẩn, một trong số đó là những câu chuyện rùng rợn về lãnh cung.
Trong các bộ phim cung đấu của Trung Quốc, lãnh cung được xem là nơi "xui xẻo" nhất. Những phi tần thất sủng hoặc phạm tội nhưng chưa đến mức xử tử thì sẽ bị đày vào lãnh cung. Trên phim là như vậy nhưng ở ngoài đời lãnh cung có thật sự là như thế không và lãnh cung nằm ở đâu trong Tử Cấm Thành?
Các học giả Trung Quốc đã rất nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Hầu hết các học giả cho rằng lãnh cung không nằm ở một vị trí cố định. Lãnh cung không phải là tên gọi cung điện cụ thể mà chỉ là tên gọi chung nơi giam giữ các phi tần, cung nữ mắc tội nặng.
Dưới thời Minh Hy Tông, thành phi Lý Thị bị giam ở lãnh cung nên khi đó, lãnh cung nằm ở gian phòng phía Tây Ngự Hoa Viên. Song tới thời Quang Tự, Trân Phi lại bị giam vào lãnh cung ở phía Bắc thuộc Các Cảnh Kỳ.
Ở trong Tử Cấm Thành, khi đã sa chân vào lãnh cung thì khó có thể làm thay đổi tình thế để được sủng ái thêm lần nữa. Những phi tần bị đày vào lãnh cung sẽ sống phần đời cô quạnh cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Thông thường xem các bộ phim cung đấu sẽ chỉ thấy lãnh cung dành cho phi tần thất sủng nhưng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc có ghi lại nội dung về lãnh cung dành cho đàn ông. Những người đàn ông bị đẩy vào lãnh cung cũng có kết cục bi thảm như phụ nữ.
Lãnh cung dành cho đàn ông được gọi với cái tên khá mỹ miều "Cung Tiêu Diêu" - nghĩa là hạnh phúc và gắn liền với Hoàng đế sáng lập ra nhà Minh Chu Nguyên Chương. Vị hoàng đế này từng có tuổi thơ cơ cực do đó ghét người lười nhác. Ông quy định quần thần và dân chúng chỉ được nghỉ 3 ngày một năm là năm mới, đông chí và sinh nhật của ông.
Tất cả những người cờ bạc hoặc rỗi rãi dắt chó, cầm lồng chim đi dạo đều phải vào Lầu Tiêu Diêu, biến nơi hạnh phúc trở thành nơi những kẻ lười nhác phải chết đói.
Lầu Tiêu Diêu vốn ở kinh đô cũ của triều Minh. Khi triều này dời về Bắc Kinh thì Cung Tiêu Diêu được xây dựng. Lúc này cung không dùng để giam cầm người dân lười nhác nữa mà trở thành nơi giam giữ phạm nhân và các thái giám.
Những người bị đẩy vào Cung Tiêu Diêu sẽ bị bỏ đói đến chết. Sau đó, dưới thời nhà Thanh, truyền thống "Cung Tiêu Diêu" vẫn được kế thừa.
Ngoài ra, trong Tử Cấm Thành còn có lãnh cung dành cho gái "quả phụ". Thông thường các vị hoàng đế Trung Quốc yểu mệnh do hoang dâm vô độ hoặc sức khỏe vốn yếu ớt lại gánh trọng trách giang sơn thì sau khi băng hà các cung tần mỹ nữ của họ vẫn "tồn kho" rất nhiều, đa phần là các cô gái trẻ.
Theo quy định của hoàng cung, cuộc đời sau này của họ chỉ có thể sống để thờ chồng không được lấy người mới dù mới 18, 20 tuổi. Vì vậy, sau khi hoàng đế mất, các phi tần cung nữ thường bị đẩy vào những cung cấm chỉ dành cho gái "quả phụ như Từ Ninh cung, Thọ Anh cung hoặc Thọ Khang cung.
Lãnh cung và những cái chết bi thảm nhất Tử Cấm Thành
Trong số gần mười ngàn gian phòng ở Tử Cấm Thành, nơi có nhiều nỗi ám ảnh nhất chính là lãnh cung. Nơi đây chứng kiến rất nhiều cái chết bi thảm của cung thần mỹ nữ, nha hoàn...
Sử sách Trung Quốc có đoạn viết, vào thời Quang Tự nhà Thanh, Trân Phi được Hoàng đế Quang Tự yêu mến bị Từ Hy Thái hậu giam lỏng trong căn phòng phía Bắc Cát Cảnh Kỳ. Sau đó phi tần bạc phận này đã bị Thái Hậu cho người ép nhảy giếng chết.
Ở thời nhà Minh, Cung Càn Tây phía Tây Ngự Hoa Viên là lãnh cung vô cùng lạnh lẽo. Khánh Thị là nhũ mẫu của Hoàng đế Minh Hy Tông - Chu Du Hiệu đã cấu kết với thái giám Ngụy Trung Hiền để nắm quyền thế trong cung. Khánh Thị đã hãm hại tất cả những người không thích ả.
Trương Dụ Phi có lời ra tiếng lại với Khách Thị nên đã bị ả ôm hận, đặt điều nói xấu trước mặt Hoàng đế. Khách Thị nói rằng đứa con Trung Dụ Phi mang trong mình không phải cốt nhục của Hoàng đến. Nghe vậy, Hy Tông đã đẩy Trương Dụ Phi vào lãnh cung phía sau Ngự Hoa Viên của nhà Thanh.
Trong thời gian bị nhốt ở đây, Trương Dụ Phi không được cho ăn dẫn đến chết đói nơi chốn lãnh cung lạnh lẽo.
Thành Phi - một phi tần khác của Hy Tông bị đẩy vào lãnh cung. Thành Phi bị khách Thị hãm hại bằng cách làm giả chỉ dụ của hoàng đế giam vào lãnh cung. Song Thành Phi biết trước sự việc chuẩn bị đồ ăn giấu trong đó nên không bị chết đói như Trương Dụ Phi.
Theo Hương Quỳnh/Doanh nhân Việt Nam