Một số người nói đau là một tín hiệu cảnh báo rằng có một thứ gì đó trong cơ thể bị tổn thương, thế nhưng điều đó sẽ giải thích ra sao cho những trường hợp chấn thương nặng nhưng lại không đau đớn?
Một số người khác lại cho rằng, đau là cách cơ thể nói cho bạn biết có cái gì đó không ổn trong cơ thể, vậy những cơn đau chi ma quái (Phantom Limb Pain (PLP) - cơn đau ở những vùng chi đã bị cắt bỏ) thì phải giải thích như thế nào?
Các nhà khoa học nghiên cứu những cơn đau đã thống nhất rằng, đau đớn là một cảm giác khó chịu trong cơ thể, làm cho chúng ta muốn ngừng lại và thay đổi hành vi của mình.
Chúng ta không còn nghĩ đến nỗi đau như là một thước đo của sự tổn thương mô, mà đó là một cơ chế bảo vệ phức tạp và rất tinh vi.
Vậy sự đau đớn diễn ra như thế nào?
Cơ thể của chúng ta chứa dây thần kinh chuyên biệt phát hiện những sự thay đổi nguy hiểm của nhiệt độ, cân bằng hóa học hoặc áp lực trong cơ thể. Những dây thần kinh này được gọi là "máy dò phát hiện nguy hiểm" gửi thông báo đến não, nhưng chúng không thể gửi cơn đau đến não bởi vì tất cả nỗi đau được thực hiện bởi bộ não.
Đau đớn không thực sự đến từ cổ tay bị tổn thương hay mắt cá chân bị bong gân. Đau là kết quả của các thông tin mà não đánh giá, bao gồm dữ liệu nguy hiểm từ các hệ thống phát hiện nguy hiểm, dữ liệu nhận thức như những kỳ vọng, trải nghiệm, chuẩn mực văn hóa, xã hội và tín ngưỡng, và các dữ liệu cảm giác như những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy hoặc những cảm nhận khác.
Não tạo ra đau đớn. Nơi não sản sinh ra những cơn đau là nơi có "kịch bản dự đoán tốt nhất", dựa trên tất cả những dữ liệu đã thu thập và thông tin được lưu trữ. Thông thường, bộ não sẽ nhận được ngay những thông tin này khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, đôi khi lại không. Đó là lý do vì sao đôi khi bạn bị đau chân nhưng thực chất là sự tổn thương lại xảy ra ở... lưng.
Những cơn đau sẽ cảnh cáo chúng ta không được làm việc gì, ví dụ, chúng ta không được nâng vật nặng bằng một bàn tay bị thương hay đi bộ khi chân chưa lành lặn. Cũng chính những cơn đau sẽ cho chúng ta biết nên làm gì, như mời bác sĩ đến thăm khám, ngồi một chỗ và nghỉ ngơi.
Như vậy, giờ chúng ta đã biết rằng, cơn đau có thể được "bật lên" hoặc "bật mạnh hơn" bởi bất cứ điều gì có thể mang đến những bằng chứng đáng tin cậy cho não, rằng cơ thể đang trong tình trạng nguy hiểm và cần được bảo vệ.
Tất cả mọi thứ là từ não của bạn?
Vậy, tất cả mọi thứ về sự đau đớn là từ não chứ không phải từ cơ thể? Các nhà khoa học nói rằng điều đó không đúng. Những "máy dò nguy hiểm" được phân phối trên hầu hết tất cả các mô trong cơ thể của chúng ta và hoạt động như đôi mắt của bộ não.
Khi có sự thay đổi đột ngột trong môi trường mô, các "máy dò nguy hiểm" sẽ là tuyến phòng thủ lần đầu tiên của chúng ta. Chúng cảnh báo não và huy động cơ chế kháng viêm, làm tăng lưu lượng máu... từ đó kích hoạt quá trình sửa chữa.
Phương pháp gây tê tại chỗ làm cho các "máy dò nguy hiểm" trở nên vô dụng và vì vậy, các thông tin về sự nguy hiểm không được truyền tải tới não. Như vậy, chúng ta có thể không đau đớn bất chấp những chấn thương nghiêm trọng.
Mặt khác, tình trạng viêm nhiễm làm cho các "máy dò nguy hiểm" trở nên nhạy cảm hơn, do đó, chúng có thể phản hồi với những tình huống không thực sự nguy hiểm. Có thể lấy ví dụ như khi bạn di chuyển với một chân bị viêm khớp nhẹ, bạn có thể bị đau một chặng đường dài trước khi các mô của khớp thực sự căng thẳng.
Thông điệp nguy hiểm di chuyển đến não và được xử lý ngay trên đường đi với sự tham gia của chính bộ não. Các neuron truyền tải thông tin về sự nguy hiểm được kiểm soát trực tiếp từ não bộ, được điều chỉnh tăng và giảm độ nhạy cảm của mình theo những gì não bộ cho rằng là hữu ích.
Vì vậy, nếu đánh giá của bộ não về tất cả các thông tin có sẵn dẫn nó đến kết luận rằng điều này là thực sự nguy hiểm, hệ thống truyền nguy hiểm trở nên nhạy cảm hơn. Nếu não kết luận điều này không thực sự nguy hiểm, hệ thống truyền nguy hiểm trở nên ít nhạy cảm.
Việc đánh giá nguy hiểm trong não là rất phức tạp, có rất nhiều vùng não có liên quan tham gia vào việc này.
Làm thế nào để giảm đau?
Để giảm đau, chúng ta cần giảm bằng chứng đáng tin cậy về sự nguy hiểm và tăng bằng chứng đáng tin cậy về an toàn. "Máy dò nguy hiểm" cũng có thể được tắt bằng cách gây tê cục bộ.
Một cách rất hiệu quả để giảm đau là làm cho một điều gì khác có vẻ là quan trọng hơn tới não - điều này được gọi là phân tâm.
Trong các cơn đau mãn tính, độ nhạy cảm của các phần cơ thể đều tăng, do đó, mối quan hệ giữa cơn đau và sự cần thiết để bảo vệ cơ thể trở nên méo mó: chúng ta trở nên quá nhạy cảm với những sự đau đớn và những cơn đau liên tục kéo dài.
Đây là một trong những lý do quan trọng trong việc không có phương thuốc chữa bệnh nhanh chóng cho hầu hết các cơn đau dai dẳng. Việc phục hồi đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì, can đảm... Các biện pháp can thiệp tốt nhất là tập trung vào việc cho cơ thể và bộ não làm quen từ từ để sự bảo vệ được nới lỏng, từ đó giảm bớt những cơn đau.
Theo Nguyệt Phong/Khám phá