Khám phá

Giai nhân áo đen Hà thành và giai thoại ăn thịt gà được thưởng kim cương

Trong “Hà thành tứ mỹ”, người phụ nữ được mệnh danh “giai nhân áo đen” có cuộc đời viên mãn, hạnh phúc nhất, dù cũng trải qua những lúc vất vả, gian nan.

Khám phá 10 rạn san hô nổi tiếng trên thế giới / Ngắm nhìn những khu vườn bách thảo đẹp nhất nước Mỹ

Những năm 30 thế kỷ trước, người Hà Nội mỗi khi luận bàn về giai nhân đều nhắc đến “Hà thành tứ mỹ” gồm cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy.

Cũng lớn lên trong nhung lụa nhưng nếu như cô Phượng Hàng Ngang trải qua cuộc đời long đong bất hạnh, chết trong cô độc thì cô Bính Hàng Đẫy – Đỗ Thị Bính có cuộc hôn nhân hạnh phúc vẹn tròn.

Giai nhân áo đen Hà thành và giai thoại ăn thịt gà được thưởng kim cương - 1

Cô Bính Hàng Đẫy là người ngồi, mặc áo dài đen.

Ăn thịt gà, thưởng kim cương

Người đẹp Đỗ Thị Bính là con gái nhà thầu khoán Đỗ Lợi, người nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, luôn nhận thầu những công trình lớn nhất Hà Nội. Cụ Đỗ Lợi có 16 người con và cô Bính không phải con gái duy nhất, nhưng lại là một trong những đứa con được cưng chiều nhất. Có một giai thoại nổi tiếng về sự cưng chiều của nhà tư sản đối với cô con gái đầu này của người vợ thứ hai: Đỗ Thị Bính vốn rất kén ăn, nên cụ thuê những đầu bếp tốt nhất đến chăm lo bữa ăn cho gia đình, đặc biệt có giai đoạn người trông coi bếp núc nhà họ Đỗ là đầu bếp từng phục vụ vua Bảo Đại.

Thế nhưng cô Bính vẫn chỉ ăn rất ít món mà cô thích, và đặc biệt không bao giờ chịu ăn thịt gà - một trong những món ngon và bổ dưỡng bậc nhất đối với người Việt mà nhiềugia đìnhchỉ được ăn vào dịp giỗ chạp hay lễ tết. Thế là cụ Đỗ Lợi tuyên bố nếu con gái chịu ăn thì với mỗi miếng thịt gà sẽ được thưởng một chiếc nhẫn kim cương.

Dù phần thưởng hấp dẫn như vậy nhưng cô Bính vẫn mỉm cười nhỏ nhẹ từ chối. Bất lực, cụ Đỗ Lợi đành chuyển hướng “tấn công” đầu bếp, nếu nấu nướng làm sao cho con gái chịu ăn thịt gà thì cụ sẽ thưởng lớn. Khi vị đầu bếp này đưa ra món bún thang tuyệt phẩm của mình thì tiểu thư họ Đỗ mới chịu thưởng thức. Theo lời người nhà, cả cuộc đời, giai nhân Đỗ Thị Bình chỉ thực sự thích hai món, đó là bún thang và miến xào cua bể.

Giai nhân áo đen Hà thành và giai thoại ăn thịt gà được thưởng kim cương - 2

Một bằng chứng nữa cho sự chiều chuộng của nhà tư sản Đỗ Lợi dành cho con gái là biết con thích ngắm hoa, cụ cho người trồng cả giàn hồng leo và treo những giỏ phong lan tuyệt đẹp trước sân nhà ở số 30 Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học). Những bông hồng, phong lan thu hút cô tiểu thư ngày ngày ra sân, ngồi dưới hoa đọc tiểu thuyết, khiến bao nhiêu chàng trai ôm mộng.

 

Giai nhân mê màu áo đen

Lớn lên, Đỗ Thị Bính trở thành một trong những cô gái đẹp nhất Hà Nội. với làn da trắng muốt, dáng người cao và gương mặt trái xoan thanh thú, dịu dàng. Dù nhà rất giàu, cô không đua đòi chưng diện sặc sỡ xa hoa, chỉ thích những bộ đồ nền nã và đặc biệt hay mặc đồ đen – màu sắc đơn giản tôn lên làn da trắng và nét quý phái, bí ẩn. Vì thế, người Hà Nội thường dùng biệt danh “giai nhân áo đen Hà thành” khi nhắc đến cô.

Dù xinh đẹp nổi tiếng, lại là tiểu thư khuê các nhưng cô Bính Hàng Đẫy rất chăm chỉ và giản dị, gần gũi. Cô cũng giúp bố mẹ làm một số việc, và về nữ công gia chánh thì cực kỳ khéo. Từ vị cựu đầu bếp của vua Bảo Đại, cô học được cách nấu nhiều món ngon, hương vị tinh tế. Tay nghề của người đẹp xuất sắc đến nỗi dù không cần nếm thử, chỉ cần ngửi mùi thức ăn là cô biết món ấy chua cay mặn ngọt thế nào, đã tròn vị, vừa miệng chưa.

Người đẹp cũng rất mê văn học, đặc biệt thích đọc tiểu thuyết – niềm đam mê đi theo giai nhân áo đen cho đến những ngày cuối đời.

Chính vì công dung ngôn hạnh vẹn toàn nên cô Bính Hàng Đẫy là người trong mộng của bao nhiêu chàng trai Hà Nội thời đó. Trong số những người si mê cô có thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp. Nhà thơ trẻ thường mượn cớ đi qua ngôi nhà 30 Hàng Đẫy để được nhìn thấy người đẹp ra sân ngồi đọc sách hay ngắm hoa, nếu không thấy vì cứ đợi cho đến lúc cô xuất hiện mới chịu dời gót. Nhiều câu thơ mang hình bóng giai nhân của Nguyễn Nhược Pháp được cho là tả cô Bính, như mấy câu trong tác phẩm “Sơn Tinh, Thủy Tinh”:

 

"Tóc xanh viền má hây hây đỏ,

Miệng nàng bé thắm như san hô,

Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ:

Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ".

Không rõ mối tình của thi sĩ có được giai nhân áo đen đáp lại chút nào không, nhưng sau đó Nguyễn Nhược Pháp mất ở tuổi 24 vì bệnh lao phổi.

 

Hôn nhân sắp đặt nhưng hạnh phúc vẹn tròn

Người có diễm phúc cưới cô Bính Hàng Đẫy là chàng trai danh gia vọng tộc Bùi Tường Viên, vừa du học ở Pháp về. Đây là cuộc hôn nhân sắp đặt, chỉ biết mặt chồng vào ngày cưới nên ban đầu cô Bính chưa có tình cảm. Nhưng sau thời gian sống cùng nhau, những phẩm chất tốt đẹp của chồng cùng cách đối xử tinh tế, trân trọng khiến trái tim người đẹp dần dần dành trọn cho ông. Hai người sống với nhau hạnh phúc, tròn vẹn yêu thương đến già, cùng nhau trải qua những thử thách gian nan của lịch sử.

Giai nhân áo đen Hà thành và giai thoại ăn thịt gà được thưởng kim cương - 3

Cô Đỗ Thị Bính và chồng, ông Bùi Tường Viên.

Trong Tuần lễ vàng năm 1945, nhà tư sản Đỗ Lợi quyên tặng Chính phủ Cách mạng lâm thời 45 lạng vàng và 18 ngôi biệt thự. Về sau, cụ còn tặng Nhà nước nhiều nhà và biệt thự nữa, tổng cộng 31 căn.

Năm 1946, Hà Nội tiêu thổ kháng chiến, vợ chồng bà Đỗ Thị Bính đưa 3 con đi tản cư lên Lập Thạch, Vĩnh Phúc và sinh người con thứ tư tại đây. Chiến tranh lan rộng, sau đó họ lại phải lên tận Tuyên Quang. Để nuôi con, cô tiểu thư khuê các ngày nào tự mình cuốc đất trồng ngô, khoai, sắn, trồng rau nuôi gà. Tay nghề nội trợ cũng giúp bà nâng chất lượng cuôc sống cho gia đình bằng cách dậy từ 3 giờ sáng làm bánh cuốn, bánh tẻ, bánh phở, bún thang… bán cho bà con quanh vùng tản cư. Hình ảnh người mẹ hằng ngày gò lưng gánh hai thùng nước đi từ con sông cách nhà hơn 2 km về dùng và tưới rau in đậm trong ký ức những đứa con của bà thời đó.

 

Bà Đỗ Thị Bính cũng học cách tiêm thuốc cho người bị sốt rét và nhờ đó giúp được nhiều người thoát cơn hiểm nghèo. Cũng nhờ kỹ năng này mà bà kịp thời cứu sống con gái. Năm 1954, sau 8 năm tản cư, bà Đỗ Thị Bính gánh 2 con nhỏ và dắt theo con lớn quay lại Hà Nội, trở về ngôi nhà cũ 30 Hàng Đẫy.

Không lâu sau đó, bà nhận cú sốc lớn trong đời: Đứa con gái 3 tuổi bị sốt rét ác tính mất do bác sĩ chẩn đoán nhầm. Hơn nửa năm trời, người mẹ khổ đau không gượng dậy nổi, cụ Đỗ Lợi phải cho con chuyển sang căn nhà khác gần đó để không bị dày vò bởi những ký ức cũ.

Trong những năm chống Mỹ, “giai nhân áo đen Hà thành” một thời may đồ quân nhu, dạy bổ túc văn hóa rồi về Phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng cho đến lúc về hưu. Dốc lòng cho sự nghiệp trồng người, cô Bính Hàng Đẫy nhiều lần được tặng Huy chương Chiến sĩ thi đua yêu nước. Bà từng suýt chết khi bị vùi vào lòng đất do Mỹ ném bom nơi làm việc.

Năm 1986, bà Đỗ Thị Bính nhận cú sốc lớn thứ hai trong đời: Người chồng yêu dấu qua đời sau 10 năm chống lại bệnh ung thư với sự đồng hành đầy tận tâm của vợ. Sáu năm sau, bà ra đi ở tuổi 77. Thể theo sở thích ăn mặc của mẹ, con cái mặc cho bà chiếc áo cánh màu mỡ gà trong cùng, mặc bên ngoài chiếc áo dài lụa đen rồi khoác chiếc áo dạ đen tuyền. “Giai nhân áo đen Hà thành” đã có một cuộc đời đẹp đẽ nhiều ý nghĩa, luôn nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của mọi người.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm