Giai thoại kỳ bí về "cửu vị thần công" ở cố đô Huế: Người dân đi qua đều cúi đầu chào
Về Hà Cảng thăm nghề làm mứt gừng Huế / Không chỉ thơ mộng, ở Huế còn có 1 nhà thờ đậm chất phương Tây cổ điển độc đáo
Cố đô Huế nổi tiếng với những bảo vật cung đình, là minh chứng cho sự tồn tại hơn 140 năm của vương triều Nguyễn. Trong số những báu vật ấy, đáng chú ý bậc nhất là 9 khẩu súng thần công đặt trước cửa Ngọ Môn.
9 khẩu súng thần công này, còn gọi là “cửu vị thần công”, có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với kinh thành Huế. Chúng được quân lính túc trực bảo vệ và được vua Gia Long ban sắc phong là "Thần oai Vô địch Thượng tướng quân".
Theo các tài liệu sử học, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long cho đúc 9 khẩu thần công bằng đồng, bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1803 (năm Gia Long thứ 2 - Quý Hợi) và hoàn thành vào cuối tháng 12 năm 1804. Để đề cao chiến thắng trước nhà Tây Sơn, vua Gia Long đã lấy toàn bộ vũ khí và những vật dụng bằng đồng còn sót lại của quân Tây Sơn làm nguyên liệu đúc súng.
9 khẩu thần công này được xếp thành hai nhóm, nhóm thứ nhất gồm 4 khẩu Xuân – Hạ – Thu – Đông, đặt sau cửa Thể Nhơn của Kinh thành; nhóm thứ hai gồm 5 khẩu Kim – Mộc – Thuỷ – Hỏa – Thổ. Ảnh sưu tầm.
Bài viết về "cửu vị thần công" trong bộ tập san Bulletin des amis du Vieux Hué (1) có nêu rằng vua Gia Long giao cho 4 người là Đô Thống chế Nguyễn Văn Khiêm (tước Khiêm Hòa hầu), Chánh quản cơ Hoàng Văn Cẩn (tước Cẩn Thận hầu), Phó quản cơ Ích Văn Hiếu (có nơi ghi tên ông là Cái Văn Hiếu; tước Hiếu Thuận Hầu), và Tham tri Bộ Công là Phan Tấn Cẩn (tước Cẩn Tín hầu) giám sát việc đúc súng.
Những cái tên trên đều là những người được đích thân vua lựa chọn kỹ lưỡng, đều là những người có chuyên môn cao, điêu luyện trong nghề đúc súng. Đồng thời, ở họ còn hội tụ những phẩm chất mà vua cho là: Khiêm hòa, Cẩn thận, Hiếu thuận, Cẩn tín.
Vào năm 1816 (tức năm Gia Long thứ 15), vua Gia Long ban sắc phong cho 9 khẩu thần công này là "Thần oai Vô địch Thượng tướng quân". Phong vị và nội dung bài sắc phong đều được khắc trực tiếp trên thân mỗi khẩu thần công.
Ngoài ra, vua còn lệnh cho lính canh luôn túc trực bảo vệ 9 khẩu thần công này cẩn thận. Hàng năm ngài đều tổ chức lễ cúng tế "cửu vị thần công" vô cùng trang trọng.
Đến năm 1886, dưới thời vua Đồng Khánh thì tục cúng lễ "cửu vị thần công" bị bãi bỏ, nhưng lại có thông tin cho rằng các lính bảo vệ súng vẫn tự mình làm lễ cúng tế. Từ đây, có thể thấy rằng "cửu vị thần công" này cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân.
Những điểm đặc biệt của "cửu vị thần công"
Các nhà nghiên cứu lịch sử cho biết 9 khẩu thần công được chia làm 2 nhóm: Nhóm "Tứ thời" gồm 4 khẩu Xuân - Hạ - Thu - Đông, và nhóm "Ngũ hành" gồm 5 khẩu Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Tên súng được khắc nổi tại vị trí núm ở cuối mỗi khẩu súng.
Tên súng thần công được khắc ở phần đuôi. Trong ảnh là khẩu thần công tên "Thổ". Ảnh sưu tầm.
Khi mới hoàn thành "cửu vị thần công" được đặt trước Ngọ Môn - cửa chính của Hoàng thành, trong hai dãy Pháo xưởng. Năm 1917, dưới thời vua Khải Định, toàn bộ Cửu vị thần công được chuyển ra khỏi Hoàng thành đến khu vực Kỳ đài và giữ nguyên vị trí cho đến nay.
Cửu vị thần công đặt tại vị trí cũ. (Ảnh: Hanamtv)
Mỗi khẩu thần công đều dài 5,1m. Đường kính trong nòng là 0,22m; đường kính ngoài nòng đoạn giữa là 0,54m. Giá súng bằng gỗ dài 2,75m; cao 0,73m; bánh xe của đế súng có đường kính 0,62m; mỗi khẩu có trọng lượng hơn 17.000 cân (trọng lượng tính theo Hệ thống đo lường cổ Việt Nam). Với khối lượng và kích thước thuộc vào dạng siêu khủng này, "cửu vị thần công" được xem là 9 khẩu đại bác lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Trong sách "Đại Nam thực lục" (2) có miêu tả chi tiết về "cửu vị thần công" này như sau: "Quý Hợi, Gia Long năm thứ 2 (1803)... đúc chín khẩu súng bằng đồng (lấy bốn mùa và năm hành mà đặt tên, cái thứ nhất là Xuân, nặng hơn 17.700 cân, cái thứ hai là Hạ, nặng hơn 17.200 cân, cái thứ ba là Thu, nặng hơn 18.400 cân, cái thứ tư là Đông, nặng hơn 17.800 cân, cái thứ năm là Mộc, nặng hơn 17.100 cân, cái thứ sáu là Hỏa, nặng hơn 17.200 cân, cái thứ bảy là Thổ, nặng hơn 17.800 cân, cái thứ tám là Kim, nặng hơn 17.600 cân, cái thứ chín là Thủy, nặng hơn 17.200 cân). Đúc xong, làm bài minh để ghi."
"Cửu vị thần công" là 9 khẩu thần công lớn nhất của Việt Nam. (Ảnh: tamviet.tienphong.vn)
Tuy nhiên cho đến ngày nay vẫn chưa có tài liệu nào giải thích tại sao khối lượng các khẩu súng lại không giống nhau. Phải chăng đây là một chủ ý của vua Gia Long hay là một nghi thức bí mật nào đó mà các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn giải thích được.
Không chỉ gây chú ý với kích thước lớn, "Thần oai Vô địch Thượng tướng quân" còn nổi bật với hoa văn đúc trên thân súng.
Súng được được trang trí rất đẹp với tám dải hoa văn trang trí hình hoa lá chạy quanh thân súng; phần thân súng có gắn hai quai lớn chạm hình hai con lân; phần đai gần cuối thân súng có hai hàng chữ Hán gồm ở trên là ba chữ "Mệnh Gia Long" (Lệnh vua Gia Long) và hàng dưới là danh hiệu và vị thứ của từng khẩu thần công.
Một nét đặc biệt khác trong kiểu thức trang trí trên cửu vị thần công còn phải kể tới một hình vương miện được đắp nổi với những đường cong mềm mại, tinh xảo.
Thân súng được chạm trổ hoa văn cực kỳ công phu và tỉ mỉ. Ảnh: Sưu tầm
Ngoài hoa văn tinh xảo thì trên thân súng còn có khắc danh hiệu, vị thứ, trọng lượng, cách dùng súng, bài ký về việc tranh chấp với Tây Sơn cùng việc thu đồng đúc súng.
Danh hiệu, vị thứ, trọng lượng, cách dùng súng, bài ký khắc trên súng. Ảnh sưu tầm.
Trên mỗi khẩu súng, đều ghi rõ cách dùng súng như sau: Muốn bắn phải nạp 4 lớp thuốc súng. Lớp thứ nhất gồm 30 cân thuốc súng cộng 40 cân đất; lớp thứ hai gồm 30 cân thuốc súng cộng 105 cân đất; lớp thứ ba gồm 40 cân thuốc súng cộng 120 cân đất; lớp cuối cùng 20 cân thuốc súng để bắn trái đạn. Muốn bắn mạnh hơn thì gia tăng thuốc súng cho lớp thứ tư, tối đa 30 cân, sẽ đạt mức công phá mạnh nhất.
"Thần oai vô địch Thượng tướng quân" chưa bao giờ xung trận. Ảnh sưu tầm.
Hoành tráng là vậy nhưng 9 khẩu thần công này chưa bao giờ tham gia bất kỳ trận chiến nào. Ngay cả khi chiến tranh với quân Pháp ở giai đoạn khốc liệt nhất, triều đình Huế cũng chưa từng đưa "Cửu vị thần công" tham chiến.
Trong một kỳ của Bulletin des amis du Vieux Hué có một đoạn nêu rằng "cửu vị thần công" này rất lợi hại, nhưng suốt tới tận thời Tự Đức thì chúng vẫn chỉ dùng để bắn súng lệnh khi có lễ ở cung đình (ví dụ như lễ Tết, Mừng thọ nhà vua, lễ Tế Nam Giao (3)…) chứ chưa từng xung trận.
Điều này được các nhà nghiên cứu lý giải rằng, "cửu vị thần công" có trọng lượng quá lớn để kéo vào chiến trường, hơn nữa việc nạp đạn quá lâu và quan trọng nhất là độ chính xác cũng như sát thương thấp hơn so với pháo hiện đại dùng hạt nổ của thực dân Pháp.
Giá trị tinh thầnGiai thoại kể rằng, người dân cố đô Huế mỗi khi đi qua "Cửu vị thần công" đều phải kính cẩn cúi chào. Không những thế nhân dân còn truyền nhau rằng "Cửu vị thần công" là những vị thần bảo hộ cho cuộc sống của họ, phù hộ cho sự an khang, thịnh vượng, hoá giải cho các gia đình ly hôn.
Du khách trầm trồ khi được chứng kiến 9 khẩu thần công linh thiêng. (Nguồn: tamviet.tienphong.vn)
Nói về sự linh thiêng của "Cửu vị thần công", Giáo sư người Pháp - H. Lebris vào năm 1914 cho biết: "Có nhiều kẻ lâm bệnh đã đến và cúng rượu, trầu và giấy vàng bạc khấn lạy nhờ ơn cửu vị cứu sống. Bệnh tật chắc sẽ qua nếu không quên buộc ở họng súng chùm hoa vàng, và khi đã hoàn toàn khỏi bệnh thì người ta đến tạ thần công bằng cúng cơm thịt gà giò, chuối".
Điều này thật xứng đáng với danh hiệu "Thần oai Vô địch Thượng tướng quân" – vị thần bảo hộ của người dân cố đô.
Đã hơn 200 năm trôi qua nhưng ý nghĩa tinh thần mà "Cửu vị thần công" được truyền lại vẫn còn nguyên vẹn với thời gian. Không chỉ vậy 9 khẩu thần công này còn là những tuyệt tác của nghệ thuật đúc súng, nghệ thuật trang trí chạm khắc trên đồng, được các thời vua Nguyễn xếp vào loại bảo vật.
Ngoài ra "Cửu vị thần công" còn có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân đất Thần Kinh, là niềm tự hào của những người dân nơi đây khi nhắc về kinh thành Huế. Với những giá trị vô giá về tinh thần cũng như sự quý hiếm, "Cửu vị thần công" đã được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam.
Chú thích: (1) Bulletin des amis du Vieux Hué: Thường được viết tắt là BAVH, tên tiếng Việt là Những người bạn cố đô Huế; là tạp chí tiếng Pháp ra đời từ năm 1914, do các linh mục và quan chức Tây viết về văn hóa và lịch sử của Huế và Việt Nam; tạp chí này được đánh giá rất cao trong khu vực Đông Dương. Bộ sách hiện đã được Nhà xuất bản Thuận Hóa dịch ra tiếng Việt và xuất bản. (2) Đại Nam thực lục: Bộ biên niên sử Việt Nam viết về triều đại các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn. Đại Nam thực lục gồm 584 quyển, viết bằng chữ Hán thể văn ngôn và ghi chép các sự kiện lịch sử tới năm 1925 (không bao gồm vua Bảo Đại). (3) Tế nam giao: Nghi lễ tế trời do vị quân chủ của một nước theo văn hóa Trung Hoa Khổng giáo tiến hành. Đây là nghi thức được xếp vào hàng Đại tự (lễ lớn) và là lễ tế linh thiêng bậc nhất của các triều đại phong kiến – quân chủ ở Đông Á. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách
CLIP: Sóc nhỏ "chơi khăm" linh miêu và cái kết đầy bi thảm
Người ngoài hành tinh đang cố gắng liên lạc với Trái Đất? Tín hiệu đã truyền đi 8 tỷ năm qua không gian là gì?