Hành trình 10 ngày 'đỡ đẻ' cho rùa ở Côn Đảo
Cận cảnh chùa Bà Thiên Hậu - ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á / Chiêm ngưỡng 7 cảnh quan tuyệt đẹp chỉ có ở Trung Quốc
"Đỡ đẻ cho rùa biển là công việc rất cực nhưng ý nghĩa. 10 ngày sống trên đảo, tôi đã sụt vài kg. Tuy nhiên đây là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi", Khang Trần (KhangDerlust) hào hứng chia sẻ vớiZingvề chuyến đi "đỡ đẻ" cho rùa biển tại Côn Đảo hồi tháng 6/2020.
May mắn trở thành tình nguyện viên từ lần đăng ký đầu tiên
Là người thích khám phá về môi trường, hay các hoạt động liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, Khang đã từng tham gia một vài chương trình tình nguyện về môi trường trong và ngoài nước.
Biết đến chương trình Bảo tồn Rùa biển do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Ban quản lý vườn quốc gia Côn Đảo từ 3 năm trước, anh đã nhiều lần muốn tham gia nhưng không sắp xếp được thời gian.
Giữa năm ngoái, anh tạm gác công việc để nộp đơn tham gia làm tình nguyện viên (TNV) của chương trình.
Để đáp ứng tiêu chí của một TNV bảo vệ rùa biển không hề đơn giản. "Tôi cũng nghe nhiều người nói đã nộp đơn tham gia mấy năm nhưng vẫn chưa được lựa chọn", Khang chia sẻ. Tuy nhiên, một tháng sau ngày đăng ký, anh may mắn nhận được email chúc mừng từ IUCN.
"Lúc đó tôi háo hức vì chuẩn bị được gặp rùa biển ngoài đời thực, chứ không phải trên tivi. Không những thế tôi còn được xem chúng đẻ trứng một cách tự nhiên, không có sự tác động của con người", Khang nói.
Khang chuẩn bị hành lý nhỏ gọn cho chuyến đi 10 ngày trên đảo. Xuất phát từ TP.HCM, anh lựa chọn đi xe khách xuống Sóc Trăng, qua cảng Trần Đề và đi tàu sang Côn Đảo để nhập hội cùng các TNV khác đến từ nhiều nơi trên dải đất hình chữ S.
Sau khi tập hợp và nghe điều phối viên phổ biến về chương trình, Khang và một bạn TNV khác được phân nhiệm vụ "đỡ đẻ" cho rùa ở tổ kiểm lâm bãi Dương.
Tổ kiểm lâm bãi Dương - nơi tựa mình vào cánh rừng nguyên sinh với hệ động thực vật đa dạng.
Tại vườn quốc gia Côn Đảo có khoảng 18 bãi biển có rùa lên đẻ trứng. Trong đó, 5 bãi có diện tích lớn và số lượng rùa mẹ lên đẻ nhiều nhất như hòn Bảy Cạnh, bãi Dương, hòn Cau, hòn Tre Lớn, hòn Tài được bố trí các trạm kiểm lâm để làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn rùa biển.
Sau khi chuẩn bị xong lương thực để sinh sống trên đảo 10 ngày, Khang và bạn đồng hành di chuyển sang địa điểm được nhận nhiệm vụ.
"Đón chúng tôi tại bãi Dương là sự niềm nở của 2 chàng trai 9X đang sở hữu tuổi trẻ đầy nhiệt huyết", Khang tâm sự. Trong đó, kiểm lâm viên Cao Đức Cường, đã có 3 năm làm việc tại đây và cậu sinh viên Hà thành vừa tốt nghiệp đại học, Nguyễn Danh Thiện. Do dịch Covid-19, không thể tiếp tục sang Bỉ theo đuổi tấm bằng thạc sĩ, cậu đã nộp đơn ra đây làm nhân viên thời vụ 2 tháng.
Thức trắng đêm "đỡ đẻ" cho rùa biển
Mỗi buổi ra bãi, Khang sẽ được các kiểm lâm viên đánh thức khi chuẩn bị đến giờ rùa lên đẻ. Với kinh nghiệm của mình, anh Cường có thể dự đoán thời điểm rùa lên đẻ bằng việc quan sát bảng thủy triều. Thời gian thường từ 2h sáng.
Đặc tính sinh học của loài rất nhạy cảm với tiếng động, ánh sáng nên tất cả các hoạt động phải diễn ra trong im lặng. "Trong lúc rùa đẻ, các bạn không được chiếu đèn vào mắt rùa và đứng ngay đầu rùa", Khang nhớ lại lời nhắc của kiểm lâm viên.
Ngay trong đêm đầu tiên, Khang đã được chứng kiến toàn cảnh rùa đẻ trứng. "Tôi rất phấn khích và ngạc nhiên nhưng lại không được thốt lên, phải kìm nén vì sợ rùa mẹ nghe thấy bỏ đi", Khang chia sẻ.
Khang lâng lâng hạnh phúc khi lần đầu cầm trứng rùa trên tay.
Canh rùa đẻ là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn cao. Quá trình sinh sản của rùa mẹ diễn ra khá lâu, khoảng vài tiếng đồng hồ.
Rùa mẹ thường chọn chỗ cát không bị sụt lún, không có vật cản như đá ngầm, không quá gần mép nước mới chịu đào tổ đẻ trứng. Rùa mẹ dùng chi trước để đào hố sâu 30-40 cm, rộng chừng 20 cm rồi bắt đầu đẻ.
Trong mỗi hố, rùa thường đẻ hơn 100 quả, thậm chí 200 quả. Sau khi đẻ xong, chúng sẽ lấp cát, xóa dấu vết, bảo đảm tổ trứng được an toàn rồi quay về biển.
Cũng có những con "khó đẻ", sau khi đào hố xong, bò qua lại, thậm chí quay về biển.
Khi ra bãi, nếu rùa đã đẻ rồi, kiểm lâm viên sẽ xác định ổ trứng dựa vào đường di chuyển và dùng que xăm cát để kiểm tra.
Dấu chân rùa in trên cát - một trong những tín hiệu phát hiện rùa lên bãi cát tìm chỗ đẻ trứng.
"Đối với những con đang đẻ, chúng tôi được hướng dẫn cắm cọc để làm dấu và đi chỗ khác, chờ khi rùa đẻ xong mới quay lại", Khang kể lại.
Khi rùa mẹ đẻ xong, về biển, nhiệm vụ của TNV là đào lại ổ của chúng bằng tay để lấy trứng và cho vào hồ ấp theo sự hướng dẫn của các kiểm lâm viên. Mọi thao tác phải diễn ra nhẹ nhàng, cẩn thận và nhanh chóng. Vì trong vòng 6 tiếng kể từ khi rùa đẻ, trứng phải được mang đi ấp.
"Lần đầu cầm trứng rùa trên tay, tôi vừa thấy lâng lâng hạnh phúc, vừa sợ làm vỡ trứng. Trứng rùa có độ đàn hồi khá tốt nhưng tôi vẫn phải cẩn thận", Khang chia sẻ.
Mỗi hố cát, rùa thường đẻ hơn 100 quả trứng.
Khi đem trứng về hồ cát, công việc tiếp theo là đào lại tổ cát, đặt trứng xuống và lấp lại. Sau khoảng 45 ngày, trứng sẽ nở thành rùa con. Các kiểm lâm viên thường dựa vào dấu hiệu cát lún dần xuống để biết có rùa con đang chuyển động phía dưới.
Thời gian kết thúc công việc của đội "đỡ đẻ" cho rùa biển không cố định. Những ngày thuận lợi có thể là 4h, đôi khi muộn hơn khoảng 6-7h. Công việc chính cứ lặp lại như vậy trong 10 ngày của chuyến tình nguyện.
Hồ cát để ấp trứng rùa thuộc tổ kiểm lâm bãi Dương.
Chuyến đi đáng nhớ trong cuộc đời
"Công việc bảo tồn rùa biển mùa sinh sản thật sự rất vất vả. Tôi nhớ lần đầu tiên tự tay đào trọn vẹn ổ trứng là vào ngày trời mưa xám xịt, lúc đó tự nhiên bản thân có chút xúc động. Thế mới thấy 10 ngày làm công tác bảo tồn rùa biển của TNV có là gì với sự tận tụy quanh năm suốt tháng của những nhân viên kiểm lâm nơi đây", Khang tâm sự.
Do chỉ có 4 người sống trên đảo, Khang dần hiểu được tính cách của những người bạn đồng hành. Anh hiểu tại sao kiểm lâm Cường lại chọn gắn bó với cuộc sống hoang vu nơi hải đảo. Khang biết được câu chuyện của Thiện, chàng sinh viên Hà thành sinh năm 1998 chưa từng phải phụ việc nhà, lại lựa chọn ra Côn Đảo làm nhân viên cứu hộ rùa.
Khang cho biết 10 ngày sống trên đảo bị sụt vài kg nhưng anh cảm thấy quyết định tham gia chuyến đi này hoàn toàn đúng đắn. Vì đó là khoảng thời gian anh được làm điều mình thích và cũng là kỳ nghỉ để thanh lọc cơ thể.
Lúc rảnh, Khang thường ra chiếc xích đu bên bờ biển để đọc sách, uống cà phê.
Dành trọn thời gian cho rùa biển, Khang đã học được ở những kiểm lâm viên nơi đây bài học rất lớn về cách thức bảo tồn thiên nhiên và sinh vật biển.
Anh biết được rùa biển là loài vật rất nhạy cảm, chúng có khả năng nhận biết hình ảnh nơi mình sinh ra. Bởi khi trưởng thành, chúng sẽ quay lại chính nơi chào đời để đẻ trứng. Đó cũng chính là một trong những lý do khi thả rùa về biển, phải thả từ trên bãi cát để chúng tự bò xuống biển. Đường bò xuống biển chỉ cách mép nước vài mét. Tuy nhiên, đó là đoạn đường để rùa con bắt đầu làm quen với môi trường bên ngoài trước khi tiếp nước, ghi nhớ nơi mình sinh ra, và sẽ quay lại chính nơi đây để duy trì nòi giống.
"Chuyến đi này cũng là lần đầu tôi đến Côn Đảo. Đến đây, tôi mới biết biển Côn Đảo đẹp thế nào, quý ra sao và lý do các thế hệ phải cùng nhau giữ gìn", Khang tâm sự.
Sau chuyến đi ở Côn Đảo, anh đã dự định đăng ký tham gia làm TNV bảo vệ rùa biển tại khu bảo tồn Hòn Cau (Bình Thuận) và một chương trình bảo vệ rùa biển ở Malaysia. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, mọi kế hoạch của anh đều bị hủy.
Côn Đảo có thể xem như "xứ sở rùa" của Việt Nam khi lượng trứng rùa biển sinh ra tại đây chiếm 80% tổng số trên cả nước. Con số 80% có vẻ lớn nhưng tỷ lệ rùa sinh ra, sống sót và trở về biển chỉ là 0,1%. Với tỉ lệ sống sót thấp, rùa biển được đưa vào sách đỏ Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Mùa sinh sản của rùa biển thường kéo dài khoảng tháng 4-10, trong đó cao điểm là tháng 7-9. Vì thế thời điểm này ban quản lý vườn quốc gia Côn Đảo thường thiếu nguồn lực để bảo tồn rùa biển và cần người hỗ trợ. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
CLIP: Ngựa vằn bỏ mạng khi chạm trán bầy cá sấu hung dữ trong cuộc vượt sông
CLIP: Nai sừng tấm dũng cảm chiến đấu bảo vệ con trước bầy sói, kết thúc đầy cảm động
Loại gỗ quý nhưng 'vô sinh' từng được đồn đoán chữa khỏi bệnh ung thư, cả Việt Nam chỉ còn 162 cây, đó là gỗ gì?