Hành trình lên ngôi Hoàng đế Trung Quốc của đứa trẻ trong ngục tối
Ly kỳ hành trình lên ngôi của đứa trẻ trong ngục tối trở thành hoàng đế nhà Hán / Hé lộ vị hoàng đế Pháp kiệt xuất hơn cả Napoleon
Án Vu cổ & bi kịch diệt tộc
Hán Vũ Đế Lưu Triệt là Hoàng đế thứ 7 của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Hán Vũ Đế có 6 người con trai, gồm: Lệ Thái tử Lưu Cứ, Tề Hoài Vương Lưu Hoành, Yên Thích Vương Lưu Đán, Xương Ấp Ai Vương Lưu Bác, Quảng Lăng lệ Vương Lưu Tư và cuối cùng là Lưu Phất Lăng, người sau này trở thành Hán Chiêu Đế.
Hán Tuyên Đế Lưu Bệnh Dĩ và hành trình lên ngôi vua đầy ly kỳ.
Hán Vũ Đế khi về già tin dùng Hoạn quan Giang Sung. Giang Sung vốn có hiềm khích sâu sắc từ trước với Lưu Cứ, nhân lúc thế lực đang mạnh đã âm mưu hãm hại Lệ Thái Tử. Đầu tiên, Giang Sung sàm tấu với Vũ Đế về việc nhiều thành viên trong Hoàng thất có cất giấu cổ khí (một dạng bùa yểm tà thuật) trong cung. Tiếp đó, họ Giang rêu rao Lưu Cứ cùng một số hoàng tử khác có ý mưu phản. Vũ Đế không điều tra kĩ truyền lệnh bắt giải Thái tử để hỏi tội.
Lệ Thái tử từ chỗ không có ý đồ sai trái, bị ép vào thế… phải làm phản thật. Lưu Cứ dấy binh, sai người giả mạo sứ vua bắt Giang Sung và giết chết Hoạn quan này. Sau khi giết Giang Sung, Lưu Cứ lập tức mang quân chiếm cứ các vị trí trọng yếu trong kinh thành Tràng An. Nghe tin, Vũ Đế khép Lưu Cứ tội khi quân, mưu đồ binh biến làm loạn, sai quân đánh dẹp.
Quân Lưu Cứ thua to, buộc phải rút chạy khỏi Trường An. Bị ép vào thế tuyệt lộ, thân cô thế cô, Lưu Cứ tự sát. Toàn bộ gia đình và con cái của Lệ Thái tử sau đó đều vong mạng, chỉ còn duy nhất một đứa trẻ sơ sinh vài tháng tuổi có tên Lưu Bệnh Dĩ – con Lưu Tiến, cháu nội Lưu Cứ, là sống sót. Đây chính là sự kiện có tên Án Vu Cổ nổi tiếng trong lịch sử nhà Hán.
Có lẽ Hán Vũ Đế không muốn tuyệt diệt tận gốc toàn gia của Lệ Thái Tử nên đã chừa lại con đường sống cho Bệnh Dĩ. Cậu bé bị giam trong nhà lao ở Hồ huyện cùng bà nội Thái Tử phi Sử thị (vợ Lưu Cứ, người sau đó bị ép tự sát), dưới sự “quản chế” của quan cai ngục Bình Cát, vốn là thuộc hạ cũ của Lệ Thái tử. Bình Cát sau đó chọn hai nữ tù nhân tên Hồ Tổ và Quách Trưng Khanh làm vú nuôi để chăm sóc Bệnh Dĩ.
Bệnh Dĩ được khoảng 1 năm tuổi, Bình Cát đem cậu về Trường An, tìm được nhà mẹ đẻ của Thái tử Phi Sử thị – Trinh Quân. Bình Cát giao phó cho Trinh Quân nuôi Bệnh Dĩ. Vài năm sau, Hán Chiêu Đế (Lưu Phất Lăng) nghe nói hậu nhân dòng dõi Lệ Thái tử còn sống, bèn cho tìm kiếm và ban chiếu sắc phong Bệnh Dĩ làm Hoàng trưởng tôn và ra lệnh hoạn quan Trương Hạn uôi dưỡng và cho ăn học tử tế.
Vài tháng tuổi, Lưu Bệnh Dĩ đã chịu bi kịch toàn gia tuyệt diệt bởi Án vu Cổ.
Con đường lên ngôi Hoàng đế
Bệnh Dĩ hiếu học, thuộc làu Tứ thư Ngũ Kinh, sớm cho thấy sự thông minh mẫn tiếp, óc phân tích sắc sảo và sự nhạy bén chính trị. Thỉnh thoảng Bệnh Dĩ được Hán Chiêu Đế triệu vào chầu, hỏi ý kiến về các vấn đề trị quốc. Sau đó Bệnh Dĩ được Chiêu Đế sắc phong làm Dương Võ hầu.
Năm 74 TCN, Hán Chiêu Đế băng hà, không có con trai nối dõi nên đại thần phụ chính Hoắc Quang lập Xương Ấp vương Lưu Hạ lên ngôi. Nhưng do Lưu Hạ chơi bời sa đọa, làm nhiều việc vô đạo nên chỉ làm vua 27 ngày thì bị Hoắc Quang cùng quần thần phế truất thông qua việc xin ý chỉ của Thượng Quan thái hậu (cháu ngoại Hoắc Quang).
Hoắc Quang, với thế lực cực lớn trong triều, đã quyết định lập Dương Võ hầu Lưu Bệnh Dĩ, khi đó mới 17 tuổi lên ngôi, trở thành Hán Tuyên Đế. Lúc này Bệnh Dĩ mới đổi tên thành Lưu Tuân. Có 3 lý do chính cho việc Hoắc Quang lập Lưu Tuân lên ngôi:
Thứ nhất, Lưu Tuân là dòng dõi đích tôn trực hệ của Hán Vũ Đế. Thứ hai, Lưu Tuân còn trẻ và chưa có kinh nghiệm chính trị nên Hoắc Quang có thể dễ dàng kiểm soát hoàng đế, thao túng triều chính. Thứ ba, Lưu Tuân cũng có quan hệ họ hàng xa với Hoắc Quang (Hoắc Quang là cháu của Vệ hoàng hậu – mẹ của Thái tử Lưu Cứ).
Lưu Tuân được sử sách mô tả là người tinh thông Đạo giáo và ít chuộng Nho giáo. Vì xuất thân từ nhỏ chịu cảnh nghèo nàn, Tuyên Đế biết rõ sự cơ cực của dân chúng, ông cho áp dụng những chính sách khoan thứ sức dân, giảm nhẹ các khoản thuế khóa và mở mang giáo dục.
Hán Tuyên Đế và mối tình son sắt với người vợ thuở hàn vi Hứa Bình Quân.
Để củng cố bộ máy hành chính, Tuyên Đế thực hiện tuyển lựa quan lại một cách chặt chẽ, ưu tiên người tài, đặc biệt là cấp quận và quan chức bậc cao. Mặt khác, Tuyên Đế tăng bổng lộc của các quan bậc thấp lên gấp rưỡi, giảm mạnh được nạn nhũng nhiễu lương dân. Để yên ổn biên giới phía bắc, Tuyên Đế giữ chính sách thân thiện với Hung Nô. Nhờ đó, thời Tuyến Đế là giai đoạn thái bình thịnh trị nhất triều Hán.
Mối tình son sắt với người vợ lúc cơ hàn
Hứa Bình Quân sinh vào năm Chính Hòa thứ 4 (89 TCN). Cha là Hứa Quảng Hán, thuộc đội thị vệ của Hán Vũ Đế. Một lần do mắc tội, Quảng Hán bị khép án tử hình. Nhưng Vũ Đế thương tình, tha cho tội chết nhưng bắt phải “thiến” để trở thành Hoạn quan.
15 tuổi, Bình Quân xinh đẹp lạ thường, nàng được hứa gả cho con trai của một quan lớn trong triều. Nhưng chưa kịp xuất giá thì người chồng hứa hôn bệnh nặng mà chết. Hoạn quan Trương Hạ khi đó đang nuôi dạy Bệnh Dĩ, biết Quảng Hán có cô con gái dung mạo tuyệt trần bèn xin cưới Bình Quân cho Bệnh Dĩ. Năm 75 TCN, hai người chính thức thành thân.
Năm 74 TCN, Bệnh Dĩ lên ngôi, thành Hán Tuyên Đế dưới sự trợ giúp của Đại thần nhiếp chính Hoắc Quang. Ngay trước đó Hoắc Quang đã “ép” gả con gái Hoắc Thành Quân cho Bệnh Dĩ với mục tiêu biến Thành Quân thành Hoàng hậu nhà Hán, củng cố vững chắc thế lực trong triều.
Đến lúc Hán Tuyên Đế tính chuyện phong Hoàng hậu, vây cánh của Hoắc Quang đua nhau dâng tấu khuyên Vua lập Hoắc Thành Quân. Tuyên Đế vừa lên ngôi không tiện ra mặt từ chối, đã nghĩ ra một cách xử lý vô cùng sâu sắc. Tuyên Đế hạ chỉ lệnh tìm lại thanh gươm cũ mà ông từng dùng thuở hàn vi, với hàm ý mình trước sau không bao giờ quên nghĩa tào khang với người vợ cả Hứa Bình Quân.
Hán Tuyến Đế diệt trừ gia tộc họ Hoắc, trả thù cho vợ và chính thức nắm toàn bộ quyền lực.
Các đại thần hiểu ý của Tuyên Đế, đồng loạt xin lập Hứa Bình Quân làm Hoàng hậu. Việc làm trọng tình trọng nghĩa của Hán Tuyên Đế này chính là điển tích “Cố kiếm tình thâm” nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Hoa. Ngày 19 tháng 11 (âm lịch) năm 74 TCN, Hứa Bình Quân được phong làm Hoàng hậu.
Việc Hứa Bình Quân trở thành Hoàng hậu khiến nhà họ Hoắc, đặc biệt là Tuyên thành Hầu Phu nhân Hoắc Hiển (vợ Hoắc Quang, mẹ đẻ Hoắc Thành Quân) thù ghét và dụng tâm trả thù. Năm 71 TCN, Hứa Hoàng hậu mang thai đưa con thứ hai của Tuyên Đế, Hoắc Hiển câu kết với nữ y trong cung – Thuần Vu Diễn, lập mưu dùng thuốc độc hại Bình Quân.
Diệt trừ họ Hoắc, báo thù cho vợ
Trong quá trình Hoàng hậu sinh nở, Thuần Vu Diễn nhận lệnh của Hoắc Hiển phu nhân, lấy thuốc phục tử, cùng đại y, đại hoàn trộn vào đưa cho Bình Quân uống. Quả nhiên, Hoàng hậu hoa mắt chóng mặt, máu chảy không cầm, chết trong đau đớn.
Hứa Hoàng hậu băng thệ là một sự kiện kinh thiên động địa thời bấy giờ. Tuyên Đế đau buồn khôn xiết, ra lệnh điều tra và bắt bỏ tù hàng loạt những y sinh liên quan đến cái chết trong quá trình sinh nở của Bình Quân. Hoắc Hiển phu nhân lúc này mới chột dạ, bèn kể lại toàn bộ sự tình cho Hoắc Quang.
Hoắc Quang âm thầm bỏ lệnh tra khảo Vu Diễn, giấu nhẹm âm mưu của vợ vì nếu không thì sẽ làm liên lụy toàn bộ gia tộc họ Hoắc. Tuyên Đế không thể truy cứu sâu hơn sự vụ vì thế lực họ Hoắc còn lớn, đành ngậm bò hòn làm ngọt, lập Hoắc Thành Quân làm Hoàng hậu
Sau khi Hoắc Quang qua đời (69 TCN), Tuyên Đế hiểu rằng đây chính là thời cơ tốt nhất để trả thù cho Hứa Hoàng hậu, đồng thời từng bước triệt tiêu quyền lực của họ Hoắc. Ông ra lệnh điều tra lại cái chết của Hứa Hoàng hậu trước đây, tiếp đó phong Hoắc Vũ (con trưởng Hoắc Quang) làm Đại Tư mã nhưng không có thực quyền, rồi tước binh quyền của Triệu Bình (con rể Hoắc Quang). Ngoài ra, Tuyên Đế thay hết toàn bộ cấm quân trong cung Vị Ương và Trường Nhạc thành người của mình, để đề phòng.
Gia tộc họ Hoắc lo sợ bèn tìm cách trả thù, lên kế hoạch giết Lưu Thích (con trưởng Hán Tuyên Đế). Tháng 7 năm 66 TCN, sự việc bị lộ, Tuyên Đế bắt toàn gia họ Hoắc kết tội tử hình. Hoắc Vũ bị chém ngang lưng, Kế hoàng hậu Hoắc Thành Quân bị phế truất đày tới cấm cung Chiêu Thái. Hiển phu nhân cùng con cái đều bị chém đầu thị chúng.Tổng cộng lên đến hơn 1.000 người vong mạng trong sự kiện này. Như vậy, Tuyên Đế ra tay tàn sát nhà Hoắc, vừa lấy danh nghĩa báo thù cho Hứa hoàng hậu, vừa trừ bỏ thế lực lũng đoạn, tự nắm triều cương.
Bản thân Hán Tuyên Đế, dù diệt họ Hoắc, song đối với Hoắc Quang vẫn dành một sự kính trọng nhất định. Năm 51 TCN Tuyên Đế cho vẽ tranh chân dung 11 công thần để treo trong cung, người xếp đầu tiên trong danh sách chính là Hoắc Quang. Năm 49 TCN, Hán Tuyên Đế băng hà, hưởng dương 42 tuổi, ở ngôi 25 năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Giải mã về sinh vật bí ẩn cao 8m xuất hiện tại rừng rậm Nam Mỹ, từng bị nghi là người ngoài hành tinh
Người phụ nữ nghèo đổi đời nhờ nhặt được viên ngọc trai quý hiếm trong lúc nấu ăn, trị giá bằng cả căn nhà