Khám phá

Hành trình quý tộc hóa của dòng họ Trần

Người có công đầu trong việc đưa dòng họ Trần từ dân chài vào con đường quý tộc, binh nghiệp rồi thay nhà Lý nắm vương triều chính là Trần Lý.

Khai mở sự thật ít biết về đạo sĩ Đức Thánh Trần / Giải mã tháng Tư “tử thần” ám ảnh số phận bà Trần Lệ Xuân

Nói đến những người mở đầu cho vương triều Trần, sử sách nói nhiều tới công lao của Trần Thủ Độ. Nhưng người có công đầu trong việc đưa dòng họ Trần từ dân chài vào con đường quý tộc, con đường binh nghiệp rồi thay nhà Lý nắm vương triều chính là Trần Lý. Vì vậy, ông được suy tôn là Nguyên tổ của nhà Trần.

Quá trình quý tộc hóacủa dòng họ Trần

Trần Lý là thế hệ thứ ba của họ Trần ở vùng Nam Đạo (Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý) và là thế hệ thứ hai của họ Trần đã sinh sống ở Long Hưng (sau Trần Hấp). Khác với ông, cha sống bằng nghề chài lưới, sông nước, Trần Lý đã lên bờ sống ở Hải ấp (như sử sách đã ghi nhận), sự thay đổi này mở đầu quá trình "quý tộc hóa" của dòng họ Trần. Ở Hải ấp Trần Lý lấy con gái họ Tô, một dòng họ nổi tiếng triều Lý. Thời Lý Anh Tông (1138 - 1175) có Thái úy Tô Hiến Thành, đương thời Lý Cao Tông (1176 - 1210) có Tô Trung Từ làm quan trong triều.

Nhà Trần Lý thời ấy, gia nhân thực khách rất đông, trai tráng trong vùng hoặc có ý đồ phụ giúp nhà Trần hoặc do cơ nhỡ khó khăn đều đến nương nhờ. Trần Lý cho cơm ăn, tìm việc cho làm, những người này mùa vụ thì làm ruộng, lúc nông nhàn thì tập võ nghệ, lúc tĩnh làm dân, lúc biến làm binh (sau trở thành kế sách của triều Trần trong suốt quá trình nắm giữ vương triều). Nhờ đó mà trong đời Trần Lý "giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm" ở khắp nơi nhưng vùng Nam Đạo vẫn bình yên.

Một cảnh quay trong phim Trần Thủ Độ.

Một cảnh quay trong phim Trần Thủ Độ.

Từ chỗ bị coi là giặctrở thành người dẹp loạn

Nhân có loạn Quách Bốc, Hoàng Thái tử Sảm chạy về Hải ấp "nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan sắc bèn lấy làm vợ. Thái tử đã lấy con gái của Lý, trao cho Lý tước Minh Tự..." (Đại Việt sử ký toàn thư, tr.334, NXB KHXH, 1998). Về việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên (thời Lê) với tư tưởng "trung quân" đã bình "Thái tử (Sảm) đi lần này vì nước loạn mà tránh nạn, sao lại buông lỏng dâm dục, ở ngoài mà tự tiện... phong tước cho người... Từ một tước nhỏ (hàm cháu vua) nhưng đã mầm mống cho sự suy vong của triều Lý và bắt đầu sự hưng thịnh của triều Trần", Ngô Sĩ Liên kết luận "Họ Lý nhân thế mà vong, họ Trần nhân thế mà vinh".

Sau khi được Hoàng Thái tử phong tước "anh em họ Trần họp hương binh để dẹp loạn, rước vua về kinh, khôi phục chính thống. Trừng trị bọn Quách Bốc làm loạn". Đây là công đầu của họ Trần và từ chỗ bị coi là "giặc", nay được coi là người có công dẹp loạn, khôi phục chính thống. Công đầu ấy thuộc về Trần Lý. Từ đây họ Trần có danh chính ngôn thuận để chính thức bước lên vũ đài chính trị. Sau chiến công đầu, trên đường dẹp loạn Trần Lý bị bọn giặc khác giết chết, con thứ của Trần Lý là Trần Tự Khánh đã đem quân chúng về kinh, được phong Thuận lưu bá, tiếp tục con đường mà Trần Lý chưa hoàn thành.

Cuộc đời chính trị của Trần Lý tuy ngắn ngủi, nhưng ông là người có công đầu đưa họ Trần từ dân chài vào con đường quý tộc, con đường binh nghiệp rồi thay nhà Lý nắm vương triều, vì vậy, ông được suy tôn là Nguyên tổ của nhà Trần.

 

Theo Đông A Hồng/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm