Một nghiên cứu khoa học đã cho thấy mối liên hệ mạnh mẽ giữa những cơn ác mộng và hành vi tự tử. Các nhà khoa học đã phát hiện rarằng ác mộng là một chất xúc tác rất mạnh trong quá trình chuyển biến tâm lý bệnh nhân, từ cảm giác thất bại trở thành ngậm ngùi tuyệt vọng và sau đó là tự kết liễu đời mình.
Ở những bệnh nhân rối loạn thần kinh, nếu họ gặp thêm chứng ác mộng thì tỷ lệ tự tửsẽ tăng lên đến 62%. Trong khi ở những bệnh nhân bình thường không bị ác mộng thì tỷ lệ này là 20%.
Theo các nhà khoa học, cơn ác mộng có thể kích hoạt một loạt các suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực khác nhau, từ đó tăng cường ý định và hành vi tự tử. Bên cạnh đó, một số tác nhân khác cũng làm cho tỷ lệ tự tử tăng cao là chứng mất ngủ và trầm cảm.
Nhiều phân tích lâm sàng kèm theo cho thấy rằng những cơn ác mộng hoạt động như một tác nhân tăng cường stress ở những bệnh nhân bị mắc chứng rối loạn stress hậu chấn thương (PTSD).
“Bản thân chứng bệnh PTSD đã làm tăng tỷ lệ xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực và hành vi tự tử. Nghiên cứu này của chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng chứng minh được những cơn ác mộng là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chứng PTSD.
Điều này sẽ giúp tạo ra bước tiến quan trọng trong các nghiên cứu về tự sát và làm giảm nguy cơ tự sát trong tương lai”, Donna L. Littlewood, tiến sĩ về lĩnh vực y tế và con người tại Đại học Manchester (Anh) cho biết.
Theo Viện nghiên cứu giấc ngủ Mỹ (American Academy of Sleep Medicine), những cơn ác mộng là những giấc mơ sống động, trung thực và gây ra cảm giác sợ hãi. Chúng sẽ khiến cho người mơ cảm thấy bị đe dọa đến sự tồn tại và gợi lên cảm giác bất an.
Sau khi tỉnh dậy, người gặp phải ác mộng sẽ vẫn bị những cảm xúc lo lắng, sợ hãi tiếp tục đeo bám trong một thời gian dài.
Ác mộng thông thường là vô hại. Tuy nhiên, nếu chúng lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian kéo dài và gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày thì nó sẽ trở thành một chứng bệnh tâm thần.
Khi một người bị chấn thương về mặt tâm lý mà còn gặp thêm chứng rối loạn ác mộng kéo dài trong hơn 3 tháng thì tỷ lệ họ mắc thêm chứng PTSD sẽ tăng đến 80%. Và nếu một người bị mắc chứng PTSD mà vẫn còn gặp phải những cơn ác mộng thì những giấc mơ tồi tệ này sẽ đeo đuổi họ dai dẳng đến cuối cuộc đời và rất khó để chữa trị.
Dữ liệu của cuộc nghiên cứu được thực hiện dựa trên 91 bệnh nhân bị chấn thương tâm lý. Trong đó có 51 bệnh nhân đã được xác định là mắc chứng PSTD và 24 bệnh nhân khác cũng đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của chứng bệnh này.
Để thực hiện nghiên cứu, các bác sĩ cho những bệnh nhân tham gia thí nghiệm làm một bài đánh giá về tần số cũng như mức độ tồi tệ của những cơn ác mộng mà họ đã phải trải qua.
Những bệnh nhân tham gia sẽ hoàn thành các câu hỏi có liên quan đến hành vi và ý nghĩ tự tử, cảm giác thất vọng, thất bại, và suy sụp. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phân tích về những yếu tố kèm theo như chứng mất ngủ, trầm cảm và tự kỷ.
Kết quả của cuộc nghiên cứu sẽ được ứng dụng vào lĩnh vực liệu pháp và thuốc chữa bệnh PTSD, từ đó làm giảm tỷ lệ tự tử. Nghiên cứu cũng sẽ giúp các bác sĩ có thể vẽ ra được lộ trình và phương hướng chữa trị đúng đắn cho các bệnh nhân trong tương lai.