Khám phá

Hé lộ bí mật về vị vua Việt có tới 142 người con, xử tử cả bố vợ

Được xem là một ông vua năng động và quyết đoán ông đã đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao. Vốn nghiêm khắc, ông còn xử tử cả bố vợ vì tội tham nhũng.

Vị vua có nhiều con rể lên làm vua nhất trong lịch sử nước ta / Vị vua chí hiếu trong sử Việt, khiến Phật hoàng Trần Nhân Tông 'thấy thẹn'

Vua Minh Mạng (1791-1841) tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, còn có tên khác là Kiểu. Ông là hoàng tử thứ tư của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu (thứ phi Trần Thị Đang). Năm 1793, khi hoàng tử Đảm 3 tuổi, Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long sau này) đã đề nghị vợ cả Tống Thị Lan (Thừa Thiên Cao hoàng hậu) làm mẹ nuôi. Bà Tống Thị Lan bằng lòng với điều kiện chồng phải viết giao ước và ông đã đồng ý. Từ đó, hoàng tử Đảm về ở hẳn với bà, được bà nuôi lớn. Vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820 khi gần 30 tuổi nên rất hiểu chính sự. Dưới thời ông có nhiều cải cách quan trọng, như bỏ dinh trấn, chia cả nước làm 31 tỉnh, khuyến khích dân khai hoang lập ấp. Nhà vua mở thêm thi Hội và thi Đình, trước đó dưới thời vua Gia Long chỉ có thi Hương. Minh Mạng không có thiện cảm với người phương Tây nên thi hành chính sách bế quan tỏa cảng triệt để. Vua Minh Mạng được biết đến là ông vua thông minh, năng động, quyết đoán, nghiêm khắc và luôn muốn tập trung mọi quyền hành trong tay.

Vua Minh Mạng.

Vua Minh Mạng.

Dưới thời Minh Mạng, lãnh thổ đất nước được mở rộng hơn cả. Năm 1838, ông đổi tên quốc hiệu từ Việt Nam thành Đại Nam, nghĩa là quốc gia phương Nam rộng lớn. Quốc hiệu Đại Nam tồn tại đến năm 1945, tổng cộng 107 năm.

Minh Mạng nổi tiếng là vị vua nghiêm khắc, khắc tinh của tham nhũng. Để đối phó nạn sâu mọt hại nước, hại dân, vua thường xử phạt rất nặng quan lại có hành vi tham nhũng, kể cả hoàng thân quốc thích. Theo sách Đại Nam thực lục, năm 1823, Lý Hữu Diệm làm quan tại phủ nội vụ lấy trộm hơn một lạng vàng. Theo luật bị xử tử nhưng vì có công trạng, người này được Bộ Hình xử tội bắt đi đày viễn xứ. Khi án được tâu lên, Minh Mạng không chấp nhận đề nghị giảm án. Ông ra lệnh phải đem can phạm ra trước chợ Đông Ba chém đầu làm gương. Tháng 11/1831, Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên lại ăn bớt nhựa thơm, rồi lấy mật trộn lẫn vào, để ít hóa nhiều. Gian dối bị phát hiện, vua ra lệnh chặt tay treo ở kho để làm gương cho kẻ khác. Năm 1834, mặc dù không có công trình nào lớn xây dựng, vua Minh Mạng thấy gỗ trong Bộ Công hết rất nhanh, liền sai Bộ Hộ và Viện Đô sát tra xét kỹ. Kết quả điều tra cho thấy Quản mộc Hồ Văn Hạ thông đồng với thợ thuyền tham ô, vua lập tức đưa ra xử chém. Không chỉ có vậy, liên đới trách nhiệm, Đốc công Trần Văn Hiệu không quản lý không sát sao cũng bị nhà vua cách chức, bắt làm việc chuộc tội. Cùng năm nay, Tuần phủ Trịnh Đường tham ô một nghìn quan tiền nhưng lại nói dối bị giặc lấy mất. Đến khi vụ việc bị phát hiện, vua Minh Mạng tức giận, tuyên dụ tội giảo quyết (thắt cổ cho chết ngay). Trong các vụ tham nhũng thời Minh Mạng, việc ông chuẩn y bản án tử hình bố vợ là Phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý năm 1821 vì tham nhũng tới hơn 30.000 quan tiền gây chấn động thời bấy giờ. Đồng thời, cho thấy tính nghiêm khắc của vua Minh Mạng.

Vua Minh Mạng nổi tiếng đông con, tổng cộng 142 người, trong đó 78 hoàng tử và 64 công chúa. Cho đến nay, sử sách cũng không chép vua có bao nhiêu vợ. Sách Minh Mạng chính yếu có ghi "Năm Minh Mạng thứ sáu (1826), mùa xuân, tháng Giêng trong kinh kỳ ít mưa, nhà vua lấy hạn làm lo, chỉ dụ cho quan Thượng Bảo Khanh là ông Hoàng Quỳnh rằng Hai ba năm trở lại đây hạn liên tiếp. Trẫm nghĩ từ đâu mà đến thế nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, hoặc là trong thâm cung có cung nữ nhiều nên âm khí uất tắc mà nên? Nay bớt đi cho ra một trăm người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai vậy". Vua không sắc phong hoàng hậu mà cao nhất là hoàng phi, giúp thái hậu chỉnh tề công việc hậu cung.

Đáp án Vua Minh Mạng làm bài thơ Đế hệ thi gồm 20 chữ Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh/ Bảo, Quý, Định, Long, Trường/ Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật/ Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương. Chữ đầu tiên là tên chung cho cả thế hệ, còn chữ thứ hai là tên riêng cho mỗi người tùy vào gia đình đặt. Ông cho đúc bài thơ thành kim sách vào năm 1823. Tất cả chữ trên đều có ý nghĩa tốt đẹp, với mong muốn sẽ truyền ngôi lâu dài cho dòng dõi của mình. Nhưng chỉ đến chữ thứ năm là Vĩnh thì ngai vàng đế vương sụp đổ với sự kiện vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy) thoái vị, trao ấn kiếm cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945.

 

Theo Châu Anh/Tiền phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm